Thứ sáu, 29/03/2024 14:58 (GMT+7)

Nhọc nhằn nghề thu gom rác

MTĐT -  Thứ hai, 21/02/2022 17:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Làm nghề thu gom rác vốn đã vất vả, độc hại nhưng thu gom rác thời điểm sau Tết và dịch bệnh Covid-19 vẫn còn thì sự vất vả và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tăng gấp nhiều lần.

Thế nhưng, vì mưu sinh và lẽ khác là ý thức góp phần làm sạch môi trường, làm đẹp phố phường, từ những người lao công quét rác, công nhân thu gom rác thải đến cả những hộ lý trong các bệnh viện vẫn ngày đêm miệt mài với công việc này.

tm-img-alt
Bà Phan Thị Diễm, công nhân vệ sinh Công ty CP Môi trường Sonadezi cần mẫn quét dọn đường phố mỗi ngày. Ảnh: Tố Tâm

Vui buồn nghề lao công, dọn rác

Đường phố TP.Biên Hòa vào lúc 2 giờ sáng vắng lặng. Thỉnh thoảng lại bắt gặp những công nhân vệ sinh của Công ty CP Môi trường Sonadezi cần mẫn quét rác trên đường. Họ mặc chiếc áo phản quang màu cam nổi bật dưới ánh đèn đường, đôi tay thoăn thoắt dùng chổi quét rác, gom thành từng đống gọn gàng.

Khi chúng tôi lại gần bà Phan Thị Diễm (47 tuổi, công nhân vệ sinh Công ty CP Môi trường Sonadezi), những giọt mồ hôi đang thấm đẫm trên vệt áo của bà dù trời vẫn se se lạnh. Bà Diễm kể, công việc này đã gắn bó với bà suốt hơn 21 năm qua. Sở dĩ bà vẫn bám trụ nghề lao công trong chừng ấy năm không chỉ bởi cuộc sống mưu sinh, mà còn bởi ý nghĩa mang lại cho xã hội rất lớn. “Mỗi đêm, đến đoạn đường Phạm Văn Thuận quét rác theo sự phân công, tôi đều ngao ngán bởi đường sá có nhiều lá cây và rác thải người dân, quán ăn xả ra, nhất là những ngày trước và sau Tết. Nhưng khi quét xong, nhìn lại con đường sạch sẽ lại thấy rất vui. Quét xong, tôi phải trực đến 6 giờ sáng, khi đảm bảo đường sá sạch, không có ai xả rác ra đường nữa thì tôi mới ra về” - bà Diễm bộc bạch.

Tại đoạn đường ở khu chợ đêm gần công viên Biên Hùng (TP.Biên Hòa), ông Huỳnh Minh Tâm (43 tuổi, công nhân vệ sinh Công ty CP Môi trường Sonadezi) miệt mài hốt rác lên xe rồi đẩy đến nơi tập kết thành từng đống gọn gàng chờ xe chở rác đến lấy. Ông Minh Tâm cho biết, gần 20 năm nay, hằng đêm ông đều đi quét dọn trên các tuyến đường tại TP.Biên Hòa. Tuy công việc nửa đêm rất nguy hiểm, nhất là dễ bị xảy ra tai nạn giao thông, nhưng với ông nghề đã gắn bó từ khi còn trẻ nên ông không từ bỏ được. Ông tâm sự, khi nào không còn sức khỏe, công ty không còn thuê nữa thì ông mới nghỉ dọn dẹp vệ sinh đường phố.

Trong khi đó, giữa lúc 11 giờ trưa, thời tiết nắng gắt, nhưng bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (46 tuổi, ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) vẫn đi từng con hẻm nhỏ tại P.Thanh Bình lấy từng bịch rác thải sinh hoạt của người dân để lên chiếc xe kéo chở đến điểm tập kết thu gom rác thải của Công ty CP Môi trường Sonadezi. Bà Ngọc Anh kể, đây là nghề mà gia đình chồng bà làm lâu năm nên bà cũng làm theo. Ban đầu, bà phụ mẹ chồng làm nhưng sau đó quen việc, mẹ già yếu nên bà bắt đầu xin vào làm công nhân vệ sinh môi trường và bám trụ cho đến hôm nay. “Đôi khi nghĩ tủi thân lắm. Một số người họ rất tôn trọng và hiểu được công việc của mình nhưng có người tỏ thái độ coi khinh khiến cho tôi thấy buồn. Người dân ý thức họ sẽ giúp phân loại rác thải hoặc đổ rác đúng nơi quy định, nhưng có những người xả rác bừa bãi, việc thu gom rất khó. Thậm chí, có người thấy chúng tôi đi ngang qua liền đứng trên ban công lầu ném bịch rác xuống, trúng cả vào người tôi” - bà Ngọc Anh buồn kể.

Tương tự, anh Vũ Đình Tuyền (34 tuổi, công nhân vệ sinh) cũng theo nghề của cha mẹ, hiện anh đảm nhiệm thu gom rác thải trên cung đường 30-4 (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa). Mặc dù chính thức làm việc chỉ mới hơn 3 năm nhưng ngay từ lúc còn trẻ, anh Tuyền đã thường xuyên theo chân phụ giúp cha mẹ thu gom rác thải nên mọi việc anh đều rất thông thạo. Lúc trước, anh phải kéo xe ba gác bằng tay, nhưng nay gia đình anh đã sắm được chiếc xe ba gác máy to và tiện lợi hơn rất nhiều.

Đặc biệt, trong những ngày lễ, Tết, dịch bệnh, những người thu gom rác thải đều không có ngày nghỉ. Càng vào những ngày lễ, Tết thì lượng rác thải lại càng nhiều nên họ vất vả hơn và phải tăng giờ làm để xong công việc mới được về nhà. Tuy nhiên, ai nấy đều thấy vui với công việc của mình, bởi không chỉ là kế mưu sinh mà còn có ý nghĩa thiết thực, giúp cho môi trường sạch hơn, thành phố đẹp hơn.

Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao

Việc thu gom rác thải y tế trước nay vốn là công việc vất vả và nguy hiểm nhưng khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công việc của những hộ lý thu gom rác thải y tế trong khu nhiễm bệnh lại càng trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều.

tm-img-alt
Chị Lê Thái Nhật Hiền, hộ lý Khoa Hồi sức tích cực Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thu gom rác thải trong khu điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh: Tố Tâm

Mặc bộ đồ bảo hộ trắng, mang găng tay, khẩu trang bịt kín, đeo kính chống giọt bắn, chị Lê Thái Nhật Hiền (26 tuổi, hộ lý Khoa Hồi sức tích cực Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) vội vàng thu gom rác thải trong phòng bệnh rồi bỏ vào nhiều lớp bọc, cột lại một cách chắc chắn trước khi bỏ vào thùng rác phía ngoài khu điều trị bệnh. Theo chị Hiền, việc thu gom rác thải phải được làm rất cẩn thận để tránh lây nhiễm Covid-19 cho người khác.

Khi tháo lớp bảo hộ ra để ăn bữa cơm trưa, khuôn mặt chị Hiền in hằn từng lớp khẩu trang, mái tóc và cả mảng lưng áo ướt sũng mồ hôi. Chị kể, lúc trước chị làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, khi dịch bệnh bùng phát, chị được điều đến khoa điều trị cho người nhiễm Covid-19. Ban đầu chị rất lo lắng và luôn có tâm lý bất an vì phải làm việc trực tiếp trong môi trường đều là bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, lâu dần thành quen, giờ mọi việc với chị đã rất thành thạo và nhanh gọn, sạch sẽ hơn. “Tôi nghĩ, môi trường càng sạch thì khả năng lây nhiễm thấp, bệnh nhân vì thế cũng nhanh khỏe lại. Hơn nữa, thời gian dọn dẹp vệ sinh trong khu nhiễm bệnh tôi còn hỗ trợ được đội ngũ y, bác sĩ và giúp được nhiều bệnh nhân trong quá trình chữa bệnh không có người thân bên cạnh. Do đó, tôi rất vui và thấy việc mình làm có ích cho nhiều người” - chị Hiền chia sẻ thêm.

Trong khi đó, bà Lê Thị Nguyệt (50 tuổi, hộ lý tại Khoa Hồi sức tích cực Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) do không vướng bận nhiều chuyện gia đình nên đã xung phong tình nguyện đến khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 để tham gia dọn dẹp vệ sinh. Ban đầu, bà Nguyệt cũng lo lắng nhiều, nhưng nhờ tính cẩn thận nên bà Nguyệt vẫn bình an và tiếp tục hoàn thành tốt công việc hằng ngày được giao.

Mỗi ngày, bà Nguyệt đều bắt đầu công việc lau dọn, thu gom rác thải y tế từ 5 giờ sáng. Sau đó, bà sẽ bỏ hết tất cả rác thải vào vài lớp bao ny-lông, cột chặt và đem đến bỏ vào thùng đúng quy định. Rác thải nhiều, lại còn phải mặc thêm đồ bảo hộ, trong khi các phòng bệnh đều không được sử dụng máy lạnh nên việc dọn dẹp vệ sinh và thu gom rác thải của các hộ lý tại khoa rất vất vả, đòi hỏi phải chịu khó. “Làm việc trong môi trường nguy hiểm và có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, nhưng nhờ sự động viên của lãnh đạo bệnh viện và sự cảm thông của bệnh nhân nên mỗi ngày chúng tôi đều rất vui. Lễ, Tết cũng làm, nhưng cứ nghĩ công việc mình làm đã giúp cho bệnh viện có môi trường luôn sạch sẽ là tôi lại cố gắng và nỗ lực hơn” - bà Nguyệt cho hay.

Mỗi ngày, những người lao công, hộ lý dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải gặp muôn vàn vất vả, khó khăn, nguy hiểm nhưng vì cuộc sống mưu sinh, giúp ích cho môi trường nên ai nấy đều cố gắng và tận tâm với công việc. Họ chỉ mong rằng, người dân sẽ luôn ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung, để môi trường được sạch sẽ, dịch bệnh được đẩy lùi.

BS CKII Đinh Cao Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, thời gian qua, mặc dù công tác thu gom rác thải trong bệnh viện, nhất là khu điều trị bệnh nhân Covid-19 rất nguy hiểm nhưng lực lượng hộ lý dọn dẹp vệ sinh đã luôn vì môi trường sống sạch, đẹp, vì sức khỏe của bệnh nhân mà cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo bệnh viện luôn quan tâm, động viên, chia sẻ, nhắc nhở để lực lượng thu gom rác thải nỗ lực làm việc và đảm bảo an toàn trong quá trình dọn dẹp, thu gom rác thải nói chung và rác thải y tế nguy hiểm nói riêng.

PV(T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nhọc nhằn nghề thu gom rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.
Những phụ nữ "xuyên đêm" giữ sạch đẹp phố phường
Vượt lên nhiều khó khăn, các nữ công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn vẫn sớm khuya gắn bó với công việc, âm thầm đóng góp sức mình giữ gìn cảnh quan thành phố Bắc Kạn xanh - sạch - đẹp.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.