Thứ tư, 24/04/2024 10:46 (GMT+7)

Nội thất được tái sử dụng từ phế phẩm công nghiệp

MTĐT -  Thứ ba, 17/08/2021 16:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những phế phẩm công nghiệp cũng có vẻ đẹp riêng và giá trị của nó nếu như biết cách sử dụng...

Noé Duchaufour-Lawrance, một nhà thiết kế (NTK) Pháp đã chứng mình điều này bằng một bộ sưu tập nội thất từ chất liệu sản xuất nút bần bị cháy.

Sau khi chứng kiến cảnh cháy rừng trên đường đi đến Bồ Đào Nha, NTK Noé Duchaufour-Lawrance đã suy nghĩ rất nhiều về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, và ông đã nảy sinh ý tưởng làm một bộ sưu tập bàn, ghế từ những phế phẩm công nghiệp.

Những nút bần rượu vang làm từ vỏ cây sồi là mặt hàng xuất khẩu lớn của Bồ Đào Nha - Ảnh: Dezeen

Theo Dezeen, trong 1 lần chuyển đến Bồ Đào Nha vào năm 2017, NTK đã lái xe một mình suốt 3 ngày và trên đường đi, ông đã chứng kiến một đám cháy kinh hoàng trên ngọn đồi ở Pedrógão Grande. Mọi thứ bị thiêu rụi và hoang tàn. Chính những hình ảnh đó làm Noé Duchaufour-Lawrance suy nghĩ về sự tương tác giữa con người và tự nhiên, về lửa – 1 trong 5 yếu tố quan trọng với sự sống trên trái đất theo quan niệm cả phương Đông lẫn phương Tây.

Bộ sưu tập bao gồm nhiều loại bàn, ghế đều làm từ vật liệu phế phẩm này - Ảnh: Dezeen

Một năm sau đó, trong chuyến thăm NF Cork vào 2018 ở Tây Ban Nha. Ông đến một cơ sở nhỏ sản xuất nút chai và chứng kiến quy trình sản xuất nút bần bao gồm việc biến vỏ cây sồi thành những khối đặc và tạo ra rất nhiều phế phẩm từ phần vỏ bị cháy. Nút chai rượu được làm từ vỏ cây sồi bần là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn của Bồ Đào Nha. Trong các vụ cháy rừng, lớp vỏ ngoài cũng đóng vai trò bảo vệ cho sồi, thế nhưng, để thúc đẩy sự phát triển bên trong thì người sản xuất phải bóc lớp vỏ bên ngoài ấy ra thì cây mới phát triển được.

Mỗi rừng cây sồi bần không hẳn là một hệ sinh thái tự nhiên mà cần có bàn tay của con người mới tạo thành sự phát triển bền vững.

Những chiếc ghế được tạo ra từ phế phẩm công nghiệp - Ảnh: Dezeen

Từ đây, NTK Pháp đã thử nghiệm cách kết hợp nút chai bị cháy vào kỹ thuật truyền thống của NF Cork. Quy trình sản xuất truyền thống bao gồm việc trộn và kết dính các hạt phế phẩm trong khuôn, nung trong 16 giờ và sau đó sấy khô trong vòng 6 tuần, mục đích là tạo cách mảnh vụn thành các khối đặc, có khối mịn và có khối thô trong các thiết kế nội thất Burnt Cork.

Bàn, ghế trong bộ sưu tập của NTK Pháp đều làm từ phế phẩm công nghiệp, đồng thời, trong thiết kế đều có sự chuyển đổi từ phần thô sang mịn, cong, tượng trưng cho quá trình hình thành của chính vật liệu này - Ảnh: Dezeen

Noé Duchaufour-Lawrance cho rằng nút bần làm từ vỏ sồi này có nhiều ưu điểm vượt trội là không thấm nước, đàn hồi và chống cháy rất tốt. Với những thiết kế đặc biệt này, NTK lý giải rằng muốn người dùng có sự kết nối trực tiếp với vật liệu làm nên những món đồ nội thất này, do vậy, trong các sản phẩm như bàn ăn, bàn café, ghế ngồi, ghế dài, ghế đẩu… đều có sự chuyển đổi từ phần thô (phần đế) sang phần mịn (bao gồm mặt ghế, lưng ghế. Điều này còn tượng trưng cho lịch sử và quá trình hình thành của chính vật liệu này./.

Nhật Hạ/Một Thế Giới

Bạn đang đọc bài viết Nội thất được tái sử dụng từ phế phẩm công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới