Thứ tư, 24/04/2024 06:31 (GMT+7)

Những gam “màu xám” trong bức tranh doanh nghiệp ngành thép

MTĐT -  Thứ năm, 28/07/2022 09:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine, tỷ giá biến động, căng thẳng kinh tế - chính trị thế giới đẩy các chi phí vận chuyển, logistics tăng cao… là những áp lực mà các DN ngành thép đang và sẽ phải đối mặt thời gian qua và sắp tới.

Bên cạnh đó, việc thị trường chứng khoán không thuận lợi cũng khiến giá trị của khối DN này “bốc hơi” hàng nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay.

Vốn hóa “bốc hơi” nghìn tỷ

Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều DN kinh doanh mặt hàng thép niêm yết trên cả 3 sàn chứng khoán của Việt Nam như: POM, HSG, SMC, NKG, TIS, SMC, CBI, MEL, TDS… Nếu như vào thời điểm này năm ngoái, nhóm cổ phiếu thép liên tục lập đỉnh, thậm chí vượt đỉnh, được nhà đầu tư hết mực ưu ái với thanh khoản "khủng" mỗi ngày thì hiện nay, các mã thép lại bắt đầu đi từ "cái đáy nọ đến cái đáy kia".

Đáng chú ý trong nhóm này phải kể đến cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen. Hiện nay, thị giá của HSG chỉ còn khoảng 17.800 đồng (giảm tới 52,41% giá trị tính từ đầu năm đến nay) tương đương giá trị vốn hóa khoảng 8.850 tỷ đồng.

Một số DN thép khác lao dốc với giá trị lớn khác đáng kể như Thép Việt Nam (TVN). Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu TVN đã giảm tới 48,3% về mốc 8.400 đồng. Như vậy, DN này đã mất hơn 5.600 tỷ đồng vốn hóa.

Cùng chung số phận, một số DN kinh doanh thép như Nam Kim (NKG) cũng bốc hơi 3.100 tỷ đồng, Pomina giảm hơn 2.100 tỷ đồng. Hay Tisco, Đại Thiên Lộc, SMC, Thép Tiến Lên và Thép Việt Đức (VGS) đều ghi nhận vốn hóa bay hơi hơn nghìn tỷ đồng.

khó để nhận ra nguyên nhân khiến nhóm ngành thép bị "bay màu" trên thị trường chứng khoán. Trước hết, đây là tình trạng chung của thị trường chứng khoán thế giới cũng như tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chứng khoán nước ta liên tục đón nhận những thông tin tiêu cực khiến nhà đầu tư hoang mang, lo lắng tháo chạy khỏi thị trường.

Nguyên nhân thứ hai đến từ chính nội tại kinh doanh của ngành thép. Có thể thấy, các DN thép đồng loạt tăng trưởng lợi nhuận âm là điều không quá khó hiểu khi đỉnh chu kỳ của ngành thép đã nằm tại quý II - III năm ngoái cùng với cơn sốt giá thép trên thế giới. Giá thép có dấu hiệu hạ nhiệt và quay đầu giảm mạnh đã ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận của các DN thép.

Cùng với đó, sau khi tăng mạnh vào lúc xảy ra xung đột Nga - Ukraine, hiện giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại EU đã quay đầu giảm khoảng 35%. Giá HRC tại Trung Quốc và Mỹ cũng giảm khoảng 15 - 20% trong 3 tháng qua do ít hoạt động xây dựng và sản xuất hơn. Tại thị trường Trung Quốc, giá thép thanh vằn tương lai hiện đang dao động quanh mức 3.800 nhân dân tệ/tấn, giảm 35% so với đỉnh và đánh mất toàn bộ đà tăng trong năm trước.

Tại thị trường nội địa, giá thép xây dựng cũng không nằm ngoài xu hướng khi giảm 9 lần liên tiếp trong hơn 2 tháng qua với tổng mức giảm đến hơn 3,3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép. Nguyên nhân dẫn đến đà giảm kéo dài của giá thép đến từ nhu cầu tiêu thụ suy yếu và chi phí nguyên liệu đầu vào hạ thấp.

Những gam “màu xám” trong bức tranh doanh nghiệp ngành thép
Xuất khẩu thép Hòa Phát ra các thị trường nước ngoài.

Mặt khác, áp lực lên tỷ suất lợi nhuận trong ngắn hạn có thể vơi bớt nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm. Giá than cốc đã giảm 36% so với mức đỉnh hồi tháng 3, trong khi giá quặng sắt cũng giảm 13% trong 3 tháng qua do sản lượng thép sản xuất giảm (đặc biệt là từ Trung Quốc). Nguyên liệu đầu vào rẻ hơn có thể giúp giảm chi phí sản xuất trong các quý tiếp theo, tuy nhiên điều này cũng có thể dẫn đến việc các công ty phải trích lập dự phòng hàng tồn kho trong ngắn hạn.

