Thứ sáu, 26/04/2024 06:01 (GMT+7)

Nhớ người cán bộ Mặt trận lăn lộn với phong trào

TS. Đồng Xuân Thụ -  Thứ tư, 23/06/2021 16:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trải qua nhiều vị trí công tác, ông Hà Văn Núi luôn tâm niệm tất cả mọi việc nếu chỉ có cá nhân thì không thể làm được mà phải dựa vào sức mạnh, trí tuệ của cả tập thể.

Trải qua nhiều vị trí công tác, đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, mặc dù đã nghỉ chế độ, nhưng dù ở cương vị nào, nhưng với ông Hà Văn Núi, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam luộn gương mẫu, tận tình, trách nhiệm, tìm tòi học hỏi, nghiên cứu văn bản, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Nhiều kỳ họp, người ta vẫn thấy ông Núi với những tiếng nói phản biện sổi nổi, thẳng thắn, đầy trách nhiệm. Vẫn là một tinh thần rất Mặt trận – không ngại khó, không ngại khổ càng không ngại va chạm, miễn sao nói được đúng tiếng lòng của dân.

Trưởng thành từ Bí thư đoàn xã, rồi Bí thư Huyện ủy Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, năm 1997 ông được cử làm Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang và đầu năm 2003 về công tác tại Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ngay ngày đầu, ông Hà Văn Núi đã được Ban Thường trực nhận ra tố chất của một người làm phong trào. Đúng với sự tin tưởng ấy, đảm nhận chức Trưởng Ban Phong trào, ông cứ miệng nói tay làm, xông xáo, năng nổ không ngại khó, ngại khổ và càng không ngại đến với dân. Ông bảo, thời gian ấy mình gắn bó với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo” như cơm ăn nước uống hàng ngày. Đau đáu với từng nội dung của cuộc vận động xem đã làm được gì, chưa làm được gì để tự điều chỉnh.

Tâm sự với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam dịp đầu năm 2021, ông chia sẻ : Hầu khắp các tỉnh, thành của Việt Nam tôi đều đặt chân đến. Đi để nắm bắt được đời sống của người dân, xem họ nghĩ gì, cần gì từ đó mình mới tư vấn cho Ban Thường trực MTTQ chọn nội dung vận động phù hợp. Ví như nơi cuộc sống của đồng bào nghèo khó thì chọn công tác xóa đói giảm nghèo, xây nhà đại đoàn kết. Rồi những nơi tệ nạn xã hội phức tạp, buôn bán ma túy, nghiện hút… thì làm về Phòng chống tệ nạn xã hội. Hay có nơi chọn nội dung xây dựng đời sống văn hóa, chống hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan…

Theo ông Núi, những người làm công tác mặt trận là phải gần dân, sát dân nhất đã luôn tận tụy, tâm huyết, sáng tạo trong công việc, là những hạt nhân tích cực kết nối cộng đồng vì sự nghiệp xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. " Với tôi hoàn thành được nhiệm vụ chỉ đơn giản là nhờ bám sát dân, bám cơ sở", ông Núi chia sẻ thêm.

Lăn lộn với công tác Phong trào một thời gian dài, ông Hà Văn Núi tích lũy cho mình rất nhiều kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn nên luôn tâm niệm, người Mặt trận phải là người biết khơi dậy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Mặt trận chính là sợi dây kết nối những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân với Đảng, chính quyền. “Chỉ có va chạm với thực tế, với đời sống của người dân thì mới phát hiện ra những bất cập trong các chủ trương, chính sách sau đó đề xuất, phản biện với các cơ quan Đảng và Nhà nước bổ sung, chỉnh sửa để những chính sách đó ngày càng sát hợp với đời sống của người dân” - ông cho biết.

Cũng theo ông Núi ,khó khăn của đồng bào các dân tộc và miền núi là muôn thủa, bởi điểm xuất phát thấp, trình độ dân trí của người dân chưa cao... Mặt trận tổ quốc thông qua các phong trào, các cuộc vận động để vận động nhân dân đoàn kết, vượt qua khó khăn vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nhưng để làm được việc đó, người Mặt trận phải là người không ngại khó khăn, sẵn sàng đến với những người nghèo, những vùng gian khó để khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp nhau cùng thoát nghèo.

Xác định, đã làm công tác Mặt trận thì việc nào cũng là vì dân, vì khối đại đoàn kết toàn dân tộc thế nên khi ông Hà Văn Núi chuyển công tác từ tỉnh Bắc Giang ra Hà Nội và được phân công giữ chức vụ Trưởng ban Kinh tế - Đối ngoại, rồi Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phụ trách công tác Dân tộc – tôn giáo, ông không coi đó là sự thăng tiến trong quan trường mà chỉ đơn giản là nhận thêm trách nhiệm với Mặt trận, với dân và để tiếp tục góp phần xây dựng đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, tạo điều kiện để các tôn giáo thực hiện hài hòa việc đạo, việc đời.

Ông Núi tâm sự: “Việt Nam là đất nước đa tôn giáo. Chúng ta có tới 41 tổ chức, hệ phái tôn giáo. Mỗi tôn giáo lại có giáo lý, giáo luật, có sinh hoạt riêng. Muốn tập hợp đoàn kết đồng bào các dân tộc và các tôn giáo thì trước hết phải hiểu biết về các dân tộc, các tôn giáo đó; phải lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng dân tộc, từng tôn giáo thì mới có thể vận động họ tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt là các phong trào, các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Ngày vì người nghèo”…

Thời gian phụ trách công tác Tôn giáo ở Mặt trận Trung ương, bận đến đâu thì bận nhưng người ta vẫn thấy ông luôn có mặt ở các hoạt động, các cuộc sinh hoạt tôn giáo. Đặc biệt là các ngày lễ trọng của mỗi tôn giáo, từ Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Hòa Hảo...

