Thứ sáu, 29/03/2024 14:03 (GMT+7)

“Nội chiến” quyền lực Vinaconex đâu chỉ là “miếng bánh” lợi ích?

MTĐT -  Thứ ba, 02/04/2019 11:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tranh chấp quyền lực tại Vinaconex “nổ” ra khi một nhóm cổ đông yêu cầu toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thi hành Nghị quyết ĐHCĐ bất thường ngày 11/1/2019.

 Tranh chấp quyền lực tại Vinaconex “nổ” ra khi một nhóm cổ đông yêu cầu toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thi hành Nghị quyết ĐHCĐ bất thường ngày 11/1/2019. Phe còn lại ước tính con số thiệt hại từ hành động này lên tới… 1.200 tỷ đồng (!?)

Khi “gió đảo chiều”…

Sự việc gây chú ý khi ngày 28/3/2019, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) bất ngờ cho biết nhận được 2 văn bản của Toà án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội). Cụ thể, ngày 25/3/2019, toà án đã thụ lý vụ việc Kinh doanh thương mại về việc “yêu cầu huỷ bỏ Nghị quyết của ĐHCĐ cổ đông” theo đơn yêu cầu của các cá nhân, tổ chức gồm: Công ty TNHH bất động sản Cường Vũ, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà là 2 thành viên HĐQT mới được bầu từ ĐHCĐ bất thường ngày 11/1/2019.

Đồng thời, toà án có quyết định số 01/2019/QĐ-BPKCTT ngày 27/3/2019 về Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để buộc Vinaconex tạm dừng thực hiện Nghị quyết 01/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 11/1/2019.

Phản ứng trước sự việc này, ngày 28/3, Vinaconex đã có văn bản khiếu nại lên Chánh án Toà án nhân dân TP Hà Nội và Chánh án Toà án nhân dân Quận Đống Đa kiến nghị 2 nội dung: huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời và yêu cầu các bên liên quan bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Vinaconex và các cổ đông đối với các tổn thất do ảnh hưởng tiêu cực từ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên, bao gồm cả việc giảm giá cổ phiếu sau khi quyết định của toà án được công bố…

Chỉ hai tháng rưỡi nắm quyền quản trị Vinaconex, giữa các thành viên HĐQT Vinaconex đã xảy ra bất đồng ý kiến.

Ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc Vinaconex bày tỏ “vô cùng bất ngờ” khi nhận được quyết định của toà án yêu cầu tạm dừng thực hiện Nghị quyết 01 trong đó có nội dung thông qua việc bầu HĐQT và Ban kiểm soát mới.

Phía Vinaconex cho biết, ông Nguyễn Quang Trung, ông Thân Thế Hà và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (3 trong số 4 pháp nhân yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời) đã thống nhất với toàn bộ nội dung biểu quyết tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1/2019. Riêng Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ tại thời điểm chốt quyền tham dự ĐHĐCĐ bất thường chưa phải là cổ đông của Vinaconex nên không có quyền tham dự và biểu quyết tại cuộc họp.

Phía Vinaconex cũng đã chỉ rõ mức độ thiệt hại từ biện pháp khẩn cấp tạm thời của toà án đối với hoạt động điều hành Vinaconex và thiệt hại giảm giá cổ phiếu VCG lên tới 1.236 tỷ đồng vào ngày 28/3/2019…

Được biết, có 2/4 nguyên đơn khởi kiện đến từ nhóm cổ đông Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ đã mua trúng đấu giá 21,28% cổ phần VCG do Viettel thoái vốn. Giao dịch chuyển nhượng vốn này chỉ hoàn tất vào ngày 28/12/2018.

Tuy nhiên, hai ngày trước đó (ngày 26/12/2018), Viettel đã có văn bản số 5943/CVVTQĐ-ĐTTC đề cử 2 ứng viên là ông Thân Thế Hà và Nguyễn Quang Trung sẽ tham gia bầu vào Thành viên HĐQT Vinaconex nhiệm kỳ mới.

Do cổ đông lớn SCIC hay nhóm cổ đông khác không đề cử bất cứ ứng viên nào nên HĐQT đương nhiệm đã xin ý kiến ĐHĐCĐ đề cử 5 ứng viên bầu vào HĐQT mới gồm: ông Đào Ngọc Thanh, Nguyễn Xuân Đông, Dương Văn Mậu, Nguyễn Hữu Tới, Bùi Tuấn Anh.

Với tỷ lệ biểu quyết nhất trí 100% tại ĐHĐCĐ ngày 11/1/2019, cả 7 ứng viên này đều trúng cử vào HĐQT Vinaconex nhiệm kỳ 2017-2022.

Vậy điều gì đã khiến cho 2 trong tổng số 7 thành viên HĐQT Vinaconex muốn huỷ Nghị quyết số 01/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 11/1/2019 của ĐHCĐ bất thường mà chính hai lãnh đạo này được bầu trúng cử?

Kết quả bầu 7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 tại ĐHĐCĐH bất thường ngày 11/1/2019 với tỷ lệ tán thành 100%.

Chia sẻ với báo chí ngày 1/4, tân chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh cho biết, kể từ khi tiếp quản Vinaconex, HĐQT đã tổ chức 3 phiên họp bàn về chiến lược phát triển tổng công ty, thông qua Quy chế tài chính, phát triển một số dự án lớn…

“Các cuộc họp của Vinaconex đều được diễn ra một cách công khai minh bạch và có sự tham gia của tất cả các thành viên HĐQT, bao gồm cả đại diện Star Invest, Cường Vũ, ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Hữu Hà. Tất cả mọi hoạt động đều diễn ra bình thường nhưng bất ngờ nhóm cổ đông nói trên lại đã khởi kiện công ty”, ông Thanh cho hay.

Ông Thanh cho biết, trong phiên họp thứ 2 về thông qua quy chế tài chính, đã xảy ra bất đồng ý kiến khi hai thành viên HĐQT đại diện nhóm cổ đôngStar Invest và Công ty Cường Vũ không tán thành. Nhưng theo luật có 5 phiếu ủng hộ nên nội dung này vẫn được thông qua.

Ông Đào Ngọc Thanh cũng cho rằng, dự án Splendora cần có bộ máy chuyên nghiệp để phát triển xứng tầm song trước đây, Vinaconex đề cử ông Thân Thế Hà – đại diện Phú Long là chủ tịch Splendora, sau đó bầu ông Nguyễn Quang Trung làm Chủ tịch dù ông Trung không có chuyên môn bất động sản.

“Đây là miếng đất lớn nhất của Hà Nội mà đã có chủ sở hữu, đồng thời cũng là dự án tốt nhất của khu vực hiện tại, chỉ cần xây nhà lên và bán”, ông Thanh nói và giãi bày “đến nay dự án Splendora vẫn gặp không ít vướng mắc khi nhiều lần triệu tập HĐQT An Khánh JVC, nhưng phía còn lại đều không đến, báo bận”.

Dù chủ tịch Vinaconex khẳng định “không có tranh chấp gì lớn”, mà chỉ là khác nhau ý tưởng triển khai dự án Splendora, trong đó có mâu thuẫn về hình thức xử lý hồ điều hoà trung tâm.

Trong đó, quan điểm của nhóm cổ đông An Quý Hưng là giữ nguyên quy hoạch cũ, chỉ bổ sung thêm cây xanh và dịch vụ đi kèm. Nhóm cổ đông Phú Long lại muốn thay đổi quy hoạch xây hồ theo dạng bao quanh các căn biệt thự để tối đa hóa diện tích mặt hồ. Nhưng việc điều chỉnh quy hoạch khi dự án đã có 18ha mặt hồ ở dự án là không dễ. Hiện, hai nhóm cổ đông vẫn chưa tìm được tiếng nói chung tại dự án này.

Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh chia sẻ về sự bất đồng quan điểm tại dự án Splendora Bắc An Khánh.

Bí ẩn nguồn tiền hậu thuẫn

Quay trở lại vụ kiện yêu cầu toà án tuyên huỷ Nghị quyết số 01 của ĐHĐCĐ ngày 11/1/2019, trong đó bầu nhân sự HĐQT, các nhóm cổ đông hiện vẫn đang còn tranh cãi về tư cách cổ đông của 4 nguyên đơn khởi kiện, trình tự thủ tục thụ lý hồ sơ và ra quyết định Áp dụng biện pháp khẩn cấp, xác định thiệt hại liên quan…?

Đặc biệt là việc xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Vinaconex đến từ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, mà theo quy định, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thực hiện đặt cọc 100% tổng số tiền thiệt hại có thể gây ra từ quyết định này của toà án.

Từ cuộc đấu giá cổ phần Vinaconex, có thể thấy các nhóm cổ đông An Quý Hưng, nhóm Cường Vũ và Star Invest… đều “bạo chi” tiền mặt để mua lượng lớn cổ phần VCG nhằm đảm bảo quyền lực tại Vinaconex. Và có lẽ các nguyên đơn khởi kiện đã lường trước rủi ro cũng như sẵn sàng tài chính để chi trả các điều kiện bắt buộc khi theo đuổi vụ kiện đòi huỷ Nghị quyết của ĐHĐCĐ Vinaconex.

Cho đến nay, nguồn tiền lên tới 10 nghìn tỷ đổ vào mua cổ phần Vinaconex thực sự đến từ những nhà đầu tư nào vẫn là ẩn số. Chỉ biết đích nhắm tới chính là quyền phát triển, sở hữu quỹ đất dự án rất lớn, tài sản, giá trị doanh nghiệp mà Vinaconex sở hữu, thậm chí có thể có giá trị chưa được phản ánh đầy đủ khi cổ phần hoá.

Cuộc chiến “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” giữa các cổ đông lớn Vinaconex hiện là một cuộc chiến giành quyền lực chi phối công ty và chạy đua tài chính hiếm thấy trong quá trình thoái vốn DNNN.

Theo Kinh tế môi trường

  

Bạn đang đọc bài viết “Nội chiến” quyền lực Vinaconex đâu chỉ là “miếng bánh” lợi ích?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới