Thứ bảy, 20/04/2024 05:08 (GMT+7)

Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất giảm thời hạn GPLX xuống 5 năm

MTĐT -  Thứ tư, 26/08/2020 15:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự An toàn Giao thông đường bộ của Bộ Công an vừa trình Chính phủ có đề xuất giảm thời hạn của giấy phép lái xe từ 10 năm như hiện nay xuống còn 5 năm.

Bộ Công an vừa đề xuất rút thời hạn bằng lái xe xuống còn 5 năm với mục đích "quản lý sức khỏe của tài xế tốt hơn". Theo đó, bằng lái B1, B2 cấp cho tài xế ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi; ôtô tải, máy kéo trọng tải dưới 3.500 kg sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày cấp, thay vì 10 năm như hiện nay.

Cụ thể, tại khoản 9, điều 46 dự thảo Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ về thời hạn giấy phép lái xe (GPLX) quy định: GPLX các hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.

GPLX hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp. Đây là nội dung mới được bổ sung trong dự thảo, những lần lấy ý kiến trước dự thảo không có nội dung này.

Theo quy định hiện nay, bằng lái B1, B2 cấp cho tài xế ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi, ôtô tải, máy kéo trọng tải dưới 3.500kg có thời hạn 10 năm. Còn theo đề xuất của Bộ Công an, GPLX hạng B sẽ rút thời hạn xuống còn 5 năm.

Bộ Công an vừa đề xuất rút thời hạn bằng lái xe xuống còn 5 năm. 

Các loại giấy phép lái xe hạng C gồm ôtô tải, máy kéo trên 3,5 tấn; hạng D1 gồm ôtô chở người từ 10 chỗ đến 30 chỗ; hạng D ôtô trên 30 chỗ; hạng BE, CE, D1E, DE xe đầu kéo, container giữ nguyên thời hạn 5 năm như hiện nay.

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, nếu để quản lý sức khỏe tài xế mà dựa vào thời hạn sử dụng của hạng GPLX là không hợp lý.

"Thông thường, sức khỏe của con người bị ảnh hưởng bởi độ tuổi. Người càng trẻ thì sức khỏe càng đảm bảo hơn. Trong đó, nhiều người từ độ tuổi trưởng thành, từ 30 - 40 tuổi đã có GPLX hạng B nên nếu rút ngắn thời hạn sử dụng từ 10 năm xuống còn 5 năm là không hợp lý.

Nếu buộc phải rút ngắn thời hạn của bằng lái để quản lý sức khỏe tài xế, thì phải nghiên cứu và chia theo nhóm tuổi vì người trẻ có sức khỏe tốt, ổn định hơn so với người cao tuổi" - ông Quyền bày tỏ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, hiện nay đa phần những tài xế lái xe ôtô sử dụng bằng B. Nên nếu đề xuất của Bộ Công an đi vào thực tế thì sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người.

"Thủ tục cấp lại GPLX tốn nhiều thời gian, công sức, gây phiền hà cho người dân. Khi làm thủ tục đổi GPLX, các tài xế sẽ không được chạy xe.

Đó là chưa kể vì cuộc sống mưu sinh, thường xuyên xa nhà - đặc thù của tài xế đường dài thì không phải ai cũng có đủ thời gian đổi GPLX theo đúng thời hạn. Chính vì thế, đề xuất này có thể gây lãng phí, tốn kém, không cần thiết cho người dân" - ông Quyền bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam), việc thay đổi sẽ phiền hà và tốn kém thời gian, tiền của cho người dân, gây tác động xã hội. Sau 10 năm, chủ sử dụng GPLX phải đến kiểm tra sức khoẻ để đảm bảo. Theo đồng hồ sinh học về sức khoẻ con người, thì 10 năm là hợp lý, vì nếu những người trẻ, sức khỏe ổn định mà rút thời hạn xuống 5 năm sẽ gây lãng phí, tốn kém và không cần thiết.

Cũng theo ông Thanh, việc rút ngắn nhằm mục đích gì, trong 10 năm chỉ phải đổi lại GPLX 1 lần, nay phải đổi hai lần, sẽ gây phiền toái, tốn kém cho người dân. Hiện các giấy tờ tuỳ thân như hộ chiếu, căn cước công dân cũng có thời hạn 10 - 15 năm. Việc rút ngắn thời hạn, yêu cầu thêm khám sức khỏe sẽ phát sinh chi phí hành chính rất lớn, hàng triệu người phải đi làm lại thủ tục, thêm 1 giấy khám sức khỏe sẽ gây lãng phí tốn kém công sức, chi phí, thời gian của người dân.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội lại cho rằng, chủ trương trên của Bộ Công an là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên cũng cần cân nhắc đối với từng loại giấy phép và độ tuổi.

Theo ông Hùng, việc cấp lại bằng 5 năm 1 lần đối với hạng C và hạng E thì được, còn đối với hạng D thì cần phải căn cứ vào từng độ tuổi.

Bởi, những người có GPLX hạng C, E trở lên thường đã cao tuổi. Khi đó, sức khỏe của họ không còn đảm bảo nên cần phải được kiểm tra để có đánh giá chính xác.

“Chúng ta cần phải áp dụng quy định 5 năm 1 lần đối với các loại xe hạng nặng vì nó liên quan tới sức khoẻ của con người”, ông Hùng cho hay.

Bình luận về ý kiến việc cấp đổi bằng lái xe từ 10 năm xuống 5 năm sẽ gây phiền hà và tốn kém cho người dân, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng luật pháp thì phải sửa đổi.

“Chuyện này là hoàn toàn bình thường, chúng ta thấy không hợp lý thì phải làm lại, điều này đảm bảo công bằng, minh bạch và đảm bảo công tác quản lý. Không thể lấy lý do gây phiên hà cho người dân để bao biện được”, ông Hùng nói.

Quy định về thời hạn của giấy phép lái xe theo điều 17 thông tư 12/2017 của Bộ GTVT:

- Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.

- Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp. Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Bạn đang đọc bài viết Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất giảm thời hạn GPLX xuống 5 năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...