“Tôi luôn có cảm nhận sự có mặt của cán bộ Mặt trận có sức lan tỏa rất tốt, làm ấm áp thêm tinh thần đoàn kết, yêu thương. Ở đó, người cán bộ MTTQ phải luôn cố gắng để truyền tải được đầy đủ thông tin, chính sách pháp luật về tôn giáo tới đồng bào các tôn giáo. Đặc biệt phải thể hiện được đúng tình cảm của Đảng, Nhà nước và Mặt trận đối với đồng bào các tôn giáo. Đó chính là cơ sở của việc xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc” – ông Núi chia sẻ.

Trải qua nhiều vị trí công tác, ông Núi luôn tâm niệm tất cả mọi việc nếu chỉ có cá nhân thì không thể làm được mà phải dựa vào sức mạnh, trí tuệ của cả tập thể.

Có một điều mà nhiều người luôn cảm nhận được từ ông đó là tính sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Và mặc dù theo lời ông thì cái tính “thẳng như ruột ngựa” ấy đôi lúc khiến không ít người cùng cộng tác với mình phật lòng. “Thế nhưng sau này hiểu ra, anh em lại càng thân thiết hơn, bởi tất cả đều vì lợi ích tập thể chứ không phải tranh giành, bảo vệ quyền lợi của riêng ai”.

Về nghỉ hưu cũng được gần 10 năm, thế nhưng cái tên Hà Văn Núi vẫn được nhiều người nhắc đến. Ngoài là Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân tộc, ông còn đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Bắc Giang tại Hà Nội trong suốt 10 năm liền.

Được biết, Hội đồng hương tỉnh Bắc Giang tại Hà Nội được thành lập từ năm 1997 trên cơ sở tách ra từ Hội đồng hương tỉnh Hà Bắc. Hội đã có nhiều sáng kiến, hành động thiết thực đóng góp xây dựng quê hương như các hoạt động khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, xã hội – từ thiện, đóng góp xây dựng nông thôn mới... Nhất là từ khi ông Hà Văn Núi được bầu làm Chủ tịch Hội từ năm 2011 đến nay, có rất nhiều hoạt động có ý nghĩa đã được Hội đồng hương tỉnh Bắc Giang và đồng các huyện, thành phố , Hội, Câu lạc bộ thành viên quan tâm. Nhiều nhà tài trợ, những người có tấm lòng, tâm huyết và trách nhiệm với quê hương đã góp vốn đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các công trình thủy lợi... với số tiền trăm tỷ đồng.

Ông Hà Văn Núi trao quà của Quỹ Trái tim vàng Việt Nam ủng hộ người nghèo tỉnh Bắc Giang năm 2015. Ảnh: Anh Tuấn

Đặc biệt, năm 2014, nhằm tri ân công lao và sự đóng góp của người Anh hùng Hoàng Hoa Thám trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cùng với sự kiện Kỷ niệm 130 năm khởi nghĩa Yên Thế, với cương vị là Chủ tịch Hội, ông Hà Văn Núi đã tích cực vận động bà con đồng hương đóng góp gần 5 tỷ đồng để xây dựng Tượng đài Hoàng Hoa Thám bằng chất liệu đồng được đặt trang trọng phía trước đền Thề, Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Hoàng Hoa Thám.

Tượng đài Hoàng Hoa Thám được đúc từ năm 2014 bằng chất liệu đồng đỏ nguyên chất. Tượng cao 5,07m, diện tích bề mặt 31m2, dày bình quân 2 cm; bệ tượng có kích thước 2,1m×2,1m, cao 0,32m, diện tích bề mặt 7m2, độ dày bình quân 2,5cm, khối lượng khoảng 7,5 tấn.

Tượng đồng Hoàng Hoa Thám được xây dựng và khánh thành năm 2014 với sự ủng hộ lớn của Hội đồng hương Bắc Giang tại Hà Nội.

Theo ông Hà Văn Núi, việc xây dựng tượng anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám từ chất liệu bê tông sang chất liệu đồng đỏ cũng là nhằm tôn vinh người anh hùng dân tộc đã có công với nước trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trong suốt gần 30 năm, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập tự cường; phát huy những nét đẹp về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của ông cha ta trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế nói riêng và quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm nói chung; phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tâm linh của nhân dân các dân tộc trong và ngoài huyện Yên Thế...

Ông Hà Văn Núi

Sinh ngày 17 tháng 3 năm 1952;

Quê quán: Thôn Trại Sáu, xã Hồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang;
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Giang, nguyên Bí thư Huyện ủy Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội phát triển Kinh tế miền núi, nguyên Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Bắc Giang tại Hà Nội.

Huy hiệu 45 năm tuổi đảng; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc; Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Lào; Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và nhiều Huy chương, kỷ niệm chương của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Đã từ trần vào hồi 19h20' ngày 20 tháng 6 năm 2021 (tức ngày 11 tháng 5 năm Tân Sửu), hưởng thọ 70 tuổi.

Linh cữu ông Hà Văn Núi được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ viếng: được tổ chức từ 7h15' đến 9h00' giờ, ngày 23 tháng 6 năm 2021 (tức ngày 14 tháng 5 năm Tân Sửu), tại Nhà tang lễ Quốc Gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 9h30' ngày 23 tháng 6 năm 2021; hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Hà Nội. An táng tại nghĩa trang quê nhà ngày 25 tháng 6 năm 2021.

Bạn đang đọc bài viết Nhớ người cán bộ Mặt trận lăn lộn với phong trào. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.