Thứ ba, 23/04/2024 16:28 (GMT+7)

Nhọc nhằn những phận đời sống nhờ bãi rác ở Đà Nẵng

Như Ái -  Thứ năm, 10/05/2018 06:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trên đoạn đường Hoàng Văn Thái (P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng), chúng tôi tìm đến nơi tập kết rác Khánh Sơn để tận mắt chứng kiến những mảnh đời mưu sinh nhờ vào…rác.

Miếng cơm nơi bãi rác...

Con đường dẫn vào bãi rác Khánh Sơn đầy khói bụi từ những chiếc xe chở rác, xa xa đã thấy thấp thoáng bóng dáng của những phận người lam lũ đang cuối mặt đào bới để tìm… kế sinh nhai.

Ngày nào cũng có hàng loạt chiếc xe chở rác vào ra nơi đây kéo theo đó là những mùi hôi thối bốc lên nồng nặc trong thời tiết nắng nóng làm con người ta như muốn bức ra. Dù đã đứng rất xa với hàng lớp khẩu trang kín mít nhưng mùi hôi vẫn khiến chúng tôi ngợp thở. Vậy mà, chẳng hiểu sao người ta vẫn cứ lầm lũi, âm thầm lượm nhặt từng chai nhựa, bao nilon,… trong đống rác như chẳng có chuyện gì. Có hay chăng cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. 

Chị Trần Thị Hồng hàng ngày vẫn cặm cụi kiếm "cơm" nhờ bãi rác. Ảnh: Như Ái

Dừng chân trước con đường lên bãi rác, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ ướt đẫm mồ hôi đang ngồi nghỉ trong tiết trời hanh nóng. Chị là Trần Thị Hồng (57 tuổi) sinh sống tại khu tái định cư thôn Đại La (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), chồng chết từ năm 2005, một mình chị vất vả gồng gánh nuôi con ăn học.

Hàng ngày từ 5 giờ sáng chị đã thức dậy để đi đến bãi rác nhiều hôm đến 9,10 giờ đêm mới về đến nhà. Nỗi khắc khổ hiện lên trên khuôn mặt người phụ nữ ấy, chị tâm sự: “Cuộc sống quá khó khăn, không còn con đường nào nên phải chọn cái nghề này. Hơn chục năm sinh sống nuôi con cũng nhờ vào bãi rác này”. 

"Sa mạc" rác nơi những mảnh đời nghèo khó kiếm sống. Ảnh: Như Ái

Nắng mưa bất kể, những con người lam lũ vẫn hằng ngày ra bãi rác kiếm thu nhập, những người già, người có sức khỏe yếu một ngày kiếm được tầm 50.000 – 60.000 đồng, còn người có sức khỏe tốt hơn lượm được nhiều thì cũng tầm 100.000 đồng. Số tiền có ít ỏi, bèo bọt nhưng đó là nồi cơm của những con người nghèo khổ, những cảnh đời éo le không nghề nghiệp, không vốn liếng chỉ cố bám trụ nơi bãi rác – nơi người ta coi là nguồn sống nhưng tiềm ẩn biết bao bệnh tật.

Phận nghèo biết bao giờ hết… khổ?

Đi vào sâu vào nơi căn lều được dựng lên giữa “sa mạc” rác, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những con người cơ cực này đang nghỉ ngơi, ăn uống vội vã để tiếp tục công việc nhưng xung quanh họ là “núi rác” khổng lồ vời đầy đủ các mùi hôi thối bốc lên, ruồi nhặng bu kín mít như “đậu đen”. Cái nóng oi ức của miền Trung cộng thêm không khí ngột ngạt khiến chúng tôi cảm nhận hít thở đã khó vậy mà người ta vẫn ăn, vẫn sống chung với rác hàng chục năm trời. 

Những "thân cò" ngày đêm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nơi bãi rác lớn nhất Đà Nẵng. Ảnh: Như Ái

Những con người “kiếm cơm” bằng nghề bới rác đều có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đa phần họ có mặt ở đây vì cùng chung hai tiếng “mưu sinh”. Trò chuyện với chúng tôi anh Nguyễn Trung Sương (46 tuổi) nhà ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang cho biết nhà anh chỉ có hai mẹ con, hàng ngày anh nhặt ve chai kiếm tiền về nuôi mẹ già 70 tuổi, mẹ anh ở nhà làm nông để trang trải thêm cho cuộc sống.

Người đàn ông đã bước qua tuổi lập gia đình, không còn nghĩ đến hạnh phúc cho bản thân mà giờ đây chỉ muốn lo cho người mẹ già yếu của mình, anh chia sẻ: “Lúc trước tôi có đi làm công nhân nhưng sau đó người ta không ký hợp đồng nữa đành nghỉ việc về đây. Gia đình nghèo khó không thể trông mãi vào việc làm nông nên đành ra bãi rác kiếm sống. Cứ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối đều đặn bắt kể mưa nắng chỉ mong kiếm được chút tiền để hai mẹ con trang trải”. 

Anh Nguyễn Trung Sương nuôi mẹ già cũng từ... rác. Ảnh: Như Ái

Bà Nguyễn Thị Điệp ngồi nghỉ nơi túp lều tứ phía là rác. Ảnh: Như Ái

Cùng chung cảnh đời với nhau, bà Nguyễn Thị Điệp (56 tuổi) trú thôn Đại La, xã Hòa Sơn đã hơn hai chục năm sinh sống nương nhờ vào bãi rác. Hầu như cả ngày bà đều ăn uống nghỉ ngơi “với” rác bởi xung quanh chị chỉ bao phủ đầy rác và rác.

Gia đình khó khăn từ nhỏ, bản thân bà không có việc làm nên đành bới rác kiếm tiền lo cho cuộc sống, vì tuổi cao sức yếu nên hàng ngày bà chỉ kiếm được vài chục nghìn.

“Kiếm được nhiều thì ăn nhiều, kiếm ít thì ăn ít. Bệnh tật tới đâu hay tới nấy nhưng phải làm để kiếm tiền trước đã”, bà Điệp trải lòng. 

Ăn uống, nghỉ ngơi nơi không khí bốc mùi hôi thối từ rác. Ảnh: Như Ái

Vậy đấy, vì mưu sinh, vì kế sinh nhai những "thân cò" lam lũ ấy “thách thức” cả bệnh tật đang rình rập, đe dọa. Ngày qua ngày, họ vẫn miệt mài “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nơi bãi rác, tìm kiếm những thứ đồ người khác vứt đi để đổi lấy miếng cơm.

Rời khỏi bãi rác lớn nhất Đà thành khi trời vừa chạng vạng tối. Xe lăn bánh mà trong đầu tôi mãi bị ám ảnh bởi một câu hỏi: Cứ mãi bám lấy bãi rác như vậy, thì những phận nghèo ấy biết bao giờ mới hết khổ!?

Bạn đang đọc bài viết Nhọc nhằn những phận đời sống nhờ bãi rác ở Đà Nẵng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới