Nói "Không" với thuốc lá để bảo vệ môi trường sống của chúng ta
Thuốc lá không chỉ là "kẻ giết người thầm lặng," gây ra cái chết của hơn 8 triệu người mỗi năm, mà ngành công nghiệp này còn góp phần làm gia tăng tình trạng xói mòn đất, ô nhiễm môi trường...
Hơn 600 triệu cây bị đốn chặt, hơn 22 tỷ tấn nước tiêu hao cho quá trình sản xuất thuốc lá và 84 triệu tấn khí thải từ thuốc lá phát thải vào không khí góp phần gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
“Thuốc lá: Mối đe dọa với môi trường của chúng ta” - chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 năm nay nêu bật một thông điệp: thuốc lá không chỉ gây tổn hại tới sức khỏe con người, mà còn từ từ "đầu độc" môi trường sống trên Trát Đất.
Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy mỗi năm trên thế giới có hơn 8 triệu người tử vong vì thuốc lá, trong đó khoảng 1,2 triệu người tử vong do tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động.
Theo nghiên cứu khoa học, một điếu thuốc khi cháy tạo ra hơn 7.000 chất hóa học và gần 70 trong số đó gây nguy cơ ung thư.
Các bệnh phổ biến nhất trực tiếp gây ra tử vong ở những người hút thuốc lá là thiếu máu cơ tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi và đột quỵ.
Vì lẽ đó, thuốc lá lâu nay vẫn được xem là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà thế giới từng đối mặt.
Hơn 80% trong số gần 1,3 tỷ người hút thuốc lá trên toàn thế giới hiện sống ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi gánh nặng bệnh tật và tử vong liên quan đến thuốc lá là nghiêm trọng nhất.
Không chỉ vậy, WHO khẳng định thuốc lá còn là mối hiểm họa với sức khỏe môi trường và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất.
Càng nhiều người hút thuốc, tác hại đến môi trường ngày càng lớn thêm, gia tăng áp lực không cần thiết đối với nguồn tài nguyên vốn dĩ ngày càng cạn kiệt và các hệ sinh thái dễ bị tổn thương của Trái Đất.
Trong báo cáo “Thuốc lá: Đầu độc hành tinh của chúng ta,” WHO cho biết ngành công nghiệp thuốc lá sử dụng nước, gỗ và thuốc trừ sâu nhiều hơn hầu hết các loại cây trồng khác.
Phần lớn thuốc lá được trồng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, là nơi thường rất cần nước và đất canh tác để sản xuất lương thực.
Tuy nhiên, mỗi năm trên thế giới có khoảng 3,5 triệu ha đất bị xòi mòn do hoạt động trồng cây thuốc lá. Trồng cây thuốc lá cũng góp phần gây nên nạn phá rừng.
Hằng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá.
Nông dân trồng cây thuốc lá thường phát quang đất bằng cách đốt rừng và bỏ hoang đất chỉ sau vài mùa vụ, dẫn đến tình trạng hoang hóa, suy thoái đất và giảm năng suất của những loại cây trồng khác.
Đốt rừng dẫn tới phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và làm giảm mức độ che phủ rừng vốn có thể hấp thụ 16 triệu tấn CO2 do hoạt động sản xuất thuốc lá mỗi năm.
Ước tính, lượng khí thải carbon của ngành sản xuất, chế biến và vận chuyển thuốc lá tương đương với 20% lượng CO2 mà ngành hàng không thương mại thải ra mỗi năm, góp phần làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu.
Chưa kể hơn 7.000 chất hóa học tạo ra khi hút thuốc, rất nhiều chất độc hại với môi trường. Bản thân môi trường ô nhiễm cũng nguy hại cho sức khỏe con người, là nguyên nhân dẫn tới 9 triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm.
Xử lý chất thải từ thuốc lá cũng là một vấn đề. Ước tính có tới 4.500 tỷ đầu mẩu thuốc lá (tương đương 766.571 tấn) bị thải ra môi trường mỗi năm.
Lượng rác thải này thường phơi nhiễm trong môi trường, trên đường phố, lối đi bộ và các khu vực công cộng, trôi ra cống và cuối cùng làm ô nhiễm sông hồ, bờ biển và đại dương, gây hại cho các loài sinh vật.
Các sản phẩm như thuốc lá điếu, thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử cũng làm tăng ô nhiễm nhựa. Bộ lọc thuốc lá có chứa vi nhựa và tạo thành dạng ô nhiễm nhựa cao thứ hai trên toàn thế giới.
Đặc biệt, thuốc lá điện tử là sản phẩm sử dụng một lần có chứa chất thải nhựa, điện tử và hóa chất.
Hầu hết các nhà máy xử lý chất thải hiện không được trang bị đủ thiết bị để xử lý những chất cặn lỏng điện tử và pin của thuốc lá điện tử.
Trên thực tế, nhờ việc các quốc gia đẩy mạnh triển khai hàng loạt biện pháp nhằm loại bỏ tình trạng nghiện thuốc lá, số người hút thuốc lá trên toàn thế giới đã giảm đều đặn trong những năm gần đây.
Theo WHO, trên toàn thế giới hiện có gần 1,3 tỷ người hút thuốc lá, giảm so với 1,32 tỷ người trong năm 2018. Con số này dự kiến giảm xuống 1,27 tỷ người vào năm 2025, tương đương mức giảm khoảng 50 triệu người trong giai đoạn 7 năm, ngay cả khi dân số toàn cầu gia tăng.
Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên trên thế giới dự kiến giảm xuống còn 20% vào năm 2025, so với mức hơn 30% ghi nhận vào năm 2000.
Tại Việt Nam, kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Theo số liệu của Bộ Y tế, so với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.
Kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh tại Việt Nam do WHO thực hiện năm 2019 cho thấy: Tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019 (giảm gần 50%).
Tuy nhiên, WHO cũng nhận định vẫn còn nhiều việc phải làm để kiểm soát thuốc lá khi đây vẫn là "thủ phạm giấu mặt" cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người mỗi năm.
WHO cảnh báo nếu các quốc gia không hành động quyết liệt, số người tử vong do thuốc lá mỗi năm sẽ tiếp tục gia tăng ngay cả khi tình trạng sử dụng thuốc lá có xu hướng giảm dần, đặc biệt khi số người sử dụng thuốc lá điện tử tăng mạnh.
Doanh số bán thuốc lá điện tử đã tăng tới 122,2% trong giai đoạn từ tháng 9/2014 đến tháng 5/2020.
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam cũng đang gia tăng nhanh chóng.
Theo nghiên cứu của WHO, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong nhóm tuổi 13-17 tuổi ở Việt Nam chiếm 2,6% năm 2020. Xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi với tỷ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25-44 tuổi (3,2%), 45-64 tuổi (1,4%).
WHO chỉ rõ mỗi sản phẩm thuốc lá được sử dụng đều gây hại cho môi trường. Nói cách khác, thuốc lá đang đầu độc môi trường sống, nơi mà sự tồn tại của con người phụ thuộc vào, và ngành công nghiệp thuốc lá đang tạo ra lợi nhuận khổng lồ bằng cách hủy hoại môi trường và sức khỏe con người.
Do vậy, ngành này cần phải chịu trách nhiệm về môi trường, xử lý chất thải và thiệt hại, gồm cả chi phí thu gom chất thải.
Trong khi đó, chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục theo đuổi hướng tiếp cận và sáu chiến lược đã được vạch ra trong Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá (FCTC).
Đối với mỗi cá nhân, WHO nhấn mạnh thông điệp: từ bỏ thuốc lá vì sức khỏe của chính bạn và sức khỏe của hành tinh chúng ta./.
Theo TTXVN