Thứ tư, 17/04/2024 01:03 (GMT+7)

Những người trẻ dọn rác, sống xanh: Họ nói tôi quá “ở không”

MTĐT -  Thứ ba, 19/03/2019 16:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với nhiều người trẻ, "sống xanh" không chỉ là cứu đại dương, trồng cây, dọn rác. Họ còn cố gắng thay đổi thói quen, cách sống, hạn chế thải rác ra môi trường.

Năm 2018, Vũ Viết Kiên (26 tuổi) làm việc tại Makati, Philippines. Một ngày, khi đứng trong văn phòng ở tầng 20 của một toà nhà hiện đại, nhìn ra một núi rất xa, cậu tò mò hỏi cô bạn đồng nghiệp người bản xứ: “Kia là ngọn núi gì mà cao thế?”

Người ấy trả lời rằng đó không phải ngọn núi bình thường mà là núi làm từ rác.

Điều ấy làm Kiên hoảng hốt. Gần một năm sống và làm việc ở "đất nước của những hòn đảo", nơi nghe qua tưởng rất "xanh", cậu dần cảm thấy ám ảnh bởi lượng rác mà người dân ở đây thải ra mỗi ngày.

Việt Nam thuộc top 4 quốc gia có lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường biển.

Mỗi ngày, những người xung quanh Kiên liên tục dùng và vứt đi hộp nhựa, hộp xốp, túi nylon, các loại rác không thể tái chế.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, Kiên đã chọn nói không với nhựa sử dụng một lần.

Tương tự Kiên, nhiều người trẻ cũng đang chọn cách "sống xanh", hướng tới việc không tạo ra thêm rác thải nhựa, mà thay vào đó là những loại vật dụng dùng được nhiều lần và không có tác động xấu tới môi trường.

Những việc “tự làm khó” bản thân?

Kiên trở về Việt Nam sau gần 1 năm sống và làm việc tại nước ngoài. Nhà cậu ở quận 9, công ty ở quận 10, nghe có vẻ rất gần nhau nhưng thực chất ở hai đầu thành phố.

Mỗi ngày đi làm, Kiên phải di chuyển hơn 20 km với thời gian khoảng 1 giờ đồng hồ bằng xe máy.

9X chọn xe bus là phương tiện di chuyển chính của mình. Thời gian đi lại tăng lên thành gần 2 tiếng, chuyển 2 tuyến xe bus và đi bộ 1,5km mới có thể đến được chỗ làm. Chiều về cũng vậy.

Không chỉ đi xe bus, mỗi khi ra khỏi nhà, Kiên luôn mang theo một chiếc bình cá nhân. Khi đi đến các quán nước, cậu đều order và đưa bình của mình ra, cẩn thận dặn nhân viên đừng lấy ống hút.

Không ít lần nhân viên phục vụ tỏ ra khó hiểu với hành động này. “Tại sao lại phải dùng bình riêng?”, “Uống trà sữa trân châu không lấy ống hút thì uống như thế nào?”, “Tại sao phải chọn cho mình cách bất tiện như thế?”, họ hỏi.

Lý do đơn giản, mỗi lần như thế Kiên lại tiết kiệm được một ly nhựa, một ống hút nhựa và một nắp nhựa thải ra môi trường.

Hành động của chàng trai trẻ khiến không ít người tò mò. Khi hiểu ra ý nghĩa phía sau của việc “tự hành xác” đó, có người thích thú, làm theo nhưng cũng có người bĩu môi, bảo rằng anh chàng này thích tự làm khó mình.

Viết Kiên tham gia nhặt rác tại bãi biển Vũng Tàu. Ảnh: NVCC.

Kiên không phải người trẻ duy nhất thích việc “tự làm khó mình”.

Theo thống kê của The Economist, mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu.

Một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất hiện nay chính là chai nhựa. Theo thống kê, vào năm 2016, có khoảng 480 tỷ chai nhựa được bán trên tòan cầu, tương đương 1 triệu chai mỗi phút.

