Thứ sáu, 29/03/2024 16:11 (GMT+7)

Nông dân Tân Yên sản xuất vải an toàn để thuận đầu ra

MTĐT -  Thứ hai, 25/04/2022 10:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm nay, dự kiến vải thiều Tân Yên (Bắc Giang) tiếp tục được mùa. Để sẵn sàng xuất khẩu vải thiều sang các thị trường, ngành chức năng và người dân trong huyện tập trung sản xuất vải an toàn, nâng chất lượng quả vải.

Thay đổi nhận thức, cùng sản xuất sạch

Hộ bà Vi Thị Oanh, thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa (Tân Yên) có gần 1 ha vải sớm. Hiện cây đang thời kỳ rụng quả sinh lý nhưng vẫn sai lúc lỉu. Khu vườn tươi mát, không có mùi thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Toàn bộ vườn vải được dọn sạch cỏ, không có rác thải và vỏ thuốc BVTV. Được biết, vợ chồng ông bà là cán bộ hưu đã 30 năm. Do yêu nghề nông nên về Phúc Lễ mua vườn bãi, trồng vải.

Bắc Giang, Sản xuất, vải an toàn, thuận đầu ra, vải thiều sớm
Cán bộ khuyến nông xã Phúc Hòa hướng dẫn bà Oanh chăm sóc vải thời kỳ rụng quả sinh lý.

Trước đây, do chưa có kinh nghiệm, thấy hàng xóm trồng cũng làm theo nên gần 1 ha vải nhưng bà chỉ thu được khoảng 1 tấn quả. Năm 2016, bà được cán bộ khuyến nông xã Phúc Hòa tập huấn, hướng dẫn cách thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2017 bà làm thử nghiệm 0,5 ha, thu về 4 tấn quả. Thấy hiệu quả, từ năm 2018 đến 2021, bà nhân rộng ra cả vườn. Sản lượng bình quân đạt 10 tấn/năm, cho thu gần 300 triệu đồng.

Nhờ sản xuất sạch, năm 2021, 6 tấn vải thiều của gia đình bà được thu mua xuất khẩu sang Nhật Bản. Được sự động viên, khích lệ của cán bộ khuyến nông xã, cuối năm 2021, gia đình bà chuyển sang sản xuất vải hữu cơ. Bà đã đầu tư gần 200 triệu đồng để cải tạo đất, mua phân hữu cơ, thuê nhân công, mua thuốc BVTV (có nguồn gốc sinh học) để chăm bón cho cây.

Bà Oanh nói: “Sản xuất hữu cơ không dùng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học nên vừa tạo ra sản phẩm an toàn được khách hàng ưa chuộng lại bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ chính người trồng vải”.

Chị Nguyễn Thị Nhung, cán bộ khuyến nông xã Phúc Hòa cho biết, nhiều năm qua bà Oanh và gia đình tuân thủ triệt để hướng dẫn chăm sóc của khuyến nông xã nên sản lượng, chất lượng và mẫu quả vải đẹp, luôn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giá bán cao. Đây là diện tích vải duy nhất của Tân Yên đang áp dụng sản xuất hữu cơ.

Tháng 8/2021, Công ty cổ phần NEW AG Technologies Việt Nam đã trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm vải thiều của bà Oanh trong vụ vải năm nay để xuất khẩu sang Mỹ. Học tập bà Oanh, nhiều hộ trong thôn Phúc Lễ, như hộ anh Vi Văn Tốt, Vi Thanh Bình cũng chuyển dần sang hướng sản xuất hữu cơ.

Dù chưa đủ nguồn vốn đầu tư để chuyển sang canh tác hữu cơ hoàn toàn nhưng các hộ đã hạn chế sử dụng phân hoá học và tuyệt đối không dùng thuốc BVTV ngoài danh mục được cơ quan chuyên môn cho phép. Cũng hướng tới sản xuất vải hữu cơ nên ông Giáp Đức Duyệt, thôn Ân Trù, xã Tân Trung (Tân Yên) chia sẻ, sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ đang được hầu hết các hộ áp dụng, đặc biệt phù hợp trong giai đoạn hiện nay khi giá phân bón tăng cao.

Qua nhiều năm trồng vải cho thấy, cứ vải có mã đẹp, được sản xuất an toàn thì bán trong nước hay xuất khẩu đều được, không lo ế hàng.

Vải sạch được ký hợp đồng mua sớm

Đến nay, toàn huyện Tân Yên có hơn 1,3 nghìn ha vải thiều. Tập trung tại các xã: Phúc Hòa, Liên Sơn, Tân Trung, Hợp Đức, Liên Sơn, Liên Chung, Việt Lập và thị trấn Cao Thượng, trong đó có hơn 1,1 nghìn ha vải sớm. Sản lượng vải năm nay dự kiến đạt khoảng 16 nghìn tấn. Diện tích vải sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đạt hơn 880 ha, diện tích vải được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là 380 ha (gồm 30 ha xây dựng mới).

Tân Yên có hơn 1,3 nghìn ha vải thiều. Trong đó có hơn 1,1 nghìn ha vải sớm. Tổng sản lượng năm nay dự kiến đạt khoảng 16 nghìn tấn. Diện tích vải sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đạt hơn 880 ha, diện tích vải được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là 380 ha (gồm 30 ha xây dựng mới).

Vụ này thời tiết thuận lợi nên vải Tân Yên đậu quả đạt tới 90% diện tích. Còn khoảng 1 tháng nữa vải sớm mới được thu hoạch nhưng ngoài Công ty cổ phần NEW AG Technologies Việt Nam, ngày 20/4 vừa qua, Công ty cổ phần Việt Pháp đã ký hợp đồng tiêu thụ khoảng 5 ha tại xã Phúc Hòa, với giá gần 40 nghìn đồng/kg để xuất khẩu sang châu Âu.

8 hộ tham gia ký hợp đồng đều cam kết sản xuất vải sạch theo quy trình do doanh nghiệp yêu cầu và giám sát. Cùng đó, một số doanh nghiệp, HTX sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa đã lên phương án xuất khẩu vải thiều sang Campuchia, Nga và một số siêu thị trong nước…

Năm nay dự báo vải thiều xuất sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp khó, đặc biệt là vải sớm. Bởi Trung Quốc đang hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam. Nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc vẫn thực hiện cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 nên huyện Tân Yên càng tập trung cao cho việc nâng chất lượng sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường các nước khác và tiêu thụ nội địa.

Huyện phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của tỉnh, chỉ đạo UBND xã Phúc Hòa chuẩn bị các điều kiện phục vụ kiểm tra trực tuyến của cơ quan Hải quan Trung Quốc đối với các hộ sản xuất vải thuộc mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời phối hợp với Cục BVTV, Sở Nông nghiệp và PTNT lựa chọn và đề nghị cấp mới 1 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, quy mô 11 ha tại thôn Thái Hòa, xã Phúc Hòa.

Phối hợp với UBND xã Phúc Hòa hỗ trợ phân bón vi sinh Sumagrow với tổng diện tích 15 ha tại các thôn Quất Du 2 và Phúc Lễ. Diện tích vải còn lại tại các xã: Hợp Đức, Liên Chung, Liên Sơn, Tân Trung và thị trấn Cao Thượng dù sản phẩm hướng vào thị trường trong nước nhưng huyện vẫn chỉ đạo bà con sản xuất tuân thủ quy trình VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ để nâng giá trị quả vải, sẵn sàng xuất khẩu.

Bạn đang đọc bài viết Nông dân Tân Yên sản xuất vải an toàn để thuận đầu ra. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo baobacgiang.com.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.