Thứ sáu, 29/03/2024 01:01 (GMT+7)

Ninh Bình: Dân tố chính quyền bồi thường đất sai quy định? (Bài 1)

Nguyên Ba -  Thứ bảy, 13/07/2019 09:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Là một xã miền núi thuộc vùng 135 với đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80%, tuy nhiên nhiều năm qua, công tác quản lý đất đai và thu chi tài chính của chính quyền xã Kỳ Phú đang có dấu hiệu sai phạm.

Đền bù cho dân 30%, xã hưởng 70%

Theo Quyết định số 900/QĐ-TTg phê duyệt danh sách 2.139 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 46 tỉnh vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020, xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) là một trong những xã khó khăn được hưởng Dự án 135 của Chính phủ.

Để khuyến khích người dân ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước từ nhiều năm qua đã có các chủ trương, chính sách hỗ trợ đồng bào nơi đây, trong đó có việc hỗ trợ con giống, cây trồng, vật nuôi…

Tuy nhiên, mới đây người dân xã Kỳ Phú có đơn thư phản ánh tới về việc chính quyền địa phương không tiến hành chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến việc khi thu hồi đất và tính giá đền bù đất nông nghiệp không thỏa đáng, có sự mập mờ trong việc áp giá đền bù khi cùng chung một nguồn gốc đất nhưng mỗi nơi lại đền bù theo một kiểu khác nhau.

Đơn tố cáo của đại diện các hộ dân xã Kỳ Phú gửi đến Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử.

Theo nội dung đơn thư, xã Kỳ Phú vốn là một xã miền núi đặc biệt khó khăn, diện tích đất bỏ hoang rất nhiều. Để có tư liệu và diện tích đất sản xuất, từ những năm 1990, người dân đã tiến hành khai hoang, phục hóa đất rừng, đất nông nghiệp để sản xuất, trải qua nhiều năm, số diện tích trên được người dân trồng trọt và chăn nuôi ổn định, nhờ đó mà cuộc sống bớt khó khăn, vất vả hơn trước.

Mọi chuyện không có gì đáng phải bàn, cho đến  đầu năm 2014, trên địa bàn xã Kỳ Phú có dự án xây dựng khu bảo tồn động vật hoang dã Quốc gia được phê duyệt. Theo Quyết định số 154/QD-TTg ngày 29/1/15 của Thủ tướng chính phủ và được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt tại Quyết định số 668/QĐ-UBND, Công viên động vật hoang dã Quốc gia được xây dựng tại xã Kỳ Phú và Phú Long, huyện Nho Quan với quy mô 1.155 ha. Số diện tích thu hồi tại xã Kỳ Phú là khoảng 348.862m2 với tổng dự toán GPMB là trên 10,2 tỷ đồng.

Khi dự án được triển khai, người dân nơi đây vui vẻ chấp thuận và sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, khi tiến hành triển khai công tác kiểm đếm, lập hồ sơ thu hồi đất và phương án giải phóng mặt bằng, số diện tích người dân tự khai hoang canh tác là trên 31 nghìn m2 thì phần lớn số tiền đền bù lại được đưa vào ngân sách xã khiến người dân rất bức xúc.

Thay vì sớm cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân, UBND xã Kỳ Phú yêu cầu người dân ký hợp đồng thuê thầu đất và thu 5kg thóc/sào/năm.

Sau các lần kiến nghị, mức giá đền bù hỗ trợ của chính quyền xã Kỳ Phú và Ban GPMB huyện Nho Quan đưa ra là 45.000đ/m2, trong đó người dân được hưởng 30% với số tiền là 15.000đ/m2, 70% còn lại UBND xã Kỳ Phú được “hưởng”.

Ông Đ.V.L cho biết, theo quy định của Luật Đất đai thì số diện tích đất người dân xã Kỳ Phú khai hoang đáng nhẽ phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Người dân chúng tôi sử dụng ổn định mảnh đất này với mục đích sử dụng như đất nông nghiệp từ những năm 1990 đến nay, thời điểm chúng tôi khai hoang chưa có quyết định về việc sử dụng đất cũng như chưa có kế hoạch, quy hoạch về việc sử dụng đất thì theo quy định chúng tôi đã đủ điều điện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai theo Luật Đất đai, tuy nhiên do xã không làm khiến việc bồi thường đất đai không thỏa đáng”, ông L. cho biết.

Tấm bản đồ xác nhận từng vị trí từng ô thửa và tên các hộ dân.

