Thứ sáu, 19/04/2024 19:34 (GMT+7)

Nhiều địa phương ‘thổi phồng’ dân số để đạt tiêu chí lập quy hoạch

MTĐT -  Thứ hai, 05/12/2022 09:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các chuyên gia, bài toán 'thổi phồng' đô thị chưa được kiểm soát một cách đầy đủ, vì vậy cần có sự rà soát sự phát triển phù hợp với năng lực của từng địa phương, cũng như đổi mới về phương pháp lập quy hoạch và kiểm soát quá trình lập quy hoạch...

Việt Nam đang ở thời kỳ tăng trưởng đô thị hoá từ mức độ thấp (20%) sang mức đột trung bình (40%) dẫn đến việc đô thị phát triển theo chiều rộng là tất yếu. Điều đáng nói là việc nhà nước kiểm soát bằng công cụ quy hoạch đô thị chưa đủ điều kiện để giải quyết các vấn đề nảy sinh. Nhiều trường hợp mở rộng không gian đô thị không phù hợp với nhu cầu thực tiễn, xuất phát từ chính sách nâng cấp đơn vị hành chính đô thị. Ví dụ nâng cấp cả huyện lên thị xã/thành phố/quận hoặc cả xã lên phường...

Mở rộng câu chuyện với phóng viên Người Đô Thị từ Hội thảo Nâng cao chất lượng Quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững vừa diễn ra cách đây ít lâu tại Hà Nội, KTS Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), cho rằng nguyên nhân chính là khái niệm về đô thị cần thay đổi và quy định về đơn vị hành chính đô thị chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn mỗi địa phương.

‘Thổi phồng’ dân số khi lập quy hoạch

Việc phát triển của các đô thị hiện nay mới chỉ theo chiều rộng, thiếu chiều sâu là trăn trở của nhiều chuyên gia. Từ những kinh nghiệm thực tiễn tham gia quá trình làm công tác quy hoạch, PGS-TS Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, chia sẻ về thực trạng “thổi phồng” dân số của các địa phương. Theo PGS-TS Đỗ Tú Lan, nếu làm phép cộng tất cả các dự báo dân số của các đô thị Việt Nam thì dân số sẽ là 150 triệu dân - lớn hơn dân số của cả nước hiện nay (chỉ gần 100 triệu dân).

Lý giải về việc “thổi phồng” dân số nêu trên, theo nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị là có hai lý do. Một là liên quan tới kinh phí lập quy hoạch dựa vào dân số. Hai là lấy chỉ tiêu đất đai - lấy đất xây dựng đô thị làm chỉ tiêu để cấp dự án tạo cơ hội phát triển, mở rộng đô thị.

Nhiều địa phương ‘thổi phồng’ dân số để đạt tiêu chí lập quy hoạch
Việc phát triển các đô thị hiện chỉ mới theo chiều rộng, thiếu chiều sâu là trăn trở của nhiều chuyên gia. Ảnh minh hoạ: Vietnam+

Nói về thực trạng này, từ thực tế tham gia công tác quy hoạch tỉnh TS Lương Tiến Dũng (Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho biết ông đã từng đề nghị đơn vị tỉnh nếu muốn đưa số liệu dân số của tỉnh mong muốn vào quy hoạch cần phải có văn bản bởi theo số dân mà địa phương này yêu cầu cập nhật thì số liệu tăng gấp đôi so với thực trạng (thậm chí con số này cao gấp đôi Hà Nội và TP.HCM– là hai đô thị cấp đặc biệt).

Tuy không tiện nêu tên, nhưng TS Lương Tiến Dũng đánh giá rằng, đây là thực trạng chung của nhiều tỉnh, địa phương. Tỉnh nào khi xin quy hoạch cũng luôn hướng tới viễn cảnh tốt cho tỉnh đó. Thế nhưng, “tỉnh nào cũng thu hút nhân lực từ tỉnh khác thì dân đi đâu trong khi dân số cả nước tăng trung bình chỉ có chừng đó?” – ông đặt câu hỏi.

Cho nên, theo vị chuyên gia này thì cần có định hướng chung từ quy hoạch tổng thể quốc gia và phải được quy định cụ thể. Trong quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ nghiên cứu về mức độ tăng trưởng dân số chung cho toàn bộ cả nước và nghiên cứu tỷ lệ tăng dân số cho từng tỉnh, từng địa phương từ thực tiễn thì có sai số, dân số tăng lên vẫn trong phạm vi cho phép. Từ số liệu dân số này để tính được nhu cầu sử dụng đất. Từ căn cứ này sẽ tính được bài toán quy hoạch phát triển cho địa phương phù hợp giữa mong muốn và thực tế có thể thực hiện được để tránh lãng phí lớn cho quốc gia.

Các chuyên gia cho rằng, bài toán thổi phồng đô thị chưa được kiểm soát một cách đầy đủ, cần có sự rà soát sự phát triển phù hợp với năng lực của từng địa phương, cũng như việc đổi mới về phương pháp lập quy hoạch lẫn kiểm soát quá trình lập quy hoạch. Khi lập quy hoạch thì quy hoạch đó phải đi vào trọng tâm chiến lược và chuyển đổi tới từng dự án khả thi trước mắt và lâu dài thì quy hoạch đó mới có tính thực tế.

“Nếu chỉ vẽ lên thì dù nhìn rất đẹp, rất tổng thể nhưng không bao giờ thực hiện được. Ngoài ra, quy hoạch cần đảm bảo linh hoạt, không thể cứng nhắc, nhất là trong thời đại mới. Chúng ta không thể biết 20 năm hay 30 năm nữa tiến bộ khoa học tới đâu, hay biến đổi khí hậu ra sao... Vì vậy, trong luật cần làm rõ hạng mục nào là cứng, hạng mục nào cho linh hoạt” – PGS-TS Đỗ Tú Lan chia sẻ.

Công tác quy hoạch đô thị cần phải đổi mới toàn diện

Lấy đất nông nghiệp trong quá trình phát triển đô thị là việc đương nhiên, nhưng vấn đề là lấy như thế nào? Đây là câu hỏi mà GS-TS Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, đặt ra tại Hội thảo Nâng cao chất lượng Quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững. Theo ông, đất nông nghiệp liên quan tới sinh kế của bà con nông dân, ảnh hưởng tới môi trường nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật… Vì vậy đất nông nghiệp không quản lý chặt chẽ sẽ đem lại những hậu quả rất lớn đối với chính đô thị đó.

Tính từ năm 2009 đến nay, trung bình một năm có khoảng 73.000ha chuyển từ đất nông nghiệp sang cho đô thị và tính trung bình khoảng 950 người dân sẽ không còn đất để sản xuất. Trung bình cứ 1ha thì có 10-15 người nông dân bị thu hồi phải tìm sinh kế mới để phù hợp với yêu cầu của chuyển giao đô thị. Trong 10 năm qua đô thị mới chuyển dịch đô thị theo chiều rộng nghĩa là chuyển dịch lấy đất đô thị.

Nhiều địa phương ‘thổi phồng’ dân số để đạt tiêu chí lập quy hoạch
Trung bình một năm có khoảng 73.000ha chuyển từ đất nông nghiệp sang cho đô thị và tính trung bình khoảng 950 người dân sẽ không còn đất để sản xuất. Ảnh: Trung Dũng

Cùng với việc chuyển dịch đô thị này còn có sự chuyển dịch về mặt gia tăng dân số đô thị bằng “văn bản”. Đó là, trong 10 năm (2009 - 2019) việc chuyển đổi dân cư nông thôn thành đô thị tăng 41,9 triệu người chủ yếu bằng quyết định hành chính tức là tăng thêm 12,3% dân số đô thị bằng việc đôn khoảng 220 xã thành phường. Trao đổi với Người Đô Thị, TS Lương Tiến Dũng, cho rằng đây là thực trạng diễn ra hết sức bình thường tại các địa phương. Tuy nhiên, nếu tốc độ đô thị hoá cao sẽ tạo nên những điểm nóng phát triển đồng thời có nguy cơ gây lãng phí (lãng phí về đất đai, đầu tư…) mà nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ dẫn tới phát triển thiếu tính bền vững.

Cùng chung quan điểm, KTS Phạm Thị Nhâm, cho rằng, việc chuyển đổi từ nông thôn thành đô thị là xu thế tất yếu, tuy nhiên đô thị hoá tại chỗ hay đô thị hoá nông thôn cần thiết, phù hợp với đặc điểm phân bố dân cư ở các vùng đồng bằng. Theo bà Nhâm, cần khắc phục sớm tình trạng mở rộng ranh giới đô thị bởi quyết định hành chính gây lãng phí nguồn lực đầu tư, cần thay đổi nhận thức về khái niệm đô thị và kiện toàn pháp luật quy hoạch và quản lý đô thị.

Một nội dung nữa mà các chuyên gia gặp phải khi làm công tác quy hoạch đó là khi lập quy hoạch bắt buộc phải cập nhật dự án. Nhưng có nhiều dự án chưa được đầu tư thực hiện, vẫn chỉ là “hứa hẹn” nếu cập nhật vào quy hoạch sẽ đẩy dân số và quy mô đất đai tăng lên. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có Công văn số 4898/BTNMT – TCQLĐĐ gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai. Theo đó, công văn chỉ rõ đối với công tác quản lý, sử dụng đất “Tích cực chỉ đạo, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối,... để phân lô, bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật”; “Tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng…”.

Về việc này, TS Lương Tiến Dũng khuyến nghị luật hoá việc xem xét cấp thời hạn đối với các dự án để cho các quy hoạch đi vào cuộc sống, và từ đó góp phần sự phát triển kinh tế xã hội cho từng địa phương, và tránh gây lãng phí không chỉ về đất đai. Bởi rất nhiều các dự án hiện nay đã được phê duyệt năm năm, mười năm nhưng vẫn chưa thực hiện, các dự án vẫn chỉ nằm trên giấy và thực tế vẫn chỉ là những cánh đồng bao la bát ngát. KTS Phạm Thị Nhâm cũng xác nhận, bất cập này đã được cơ quan quản lý nắm bắt, Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đang tham mưu soạn thảo Luật Quản lý Đô thị để khắc phục tình trạng nêu trên.

Chia sẻ tại Hội thảo đã nêu trên, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cũng cho rằng một đô thị muốn phát triển phải xuất phát từ yêu cầu của cuộc sống, yêu cầu của phát triển kinh tế sẽ dẫn dắt yêu cầu chuyển vùng nông thôn đó trở thành đô thị. Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng việc quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị cần phải đi trước một bước, tạo nguồn lực chủ yếu để thúc đẩy, phát triển đô thị hiệu quả, phù hợp thực tế từng địa phương. Đặc biệt, khi triển khai tiến hành xây dựng việc quy hoạch đô thị cần phải ưu tiên về nguồn lực, chất lượng nguồn lực, nhất là đối với người đứng đầu cần phải xóa bỏ tư duy về nhiệm kỳ, quy hoạch treo, lợi ích nhóm… "Việc quy hoạch là một bước quan trọng và khi có quy hoạch đúng, chuẩn, chúng ta mới đảm bảo việc phát triển các đô thị theo hướng bền vững của hiện tại và trong tương lai", Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

KTS Phạm Thị Nhâm chia sẻ thêm, rằng nước ta đang sử dụng phương pháp Quy hoạch tổng thể được kế thừa phương pháp quy hoạch đô thị hiện đại (truyền thống) kiểu Xô Viết, thiên hướng hoạch định những điều cần làm, cân đối theo các chỉ tiêu và theo thời gian tức là bố trí sắp xếp trên mặt bằng lãnh thổ, theo hệ thống tầng bậc. Theo chuyên gia này thì phương pháp quy hoạch tổng thể đến nay nảy sinh nhiều bất cập và bị phê phán, như cách tiếp cận từ trên xuống mang tính áp đặt; tính xơ cứng về sản phẩm quy hoạch, không đủ linh hoạt để có thể đáp ứng các thay đổi của thực tiễn(*). Hệ thống quy hoạch dựa trên các quy định làm giảm khả năng tiếp cận tài nguyên đất của khu vực kinh tế tư nhân và tính đơn năng trong phân bố các không gian của đô thị...

Theo Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Nghị quyết số 06-NQ/TW chính là "kim chỉ nam" trong việc xây dựng, phát triển các đô thị của Việt Nam hiện nay. Cũng trong Nghị quyết này, một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm được nêu đã nhấn mạnh đến việc muốn thúc đẩy nhanh, hiệu quả về việc phát triển các đô thị, công tác quy hoạch đô thị luôn quan trọng, cấp thiết. "Công tác quy hoạch đô thị cần phải đổi mới toàn diện (phương pháp, quy trình, nội dung, sản phẩm quy hoạch…) và cần đảm bảo hướng tiếp cận: Đa ngành, bao trùm, tầm nhìn dài hạn, toàn diện có tính chiến lược theo quy luật của thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững", Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Theo KTS Phạm Thị Nhâm, đổi mới công tác lập quy hoạch đã được Bộ Xây dựng chỉ đạo, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia có hai đề tài nghiên cứu khoa học về vấn đề này, với yêu cầu chung là: Lồng ghép đa ngành, đa lĩnh vực đủ hình thành kế hoạch mang tỉnh tổng thể, bao quát các lĩnh vực phát triển và quản lý đô thị; Đáp ứng tính linh hoạt trong quy hoạch và sự biến đổi thường xuyên của nền kinh tế thị trường; Gắn quy hoạch với quản lý và kiểm soát xây dựng đô thị, gắn không gian vật thể đô thị và hoạt động đô thị; Rút ngắn quy trình, thời gian, quy hoạch mang tính mở thúc đẩy đầu tư và phát triển. Bãi bỏ quy tắc chờ quy hoạch cấp trên đủ mới tiến hành quy hoạch cấp dưới; Vai trò quan trọng của tài chính đô thị đảm bảo tính khả thi; Tập trung giải quyết các vấn đề Nhà nước chịu trách nhiệm giải quyết, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà, đảm bảo công bằng, an sinh xã hội; Thúc đẩy sự tham gia cộng đồng trong quy hoạch đô thị.

Bạn đang đọc bài viết Nhiều địa phương ‘thổi phồng’ dân số để đạt tiêu chí lập quy hoạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Lệ Quyên/Người Đô thị

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...