Thứ năm, 25/04/2024 14:45 (GMT+7)

Những ảnh hưởng nghiêm trọng của nhựa đến môi trường và sức khoẻ

Lâm Hà -  Thứ tư, 31/08/2022 13:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sản xuất sản phẩm nhựa đã tăng trưởng nhanh ở Việt Nam trong 20 năm qua. Ô nhiễm nhựa đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của con người theo nhiều cách khác nhau.

Rác thải nhựa có thể bị thải bỏ ra môi trường và xâm nhập vào chuỗi thức ăn do bị tan rã thành các mảnh và hạt nhỏ hơn theo thời gian. Bên cạnh đó, việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe. Tuy nhiên, cho đến nay, các nghiên cứu, kiến thức và đặc biệt sự tham gia của các cơ quan quản lý về vấn đề quản lý rác thải nhựa và tác động tới sức khoẻ tại Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Đứng trước bối cảnh đó, FHI360 đã tiên phong thực hiện nghiên cứu Tổng quan về tác động của nhựa đối với sức khỏe con người ở Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2022. Tại hội thảo "Tác động sức khoẻ của chất thải nhựa - Các khuyến nghị chính sách và can thiệp ở Việt Nam”, do Đối tác hành động về Nhựa và Sức khỏe (PHA) cùng tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ FHI 360 phối hợp tổ chức vào ngày 17/8/2022 tại Hà Nội, các nhà nghiên cứu đã trình bày báo cáo nói trên. Báo cáo đã chỉ ra hiện trạng về rác thải nhựa ở Việt Nam, tác động của nhựa đối với sức khoẻ và những khuyến nghị cụ thể.

Hiện trạng rác thải nhựa ở Việt Nam

Tại Việt Nam, ước tính rác thải nhựa chiếm 8 - 12% trong tổng số rác thải sinh hoạt, khoảng 2,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi năm (~ 7800 tấn/ngày) và tăng đột biến sau đại dịch COVID-19.

Nghiên cứu cho biết sản xuất sản phẩm nhựa đã tăng trưởng nhanh ở Việt Nam trong 20 năm qua. Lượng tiêu thụ nhựa ở Việt Nam tăng từ 3.8 kg/người/ năm (1990) lên 41.3 kg/người/ năm (2018). Các sản phẩm nhựa bao bì chiếm tỉ trọng lớn nhất (36%). Ở các đô thị, tổng lượng túi ni lông được sử dụng là từ 10,48 - 52,4 tấn/ngày.

Xu hướng tăng trong chi tiêu hộ gia đình cho thực phẩm và đồ uống là động lực tăng trưởng chính cho phân khúc bao bì nhựa (2019-2022). Tăng trưởng xây dựng nhà ở và xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng cho phân khúc nhựa xây dựng (2019-2022).

tm-img-alt
Sản xuất sản phẩm nhựa đã tăng trưởng nhanh ở Việt Nam trong 20 năm qua. Nguồn: VPAS

Theo nghiên cứu, trong rác thải nhựa tại Việt Nam, 80% túi nilong là loại dùng 1 lần, chỉ có 17% túi nhựa được tái sử dụng; chỉ khoảng 10% lượng rác thải nhựa được tái chế; xử lý rác thải nhựa và rác thải nhựa y tế bằng cách đốt vẫn rất phổ biến; 94% lượng rác thải ở các vùng ven sông và ven biển Việt Nam là rác thải nhựa, trong đó, phần lớn là nhựa dùng một lần. Chất thải nhựa tăng đột biến do đại dịch COVID-19.

Tác hại của nhựa tới sức khỏe

Nhựa được thải ra môi trường sẽ dần biến thành vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể người, tiếp xúc với bản thân sản phẩm nhựa và các hóa chất liên quan; Các chất ô nhiễm từ quá trình tạo ra, tiêu thụ và xử lý chất thải nhựa.

tm-img-alt
Sản phẩm nhựa đang ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ con người theo nhiều cách khác nhau.

Rủi ro sức khỏe từ việc khai thác và vận chuyển nguyên liệu hoá thạch để sản xuất nhựa: Các khí ô nhiễm: PM, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hydrocacbon thơm đa vòng (PAH), ôzôn mặt đất,…làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và hô hấp, các ảnh hưởng về da, mắt và các cơ quan cảm giác khác, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, hệ thống miễn dịch và thận, hệ thống nội tiết, và thậm chí có thể gây ung thư và đột biến gen.

Nguy cơ sức khỏe trong quá trình tạo ra sản phẩm nhựa: Việc tiếp xúc nghề nghiệp với các hóa chất, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hydrocacbon thơm đa vòng (PAH): 1,3-Butadien, benzen, styren, toluen, etan, propylene và propylene oxide gây nguy cơ mắc các bệnh ung thư, các khuyết tật về sinh sản và dị tật bẩm sinh. Các cộng đồng sống gần nhà máy nhà sản xuất nhựa, các cộng đồng gần các nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa thải ra benzen, tỷ lệ mắc một số bệnh ung thư máu cao hơn, đặc biệt là ung thư hạch bạch huyết.