Riêng tại Việt Nam, mỗi năm, một người thải ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới). Với con số này, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về khối lượng rác thải nhựa thải ra biển.

Đồ vật lỉnh kỉnh và những chuyện 'tào lao'

Mai Huỳnh Thi Ân (20 tuổi) lúc nào cũng mang theo một bộ đồ dùng lỉnh kỉnh gồm 2 ống hút inox, cây vệ sinh ống hút, một bình nước cá nhân và hộp đựng cơm.

Cô tập thói quen này từ mùa hè năm 2018. Hình ảnh rùa biển mắc ống hút trong mũi và video rút ống hút nhựa khỏi mũi nó khiến cô sinh viên năm 2 ám ảnh.

Bạn bè nhiều lần cười cô, trêu rằng Ân tự làm khó mình.

Nhưng một lần đùa, hai lần rồi ba lần. Những lần sau này, mỗi lần tụ tập đi chơi, mọi người đều chọn những nơi không dùng đồ nhựa. Thậm chí, Ân còn rủ nhóm bạn của mình dùng ống hút inox, bình nước cá nhân mỗi ngày.

Nhiều khi Ân tự ví mình như một bà già mỗi khi đi chợ, Đối với người khác, đi chợ chỉ đơn giản là đến chợ và mua đồ. Nhưng đối với cô gái 20 tuổi thì khác.

“Hành trình” đi chợ bắt đầu từ việc chuẩn bị những hộp đồ ăn, túi vải. Mỗi lần mua gì, Ân lấy hộp của mình ra và đưa cho người bán hàng để đồ ăn vào thay vì để chúng vào túi nylon và lại sắp xếp gọn gàng mọi thứ lại trong túi vải nhỏ của mình.

Những đồ vật lỉnh kỉnh mà Thi Ân mang theo bên mình mỗi ngày.

Những lần đầu khi từ chối túi nylon, người bán hàng thường xuyên tỏ ra ngạc nhiên và nghĩ cô bé này quá kỹ tính. Sau đó, khi đã giải thích về tác hại của đồ nhựa dùng một lần, họ tỏ ra vui vẻ và hài lòng: “Làm vầy tốt nè con. Nhiều người mua hàng nhưng xin nhiều túi nylon quá, về cũng bỏ, hại ghê!”

Lối sống “không dùng nhựa sử dụng một lần” của cô cũng ảnh hưởng tốt tới mẹ mình.

Sau khi thấy con gái dùng nhiều, mẹ của Ân cũng mang theo giỏ xách khi đi chợ, cố gắng hạn chế dùng những đồ làm bằng nhựa sử dụng một lần và cũng nói với hàng xóm về thói quen này.

Chuyên gia David Attenborough cảnh báo trên chương trình phim tài liệu tự nhiên Blue Planet rằng các đại dương đang bị đe dọa chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.

Lượng nhựa dưới biển ước tính khoảng 150 triệu tấn, xấp xỉ 1/5 khối lượng cá. Với tốc độ sản xuất và tiêu dùng nhựa như hiện tại, khối lượng nhựa sẽ vượt cá năm 2050.

Chia sẻ, giảm bớt, tái chế

Cũng lựa chọn "sống xanh", nhưng Tạ Quốc Kỳ Nam không chọn cách mua các sản phẩm như bình nước, túi canvas, ống hút tái sử dụng, bởi theo cậu, nguyên tắc đầu tiên khi muốn giảm lượng rác thảo là "không mua thêm"

Với chàng trai sinh năm 1990, cậu chọn cách chia sẻ những món đồ không dùng với bạn bè, và mỗi khi cần món gì mới, việc đầu tiên Kỳ Nam làm là "xét xem có thật sự cần không".

"3 nguyên tắc cơ bản của mình là reduce (giảm bớt) - reuse (dùng lại) - recycle (tái chế). Mình chắc chắn nhà ai cũng có những chiếc túi canvas lăn lóc, vài chai lọ đựng nước tốt, không nhất thiết dùng ống hút vì ở nhà ít khi dùng. Mình đã quen cuộc sống vừa đủ, và không vui nếu nhà cửa thừa đồ".

9X cho biết rất hài lòng nếu ai đó dùng giúp mình những món đồ tiện lợi. Cậu chỉ mua đồ mới về khi đã chắc về công năng và thói quen sử dụng, không mua vì hình thức hay cao hứng, không nhận đồ khuyến mãi nếu không có nhu cầu.

Chàng biên tâp viên mỹ thuật khẳng định đã giảm dùng nylon nhiều năm nay. Lý do đầu tiên là sạch sẽ vì không đưa thêm nhựa vào cơ thể. Lý do tiếp theo là không thải rác nhựa ra môi trường.

"Mình không nghĩ chuyện đó là to tát và có tác động quá nhiều tới môi trường trừ khi có vài tỷ người cùng làm. Những việc này làm đều để tốt cho mình. Trước khi tự chủ được thì đừng nói chuyện vĩ mô giải cứu thế giới".

Những món đồ "xanh", sử dụng được nhiều lần, thay thế các sản phẩm nhựa ngày càng được các bạn trẻ chọn mua nhiều. Ảnh: NVCC.

Những ngày gần đây, #ChallengeForChange (tạm dịch: Thách thức để thay đổi) là hashtag được chia sẻ và hưởng ứng nhiều nhất trên mạng xã hội.

Được khởi xướng từ tài khoản Facebook Byron Roman ngày 5/3, "Trào lưu dọn rác" có mục đích kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng về việc xả rác thải.

Phong trào không chỉ được giới trẻ tại nhiều nước trên thế giới hưởng ứng mà còn lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng mạng Việt, được nhiều bạn trẻ hiện thực hóa bằng hành động dọn dẹp rác quanh khu vực nơi mình sống.

Hai chàng trai chia sẻ hình ảnh 35 túi rác, thành quả của sau khi dọn dẹp một địa điểm vui chơi ở ngoại thành Hà Nội. Ngoài rác thải không thể tự phân hủy được gom vào các túi nylon, thức ăn thừa của các nhóm phượt, picnic được cũng gom lại để bón cây, riêng lá khô cũng được đem đốt lấy tro.

Tại Đà Lạt, Hồ Tuyền Lâm được trả lại vẻ thơ mộng, sạch đẹp nhờ các tình nguyện viên. Hàng chục bao rác được xếp thành chữ "I love Đà Lạt" khiến du khách cũng như cộng đồng mạng không khỏi cảm kích.

Tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, một chàng trai tự mình dọn dẹp và chia sẻ hình ảnh hàng chục túi rác đã được cột lại sạch sẽ, chuẩn bị mang tới nơi tập kết. Bãi biển Vĩnh Lương, Nha Trang như "lột xác" sau khi được hơn 300 tình nguyện viên, từ học sinh, sinh viên, công chức nhà nước đến khách du lịch chung tay dọn dẹp..

Hay ở Cửa Lò, Nghệ An, 3 bạn trẻ đã dọn sạch sẽ một đoạn bờ biển dài khoảng 30 m cùng lời thông báo sẽ tiếp tục công việc này trong thời gian tới.

Những suy nghĩ như của Kiên, Ân, Nam, cùng những bạn trẻ đang theo đuổi #ChallengeForChange đại diện cho thế hệ những người trẻ vẫn đang từng ngày thay đổi lối sống của mình, gắn mình với trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Các bạn trẻ hưởng ứng trào lưu dọn rác trên khắp Việt Nam.

Ví việc giảm thải chất thải nhựa, bảo vệ môi trường như một bánh đà. Với hiệu ứng “bánh đà”, khi không có lực tác động, bánh đà sẽ đứng yên. Nhưng nếu có lực từ những người trẻ tác động vào, nó sẽ dần xoay.

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết Những người trẻ dọn rác, sống xanh: Họ nói tôi quá “ở không”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.