Thứ sáu, 29/03/2024 05:40 (GMT+7)

Nỗi lo an toàn thực phẩm dịp cuối năm

MTĐT -  Thứ năm, 10/12/2020 11:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những tháng cuối năm, để chuẩn bị cho mùa lễ tết, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm, hàng hoá lại tăng cao kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.

Nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Thời gian gần đây các vụ nông sản, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được phát hiện tiếp tục gây lo lắng cho người tiêu dùng. Vụ ngộ độc pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới (có trụ sở tại huyện Đông Anh) cách đây vài tháng là một ví dụ.

Đặc biệt đến những tháng cuối năm này, mối lo ngại về an toàn thực phẩm lại càng lớn hơn bởi theo thông lệ cứ vào dịp này, để chuẩn bị cho mùa lễ tết, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm, hàng hoá lại tăng cao kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.

Vừa qua, đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội thông tin, qua kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối và các cơ sở sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn, Chi cục đã phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ. Tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai)... vẫn còn nhiều hộ kinh doanh không ghi chép đầy đủ thông tin về hàng hóa, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại một quán phở. (Ảnh minh hoạ. Nguồn: hanoimoi.com.vn)

Về nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm còn nhiều, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, một bộ phận người sản xuất, kinh doanh nông sản chạy theo lợi nhuận nên đã có hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra thực tế, các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…

Hiện nay, một thực tế là công tác quản lý an toàn thực phẩm đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù ngành nông nghiệp đã phối hợp với các sở, ngành thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản trên thị trường, song do sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đa phần nhỏ lẻ nên khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Mà vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm lại thường xảy ra tại những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Những cơ sở này đa phần không tuân thủ thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm, thậm chí sử dụng nguồn nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở các tuyến còn thiếu so với yêu cầu của thực tế. Hơn nữa, công tác chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy Đảng và chính quyền xã, phường, thị trấn còn chưa quyết liệt và thường xuyên. Việc xử lý vi phạm ở một số xã đã được đẩy mạnh, nhưng kết quả còn hạn chế. Cùng với đó, việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm tuy có chuyển biến, nhưng chưa chặt chẽ, kết quả chưa cao… Do đó, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, là mối đe dọa rất lớn đối với sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc trong nhân dân.

Một khó khăn nữa là hiện nay, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc. Nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất an toàn thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp.

Chú trọng công tác tuyên truyền

Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm, cần xác định tuyên truyền là biện pháp quan trọng hàng đầu.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm... cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Qua đó, nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình.

Mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, bảo đảm thông tin nhanh, chính xác về nguồn gốc thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP lập nhiều đoàn thanh, kiểm tra ATTP Tết. (Ảnh minh hoạ. Nguồn: thanhtra.com.vn)

Khuyến khích các các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm... ưu tiên nhập và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và có nhân viên hướng dẫn cho người tiêu dùng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua điện thoại thông minh. Từ đó, để người dân dễ dàng truy xuất và tiếp cận được các sản phẩm an toàn, chất lượng đã được cơ quan chức năng kiểm định.

Do tâm lý tích trữ thực phẩm vào dịp Tết nên nhiều gia đình đã mua nhiều loại thực phẩm "chất đầy tủ lạnh" và nhiều khi do tâm lý mua lấy được mà người tiêu dùng không kịp để ý đến nguồn gốc, nhãn mác hàng hóa.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên chọn mua thực phẩm an toàn, đọc kỹ nhãn mác sản phẩm thực phẩm trước khi lựa chọn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; không mua tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng; không uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính; không ăn các loại nấm lạ, nấm hoang... Kịp thời công khai tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân vi phạm về ATTP để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Tăng cường thanh tra kiểm tra đột xuất

Từ nay đến cuối năm, công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường. Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm nhằm hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm. Chú trọng vào những mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày của người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn đầu vào vật tư nông nghiệp để kịp thời phát hiện vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Cùng với đó, cung cấp thông tin các cơ sở đạt và không đạt về an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm không an toàn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối nông sản, cơ sở sản xuất kinh doanh nông - lâm - thủy sản. Trong đó, chú trọng kiểm tra những mặt hàng tươi sống phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, lấy mẫu truy xuất nguồn gốc xuất xứ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh nông sản./.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nỗi lo an toàn thực phẩm dịp cuối năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.