Nguy cơ sức khỏe trong quá trình sử dụng nhựa: Nhựa có thể rò rỉ các đơn phân (monomer) có hại, hợp chất BPA (bisphenol A) làm phá vỡ chức năng nội tiết, styren và vinyl clorua được phân loại là chất gây ung thư và gây đột biến. Các chất hóa dẻo, chất phụ gia hóa học và sản phẩm phụ của quá trình sản xuất nhựa, một số chất phụ gia, như bis (2-ethylhexyl) phthalate (DEHP) và BPA, có thể gây ra độc tính sinh sản. Nhựa có xu hướng hấp thụ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy kỵ nước (POP) Polychlorinated biphenyls (PCB) và PAHs.

Gần đây đã có nhiều nghiên cứu về sử dụng đồ nhựa của người tiêu dùng ở Việt Nam nhưng rất ít trong số đó xem xét khía cạnh tác động đến sức khỏe.

Nguy cơ sức khỏe từ xử lý chất thải nhựa: Rủi ro sức khỏe cao trong suốt chu trình xử lý chất thải từ thu gom chất thải đến vận chuyển, phân loại, rửa, đun nóng và nấu chảy nhựa. Khí thải độc hại thường xảy ra đối với các cơ sở tái chế nhựa. Có nhiều bằng chứng nghiên cứu về tác động đến sức khỏe của người lao động và người dân tại các làng nghề tái chế nhựa ở Việt Nam.

Nguy cơ từ đốt chất thải nhựa: Khói và bụi thải ra từ đốt chất thải nhựa gây ra các vấn đề về sức khỏe đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ em, người già, người mắc bệnh hen suyễn và những người bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính. Các hợp chất hữu cơ như dioxin, furan, một số POP là chất gây ung thư. Hoạt động đốt chất thải nhựa cũng làm rõ rỉ kim loại nặng ra môi trường.

Nguy cơ sức khỏe từ vi nhựa: Các hạt nhựa bao gồm các hạt nhựa siêu nhỏ và nano có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường tiêu hóa, hít thở và hấp thụ qua da, Stress, gây độc tế bào, thay đổi sự trao đổi chất và cân bằng năng lượng, phá vỡ chức năng miễn dịch, gây ung thư, vật trung gian truyền hóa chất và vi sinh vật độc hại.

Ở Việt Nam trong những năm gần đây đã có một số nghiên cứu ban đầu về vi nhựa trong môi trường, chỉ có một số ít đề cập đến các tác động tiềm ẩn của vi nhựa đối với sức khỏe.

Những ảnh hưởng nghiêm trọng của nhựa đến môi trường và sức khoẻ - Ảnh 3
Nguy cơ sức khỏe từ vi nhựa

Các khuyến nghị

Trước hiện trạng rác thải nhựa tại Việt Nam và tác động của nhựa tới sức khoẻ của con người, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những khuyến nghị về nghiên cứu, chính sách, dữ liệu và việc thực thi các chính sách trong việc giảm thiểu các tác động tiêu cực của nhựa tới đời sống.

Về nghiên cứu: Nghiên cứu về công nghệ, kỹ thuật và phương pháp để nâng cao hiệu quả khai thác, sản xuất, tiêu dùng, tái chế, tiêu hủy và thải bỏ nhựa và giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe của nhựa. Nghiên cứu đánh giá hiện trạng tác động môi trường và sức khoẻ liên quan đến các giai đoạn khác nhau trong vòng đời của nhựa. Các nghiên cứu dịch tễ học và độc học liên quan đến nhựa và phơi nhiễm trong một quần thể cụ thể.

Về chính sách: Hỗ trợ các nghiên cứu về nhựa và tác hại của nhựa tới sức khoẻ. Phát huy hiệu quả của chính sách: Chính sách nâng cao hiệu quả quản lý nhựa theo vòng đời của nhựa, giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe của nhựa từ quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng, tái chế, tiêu hủy và thải bỏ nhựa.

Về dữ liệu: Tìm cách thống nhất số liệu và định kỳ công bố số liệu chính thức vào hệ thống dữ liệu thống kê của Việt Nam. Hoặc tiến hành kiểm kê tổng thể chất thải nhựa về số lượng và phần trăm các thành phần nhựa trong rác và các môi trường cụ thể.

Về thực thi: Nhà nước có thể tạo cơ chế chính sách hoặc làm cầu nối để tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu trong việc thực hiện giảm lượng khí thải nhựa và tác hại của nhựa đối với sức khỏe.

Nâng cao hiểu biết về nhựa và tác hại của nó trong sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ nhựa thông qua truyền thông cho cộng đồng, và đưa chúng vào chương trình đào tạo tại các trường học.

Thực hiện đúng chủ trương: hạn chế sử dụng, tiêu dùng thông minh, bảo vệ môi trường thông qua việc hỗ trợ người tiêu dùng và phát động thi đua trong các hoạt động của tổ dân phố, đoàn thanh niên, hội phụ nữ.

Bạn đang đọc bài viết Những ảnh hưởng nghiêm trọng của nhựa đến môi trường và sức khoẻ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.
Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số
Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, ...

Tin mới

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.