Thứ tư, 24/04/2024 18:44 (GMT+7)

Nơi nào có không khí sạch nhất thế giới?

MTĐT -  Thứ hai, 08/06/2020 15:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo CNET - các nhà nghiên cứu cho biết, nếu bạn đang tìm kiếm một luồng không khí trong lành thực sự, thì hãy thử đến vùng biển bao quanh Nam Cực.

Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn bảo vệ chất lượng không khí ở đây luôn ở mức trong lành nhất thì tốt hơn hết là chúng ta đừng nên tới đây. Chính việc không có các hạt bụi mịn từ hoạt động của con người là điều khiến nó trở nên tinh khiết.

Một nhóm các nhà khoa học khí hậu từ Đại học bang Colorado, Mỹ muốn nghiên cứu xem các hạt bụi mịn được tạo ra bởi hoạt động của con người và ngành công nghiệp có thể vươn tới bao xa, vì vậy họ đi thuyền từ Tasmania đến Nam Đại Dương và đo các hạt trong khí quyển ở các điểm khác nhau.

Trong một nghiên cứu tiên phong về thành phần vi sinh vật ở đây, các nhà khoa học của Đại học bang Colorado (Mỹ) đã xác định rằng vùng khí quyển của khu vực này gần như không chịu ảnh hưởng bởi tác động của con người.

Thời tiết và khí hậu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi khí hậu thay đổi nhanh chóng do hoạt động của con người, các nhà nghiên cứu đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra một nơi còn sót lại vẫn chưa bị chúng ta làm thay đổi.

Thế nhưng Giáo sư Sonia Kreidenweis và các cộng sự đã xác định được rằng không khí ở Nam Đại Dương ít bị ảnh hưởng nhất bởi con người và bụi từ các lục địa khác. Cụ thể, lớp biên khí quyển tại đây không chứa phân tử vi khuẩn từ các hoạt động của con người như sản xuất phân bón, xử lý nước thải, trồng cây, đốt nhiên liệu hóa thạch và vận chuyển hàng hóa từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Trên thực tế, ô nhiễm không khí được gây ra bởi phân tử vi khuẩn ở dạng hạt rắn, khí lỏng hoặc khí gas vốn tồn tại lơ lửng trong không khí và được giới khoa học dùng làm công cụ chẩn đoán chất lượng không khí.

Thomas Hill, nhà khoa học và đồng tác giả của nghiên cứu giải thích rằng các phân tử vi khuẩn kiểm soát các tính chất của đám mây ở Nam Đại Dương có mối liên hệ mật thiết với quá trình sinh học đại dương. Nhờ đó, Nam Cực gần như bị cô lập khỏi sự phát tán của vi sinh vật và bụi bẩn từ lục địa khác.

Ông đưa ra kết luận: "Nhìn chung, kết quả cho thấy Nam Đại Dương là một trong số rất ít những nơi trên Trái Đất chịu ảnh hưởng rất nhỏ bởi các hoạt động nhân tạo".

Các nhà khoa học đã lấy mẫu không khí ở một phần của bầu khí quyển tiếp xúc trực tiếp với đại dương và tiến hành kiểm tra. Sử dụng trình tự DNA và phương pháp theo dõi nguồn, Jun Uetake, tác giả đầu tiên của nghiên cứu phát hiện ra rằng nguồn gốc của vi khuẩn là từ đại dương.

Từ thành phần, các nhà nghiên cứu kết luận rằng vi khuẩn trong các khối đất và hoạt động của con người như ô nhiễm hoặc khí thải do thay đổi sử dụng đất, không di chuyển về phía nam.

Họ nói rằng kết quả cho thấy sự khác biệt rõ rệt so với tất cả nghiên cứu khác từ các đại dương ở bán cầu bắc và vùng cận nhiệt đới. Ngoài ra, họ phát hiện hầu hết các vi khuẩn đến từ lục địa gió ngược.

Theo các nhà nghiên cứu, thật khó để xác định những nơi trên Trái đất không bị con người chạm tới. Vậy nên những địa điểm trong lành, tinh khiết như khu vực địa dương bao quanh Nam cực này nên được các quốc gia bảo tồn khỏi hoạt động khai thác của con người.

Bụi mịn từ các hoạt động hàng ngày của con người được coi là nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm không khí. Một cách gián tiếp, bụi mịn là tác nhân gây nên các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, các bệnh về phổi, viêm phế quản...

Ô nhiễm không khí vốn là một vấn đề gây khủng hoảng sức khoẻ trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 7 triệu người chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí.

Nhiều nghiên cứu khoa học trước đó cũng chỉ ra rằng ô nhiễm không khí làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư phổi.

WHO cho biết hơn 80% người dân sống trong các khu vực thành thị phải hít thở không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, vượt quá mức an toàn được tổ chức này khuyến cáo. Trong đó, những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thường phải chịu sự ô nhiễm nghiêm trọng.

Minh Tuệ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Nơi nào có không khí sạch nhất thế giới?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.