Thứ bảy, 20/04/2024 20:27 (GMT+7)

Những ‘ông lớn’ cam kết giảm rác thải nhựa: Lời nói gió bay?

MTĐT -  Thứ sáu, 06/03/2020 11:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù hàng loạt các công ty, tập đoàn lớn tại Việt Nam và thế giới đều cam kết sẽ nỗ lực hạn chế chất thải nhựa nhưng đến nay, các chiến dịch được đề ra dường như vẫn giậm chân tại chỗ.

Unilever thất hứa thu gom rác thải nhựa?

Tập đoàn Unilever là một trong những công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới chuyên về các sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình và thực phẩm. Unilever hiện đang hoạt động tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với sức tiêu thụ sản phẩm lớn đồng nghĩa với việc lượng nhựa được sử dụng để làm bao bì đóng gói sản phẩm cũng lớn theo.

Hòa chung nỗ lực hạn chế chất thải nhựa trên toàn cầu, Unilever cam kết từ nay đến 2025 sẽ giảm một nửa lượng nhựa nguyên sinh xuống 100.000 tấn, tăng sử dụng nhựa tái chế, thu hồi, xử lý bao bì...

Sự kiện "Biệt đội tái chế, giải cứu hành tinh xanh" của tập đoàn Unilever. (Ảnh: Internet).

Ngoài ra, hơn 100.000 tấn nhựa sẽ được cắt giảm tuyệt đối khi công ty đầu tư nghiên cứu và phát triển các loại bao bì sử dụng nhiều lần bằng cách tái sử dụng hoặc nạp đầy lại; triển khai giải pháp không dùng nhựa, sử dụng vật liệu thay thế hoặc không dùng bao bì đóng gói, giảm lượng nhựa trong bao bì bằng cách cô đặc sản phẩm.

Mặc dù kế hoạch, chương trình hạn chế rác thải của Tập đoàn Unilever đã được đưa ra nhưng việc triển khai dường như vẫn giậm chân tại chỗ.

Tháng 5/2019, Unilever tổ chức sự kiện đầu tiên mang tên "Biệt đội tái chế, giải cứu hành tinh xanh" tại 4 trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội và TP. HCM với sự tham gia của 3 nhãn hàng Sunlight, Comfort, Love Beauty and Planet. Theo đại diện Unilever, sau sự kiện, các đơn vị sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động vì môi trường với "vòng lặp tái chế". Nghĩa là nhựa đã qua sử dụng tại các hộ gia đình, sau khi được thu gom và tập kết các trung tâm thương mại, siêu thị hay các điểm thu gom phế liệu nhỏ lẻ sẽ được chuyển đến các khu tái chế.

Song, tại các siêu thị lớn như Vinmart, Trung tâm thương mại Time City, Aeon Mall Long Biên hiện nay cũng không hề có chương trình thu gom các bao bì nhựa từ sản phẩm đã qua sử dụng của Unilever.

Các cửa hàng tạp hóa được khảo sát có khoảng 80 – 90% các sản phẩm vệ sinh cá nhân, chất tẩy rửa của Tập đoàn Unilever. Người bán hàng cho biết không có đơn vị nào đến thu gom lại các bao bì nhựa từ sản phẩm đã qua sử dụng của Unilever.

"Đại gia" nước giải khát ngập ngụa trong chai nhựa

Coca-Cola được biết đến là nhãn hiệu nước ngọt có ga nổi tiếng toàn cầu. Nhưng đồng thời đây cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nhựa nặng nề.

Trước đó, Coca-Cola từng cam kết tới năm 2030 sẽ thu gom và tái chế mọi chai nhựa hoặc lon nhôm mà hãng bán ra trên toàn cầu. Ngoài ra, nhà sản xuất nước ngọt lớn nhất thế giới cũng thực hiện nhiều biện pháp khác nhau tại các thị trường toàn cầu nhằm thu gom chai đã qua sử dụng.

Tuy nhiên, hồi tháng 10/2019, các nhà hoạt động môi trường thuộc tổ chức Greenpeace xác định Coca-Cola là nhà sản xuất thải ra lượng nhựa lớn nhất thế giới trong năm thứ 2 liên tiếp. Qua khảo sát, có tới 11.732 chai nhựa mang nhãn mác Coca-Cola được thu gom tại 37 quốc gia, nhiều hơn so với mức nhựa thải ra của Nestle, Pepsi Co, Mondelez International cộng lại.

Chai của Coca-Cola là một loại rác thải nhựa khó tái chế. (Ảnh: Dailymail).

The Intercept đã liên lạc với Coca-Cola để trao đổi về kết quả cuộc kiểm toán. Doanh nghiệp nước ngọt không phủ nhận lỗi lầm và trấn an rằng vẫn đang cố gắng cải thiện tình hình ô nhiễm. Đại diện hãng nước ngọt này cũng chia sẻ rằng họ đang đầu tư vào các thị trường địa phương nhằm tăng cường phục hồi và tái chế rác thải nhựa.

Cũng theo The Intercept, họ cho rằng đã nắm giữ những tài liệu chứa thông tin mật của Coca Cola. Các tài liệu cho rằng từ 2017, Coca Cola đã có những hành động đi ngược với tuyên bố "giảm thiểu rác thải nhựa".

Louise Edge, người đứng đầu chiến dịch giải quyết nhựa ngoài đại dương của Greenpeace UK tiết lộ Coca-Cola cũng từng có kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa. Nhưng theo ông, thực chất Coca-Cola vẫn tiếp tục sản xuất các chai nhựa dùng một lần và chối bỏ trách nhiệm về các thiệt hại mà chúng gây ra với môi trường.

Phúc Long bị tố giả dối trong phân loại rác

Cuối năm 2019, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phúc Long (đơn vị chủ quản chuỗi thương hiệu trà và cà phê cùng tên) từng bị khách hàng tố giả dối trong quy trình phân loại rác thải.

Theo đó, một số người phản ánh trên mạng xã hội rằng, Phúc Long đề nghị khách phân loại rác thải theo các ô khác nhau, nhưng thực chất các ô phân loại lại có chung một chiếc túi đựng ở bên dưới.

"Đây là một trò giả dối đáng xấu hổ", nữ diễn viên Hồng Ánh nhận xét trên mạng xã hội. "Họ lừa dối bằng những trò tinh vi khôn vặt, họ coi thường khách hàng của mình một cách ngu ngốc".

Khu vực phân loại rác thải nhựa tại một cửa hàng của Phúc Long. (Ảnh: FB).

Không ít người tiêu dùng bất bình và kêu gọi tẩy chay thương hiệu Phúc Long sau thông tin về hành vi phân loại rác này của cửa hàng.

Trong công văn trả lời báo chí về vấn đề này, bà Võ Ngọc Bích Tiên - Trưởng phòng Marketing cho biết, cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP.HCM) cùng với chi nhánh Phúc Long tại đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) là hai địa điểm thử nghiệm quy trình phân loại rác thành 10 nhóm nhỏ của doanh nghiệp.

Đây là dự án mới do Phúc Long liên kết với một đơn vị xử lý môi trường thực hiện. Trong đó, bên dưới thùng rác là những ngăn chứa các bao rác nhỏ riêng biệt đựng trong thùng carton.

Quá trình thử nghiệm phân loại rác tại 2 cửa hàng có nhiều bất cập. Bước đầu thử nghiệm, sử dụng túi nilong nhỏ trong từng ngăn thì đã gặp phải những khó khăn về vật liệu chứa đựng cũng như sự bất tiện của khách hàng.

Đại diện doanh nghiệp cho biết sẽ tìm kiếm giải pháp mới hiệu quả hơn.

Được biết, Phúc Long không phải thương hiệu duy nhất hứng chịu làn sóng phản đối từ dư luận khi đưa ra các chiến dịch sống xanh nhưng chỉ để "làm màu". Cách đây không lâu, chương trình "Những cánh tay xanh" của Highlands Coffee cũng bị cộng đồng lên án khi các sản phẩm nhựa vẫn được sử dụng tràn lan tại các cửa hàng.

Tại lễ ra quân toàn quốc phong trào Chống rác thải nhựa (9/6/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi toàn xã hội phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần.

Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ phương châm: "Nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa".

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát chính sách nhằm hạn chế rác thải nhựa; đưa các nhà máy tái chế nhựa nhỏ lẻ vào khu công nghiệp; hạn chế tiến tới chấm dứt nhập khẩu, sản xuất các loại túi nylon khó phân hủy; đồng thời yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học nghiên cứu công nghệ mới, phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Bạn đang đọc bài viết Những ‘ông lớn’ cam kết giảm rác thải nhựa: Lời nói gió bay?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất