Thứ năm, 25/04/2024 10:41 (GMT+7)

Những người lao công thầm lặng cống hiến cho đời

HIỀN CHUNG -  Thứ sáu, 29/01/2021 20:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vào những ngày cuối năm, từng đợt gió rét ùa về bao trùm lấy không khí của Phố núi Pleiku. Trên đường phố, giữa cái lạnh cắt da cắt thịt, những người lao công vẫn lặng lẽ, cần mẫn với công việc.

“Chị lao công

Như sắt

Như đồng

Chị lao công

Đêm đông

Quét rác…”

(Tố Hữu)

Những câu thơ trong bài Tiếng chổi tre của nhà thơ Tố Hữu đã gợi lên trong tâm trí của chúng ta hình ảnh người lao công tận tụy với công việc giữa tiết trời giá rét. Hình ảnh ấy thật đẹp đẽ và đáng trân trọng biết bao.

Niềm vui, nỗi buồn nghề lao công

Ngày nắng cũng như ngày mưa, dù nóng nực hay giá rét, những công nhân vệ sinh môi trường vẫn đều đặn bắt đầu công việc của mình.

Một ngày theo chân các công nhân vệ sinh môi trường làm việc, tôi mới hiểu được phần nào nỗi vất vả của nghề nghiệp này. Từ khi những gia đình quây quần bên mâm cơm tối ấm nóng cho đến tận lúc ánh đèn cuối cùng trên đường phố vụt tắt thì công việc của các chị mới kết thúc. Những công nhân vệ sinh môi trường thoăn thoắt đẩy cộ thu gom rác cho các hộ dân. Lượng rác sinh hoạt chất đống trên đường đã nhanh chóng được dọn dẹp sạch sẽ nhờ bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn của họ.

Làm việc về ban đêm nên công việc của những người lao công tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Đã có những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra khi người lao công đang say sưa tập trung vào công việc. Đồng nghiệp không may gặp nạn, những công nhân vệ sinh môi trường lại càng thêm buồn tủi cho công việc của mình. Nhưng gác lại mọi âu lo, họ vẫn tiếp tục cống hiến hết mình cho xã hội.

Công nhân vệ sinh môi trường (Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai) chăm chỉ, tận tụy với công việc của mình.

Chị D. (Công nhân VSMT Công ty CP Công trình Đô thị Gia Lai) chia sẻ: “Điều buồn nhất khi gắn bó với nghề này là bị người khác dè bỉu, coi thường. Nhiều lúc thấy người ta chê bai nghề nghiệp của mình tôi cũng cảm thấy tủi thân lắm. Nhưng rồi lại nghĩ miễn công việc có thể nuôi sống gia đình, giúp ích cho xã hội thì mình cứ làm thôi”.

Niềm vui của những người lao công là được gắn bó với đồng nghiệp trong nhóm như một gia đình. Ai không may ốm đau, bệnh tật là các chị em sẵn sàng chung sức hỗ trợ ngay. Còn khi nhà ai có chuyện vui, có hỉ thì niềm hạnh phúc như được nhân lên gấp nhiều lần, mọi người cùng chia sẻ, chúc mừng nhau. Công việc tuy vất vả là vậy, nhưng nếu quan sát, chúng ta vẫn có thể bắt gặp nụ cười hạnh phúc hiện lên trên khuôn mặt họ.

Giữa đêm rét lạnh căm, những lời hỏi han của người dân hay sự động viên lẫn nhau giữa những người đồng nghiệp giúp những lao công có thêm động lực để hoàn thành tốt công việc của mình.

Nhiều đêm giao thừa vắng nhà

Tết đến, Xuân về khi nhà nhà háo hức đón chào năm mới sang cũng là lúc những người lao công bận rộn nhất. Lượng rác sinh hoạt tăng lên chóng mặt, họ phải tăng ca từ sáng sớm đến tận tối khuya. Chỉ kịp tạt qua nhà ăn vội bát cơm rồi lại tất tả trở lại ngay với công việc.

Đêm giao thừa, khi mọi người vui vẻ bên gia đình cùng ngắm pháo hoa thì những bóng dáng thầm lặng ấy vẫn tận tâm hoàn thành chức trách làm sạch đường phố của mình.

Sau màn pháo bông rực rỡ trên bầu trời đêm, khi mọi người quay về với ngôi nhà ấm cúng thì những người lao công lại tất bật tiếp tục công việc. Họ dọn dẹp từng ngóc ngách của đường phố để người dân có một ngày đầu năm mới trọn vẹn. Giữa cái rét lạnh căm của đêm giao thừa, những người anh hùng đời thường ấy lặng lẽ hoàn thành chức trách của mình, đem lại cho mọi người môi trường xanh – sạch – đẹp.

Những tâm sự gửi gắm của người lao công

Nghề nghiệp vất vả, khó nhọc nhưng đối với mỗi người lao công được làm công việc có ích cho xã hội, tự nuôi sống bản thân và gia đình bằng bàn tay lao động chân chính thì đó đã là hạnh phúc trọn vẹn.

Ngày lễ tết cũng như ngày thường, những công nhân vệ sinh môi trường vẫn tất bật với công việc. Có tủi thân khi thiếu vắng bữa cơm gia đình đầy đủ, có nhọc nhằn khi làm việc giữa trời rét buốt lạnh căm, nhưng trên tất cả họ vẫn hăng say lao động, cống hiến sức mình làm đẹp cho đời.

Bóng dáng nhỏ bé cần mẫn với công việc giữa không khí rét buốt của buổi đêm Phố núi.

Chị D. cho biết: Công việc thì có vất vả, khó khăn thật đấy, nhưng cứ chăm chỉ, cần mẫn, làm hoài rồi cũng quen. Chỉ mong sao người dân cảm thông, có cái nhìn thiện cảm hơn để người công nhân vệ sinh có động lực gắn bó lâu dài với nghề. Đi làm nắng nôi, mưa gió vất vả đã đành lại còn bị người dân khinh thường nghề nghiệp thì chúng tôi tủi thân lắm.

“Tôi mong mỗi người dân sẽ có ý thức hơn, vứt rác đúng nơi quy định. Chỉ cần như vậy, công việc của chúng tôi sẽ đỡ được phần nào khó khăn, vất vả”, chị D. chia sẻ.

“Ai cũng chọn cho mình một công việc nhàn hạ thì nghề nghiệp gian khổ biết giành cho ai. Có duyên đến với nghề công nhân vệ sinh môi trường và gắn bó với nó gần 20 năm, đối với tôi bây giờ nó không đơn thuần chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm với xã hội. Dù ngày nắng hay ngày mưa, dù cho có mưa dông hay rét buốt thì chúng tôi vẫn tận tụy với chức trách làm sạch đẹp đường phố của mình”, chị D. bộc bạch.

Trên cuộc đời này, không có nghề nghiệp nào là tầm thường, bất kì công việc nào nếu được thực hiện bằng cả tâm huyết, đóng góp lợi ích cho cộng đồng thì đều đáng quý. Những công nhân vệ sinh môi trường cống hiến hết mình cho sự nghiệp làm sạch, đẹp đường phố chính là những con người giản dị mà phi thường giữa cuộc sống đời thường. Công việc của họ, nghề nghiệp của họ xứng đáng được xã hội trân trọng và tôn vinh.

Bạn đang đọc bài viết Những người lao công thầm lặng cống hiến cho đời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành