Thứ sáu, 29/03/2024 21:51 (GMT+7)

Nước đâu để làm thép?

MTĐT -  Thứ hai, 12/09/2016 10:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Ninh Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất nước, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra là lấy đâu ra nước để phục vụ “siêu dự án” được đặt tại đây?

Theo báo cáo thiên tai (hạn hán) trên diện rộng của Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận hồi tháng 6-2016, huyện Thuận Nam - nơi Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dự kiến đặt nhà máy thép - là địa phương dẫn đầu về tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở tỉnh, với 2.853 hộ/11.149 nhân khẩu bị thiếu nước.

“Nước đắt đỏ và rất khan hiếm. Năm ngoái và đầu năm nay vùng này vô cùng khổ cực, gọi bồn nước phải đến 4-5 ngày người ta mới chở tới được

Ông Lê Văn Đức 
(thôn Lạc Tân 1, 
xã Phước Diêm)

Vùng dự án thiếu nước sinh hoạt

Trở lại vùng đất này những ngày gần đây, chúng tôi gặp ông Lê Văn Đức (45 tuổi, trú thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm) - gia đình có hồ nuôi tôm tại khu vực Giếng Mui (xã Cà Ná) - cho biết ở đây quý nhất là nước và “sử dụng phải có tiêu chuẩn”, tối đa 15 lít nước/người/ngày vì nước ngọt còn dành để nuôi tôm.

Mỗi tháng gia đình ông Đức phải mua ba bồn nước (4m3/bồn, giá 250.000 đồng/bồn) để nấu nướng, tắm giặt.

“Nước đắt đỏ và rất khan hiếm. Năm ngoái và đầu năm nay vùng này vô cùng khổ cực, gọi bồn nước phải đến 4-5 ngày người ta mới chở tới được. Gần đây đã có mưa, nhà máy nước cấp đều hơn nhưng vẫn rất khó khăn” - ông Đức kể.

Theo người dân, cả vùng rất ít giếng nước ngọt và phụ thuộc hầu hết vào trạm bơm của Công ty Cấp nước Ninh Thuận vừa xây dựng tại xã Cà Ná.

Ông Đỗ Ngọc Sơn - trưởng thôn Thương Diêm 1 (xã Phước Diêm) - cho biết hai thôn Thương Diêm 1 và Thương Diêm 2 của xã có khoảng 90% hộ dân không có nước sinh hoạt sử dụng cả ba tháng nay.

Một cán bộ tại trạm bơm tăng áp Cà Ná (thuộc Nhà máy cấp nước Phước Nam - Cà Ná, Công ty cổ phần Cấp nước Ninh Thuận đóng ở huyện Ninh Phước) cho hay hầu hết người dân vùng này không còn sử dụng nước giếng do bị nhiễm mặn, phải dùng nước máy nhưng đến nay trạm chưa hoạt động.

“Trước mắt, trạm còn bắc một ống dẫn nước ra trước cổng để các xe bồn lấy nước, đi bán tạm thời cho người dân” - vị cán bộ này nói.

Thêm nước cho thép, dân sẽ đói nước

Cũng theo cán bộ này, nguồn nước sử dụng cho toàn bộ khu vực từ huyện Ninh Phước xuống Thuận Nam đều lấy từ đập Nha Trinh (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) cách đó 60-70km bằng đường ống dẫn.

Chúng tôi tìm gặp ông Phạm Hữu Sơn - trưởng phòng phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận - thì được biết ban đầu HSG đề nghị cung ứng 33.000 m3nước/ngày đêm để luyện thép cho giai đoạn 1, nhưng sau đó giảm còn 21.000 m3/ngày đêm, trong đó có 20.000 m3/ngày đêm nước thô và 1.000 m3/ngày đêm nước sạch.

Nguồn cung cấp nước dự định lấy từ Nhà máy nước thô Phước Nam - Cà Ná. Theo ông Sơn, Nhà máy nước Phước Nam - Cà Ná được xây dựng để phục vụ Khu công nghiệp Phước Nam nhưng hiện chưa hoàn thành.

Trong khi đó, ông Phạm Hồng Châu - giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Ninh Thuận - lại cho rằng do Khu công nghiệp Phước Nam chưa hoạt động nên Nhà máy Phước Nam - Cà Ná đang cung ứng nước sinh hoạt cho người dân huyện Thuận Nam. Hiện HSG đề nghị cung ứng 21.000 m3nước/ngày đêm, công ty có khả năng đáp ứng.

“Tuy nhiên nếu HSG “đòi” thêm thì chắc chắn thiếu nước sinh hoạt cho người dân” - ông Châu nhấn mạnh.

Đập Nha Trinh trên sông Cái, đoạn qua xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn) được xây dựng đã lâu. Mặc dù tỉnh Ninh Thuận đã cho gia cố, nâng cấp, nhưng một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận khẳng định Nha Trinh là đập dâng trên sông Cái nên khả năng chứa nước không lớn và chỉ có thể phục vụ sản xuất nông nghiệp cho khoảng 12.000ha cây trồng vào mùa khô.

“Việc huy động nguồn nước tại đây cho sinh hoạt, sản xuất đã khó khăn, nên nói lấy nước để cung ứng cho dự án thép thì phải xem xét lại” - vị này nói.

Ninh Thuận nói đủ nước cho dự án

Trong khi đó, theo văn bản hỏa tốc của UBND tỉnh Ninh Thuận gửi đến Bộ Công thương do ông Phạm Văn Hậu, phó chủ tịch UBND tỉnh, ký ngày 24-8-2016 có nội dung: “UBND tỉnh Ninh Thuận thống nhất và ủng hộ chủ trương cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án này, cam kết cùng nhà đầu tư đẩy nhanh hoàn tất thủ tục liên quan đến dự án trên và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án...”.

Dự kiến trong giai đoạn 1 (đến tháng 10-2017), dự án thép của HSG đề xuất nhu cầu nước từ 21.000 - 33.000 m3/ngày đêm.

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết đã đầu tư hệ thống cấp nước Phước Nam với công suất 30.000 m3/ngày đêm, nguồn nước được lấy từ hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm và đã đầu tư hệ thống chuyển tải đến trạm tăng áp Khu công nghiệp Phước Nam.

“UBND tỉnh Ninh Thuận và nhà đầu tư sẽ phối hợp đấu nối từ hệ thống cấp nước Phước Nam để phục vụ cho dự án. Như vậy nguồn nước phục vụ cho giai đoạn 1 của dự án là đảm bảo nhu cầu” - công văn này khẳng định.

Trao đổi vớiTuổi Trẻ, ông Trương Thanh Hoài, vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), tính toán mỗi tấn thép lò cao cần 7m3nước. Như vậy cứ 1,5 triệu tấn thép cho mỗi giai đoạn thì cần khoảng 10,5 triệu m3nước (tức gần 28.000 m3/ngày).

“Tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản cam kết về nguồn nước, đồng thời sắp tới Chính phủ hỗ trợ và tỉnh đầu tư vào các dự án hồ đập, trong giai đoạn đầu của dự án là 4,5 triệu tấn, tức là trên 30 triệu m3nước” - ông Hoài đánh giá.

Thông tin được UBND tỉnh Ninh Thuận gửi Bộ Công thương cho biết thêm trong giai đoạn 2 đến tháng 12-2025 cũng có thể đáp ứng được nguồn nước cung cấp cho dự án này.

Giải pháp mà tỉnh này đưa ra là dựa vào căn cứ quy hoạch thủy lợi của tỉnh đến năm 2020, có xét đến năm 2025 thì sau khi đập hạ lưu sông Dinh và hệ thống thủy lợi Tân Mỹ hoàn thành, tổng lượng nước có thể cung cấp cho dự án này khoảng 327.000 m3/ngày đêm vào năm 2020 và 340.000 m3/ngày đêm vào năm 2025, sau khi đã cân đối cho các nhu cầu khác.

“Như vậy hoàn toàn có thể đảm bảo nguồn nước thô cho dự án theo nhu cầu của nhà đầu tư” - công văn này khẳng định.

Lọc nước biển: chi phí “khủng”

Với các quốc gia Trung Đông, khử mặn nước biển là cách duy nhất khả thi để cung cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt, phát triển dân số.

Hầu hết các nhà máy này vận hành theo một tiến trình gồm nhiều bước dựa vào thẩm thấu ngược (RO), tuy nhiên đòi hỏi cơ sở hạ tầng tốn kém và lượng điện lớn. Thông thường, các nhà máy khử mặn cần dùng 3kg nước biển để sản xuất 1kg nước ngọt.

Những nhà máy này sau đó thải ra một lượng lớn nước muối có nồng độ cao và những chất ô nhiễm khác trở ngược ra biển và đại dương theo một phần của quá trình khử mặn, gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho môi trường biển.

Chi phí khử mặn nước biển tại các nhà máy ở những vị trí địa lý khác nhau có nhiều khác biệt. Điều này phụ thuộc vào chi phí năng lượng tiêu tốn, tổng công suất của nhà máy, thời gian khấu hao và mô hình sản xuất (sử dụng theo mùa hay quanh năm).

Chẳng hạn, các nhà máy khử mặn ở châu Âu hoạt động suốt năm với chi phí khoảng 1 EUR/m3nước (tỉ giá hiện hành khoảng 25.240 đồng/EUR). Các nhà máy nhỏ, vài nghìn mét khối mỗi ngày, có chi phí cao hơn 3-5 lần.


Theo TTO

Bạn đang đọc bài viết Nước đâu để làm thép?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới