Thứ năm, 25/04/2024 22:44 (GMT+7)

Nhiều dự án xuyên thập kỷ và những 'gam màu tối' trong tiến trình hiện thực hóa quy hoạch Hà Nội

MTĐT -  Thứ tư, 17/11/2021 08:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình thực hiện quy hoạch Thủ đô trong 10 năm qua cũng có nhiều vấn đề còn hạn chế.

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 2: Nhiều dự án xuyên thập kỷ và những gam màu tối trong tiến trình hiện thực hóa quy hoạch Hà Nội - Ảnh 1.

Căn cứ theo lộ trình xây dựng mạng lưới giao thông Hà Nội tại Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô (được phê duyệt năm 2011) và Quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được duyệt năm 2016) thì có rất nhiều dự án chưa được thực hiện.

Trong đó, Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô nêu ra một số dự án thuộc nhóm ưu tiên xây dựng, trong đó có các trục giao thông hướng tâm và vành đai. Tuy nhiên, nhiều dự án thuộc nhóm này chưa được xây dựng như: Trục Hồ Tây – Ba Vì; Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục); Vành 2,5 (đoạn Trung Kính - Trần Duy Hưng, đoạn Hoàng Đạo Thúy - Nguyễn Trãi...); Vành đai 3,5 (đoạn Thượng Cát - quốc lộ 32...); Vành đai 4...

tm-img-alt
tm-img-alt
Nhiều dự án xuyên thập kỷ và những 'gam màu tối' trong tiến trình hiện thực hóa quy hoạch Hà Nội
Các tuyến đường sắt đô thị triển khai thời gian vừa qua đều chậm tiến độ, nhiều tuyến đội vốn lên rất cao. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Nhiều tuyến đường đã được phê duyệt, được bố trí vốn nhưng hơn thập kỷ qua vẫn chưa thể khởi công, hoặc chưa hoàn thành như: Đường nối Đại học Mỏ Địa Chất ra Phạm Văn Đồng kéo dài (từ năm 2006), đường Liễu Giai - Núi Trúc (từ năm 2009), đường Núi Trúc - Sơn Tây (từ năm 2009)...

Đáng chú ý nhất là vấn đề xây dựng đường sắt đô thị. Tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội trong thập kỷ qua đều chậm so với dự kiến và một số tuyến đội vốn rất cao.

Trong đó, tuyến metro số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội khởi công từ năm 2009 đến nay chưa hoàn thiện, phía nhà thầu hiện đang dừng thi công đoạn đi ngầm do vướng giải phóng mặt bằng. Sau hơn 10 năm, tuyến metro này đội vốn hơn 10 nghìn tỷ đồng, từ khoảng 20.600 tỷ đồng ban đầu (783 triệu euro) lên gần 33.000 tỷ đồng.

Tuyến metro số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt từ năm 2009 với tổng mức đầu tư 19,5 nghìn tỷ đồng. Hà Nội đã rót vào dự án này gần 417 tỷ đồng nhưng tới nay gần như chưa khởi động. Hiện dự án đang làm thủ tục điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 35.000 tỷ đồng, tức đội vốn hơn 15.000 tỷ.

Điểm sáng trong việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị là việc đưa vào khai thác tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông hôm 6/11 vừa qua. Tuy nhiên, suốt 10 năm qua, đây là dự án nhận nhiều chỉ trích nhất từ người dân. Dự án này được phê duyệt từ năm 2009, khởi công từ năm 2011, đã qua rất nhiều lần hứa hẹn về đích. Đến thời điểm khai thác, dự án cũng đội vốn hơn 9.000 tỷ, từ khoảng 8,8 nghìn tỷ lên hơn 18.000 tỷ. Trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt đô thị này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, thậm chí gây chết người.

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 2: Nhiều dự án xuyên thập kỷ và những gam màu tối trong tiến trình hiện thực hóa quy hoạch Hà Nội - Ảnh 3.

Việc nhiều dự án chậm tiến độ là một trong những lý do khiến các chỉ số về giao thông thấp, tăng chậm tại Hà Nội. Theo UBND TP Hà Nội, năm 2020, diện tích đất dành cho giao thông/đất đô thị đạt 10,07% (năm 2015 là 8,65%); tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 14,85% (năm 2015 là 14,4%). Trước đó, năm 2016, Hà Nội từng đặt mục tiêu đạt tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đến năm 2020 lên tới 30-35%.

Trong khi hạ tầng giao thông còn hạn chế thì những năm gần đây dân số Hà Nội đông và có sự gia tăng cơ học nhanh. Đây là nguyên nhân lớn khiến tình trạng ùn tắc giao thông, chủ yếu ở nội đô vẫn tương đối phức tạp.

Nhiều dự án xuyên thập kỷ và những 'gam màu tối' trong tiến trình hiện thực hóa quy hoạch Hà Nội
tm-img-alt
tm-img-alt
Cảnh tắc đường tại hầm chui đầu Đại lộ Thăng Long. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều đồ án quy hoạch phân khu trong vùng nội đô đều có dự báo rằng, khoảng thời gian đến năm 2020 dân số nội đô có sự gia tăng mạnh do chưa có nhiều các khu đô thị mới phía đông Vành đai 4 và phía bắc sông Hồng. Giai đoạn từ nay đến 2030, các khu đô thị này dần dần hình thành và hút cư dân nội đô tới đây sinh sống, từ đó góp phần hạn chế ùn tắc giao thông.

Thời gian qua, Hà Nội cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế tắc đường. Trong đó, thành phố đẩy mạnh vận tải hành khách công cộng với việc thí điểm xe buýt nhanh BRT. Tuy nhiên, việc thí điểm này vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, thậm chí, trong quá trình triển khai còn xảy ra sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.

Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng đề án lập 87 trạm để thu phí ô tô vào nội đô. Đề án này dự kiến thực hiện trước năm 2024 nhằm giảm phương tiện cá nhân, từ đó giảm ùn tắc giao thông trong vùng nội đô. Đề án này đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều.

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 2: Nhiều dự án xuyên thập kỷ và những gam màu tối trong tiến trình hiện thực hóa quy hoạch Hà Nội - Ảnh 5.

Năm 2008, khoảng thời gian chính thức sáp nhập tỉnh Hà Tây cũ vào Hà Nội, thành phố đã xảy ra một trận ngập lụt lịch sử, nước mênh mang khắp nơi. Hàng chục người đã thiệt mạng trong đợt mưa ngập này.

Thời điểm đó, nhiều đoạn đường Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long) - một trong những tuyến đường huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với Hà Tây cũ cũng chìm trong biển nước.

10 năm qua, Hà Nội không xảy ra trận ngập nào nghiêm trọng như năm 2008, tuy nhiên, ngập cục bộ vẫn xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi.

Đại lộ Thăng Long là một trong những địa điểm ngập úng điển hình của Hà Nội. Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi trục đường này được xây dựng có làn cao tốc vào năm 2010 thì tình trạng ngập lụt ở đường gom hai bên và các hầm chui diễn ra nghiêm trọng. Cứ mỗi đợt mưa lớn, nhiều đoạn đường gom lại chìm trong nước, nhiều hầm chui nước ngập rất sâu, chảy xiết và lâu rút.

Nhiều dự án xuyên thập kỷ và những 'gam màu tối' trong tiến trình hiện thực hóa quy hoạch Hà Nội
tm-img-alt
tm-img-alt
Tình trạng úng ngập cục bộ tại khu vực nội thành và một số khu vực đô thị hóa nhanh vẫn diễn ra và thường xuyên hơn. (Ảnh tư liệu: Tuấn Nam, Phúc Văn, Chí Hiếu).

Sau năm 2016, tình hình ngập trên trục đường này có dấu hiệu giảm đi, thời gian nước rút nhanh hơn nhờ lực lượng thoát nước của Hà Nội sử dụng máy bơm lưu động để bơm tiêu nước tại một số địa điểm. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời và tình trạng ngập trên đại lộ hiện đại nhất phía tây thành phố vẫn gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Không chỉ ngoại thành, những năm qua, tình trạng ngập cục bộ cũng xảy ra ở nhiều nơi trong nội thành. Ngay tại các địa điểm trung tâm như phố Hàng Bài (khu vực Tràng Tiền Plaza) cũng thường xuyên ngập sâu và trên diện rộng.

Trong một báo báo cáo về tình hình kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020 được ban hành mới đây, UBND TP Hà Nội cũng xác nhận rằng, tình trạng úng ngập cục bộ tại khu vực nội thành và một số khu vực đô thị hóa nhanh vẫn diễn ra và thường xuyên hơn.

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 2: Nhiều dự án xuyên thập kỷ và những gam màu tối trong tiến trình hiện thực hóa quy hoạch Hà Nội - Ảnh 7.

Hiện nay, tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung đã đạt 97,73%, quy hoạch phân khu đạt 83,51%. Tuy nhiên, thực tế thì các quy hoạch phân khu (35 đồ án) được phê duyệt khá chậm.

Từ năm 2015 trở lại đây thì các quy hoạch phân khu mới lần lượt được phê duyệt. Trong đó, tới đầu năm nay thì 6 đồ án quy hoạch phân khu thuộc vùng nội đô lịch sử mới được phê duyệt và công bố.

Tới nay, hai đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống, 40 đồ án quy hoạch phân khu của 4 đô thị vệ tinh vẫn chưa hoàn thiện và được phê duyệt.

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 2: Nhiều dự án xuyên thập kỷ và những gam màu tối quy hoạch Hà Nội - Ảnh 3.
Sau 10 năm, quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống vẫn chưa hoàn thành. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Trong văn bản ban hành tháng 7 vừa qua để "thông báo kết luận thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hà Nội giai đoạn 2003 – 2016", Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc chậm phê duyệt quy hoạch làm ảnh hường đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, phá vỡ quy hoạch, gây quá tài cho mạng lưới giao thông và hạ tầng ở một số khu đô thị.

Thanh tra Chính phủ kiểm tra 38 dự án thì nhận thấy công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng còn nhiều hạn chế, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh cục bộ nhiều lẩn. Có 20/38 dự án vi phạm quy hoạch xây dựng, vi phạm một số nội dung về quản lý đầu tư xây dựng. Trong đó, có 5 dự án chấp thuận quy hoạch tổng mặt bàng tỷ lệ 1/500 không phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đã được duyệt (về số tầng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng hầm, tầng kỹ thuật, nâng chiều cao tầng nhà...).

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận phương án kiến trúc không tuân thủ quy định của pháp luật và Sở Xây dựng cấp phép xây dựng theo phương án kiến trúc cho 10 dự án có thêm các tầng kỹ thuật không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt.

Thực tế một số chù đầu tư dự án không sử dụng vào công năng kỹ thuật mà chủ yếu xây dựng để sử dụng vào mục đích kinh doanh làm văn phòng, dịch vụ thương mại và dịch vụ công cộng cho thuê nhưng chưa được UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng xác định giá thu tiên sử dụng đât, dẫn đến nhiều chủ đầu tư được hưởng lợi vì không phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Đơn vị chức năng của Hà Nội cũng chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc và cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư 11 dự án xây dựng công trình tầng hầm vượt chi giới xây dựng, có dự án trùng với chỉ giới đường đỏ, vi phạm quy định của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị.

Một số dự án trong danh sách 20 công trình vi phạm quy hoạch xây dựng như: Chung cư cao tầng và trung tâm thương mại - văn phòng tại 250 Minh Khai (của Công ty CP May Thăng Long); Khu văn phòng - dịch vụ và nhà ở tại ngỗ 164, đường Khuất Duy Tiến (Liên danh Công ty CP Tập đoàn xây dựng và thiết bị công nghiệp, Công ty CP Kinh doanh vật tư và Xây dựng, Công ty CP Đầu tư Sông Đà - Việt Đức); Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà trẻ và nhà ở để bán tại lô đất 3.7 CC đường Lê Văn Lương (Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội - Hacinco); Khu hỗn hợp cao tầng, văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở tại 219 phổ Trung Kính (Công ty TNHH 19-12 Bắc Hà); Dự án văn phòng làm việc và cho thuê tại 210 Trần Quang Khải và 17 Tôn Đản (Công ty CP Him Lam); Dự án Phát triển nhà Phong Phú - Daewon - Thủ Đức tại 378 Minh Khai (Công ty CP Phát triển nhà Phong Phú - Daewon - Thủ Đức); Khu trường học, văn phòng, dịch vụ, nhà ớ cao tầng và thấp tầng tại 170 đường La Thành (Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn cầu)...

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 2: Nhiều dự án xuyên thập kỷ và những gam màu tối trong tiến trình hiện thực hóa quy hoạch Hà Nội - Ảnh 9.

Các dự án (bao gồm cả hạ tầng và nhà ở) chậm triển khai là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm chậm tiến độ hiện thực hóa quy hoạch của một địa phương.

Tại Hà Nội, từ tháng 4 vừa qua, Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội đã tiến hành tái giám sát đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai mà đơn vị này đã giám sát năm 2018.

Theo HĐND TP Hà Nội, tính đến tháng 5, thành phố còn 350 dự án chậm triển khai từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay cần tiếp tục được tái giám sát.

Ngày 21/10, UBND TP Hà Nội cũng ban hành kế hoạch tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch này nhằm tiếp tục thực hiện các nội dung kết luận và kiến nghị về kết quả giám sát, tái giám sát của HĐND TP đối với các dự án có sử dụng đất chậm triển khai.

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 2: Nhiều dự án xuyên thập kỷ và những gam màu tối quy hoạch Hà Nội - Ảnh 5.
Hà Nội hiện có hàng trăm dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Trong ảnh là khu đất dự án Khu nhà ở Văn La - Văn Khê của SUDICO mà HĐND Hà Nội đề nghị thu hồi. (Ảnh tư liệu: Pháp Luật Net/ Người Đưa Tin).

Theo văn bản này, có 13 dự án có vi phạm nhưng chưa khắc phục dứt điểm theo giám sát của Thường trực HĐND TP từ năm 2012. Trong đó có dự án của nhiều doanh nghiệp có tiếng trên thị trường bất động sản hiện nay như:

Tập đoàn Nam Cường (Bệnh viện quốc tế quy mô 500 giường; Một số hạng mục Khu đô thị Dương Nội); Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest (Khu đô thị mới Văn Phú); Công ty Đầu tư PT SX Hạ Long (Bệnh viện quốc tế Hà Đông); Công ty CP Đầu tư Phát triển Sông Đà SUDICO (Khu nhà ở Văn La - Văn Khê); Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà - Bộ Xây dựng (Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm); Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD (Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp)...

Trong số các dự án nêu trên, Đoàn Giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND TP chỉ đạo rà soát, xem xét thu hồi dự án Khu nhà ở Văn La - Văn Khê của SUDICO. Dự án này đã có quyết định giao đất, cho thuê đất từ năm 2007. Hiện chủ đầu tư mới chỉ san nền, triển khai một số hạng mục giao thông, thoát nước và ép cọc công trình nhà ở thấp tầng. Phía chủ đầu tư đang xin điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Văn bản của UBND TP cũng cập nhật danh sách 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm đất đai cần tiếp tục theo dõi, giám sát.

Nổi lên trong danh sách này có huyện Mê Linh với rất nhiều dự án có quỹ đất lớn như: Khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh (136 ha) và Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 (hơn 53 ha) của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD); Khu đô thi mới An Thịnh (hơn 78 ha) của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng An Thịnh; Khu đô thị mới Sông Hồng Thủ Đô (44,5 ha) của Công ty CP Mặt trời Sông Hồng; Khu chức năng đô thị Rose Valley, tên cũ là Khu biệt thự và nhà nghỉ Nam Sơn rộng 57,8 ha của Công ty CP Vĩnh Sơn (giáp ranh huyện Mê Linh và Đông Anh); Khu đô thị Cienco 5 49,8 ha của Công ty CP Xây dựng công trình 507...

Trong danh sách cách dự án đã được giao đất chậm triển khai cũng có một số dự án của Tập đoàn Nam Cường, đáng chú ý nhất là Dự án khu đô thị Chương Mỹ quy mô lên tới 567,6 ha. Theo HĐND TP, dự án này hiện chưa xong giải phóng xong mặt bằng và không còn phù hợp với quy hoạch chung thị trấn Chúc Sơn.

Trong danh sách 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai còn có: Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Long Giang ở Long Biên; Khu đô thị Nam An Khánh mở rộng khu 3 của HUD ở Hoài Đức; Khu chung cư quốc tế Booyuong Việt Nam của Công ty TNHHMTV Booyuong Việt Nam ở Hà Đông; Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 (giai đoạn 1) Công ty CP Bitexco trên địa bàn quận Hoàng Mai và Thanh Trì; Khu nhà ở Him Lam - Vạn Phúc của chủ đầu tư Công ty CP Thương mại và Đầu tư Toàn Cầu GTC ở Hà Đông...

Ngoài ra, theo HĐND và UBND Hà Nội, có 63 dự án chưa giao đất chậm triển khai. Trong đó có 31 dự án chậm, tạm dùng do đang điều chỉnh quy hoạch, hoặc cần điều chỉnh cơ chế thực hiện. Một số dự án thuộc nhóm này như:

Khu nhà ở các lô C1A và HA thuộc Khu đô thị mới Đại học Vân Canh (Công ty CP Đầu tư An Lạc); Khu đô thị mới Tây Nam An Khánh 1 (Công ty CP Xây dựng - Du lịch Hải Phát); Khu đô thị mới An Thịnh 5 (Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kinh tế Việt Nam); Khu đô thị mới Sơn Đồng Sunshine City (Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Lilama); Khu đô thị mới Tây Nam An Khánh II (Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Phát triển Thương mại 3T và Công ty TNHH Việt Thắng); Khu nhà ở và biệt thự lô đất số 3 khu đồng Chùa Bé (Công ty TNHH Thống Nhất); Khu đô thị mới Sơn Đồng City Land (Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố); Khu đô thị mới Tây Đô, khu đô thị Mai Linh - Đông Đô, khu đô thị Yên Phú (Công ty CP Mai Linh Đông Đô); Khu A thuộc khu đô thị mới Dầu khí Đức Giang (Công ty CP Bất động sản Tài chính Dầu khí VN)...

Bạn đang đọc bài viết Nhiều dự án xuyên thập kỷ và những 'gam màu tối' trong tiến trình hiện thực hóa quy hoạch Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Doanh nghiệp niêm yết

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.