Thứ sáu, 29/03/2024 06:58 (GMT+7)

Những công nhân móc cống giữa trời đông

MTĐT -  Thứ bảy, 26/02/2022 11:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dưới cái lạnh 10 độ C, đâu đó ở các góc phố của Hà Nội, những công nhân móc cống vẫn oằn mình trong những ống cống dưới lòng đất ngập ngụa rác thải, phân người, mỡ động vật…

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 2.

Khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, thêm đèn pin mini, đội công nhân móc cống bắt đầu ngày làm việc của mình. Hôm nay, họ có nhiệm vụ nạo vét lòng cống tại khu vực Trung Tiền (Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội).

"Địa bàn hôm nay còn rất rộng, thoải mái. Bình thường, chúng tôi phải vào địa bàn có nhiều ngõ ngách, rất nhỏ, chỉ cần đẩy một chiếc xe gom là kịch đường. Nhiều chỗ, hệ thống cống chưa ổn định nên công tác nạo vét, duy trì rất khó khăn", đã làm công việc này được 33 năm và thuộc làu từng ống cống nơi mình quản lý, anh Phạm Doanh Khoa - tổ trường tổ duy trì 5, xí nghiệp thoát nước số 4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - chia sẻ.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 3.

Địa bàn quản lý của xí nghiệp thoát nước số 4 là quận Đống Đa và một phần quận Ba Đình, quận Thanh Xuân với đặc thù quản lý cống ngầm, dọn dẹp cống ở khu dân cư cũ, đông người sinh sống.

Lỗ cống chỉ vừa cho một người chui xuống, các công nhân phải thật cẩn thận, dò từng bước để tránh trượt chân. Dưới cống hôm nay ít rác hơn mọi khi, chủ yếu là bèo tây, túi ni lông, bùn thải, vì thế công việc cũng nhẹ nhàng hơn.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 4.

Lõm bõm trong dòng nước đen ngòm ước chừng tới ngang ngực, anh Khoa kể: "Ngày xưa, công việc vất vả hơn nhiều. Làm thủ công hoàn toàn, không có quần áo bảo hộ. Mặc quần đùi, đi chân đất, cởi trần, tay cầm xô múc.

Lúc đó, chỉ sợ chạm phải kim tiêm, mảnh sành, đinh tán, cốp pha, xà gồ… Dưới đấy, nó tránh mình chứ mình không tránh được nó. Nặng thì xước xát tay chân, nặng thì uốn ván, nhiễm trùng.

Khi đi làm, không có đèn đội đầu, mặc dù mở thông hai đầu cống nhưng trong lòng cống tối thui. Mới đầu xuống cống, anh em chỉ mò mẫm để tìm nhau thôi chứ chưa tìm thấy gì cả. Phải nửa tiếng sau, mắt mình bắt đầu quen với môi trường xung quanh, khi ấy mới có thể nhìn rõ hơn".

Vừa làm, anh Lưu Ngọc Tưởng (31 tuổi, thành viên trẻ nhất tổ) vừa hài hước kể: "Nước cống ở đây bọn mình "uống" thường xuyên. Những lần chẳng may vấp ngã thì được "ăn sáng" luôn bằng nước cống".

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 5.
Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 6.

Gắn bó với nghề được gần 10 năm, anh Lưu Ngọc Tưởng nhớ lại những ngày đầu tiên đi làm: "Chỉ cần mở nắp hố ga lên, đã cảm thấy sợ rồi. Có hôm ăn sáng xong là nôn hết. Mùi nồng nặc, xộc thẳng vào mũi, nhiều hôm sợ đến mất ngủ ấy chứ. Biết là vất vả, cực nhọc, độc hại, nhưng đã theo rồi thì gắng làm cho tốt, bằng cái tâm, bằng trách nhiệm của mình".

Dù vất vả nhưng anh Tưởng và các anh công nhân móc cống vẫn vui tươi, yêu nghề, không tự ti vì công việc.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 7.

"Vào công ty được 2 năm thì mình lập gia đình. Kể cả lúc hẹn hò, mình luôn chủ động nói trước, không bao giờ để người yêu phải hỏi. Bà xã của mình luôn hiểu và thông cảm cho công việc của chồng. Không bao giờ vợ chê mình bẩn hay có thái độ gì. Cô ấy bảo "anh cứ về đây, em lo hết!", anh Tưởng bộc bạch.

Dưới cống, nước ngập đến ngang bụng, có chỗ sâu đến tận ngực, chỉ còn chút nữa thôi nước sẽ tràn vào bộ đồ bảo hộ. Làn nước đen sì, bốc mùi hôi thối nồng nặc, cộng thêm đủ loại rác thải mà những người công nhân gọi là "lẩu thập cẩm".

Từ xác động vật thối rữa, phân tươi, kim tiêm, dầu thải xe máy, đinh tán, đến cả cây xà beng... đều có mặt trong lòng cống.

"Trời lạnh như thế này còn đỡ, những ngày nắng nóng 39, 40 độ C thì không thể ngửi nổi. Nếu ai không quen thì có thể ngất", chú Nguyễn Văn Tiến (54 tuổi) - người anh cả của tổ 4 - chia sẻ.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 8.
Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 9.

Ngồi một góc đường, tay run run cầm cốc trà ấm, tất cả thành viên của tổ vẫn mặc nguyên bộ đồ bảo hộ còn dính bùn thải đen kịt, nhớp nháp, các anh chia nhau cốc trà nóng.

Ngồi kế bên bình nước trà, nhẹ nhàng kéo chiếc khẩu trang lem nhem bùn thải, chú Nguyễn Văn Tiến - tâm sự: "Cống ngầm thì chỗ nào cũng khó khăn, chỗ nào cũng vất vả. Tổ chúng mình chuyên làm trong ngõ xóm ở khu dân cư. Nếu làm ở đường lớn, phố rộng thì xe cơ giới có thể vào hỗ trợ nhưng ở các khu Khâm Thiên, Trung Tiền… thì không thể.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 10.

Có những nơi ngõ rất nhỏ, chỉ vừa khít bề ngang của xe gom rác. Đặc thù khu dân cư cũ ở thủ đô có hệ thống cống chưa hoàn chỉnh nên công tác nạo vét, duy trì rất khó khăn.

Nếu ở khu dân cư thì đặc trưng là dầu mỡ, phân tươi…, thì sang đến các điểm gần công trường xây dựng lại nhiều bùn đất, mảnh kim loại thừa có thể đâm xuyên thủng ủng".

Theo anh em công nhân móc cống, trước tình hình số lượng nhà hàng bùng nổ hiện nay, công ty lắp đặt máy tách dầu mỡ để làm sao trước khi nước thải ra hệ thống chính thì chất thải đổ ra gần như bằng 0.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 11.

Hàng tháng, xí nghiệp sẽ cử công nhân đến duy tu, bảo dưỡng và tách dầu mỡ để tránh làm ách tắc đến hệ thống cống. Chẳng hạn, mỡ động vật khi tích tụ đủ sẽ đóng lại thành từng bánh mỡ lớn. Điều đó khiến công nhân phải lấy xẻng để xắn mỡ ra.

"Trước năm 90 của thế kỷ trước, các cơ sở sản xuất trong thành phố rất ít nên cống ít hóa chất. Sau năm 90, nhiều nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất thải nhiều mỡ, dầu sinh hoạt, dầu máy móc", anh Phạm Doanh Khoa tâm sự.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 12.
Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 13.

Nhiều người hỏi "vất vả như vậy sao vẫn theo nghề", anh Phạm Doanh Khoa cười nói: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ dành phần ai. Ngày xưa, mình chỉ nghĩ được tuyển vào xí nghiệp, có công ăn việc làm tại cơ quan nhà nước là tuyệt vời, hạnh phúc lắm rồi.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 14.

Nhưng càng làm, mình càng thấy yêu nghề hơn. Nhìn đường phố hết ngập nước, bà con đi lại thuận tiện là tôi vui rồi". Vừa kể, anh Khoa vừa nhanh tay chuyển từng xô bùn đen sì lẫn rác lên cho đồng đội phía trên miệng cống.

Còn chú Nguyễn Văn Tiến tâm sự: "Sắp đến tết, mình và anh em chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống bà con trở lại bình thường. Ai ai cũng có một cái Tết ấm no, vui tươi".

"Chỉ mong ý thức người dân tốt lên để công việc của anh em nhẹ nhàng hơn. Mỗi người góp một chút, vứt rác đúng nơi quy định, không xả rác xuống cống nữa thì người được lợi nhất chính là người dân. Anh em công nhân chúng mình đi làm cũng chỉ phục vụ bà con. Rác thải ít thì nạo vét dễ hơn, thành phố sẽ bớt ngập úng mỗi khi mưa lớn", anh Tưởng nói.

Dù trời lạnh hay nóng, dù ngày nắng hay mưa, những người công nhân móc cống vẫn không quản ngại khó khăn, vất vả trong công việc để hệ thống thoát nước không bị ách tắc ở bất cứ đâu. Niềm vui đối với họ đơn giản chỉ là được giúp thành phố trở nên sạch, đẹp hơn.

Những công nhân móc cống giữa trời đông - Ảnh 15.
Bạn đang đọc bài viết Những công nhân móc cống giữa trời đông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Hà Quân - Nguyễn Hiền/Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.
Những phụ nữ "xuyên đêm" giữ sạch đẹp phố phường
Vượt lên nhiều khó khăn, các nữ công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn vẫn sớm khuya gắn bó với công việc, âm thầm đóng góp sức mình giữ gìn cảnh quan thành phố Bắc Kạn xanh - sạch - đẹp.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.