Nỗi lòng người lao công sau ngày đông nghẹt khách du lịch ở Quy Nhơn
Bình minh rạng ngời trên biển mang lại ánh sáng trên những con phố, công viên... sạch sẽ tinh tươm, nỗi lo toan của những công nhân vệ sinh môi trường như vơi bớt.
0h. Tiếng chổi ràn rạt của những người công nhân quét rác càng trở nên rõ hơn trong bầu không khí tĩnh mịch, vắng vẻ của thành phố biển Quy Nhơn (Bình Định). Tôi mở cửa, bước ra phố để tận mắt nhìn những dáng người hàng đêm đã tạo nên một thứ âm thanh không thể nhầm lẫn.
Những bóng người lặng lẽ làm bạn với đêm
Ngã 5 Xuân Diệu - An Dương Vương - Ngô Mây - Nguyễn Tất Thành - Diên Hồng (TP Quy Nhơn, Bình Định) ban ngày chật chội dấu chân khách du lịch và người dân thành phố, càng về khuya trở nên thênh thang, tĩnh lặng như thể nghe thấy cả tiếng gió thì thào trong đêm khiến bước chân kẻ thích khám phá như tôi cũng chợt nhẹ nhàng hơn.
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 dài ngày cộng với thời tiết tuyệt đẹp nên các vùng biển miền Trung đón lượng khách khổng lồ đổ về du lịch. Thành phố biển Quy Nhơn cũng không ngoại lệ. Lượng khách du lịch nhiều tỉ lệ thuận với nỗi vất vả của những người công nhân vệ sinh môi trường.
Dưới bóng đèn đường vàng vọt, một vài bóng người nhỏ bé chậm rãi di chuyển, đôi tay vẽ những đường chổi dứt khoát, quét đến đâu, gương mặt sạch đẹp của đường phố hiện ra đến đó. Tôi đến gần một người phụ nữ lưng áo ướt đẫm mồ hôi, nhưng đôi tay vẫn chẳng phút ngơi nghỉ, tất tả đẩy từng đường chổi trên mặt đường.
Ngẩng lên nhìn tôi, lau vội giọt mồ hôi trên mặt, ánh mắt chị lấp lánh biểu hiện một nụ cười thật tươi sau chiếc khẩu trang. Ngồi tạm xuống lề đường, chị dành những phút nghỉ ngơi ít ỏi để kể về công việc của mình.
Chị là Nguyễn Thị Linh - công nhân thuộc Công ty cổ phần Vệ sinh môi trường Bình Định, năm nay 35 tuổi, gắn bó với nghề vệ sinh môi trường được 5 năm. Tổ của chị có hơn 10 người, phụ trách quét, dọn rác ở những tuyến đường, công viên cạnh bờ biển. Công việc bắt đầu từ 23h00 hôm trước đến khoảng 6h30 sáng hôm sau.
Mấy hôm nay, thành phố đón hàng nghìn lượt khách du lịch, nhà hàng luôn đông khách, khách sạn không còn chỗ trống. Đó là niềm vui khôn tả đối với thành phố du lịch. Chị Linh cũng vui, dù cả tổ chị phải làm việc cật lực để giữ cho đường phố cũng như bãi biển, các khu vực công cộng sạch đẹp.
“Khách du lịch tới với thành phố mình vì không khí trong lành, biển và đường phố sạch đẹp. Họ đã làm việc vất vả cả năm mới có kỳ nghỉ, nên không thể để họ đến mà khi về thấy bị ám ảnh bởi môi trường hay đường phố không đảm bảo vệ sinh”, chị Linh nói.
Hàng đêm làm bạn với những con đường, dưới ánh đèn hiu hắt, ngày nắng cũng như ngày mưa, chị Linh thuộc từng góc phố, gốc cây, từng con đường cũng như thói quen đổ rác của từng gia đình, từng cơ quan. Quét dọn, thu gom rác cho lên xe, đẩy về điểm tập kết để xe lớn đến đưa ra bãi rác, công việc của chị cứ thế, miệt mài, cặm cụi, từ đêm cho tới sáng, từ ngày này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác.
Ngày nắng còn đỡ, đến mùa mưa thật cực. Mưa như quất vào mặt, gió biển giật thốc cả áo mưa, đành chịu ướt và lạnh đến khi xong việc. Rồi những dịp lễ, Tết, người người nhà nhà đoàn tụ, đầm ấm đầy hạnh phúc thì những người công nhân vệ sinh môi trường như chị lại tất bật gấp đôi, gấp ba. Giữa bốn bề lặng ngắt trong đêm, nhiều khi nghĩ đến công việc, đến cuộc sống chị lại chạnh lòng.
Chị Linh cùng chồng đều là công nhân của Công ty cổ phần Vệ sinh môi trường Bình Định nhưng hai anh chị làm hai ca khác nhau. Hai đứa con - đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ chưa tròn năm - đành nhờ bà nội ở quê lên trông giúp. Đêm đêm, mỗi lần rời hơi ấm của mẹ là đứa nhỏ lại khóc nấc. Bước chân đi làm nghe con khóc mà như đeo ngàn quả tạ.
Thi thoảng trong đêm tĩnh mịch, bất giác nghe tiếng trẻ nhà ai khóc là lòng chị lại nôn nao. Bầu sữa căng tức trong ngực, thấm cả ra áo nhắc nhở chị đến giờ con đòi bú mẹ. Vậy mà con ở nhà lại phải uống từng thìa sữa bột, chắc thằng bé lại đang ngằn ngặt khóc. Thương con, nhưng biết làm sao...
“Cái nghề này đôi khi nghĩ là thấy cực, thấy khổ tâm. Cứ tối đến là bỏ con để đi làm, ngày thì đủ thứ việc phải làm nên ngủ được ít lắm. Phải yêu nghề mới trụ được, thấy đường phố sạch bóng là hạnh phúc rồi...", chị Linh cười nhẹ, đứng lên đội lại chiếc mũ bảo hộ lên đầu rồi chào tôi, tiếp tục công việc còn dang dở.
Cách chị Linh không xa, anh Toản tay đưa chổi thành thục, thoăn thoắt di chuyển, tay liên tục lùa từng chiếc ly nhựa, bịch ni lông vứt lăn lóc trên bãi cỏ vào chiếc hốt rác nhỏ trên tay. Mồ hôi tuôn ướt đẫm, bụi cuộn lên qua những tia đèn chiếu sáng của những phương tiện hiếm hoi trên đường.
Dừng tay quét, anh Toản rút chai nước trong chiếc túi đeo ở cạnh sườn ra tu một hơi rồi lại vội vã trở lại với công việc của mình. Khi tôi lân la hỏi chuyện, anh Toản vẫn không ngừng tay. Anh Toản cho biết, mấy ngày nay nhóm của anh làm việc từ 23h đến tầm 3h đã gom được tới gần 20 xe rác đầy ngút ngọn, nhiều gấp 3, 4 lần so với ngày thường.
“Vậy mà vẫn chưa sạch được đó. Khoảng 5h thì mới tạm gọi sạch. Nói chung công việc của tui chỉ kết thúc khi các con đường trở nên sạch sẽ. Công việc của tụi tui là quét hết rác, chứ không phải làm hết giờ là nghỉ”, anh Toản cho biết.
Trong câu chuyện về công việc của mình, anh Toản ngậm ngùi chia sẻ với tôi những khốn khó và cả những hiểm nguy mà người lao công phải đối mặt.
Anh bảo, nỗi lo sợ nhất với các anh chị là gặp phải rác thải có nguồn lây nhiễm bệnh như bơm kim tiêm, bông băng gạc có dính máu do con nghiện bỏ lại. Chỉ cần một phút sơ sẩy là có thể bị kim đâm dù đã được trang bị găng tay và đồ dùng bảo hộ. Bên cạnh đó, xác động vật chết hay đủ loại chất thải của những người kém ý thức cũng là nỗi ám ảnh của các anh chị.
Vất vả là vậy nhưng thu nhập của công nhân vệ sinh rất thấp. Người đã làm hơn 20 năm, cả tiền tăng ca nữa mới được hơn 5 triệu đồng, người mới vào làm được 2, 3 năm còn ít hơn nhiều.
“Tôi vào công ty làm từ năm 2000, đến nay đã 22 năm, tiền phí độc hại chỉ tương ứng với số tiền khi đóng bảo hiểm. Nhiều người đã bỏ nghề, giờ tuyển người thêm cũng là một điều hết sức khó khăn”, anh Toản chia sẻ.
Trò chuyện với tôi được vài phút, anh Toản vội vã chạy lại giúp một đồng nghiệp nữ đang phải dùng hết sức vừa quét, vừa dùng chân đẩy đống cơm cháo bầy nhầy sực mùi tanh tưởi do các quán hải sản ven đường và khách du lịch thải ra.
Được biết tổ của anh Toản, chị Linh ban đầu có hơn 20 người, vì đặc thù công việc quá vất vả nên đã có 4 người xin nghỉ việc, 3 người nghỉ theo diện sinh nở và ốm. Vì vậy công việc phải tăng lên rất nhiều lần để đảm bảo, phụ trách luôn những con đường của những người nghỉ.
Hình ảnh tận lực giữa màn đêm trong các con đường, hẻm phố của chị Linh, anh Toản và những công nhân vệ sinh môi trường cứ ám ảnh trong tâm trí tôi. Tôi tự hỏi, sao các anh chị có thể nhẫn nại với công việc này đến vậy mà gắn bó với nó, có người đã hơn 30 năm và tự động viên rằng, có lẽ mỗi đêm, khi quét rác, họ đã học được cách quét luôn cả nỗi buồn của mình.
Cần lắm sự sẻ chia
Không cần tìm tới những con số thống kê lượng khách du lịch đến thành phố mỗi năm từ các cơ quan chức năng, người Quy Nhơn ai cũng có thể nhận ra rằng, thành phố gần đây trở thành một địa điểm du lịch ngày càng hấp dẫn du khách.
Điều làm nên sự hấp dẫn ấy không chỉ là do cảnh sắc, do nguồn đặc sản phong phú hay những bãi biển xanh mướt trải dài, mà còn vì môi trường của thành phố luôn được đánh giá là sạch sẽ và trong lành.
Tuy nhiên, vào dịp hè đến hay những ngày nghỉ lễ dài, khách đến quá đông, hàng quán theo đó cũng mọc lên tràn lan, nhiều khách du lịch xả rác bừa bãi ngay tại chỗ ngồi, chỗ chơi mà chưa có ý thức gom rác bỏ vào thùng; thậm chí thức ăn thừa họ cũng đổ bừa vào bãi cỏ công viên, bãi cát bờ biển....
Dọc xung quanh các đường ven biển như Xuân Diệu, An Dương Vương, Ngô Mây… hoặc các công viên ven biển được bố trí nhiều thùng rác nhưng vẫn thường xuyên xuất hiện rác thải để lại trên bờ biển, bãi cỏ hoặc các gốc cây ven đường….
Hôm trước, khi tôi ngồi nói chuyện với một người bạn vừa được chuyển tới Quy Nhơn công tác, anh bảo: “Mỗi tối tôi hay đi dạo ở con đường ven bờ biển, thấy người dân, du khách hay tổ chức ăn nhậu trên bờ biển nhưng ý thức bảo vệ môi trường còn rất kém. Cứ tiện tay là vứt rác xuống đường, xuống bãi cát. Đủ các loại rác từ chai lọ, lon bia, nước ngọt, đến bịch ni lông... Có những bữa, khách du lịch vứt rác phía trước, công nhân thu gom rác lầm lũi đi phía sau thu dọn”.
Thành phố biển Quy Nhơn hiện tại là một điểm đến thu hút khách du lịch rất lớn, việc bảo vệ môi trường biển và đường phố là một điều không thể buông lơi. Để đáp ứng yêu cầu đó, từ ngày 5/6, công nhân của Công ty cổ phần Môi trường Bình Định đã sử dụng xe đạp trợ lực có gắn 2 thùng rác sau xe (thùng rác có dán decal truyền thông về giữ gìn vệ sinh môi trường) để thu gom rác, xác động vật phát sinh trên các tuyến đường trung tâm, đông du khách của TP Quy Nhơn.
Mục đích chính vẫn là công nhân của công ty thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở người dân địa phương, khách du lịch bỏ rác đúng quy định, nâng cao chất lượng dịch vụ vệ sinh môi trường của công ty và của thành phố.
Hiện tại, vấn đề nan giải chính nằm ở chỗ nguồn nhân lực của Công ty cổ phần Vệ sinh môi trường Bình Định còn thiếu rất nhiều, ngoài giờ làm ban đêm và tăng ca, ban ngày các nhân viên vẫn kiêm luôn việc đạp xe đi khắp các cung đường thu gom rác và tuyên truyền, vận động. Không những vậy, công nhân vệ sinh còn phải thu gom rác thải bãi biển vào lúc 3h sáng.
Vì sự phát triển văn minh, vì thành phố xanh, sạch, đẹp. Sự cống hiến lặng lẽ của các công nhân vệ sinh nơi đây ngày cũng như đêm vẫn cứ miệt mài.
5h sáng, ánh đèn đường đã tắt. Những cánh cửa nhà sau một đêm yên giấc dần hé mở. Những tiếng còi xe vang lên ngày một nhiều. Nhịp sống ngày mới lại bắt đầu.
Nếu chúng ta một lần được thấy hình ảnh những người lao công nhỏ bé cần mẫn trong đêm quét rác trên những đường phố dài dằng dặc, lặc lè đẩy những chiếc xe rác cao lừng lững... ban ngày lại nhặt từng chiếc lá, từng chiếc túi ni lông, gom từng chiếc khẩu trang, từng mẩu thuốc lá của ai đó vô tình ném vội xuống đường…, chúng ta sẽ suy nghĩ gì, sẽ làm gì?
Mỗi sáng thức dậy, bước ra đường, thấy phố phường sạch sẽ, có ai thầm cảm ơn những con người không ngủ, đã làm việc vất vả suốt đêm, hay chỉ nghĩ rằng đó là điều hiển nhiên, rất đỗi bình thường?
Nhìn những dáng người nhỏ bé còng lưng đẩy chiếc xe nặng nề đầy rác, tôi chợt mong gió không thổi nữa để những chiếc lá vàng ở lại trên cây thêm ít ngày, khách du lịch tới đây nâng cao ý thức bao vệ môi trường hơn, những chiếc thùng rác được thực hiện đúng công năng để những con đường, công viên, trên bãi biển không có rác vương vãi, để những công nhân vệ sinh môi trường sẽ bớt vất vả hơn trên những đoạn đường không có rác. Và, họ sẽ được về nhà sớm hơn với những đứa con đang mong cha mẹ trong đêm sâu chuyển dần về sáng.
Xin hãy một lần thức, nghe tiếng chổi trong đêm để hiểu những cống hiến thầm lặng của những công nhân môi trường, để biết nâng niu, giữ gìn những con đường, góc phố sạch đẹp mỗi bước chân qua.
An Yên - Nguyễn Gia/vtc.vn