Còn ông Đ.X.H, một người dân xã Kỳ Phú cũng cho biết: “Diện tích đất nông nghiệp chúng tôi khai hoang sản xuất ổn định nhiều năm qua, không tranh chấp với ai, là một xã miền núi nghèo toàn dân tộc Mường thì đáng nhẽ xã phải tạo điều kiện cho người dân được cấp giấy chứng nhận để hưởng đầy đủ các chính sách đền bù, đằng này xã lại lấy 70% số tiền đền bù với lý do đất đó là của xã quản lý, người dân không có giấy chứng nhận”.

Theo tìm hiểu của PV, từ 11/5/2011, Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình đã có chủ trương đo đạc, kiểm đếm lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của người dân. Tại tờ bản đồ số 11, 409 thửa đất đã được kiểm đếm, thể hiện tên hộ dân và số diện tích đất, được Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú thời bấy giờ là ông Nguyễn Đức Long, Phòng Đăng ký đất đai, Trung tâm đo đạc và PGĐ Sở TN&MT công nhận.

Nhưng theo người dân, sau khi đo đạc và kiểm đếm, người dân cũng không hề thấy chính quyền xã Kỳ Phú thông báo gì đến việc làm giấy chứng nhận và cũng không hề biết có tờ bản đồ này. Mãi đến sau khi có thông báo thu hồi đất để phục vụ cho dự án thì mức giá đền bù cho người dân chỉ còn 1/3.

UBND xã khẳng định làm đúng

Liên quan đến vấn đề trên, PV đã có buổi làm việc với UBND xã Kỳ Phú, ông Vũ Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú cho biết, việc thực hiện GPMB là do Ban GPMB huyện thực hiện, xã chỉ là một thành phần trong Đoàn, mức giá đền bù căn cứ theo mức giá của UBND tỉnh quy định.

“Cái giải phóng mặt bằng chúng tôi thực hiện theo quyết định 09 của tỉnh”, ông Lâm cho biết.

Ông Vũ Đình Lâm, Ctịch UBND xã Kỳ Phú trong buổi làm việc với PV.

Ông Lâm thừa nhận số tiền đền bù xã được hưởng là 70%, tương đương hơn 5 tỷ đồng. Số tiền đó đã được dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm xây dựng nhà văn hóa và đài tưởng niệm, sửa chữa trường học hết hơn 3 tỷ. Tuy nhiên đến nay dự án tạm dừng vì chờ chủ trương của huyện.

Khi được hỏi nguyên nhân gì mà xã không tiến hành cấp giấy CNQSDĐ cho người dân theo tấm bản đồ đã được lập, ông Lâm cho biết bản đồ đó mới chỉ là đo đạc hiện trạng, do không có kinh phí nên hiện này chưa tiến hành đo lại được. Việc chi trả tiền đền bù cho người dân được căn cứ theo quy định của UBND tỉnh.

“Nắm theo chính sách thì cái quyết định 26 năm 2009 của UBND tỉnh có quy định là đất mà do nhà nước quản lý, giao cho các hộ quản lý, hộ gia đình cá nhân thì khi giải phóng mặt bằng thì không hỗ trợ cho người dân, các hộ dân chỉ được hưởng cây cối hoa màu trên đất. Đất mà được khai hoang, phục hóa ra ấy thì được hỗ trợ 10.000/m2”, ông Lâm cho biết.

Công trình nhà văn hóa xã trị giá nhiều tỷ đồng hiện đang tạm dừng để xin chủ trương của huyện.

Khi PV đề nghị được xem bản đồ địa chính kèm sổ mục kê, các quyết định phê duyệt, phương án hỗ trợ bồi thường thì ông Lâm lấy lý do cán bộ địa chính xã đi vắng nên không cung cấp được.

Đề cập đến các nội dung phản ánh của người dân liên quan đến công tác bồi thường đất đai, làm giả hồ sơ rút ruột ngân sách, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, ông Lâm cho biết vừa qua UBND huyện đã thành lập Tổ công tác xác minh các vấn đề trên, sắp tới sẽ công bố kết luận.

Với mức giá đền bù mà Ban GPMB và chính quyền xã Kỳ Phú áp đặt, người dân cho rằng không thỏa đáng. Đồng thời, việc chậm trễ trong công tác làm giấy chứng nhận của chính quyền sở tại khiến người dân phải chịu nhiều thiệt thòi. Phải chăng đang có sự khuất tất, cố tình không làm giấy CNQSDĐ cho người dân để chính quyền xã được “hưởng” phần lớn số tiền đền bù?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Kỳ 2: Làm giả hồ sơ, rút ruột ngân sách hàng trăm triệu đồng?

Bạn đang đọc bài viết Ninh Bình: Dân tố chính quyền bồi thường đất sai quy định? (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.