Thứ sáu, 19/04/2024 05:29 (GMT+7)

Nhiệt độ Trái đất có nguy cơ vượt ngưỡng giới hạn 1,5 độ C

MTĐT -  Thứ tư, 07/12/2022 14:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo đánh giá mới của Paris Equity Check công bố ngày 6/12, các chính sách về khí hậu của hầu hết các quốc gia giàu có và nhiều nền kinh tế mới nổi có phát thải cao có thể khiến nhiệt độ toàn cầu vượt quá mức tăng 1,5 độ C

Trái đất có thể nóng lên trong 5 năm tới

Kết quả nghiên cứu của tổ chức khí tượng thế giới (WMO) và văn phòng khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) cho thấy, trong 5 năm tới, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,5 độ C do mức độ phát thải khí nhà kính cao kỷ lục.

Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland vào tháng 11 năm ngoái, hơn 80% quốc gia nhất trí thông qua các mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, có rất ít hành động về chính sách để thực hiện các mục tiêu này kể từ sau hội nghị và việc đạt được các mục tiêu quốc gia hiện đạt rất ít tiến triển trước Hội nghị thượng đỉnh khí hậu tiếp theo tại Ai Cập vào cuối năm nay.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

WMO và Met Office cảnh báo, từ nay đến năm 2026, có 48% khả năng nhiệt độ hằng năm của trái đất sẽ tăng vượt mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nghiên cứu cung cấp thêm bằng chứng cho thấy tốc độ nóng lên của trái đất đang gia tăng đáng báo động so với 7 năm trước khi mà khả năng nhiệt độ tăng vượt mức 1,5 độ C trong 5 năm gần như bằng 0.

Các nhà khoa học tại WMO và Met Office đã phân tích khoảng 120 dự báo khí hậu khác nhau để tính toán khả năng mức tăng nhiệt độ toàn cầu vượt ngưỡng 1,5 độ C và dự báo nhiệt độ toàn cầu có khả năng tăng trong giai đoạn từ 2022-2026.

Các chính sách tại các quốc gia có thể khiến nhiệt độ trái đất tăng lên

Theo đánh giá mới của Paris Equity Check công bố ngày 6/12, các chính sách về khí hậu của hầu hết các quốc gia giàu có và nhiều nền kinh tế mới nổi có phát thải cao có thể khiến nhiệt độ toàn cầu vượt quá mức tăng 1,5 độ C – mức giới hạn an toàn đã được tái khẳng định tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập) vào tháng trước.

Cụ thể, các chính sách về khí hậu mà các quốc gia giàu có như Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện có thể khiến nhiệt độ toàn cầu tăng từ 2,1 độ C đến 3,4 độ C ngay cả khi các nước này mở rộng tham vọng về giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong 18 tháng qua. Cộng với các chính sách về khí hậu của các nền kinh tế mới nổi bao gồm Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, hậu quả còn tồi tệ hơn – ám chỉ mức tăng nhiệt 5 độ C thảm khốc vào cuối thế kỷ này.

Nhiệt độ của trái đất đến nay tăng lên 1,2 độ C đã gây ra một loạt hiện tượng thời tiết cực đoan, từ các đợt nắng nóng và hạn hán đến lũ lụt và các cơn bão nhiệt đới có sức tàn phá lớn hơn do nước biển dâng. Trong khi đó, phần lớn các quốc gia nghèo nhất thế giới đang trong lộ trình duy trì mức tăng nhiệt trái đất trong phạm vi giới hạn 1,5 độ C. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng các quốc gia nghèo hơn sẽ cần được các nước giàu hỗ trợ tài chính để duy trì sự phát triển phát thải thấp sau năm 2030.

Các quốc gia đã đồng ý với mục tiêu hạn chế sự nóng lên của trái đất trung bình ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức tăng nhiệt này được các nhà khoa học cho rằng an toàn hơn để tránh được những tác động nguy hiểm nhất của biến đổi khí hậu.

Hải Đăng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nhiệt độ Trái đất có nguy cơ vượt ngưỡng giới hạn 1,5 độ C. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.