Khó khăn bủa vây, lợi nhuận khó duy trì

Có thể thấy, cùng với sự đi xuống của giá thép, chu kỳ bùng nổ của ngành thép được đánh giá đã khép lại từ quý III năm ngoái. Lợi nhuận các DN thép được dự báo sẽ khó duy trì được tăng trưởng trong năm nay và điều này có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên diễn biến giá cổ phiếu.

Cụ thể, giá tiêu thụ cũng không nằm ngoài xu hướng trên khi thép xây dựng tại Việt Nam đã giảm giá 9 lần liên tiếp trong hơn 2 tháng qua với tổng mức giảm đến hơn 3,3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép.

Tại Đại hội cổ đông Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) - một ông lớn ngành thép, vào tháng 5/2022, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát thông tin, ngành thép đang không thuận lợi.

Nguyên nhân được ông Long chỉ ra là giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine làm giá than luyện tăng 100 - 200 USD/tấn. Giá than cốc lại liên tục tăng nóng trong thời gian qua và hiện vẫn đang neo tại vùng đỉnh lịch sử.

Thêm nữa, căng thẳng địa chính trị giữa Nga - Ukraine cũng tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy chi phí logistics tăng cao. Điều này gây áp lực không nhỏ lên biên lợi nhuận của các DN ngành thép. Một nguyên nhân nữa khiến ông Long thận trọng với triển vọng ngành thép là việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "Zero Covid" khiến cho nhu cầu thép giảm tại thị trường giảm này. Trung Quốc hiện đang là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hòa Phát.

Thực tế, khi bức tranh tài chính quý II của các DN ngành thép dần được công bố, dự báo của đại gia thép Hòa Phát có vẻ đã chính xác.

Thép Thủ Đức, lợi nhuận gộp trong quý II/2022 lỗ 2,4 tỷ đồng và kéo kết quả hoạt động kinh doanh chung của công ty đi xuống. Việc tiêu thụ chậm cũng ảnh hưởng dòng tiền, kèm với việc siết chặt tín dụng, lãi suất tăng cao so với cùng kỳ góp phần làm chi phí tài chính đặc biệt là lãi vay tăng cao.

Còn Công ty CP Gang thép Cao Bằng (CBI - Upcom) kết thúc nửa đầu năm 2022, công ty mới đạt được 37% kế hoạch doanh thu (3.538 tỷ đồng), tuy nhiên so với kế hoạch lợi nhuận (sau thuế) 88,8 tỷ đồng, công ty đã đạt được gần 50% kế hoạch

Mới đây, SSI Research đã đánh giá sản lượng thép xuất khẩu vẫn ổn định trong quý II, nhưng nhiều khả năng sẽ giảm tốc trong các quý tới do nhu cầu chậm lại trước lo ngại giá thép giảm và các biện pháp bảo hộ từ các thị trường xuất khẩu.

Trên cơ sở đó, SSI Research đưa ra dự báo lợi nhuận năm 2022 của HSG có thể giảm 67% so với cùng kỳ, dự kiến ở mức 1.400 tỷ đồng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu giảm. Tương tự với NKG, lợi nhuận năm 2022 cũng được dự báo sẽ giảm 39% so với cùng kỳ xuống 1.350 tỷ đồng.

Mặt khác, SSI Research cũng cho rằng áp lực lên tỷ suất lợi nhuận trong ngắn hạn có thể sẽ vơi dần bởi giá nguyên liệu đầu vào giảm. Giá than cốc đã giảm 36% so với mức đỉnh hồi tháng 3, trong khi giá quặng sắt cũng giảm 13% trong 3 tháng qua do sản lượng thép sản xuất giảm (đặc biệt là từ Trung Quốc). Dù giá nguyên vật liệu giảm có thể dẫn đến việc các công ty phải trích lập dự phòng hàng tồn kho trong ngắn hạn, nguyên liệu đầu vào rẻ hơn có thể giúp giảm chi phí sản xuất trong các quý tiếp theo.

"Ngành thép đang không thuận lợi. Có kết quả kinh doanh quý II/2022, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào." - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long

Theo đánh giá của SSI, công suất sử dụng của nhà máy dự kiến sẽ giảm xuống dưới công suất tối đa vào cuối năm 2022. Vì thế, tỷ suất lợi nhuận của các DN thép sẽ giảm trong quý II và III năm 2022 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy trong giai đoạn 2018 - 2019 do ít áp lực từ việc tăng công suất ngành và tỷ lệ nợ ở mức an toàn hơn.

Bạn đang đọc bài viết Những gam “màu xám” trong bức tranh doanh nghiệp ngành thép. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới