Thứ sáu, 29/03/2024 12:56 (GMT+7)

Nợ xấu – Nỗi ám ảnh của Vietinbank

Cẩm Anh -  Thứ bảy, 21/12/2019 11:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

9 tháng đầu năm 2019, nợ nghi ngờ tăng đến 70% so với đầu năm, nợ có khả năng mất vốn lên đến 8.831 tỷ đồng, chiếm 63% tổng nợ xấu, trong khi lợi nhuận sau thuế của Vietinbank đạt 6.824 tỷ đồng.

Nợ xấu Vietinbank liên tục phình to

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 của Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam – Vietinbank (mã CK: CTG), tính đến ngày 30/9/2019, ngân hàng này ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 8.324 tỷ đồng, tăng 822 tỷ, tương đương 11% so với cùng kỳ năm 2018.

Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh dịch vụ và kinh doanh ngoại hối của Vietinbank đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.092 tỷ đồng, tăng 305 tỷ đồng tương đương 39%.

Kinh doanh ngoại hối đạt 402 tỷ đồng, tăng 220 tỷ đồng tương đương 121%. Lũy kế 9 tháng năm 2019, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đem lại cho Vietinbank 1.189 tỷ đồng, tăng tương đương 120% so với lũy kế 9 tháng đầu năm 2018.

Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất của Vietinbank quý III/2019. 

Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động khác chỉ đạt 257 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 286 tỷ đồng.

Sau khi trừ thuế và các chi phí, 9 tháng đầu năm, VietinBank đạt 6.824 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng khoảng 700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, Báo cáo tài chính hợp nhất cũng cho thấy, cho vay khách hàng của Vietinbank tính đến ngày 30/9/2019 đạt 882.447 tỷ đồng, tăng 30.529 tỷ tương đương với 3,6% so với con số đầu năm. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng lên tới 16.609 tỷ đồng, tăng 3.601 tỷ tương đương 28% so với thời điểm ngày 31/12/2019.

Cụ thể, tổng nợ xấu của Vietinbank đến thời điểm này là 14.065 tỷ đồng, tăng 376 tỷ, tương đương 2,7 % so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 1.682 tỷ đồng, giảm 21% so với thời điểm 31/12/2018, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) đạt 3.552 tỷ đồng, tăng 70%, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) dù giảm 7% nhưng vẫn ở mức cao với 8.831 tỷ đồng. Theo đó, tỉ lệ trích lập dự phòng nợ xấu của Vietinbank đang là 118%. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng của Vietinbank đang ở mức 1,6%.

Nợ có khả năng mất vốn của Vietinbank vẫn ở mức cao. 

Cần lưu ý, cơ cấu nợ xấu theo năm của Vietinbank liên tục tăng trong nhiều năm qua. Tổng nợ xấu từ năm 2015 đến năm 2018 lần lượt là 4.942 tỷ đồng, 6.743 tỷ đồng, 9.011 tỷ đồng và 13.691 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9/2019, tổng nợ xấu của Vietinbank là 14.065 tỷ đồng, riêng nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) còn cao hơn so với lợi nhuận sau thuế của ngân hàng.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, VietinBank tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên mức 10.882 tỷ đồng, tăng hơn 2.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến thời điểm 30/9/2019, tổng tài sản Vietinbank đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm chủ yếu là nhờ cho vay khách hàng tăng 3,6%. Các khoản lãi và phí phải thu đạt 6.860 tỷ, giảm 41 tỷ tương đương 0,6% so với đầu năm.

Về các nguồn vốn huy động, VietinBank ghi nhận tiền gửi của khách hàng đạt hơn 865.466 tỷ đồng, tăng 5%; cùng với phát hành giấy tờ có giá tăng 8.900 tỷ tương đương 19% so với hồi đầu năm, đạt 55.116 tỷ đồng. Mặt khác, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác giảm 16% so với đầu năm, đạt gần 93.381 tỷ đồng.

Nợ xấu Vietinbank liên tục tăng trong nhiều năm. 

Nợ xấu và những hệ lụy trong sử dụng vốn

Xét về thặng dư vốn, thời điểm ngày 30/9/2019 ghi nhận vốn chủ sở hữu Vietinbank là 74.878 tỷ đồng, tổng tài sản ghi nhận 1.202.209 tỷ đồng. Theo đó, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 6,2% tổng tài sản, tỉ lệ được đánh giá ở mức rất thấp.

Đây cũng chính là nguyên nhân trong thời gian vừa qua, ngân hàng này tích cực phát hành trái phiếu để bù đắp trình trạng thiếu hụt vốn.

Cụ thể, ngày 27/9/2019, VietinBank đã đóng sổ phát hành thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp năm 2019 ra công chúng, tiếp đó, ngày 29/10/2019, VietinBank phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng đợt 2 năm 2019, mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, lãi suất có biên độ 1-1,2% mỗi năm, kỳ hạn đầu tư linh hoạt 7 năm hoặc 10 năm.

Trước đó, vào hồi tháng 3/2019, Ngân hàng Nhà nước cho phép VietinBank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất tự quyết định.

Nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất tại VietinBank khi nắm giữ tỷ lệ sở hữu cổ phần lên tới 64,5%.

Có thể thấy, xử lý các tài sản xấu và tăng vốn đang là 2 vấn đề trọng tâm của ngân hàng này. Theo quy định tại Thông tư 02/2013 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có và mức trích lập dự phòng rủi ro, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) phải trích lập 20%, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) trích lập 50%, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) phải trích lập đến 100%.

Trong khi đó, khả năng thu hồi xử lý nợ xấu, hoàn nhập dự phòng tại Vietinbank trong thời gian qua không mấy khả quan. Mặc dù, tính từ đầu năm, VietinBank đã có gần 70 thông báo thu hồi, bán và xử lý tài sản đảm bảo.

Việc trích lập dự phòng nợ xấu gây nhiều lo ngại về những tác động tới hiệu quả phần vốn nhà nước sở hữu tại ngân hàng này. Tính đến ngày 30/9/2019, Nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất tại VietinBank khi nắm giữ tỷ lệ sở hữu cổ phần lên tới 64,5%.

Bên cạnh đó, với số nợ xấu như hiện tại, Vietinbank chắc chắn sẽ bị giảm lợi nhuận trong tương lai, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín trong hoạt động kinh doanh tín dụng của mình.

Bạn đang đọc bài viết Nợ xấu – Nỗi ám ảnh của Vietinbank. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới