Thứ sáu, 19/04/2024 17:33 (GMT+7)

“Nóng” chuyện quy hoạch thiếu tầm nhìn, đô thị nhếch nhác

MTĐT -  Thứ tư, 16/08/2017 11:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Có lúc chúng ta buông lỏng khâu thực hiện quy hoạch nên dẫn đến hệ luỵ như ùn tắc, ngập lụt, lấn chiếm sử dụng đất, các vi phạm về quy hoạch xây dựng”

Sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về công tác xây dựng, kiến trúc, giao thông đô thị
                                   Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Là người đầu tiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết trên thực tế, việc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị rất thiếu tầm nhìn.
Minh chứng cho điều này, bà Thuý nói: Đô thị nào cũng có vấn đề môi trường, ùn tắc giao thông triền miên, đường vừa mới làm xong mà đô thị vẫn nhếch nhác, nhà siêu bé, siêu mỏng. 
“Có tình trạng biết trước quy hoạch để trục lợi không? Trách nhiệm Bộ trưởng như thế nào khi đường thẳng thì nắn thành đường cong, sân golf nằm trong sân bay? Vai trò giám sát, thanh tra của Bộ ra sao và Bộ đã xử lý trách nhiệm ai chưa?”, đại biểu Thuý chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết tốc độ thị hoá thời gian qua khá cao. Tính đến tháng 4/2017, cả nước có 805 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 37%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận việc quy hoạch đô thị trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Trước hết là hạn chế về chất lượng quy hoạch, tầm nhìn quy hoạch chưa đảm bảo, có cái ngắn quá, cái dài quá. 
“Khi phân tích dự báo chứng ta đưa ra quy trình tiến độ chưa phù hợp nên tính khả thi chưa cao. Khi thực hiện, có trường hợp quy hoạch chung chưa khớp nối với quy hoạch chi tiết. Hay khi lập quy hoạch, chúng ta vẫn chưa tính toán được các điều kiện, chưa đảm bảo được nguồn lực, tiến độ...”, Bộ trưởng Hà cho biết.
Hạn chế thứ hai theo Bộ trưởng đó là ở khâu tổ chức quản lý quy hoạch. Việc thực hiện quy hoạch thường chậm, không đồng bộ, chắp vá.
“Cái đáng nhẽ làm trước lại làm sau, đáng phải làm toàn phần thì làm một phần. Đây là do cơ quan quản lý Nhà nước không làm đúng chức trách của mình”, Bộ trưởng Hà nói. 
Ông Hà cũng thừa nhận, khâu thanh tra kiểm tra có thực hiện nhưng nhiều trường hợp không được xử lý kiên quyết, kịp thời.
“Có lúc chúng ta buông lỏng khâu thực hiện quy hoạch nên dẫn đến hệ luỵ như ùn tắc, ngập lụt, lấn chiếm sử dụng đất, các vi phạm về quy hoạch xây dựng”, ông Hà cho biết. 
Về vấn đề có hay không việc trục lợi quy hoạch, Bộ trưởng cho rằng về tổng thể chúng ta thực hiện tốt, nhưng trong một số trường hợp cụ thể có dấu hiệu của trục lợi.
Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm trong xây dựng thể chế, tính toán các tiêu chí phát triển trong xây dựng quy hoạch; thủ tục trình tự quy hoạch còn phức tạp, còn nặng về mục tiêu quản lý, thiếu tính khả thi...
Tới đây, Bộ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện các quy định, thể chế về quy hoạch đảm bảo nâng cao chất lượng, chống lãng phí trong quy hoạch, Bộ trưởng Hà khẳng định.
Cụ thể, Bộ sẽ rà soát lại các phương pháp tính, các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan để sửa đổi, loại bỏ một số thủ tục, quy trình không cần thiết, trùng lặp, mâu thuẫn... thí dụ trong cấp phép xây dựng, thẩm định dự án... 
“Hiện Bộ Xây dựng đã rà soát các thủ tục liên quan đến đầu tư kinh doanh và phát hiện 22 điểm chưa đồng bộ, vướng mắc. Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ xem xét sửa”, ông Hà nói.
Đồng thời, theo ông Hà thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương trong tổ chức, theo dõi thực hiện quy hoạch đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, ngăn chặn lợi ích nhóm trục lợi quy hoạch; tăng cường sự giám sát của nhân dân trong xây dựng, thực hiện quy hoạch....
Liên quan đến câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trong công tác thanh tra, giám sát, Bộ trưởng Hà cho biết thấy “rõ trách nhiệm”.
Theo ông, hiện Bộ đang xem xét, trình Chính phủ nghị định mới thay thế nghị định 21 về việc xử lý vi phạm xây dựng theo hướng đi đúng các vấn đề thực tiễn đặt ra.
“Thời gian qua, Bộ đã trực tiếp thanh tra vụ việc có sai phạm lớn. Như vụ Tập đoàn Mường Thanh mới đây, chúng tôi đã thanh tra. Hiện TP. Hà Nội đang đôn đốc xử lý vụ việc”, ông Hà cho biết.
Theo bzlive
Bạn đang đọc bài viết “Nóng” chuyện quy hoạch thiếu tầm nhìn, đô thị nhếch nhác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...