Những tồn tại, khó khăn trong phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thanh Hóa
Các bãi chôn lấp rác ở các địa phương chủ yếu nhỏ lẻ, quá tải… đã khiến cho công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn.
Chỉ thị số 41/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra vẫn tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của đất nước.
Tại một số địa phương, việc thu gom, lưu giữ, tập kết, trung chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường, đã dẫn đến việc xuất hiện các điểm “nóng” về môi trường, gây ra nguy cơ mất an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 17 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và 26 lò đốt rác được đầu tư từ vốn xã hội hóa và từ ngân sách nhà nước. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh nhiều, có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho xử lý rác thải chưa được đầu tư. Các bãi chôn lấp rác ở các địa phương chủ yếu nhỏ lẻ, quá tải… đã khiến cho công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Sơn cho biết, mỗi ngày, địa bàn huyện phát sinh trên 120 tấn rác thải sinh hoạt. 27 xã, thị trấn đã quy hoạch bãi rác ngay tại địa phương để xử lý. Tuy nhiên, hầu hết các bãi rác này đều có quy mô nhỏ lẻ; chưa được đầu tư và hiện tại đã quá tải. Công tác xử lý rác còn nhiều bất cập. Nhiều khu tập kết mới thực hiện được nhiệm vụ chứa rác, chưa được chôn lấp, xử lý hợp vệ sinh theo quy định, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Được biết, năm 2020, HĐND huyện Triệu Sơn đã quyết định đầu tư dự án hạ tầng khu xử lý rác thải sinh hoạt quy mô gần 20 ha tại xã Vân Sơn… Hiện tại, việc thu hồi đất của Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định - TKV để triển khai dự án vẫn chưa được tỉnh chấp thuận nên các hạng mục đầu tư cho dự án chưa được triển khai. Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Sơn cho biết, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đã được quan tâm, đầu tư, tổ chức thực hiện và đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho xử lý rác thải chưa được đầu tư. Các khu vực chôn lấp rác thải chỉ mang tính tạm thời, không đáp ứng yêu cầu về xử lý theo quy định.
Tiến độ đầu tư công trình xử lý rác thải sinh hoạt cho thị trấn Triệu Sơn và một số xã chậm. Quy mô của các đơn vị thu gom, xử lý rác thải nhỏ lẻ. Huyện tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường; giám sát và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Được quy hoạch từ năm 2010, bãi chôn lấp rác thải tại thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy qua nhiều năm sử dụng, đến nay đã quá tải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống của các hộ dân sống quanh bãi rác. Bên trong khu vực tập kết, rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, xác chết động vật được chất cao thành đống, nằm lộ thiên bốc mùi hôi thối nồng nặc, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, sinh hoạt và đời sống của người dân…
Nhà bà Vũ Thị Hòa (thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy) cách bãi rác tầm 400m. Bà bức xúc cho biết, bãi rác được quy hoạch từ lâu đến nay đã quá tải, rác tập kết về không được xử lý nên bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng tập trung nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Người dân khu vực này mong muốn huyện sớm quy hoạch và xây dựng được nhà máy xử lý rác thải tập trung để di chuyển các bãi rác ra khỏi khu dân cư.
Địa bàn huyện Cẩm Thủy vẫn chưa được đầu tư nhà máy xử lý rác thải tập trung. Các bãi rác ở các địa phương chủ yếu nhỏ lẻ, hiện đã quá tải và không đảm bảo việc xử lý theo tiêu chuẩn. Huyện đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn báo cáo thực trạng, khối lượng rác để huyện cấp kinh phí mua chế phẩm sinh học, thuê nhân công để xử lý rác, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, huyện mong các doanh nghiệp, cá nhân vào đầu tư, xây dựng các lò đốt rác theo tiêu chuẩn quốc gia.
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Thủy, xử lý rác thải nông thôn đang là vấn đề khó khăn đối với địa phương. Hầu hết các bãi rác hiện có đều nhỏ, lẻ, hiện đã quá tải, không đảm bảo tiêu chuẩn xử lý rác theo quy định. Huyện mong muốn tỉnh sớm có cơ chế để kêu gọi xây nhà máy rác để xử lý rác thải cho nhân dân.
Tại Thanh Hóa, trong số 17 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, một số bãi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực xung quanh. Nhiều bãi chôn lấp rác xây dựng cách đây nhiều năm với diện tích nhỏ, gần khu dân cư. Khối lượng rác sinh hoạt phát sinh nhiều, năm sau cao hơn năm trước.
Trong khi đó, tiến độ xây dựng một số dự án xử lý rác thải trọng điểm trên địa bàn còn chậm. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án xử lý rác thải tập trung còn gặp nhiều khó khăn…
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, việc thu hút đầu tư nhà máy rác trên địa bàn tỉnh còn khó khăn. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho tỉnh lựa chọn các nhà đầu tư thực hiện dự án do tỉnh chấp nhận đầu tư, để thực hiện các dự án xử lý rác thải sinh hoạt được tốt hơn.
Việc thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn gặp nhiều khó khăn là do hạn chế về nguồn lực; ý thức của cộng đồng dân cư chưa cao, chưa nhận thức được lợi ích của công tác thu gom, phân loại rác thải. Công tác xã hội hóa đầu tư cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế. Trong khi đó hiện nay các chính sách hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực xử lý chất thải chưa đồng bộ; thiếu nguồn vốn đầu tư cho các công trình xử lý rác thải.
Để công tác BVMT và quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hiệu quả, trước hết cần nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT toàn dân; truyền thông, phổ biến thông tin về môi trường, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về BVMT. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động, dịch vụ về bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, xử lý chất thải.