Thứ bảy, 20/04/2024 05:22 (GMT+7)

Nhiều công trình cấp nước bỏ hoang: Dân khát

MTĐT -  Thứ ba, 16/08/2022 10:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt công trình cấp nước tiền tỷ ở Bình Phước bị bỏ hoang sau khi hoàn thành trong khi hàng nghìn người dân ở huyện Bù Đăng (Bình Phước) đang thiếu nước để sinh hoạt.

Xây xong… bỏ hoang

Nhiều công trình cấp nước bỏ hoang: Dân khát ảnh 1
Đường ống dẫn nước lâu ngày không sử dụng đã bị hư hỏng

“Do không có nước sinh hoạt nên gia đình tôi phải khoan giếng sâu gần 100m. Dù nước bị nhiễm phèn nhưng phải sử dụng vì không còn sự lựa chọn. Trước đây, gần nhà có công trình cấp nước cũ của xã. Tuy nhiên, nguồn nước không đảm bảo, mặt khác khi khu vực mất điện, máy bơm ngưng dẫn đến thiếu nước”, ông Huỳnh Nhật Thiền (thôn Sơn Lợi, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng) cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hiếu (ngụ thôn Sơn Tùng, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng) cho biết thêm, khu vực nơi gia đình sinh sống không đào được giếng. Dù gia đình bà Hiếu thuê người đến khoan giếng nhưng đến mùa khô, nguồn nước không đủ sinh hoạt. “Chúng tôi bức xúc vì ở khu vực có công trình nhà máy nước đã xây dựng xong từ năm 2020 nhưng đến nay vẫn không hoạt động. Trong khi công trình cấp nước bỏ hoang thì người dân lại thiếu nước sinh hoạt”, bà Hiếu nói.

Được biết, trên địa bàn huyện Bù Đăng (Bình Phước) có 19 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho người dân. Trong đó, 10 công trình được UBND tỉnh Bình Phước đầu tư và 9 công trình do UBND huyện Bù Đăng làm chủ đầu tư với kinh phí hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và Chương trình 134 của Chính phủ.

Các công trình cấp nước được đầu tư bao phủ nhưng một số điểm chỉ sử dụng từ 1 đến 2 năm đã hư hỏng rồi bỏ hoang. Các công trình cấp nước khác dù vẫn hoạt động nhưng chất lượng nước kém, thường xuyên thiếu hụt nên người dân không mặn mà sử dụng.

Đơn cử, một công trình cấp nước sinh hoạt quy mô lớn với kinh phí hàng tỷ đồng đặt tại trung tâm xã Phú Sơn (huyện Bù Đăng) được xây dựng năm 2009 có công suất 200m3/ngày, đêm cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn người dân. Thế nhưng, khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng lại chỉ đáp ứng với công suất 30m3/ngày, đêm và đến nay không còn hoạt động.

Ông Vũ Xuân Thủy - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết, công trình cấp nước sạch này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư, được bàn giao địa phương quản lý, vận hành. Tuy nhiên, nhà máy nước không còn hoạt động dẫn đến việc thiếu nguồn nước sạch cho người dân địa phương.

“Việc giao hệ thống cung cấp nước sạch cho địa phương quản lý, vận hành khó đảm bảo thông suốt bởi nhân lực chuyên môn vận hành và kinh phí để sửa chữa khi có sự cố xảy ra thì địa phương không có”, ông Thủy nói về khó khăn trong công tác nhận bàn giao công trình.

Nhập nhằng việc bàn giao công trình

Tương tự, tại xã Thọ Sơn (Bù Đăng) vào năm 2016, UBND tỉnh Bình Phước giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư dự án nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt tại trung tâm xã với kinh phí hơn 7,7 tỷ đồng. Thế nhưng, dự án này cũng gây thất vọng cho người dân trong tình trạng bỏ hoang.

Ông Nguyễn Ngọc Huyến - Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn (Bù Đăng) cho biết, trên địa bàn có 2 nhà máy cung cấp nước sinh hoạt nằm cùng một vị trí. Nhà máy nước đã hoàn thành hơn 3 năm nay nhưng chưa được nghiệm thu đưa vào hoạt động, gây bức xúc.

Lý giải về việc các công trình xây xong nhưng không đưa vào hoạt động, đại diện chính quyền huyện Bù Đăng cho biết, trước khi đưa vào sử dụng, các đơn vị liên quan đã lập đoàn khảo sát công trình cấp nước sinh hoạt. Theo đó, quá trình vận hành thử nghiệm có nhiều điểm lỗi kỹ thuật ở bồn chứa, ống nước dẫn dọc đường bị vỡ.

Theo vị này, sau khi kiểm tra, ngành chức năng đề nghị đơn vị thi công khắc phục hậu quả trước khi đưa vào sử dụng. Thế nhưng, đến nay việc khắc phục sự cố của hệ thống cấp nước tại các điểm nói trên vẫn chưa được tiến hành, trong khi công trình ngày càng xuống cấp, người dân “khát nước”.

Được biết, vào giữa năm 2018, UBND xã Thọ Sơn đã kiến nghị bàn giao các công trình cấp nước cho đơn vị khác quản lý và được UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận bằng văn bản để giao cho Cty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước. Dù vậy đến nay, các đơn vị vẫn chưa thể bàn giao công trình để quản lý, phục hồi với lý do chưa xác định giá trị tài sản còn lại.

Bắc Giang: 49 công trình nước sạch nông thôn không hoạt động

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh Bắc Giang có 137 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung hoàn thành đưa vào sử dụng (đầu tư từ năm 1994 đến nay), trong đó có 133 công trình được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, với tổng số tiền hơn 440 tỷ đồng. Hiện có 49 công trình không hoạt động và 11 công trình hoạt động kém hiệu quả. Tỉnh đã giao 113 công trình cho các đơn vị quản lý và khai thác, trong đó có 37 công trình giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý 2 công trình, UBND các xã quản lý 74 công trình.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, các công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động kém hiệu quả, không hoạt động chủ yếu là các công trình thuộc Chương trình 134, 135 và theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân chủ yếu do công tác quản lý, bảo vệ, vận hành chưa tốt.

Nguyễn Thắng

Toàn tỉnh Bình Phước có 150 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Trong đó, khoảng 100 công trình đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 134 của Chính phủ đã hư hỏng, xuống cấp và trong tình trạng không sử dụng được. Ngoài ra, 49 công trình từ nguồn vốn khác hoạt động kém hiệu quả, trong đó có 8 công trình không còn hoạt động.

Bạn đang đọc bài viết Nhiều công trình cấp nước bỏ hoang: Dân khát. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tienphong.vn

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...