Thứ tư, 24/04/2024 05:28 (GMT+7)

Nước mắt trên má mẹ

Phạm Trung - Dương Công Hợp -  Thứ sáu, 24/03/2023 06:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng nhưng đến hôm nay, vẫn có những bậc làm cha, làm mẹ vô tình bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin mà sinh ra những người con dị dạng. Nỗi đau ấy đến bao giờ mới nguôi ngoai.

Nếu không bị bệnh hiểm nghèo, người mẹ ấy vẫn còn có thể cáng đáng chuyện gia đình và chăm sóc cho người con trai cả là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, giống như hơn 30 năm nay bà vẫn làm vậy. “Nhưng, giờ đây e không còn kịp nữa rồi”, giọng bà thều thào khó nhọc, nước mắt lăn dài trên má.

Vừa bước vào sân, tiếng ú ớ, tiếng hét đã vang lên trong ngôi nhà nhỏ. Tiếng hét đó là của Phan Thanh Tùng (SN 1992), một nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tùng là con trai đầu của bà Đoàn Thị Thanh Tâm (SN1960) ở thôn Tam Đăng, xã Sơn Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình). Nhưng từ gần 1 tháng nay, mặc cho cậu con trai ú ớ bên chiếc võng cạnh giường, bà Tâm cũng không còn chút sức lực nào để gượng dậy chăm con.

tm-img-alt
Mẹ con bà Đoàn Thị Thanh Tâm và Phan Thanh Tùng, nạn nhân chất độc màu da cam

Tùng nằm còng queo trên chiếc võng, toàn thân quấn trong chiếc chăn. Bên dưới chiếc võng là chậu than nóng để tránh rét. Tôi hỏi Phan Thanh Tân, người con trai thứ 2 của bà Tâm: “Sao không để anh nằm trên giường, lỡ ngã thì sao?”. Tân bảo: “Cơ thể anh ngày một teo quắt lại. Toàn thân bất động, nên không anh lo bị ngã. Hơn nữa, nằm võng anh ấy có vẻ dễ chịu hơn nằm giường. Vì nằm võng mềm hơn nêu xương khớp cũng đỡ bị tê mỏi hơn, người nhà cũng dễ chăm sóc, vệ sinh hơn”.

Bà Tâm kể, ông bà kết hôn muộn. Lúc thành gia lập thất, ông đã 50 tuổi, bà cũng đã ngoài 30 tuổi. Thời còn thanh niên, chồng bà có 3, 4 năm đi thanh niên xung phong ở Quảng Trị. Tùng là con trai đầu của mối duyên muộn màng đó.

Ngày chào đời, cơ thể Tùng cũng lành lặn, bình thường giống như bao đứa trẻ sơ sinh khác. Chỉ có điều suốt 1 năm sau đó, Tùng quấy khóc suốt ngày đêm. Cơ thể cứ ngày càng teo quắt lại. Năm lên 2 tuổi có đoàn bác sỹ của tỉnh ra thăm khám và kết luận Tùng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin từ ba. Người ta cũng tư vấn, khuyên can bà về việc sinh nở và những nguy cơ của di chứng chất độc di cam. Nhưng lúc đó, bà đã “lỡ” mang thai Tân. May mắn là Tân không sao. Liền sau đó, ông bà sinh tiếp 3 người con khác, cũng không ai bị di chứng chất độc màu da cam.

Ông bà nghĩ, thế là trời vẫn còn thương mình. Vẫn biết rằng đông con thì sẽ khổ, nhưng dù sao, đứa đau ốm còn có đứa lành lặn để trông cậy lúc ông bà về già. Một thời gian sau, chồng bà phần vì tuổi cao và cả bị ảnh hưởng của chất độc trong chiến tranh, nên sức khỏe cũng không tốt, nay ốm mai đau triền miên. Từ đó, gần như một mình bà vừa chăm con bệnh tật, vừa gánh vác mọi việc trong gia đình.

tm-img-alt
Người con trai út Phan Thanh Tân (người mặc áo xanh) phải bỏ hết công việc để ở nhà chăm lo cho mẹ già ốm đau và người anh trai bị nhiễm chất độc màu da cam

Năm 2007, thấy hoàn cảnh gia đình ông bà quá khó khăn, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã xây dựng cho ông bà một ngôi nhà tình nghĩa. Năm 2017, chồng bà mất.

Giọng bà Tâm kể thều thào trong cơn bệnh tật hành hạ thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi tiếng hét của Tùng. Bà nhìn Tùng mà nước mắt lưng tròng. Bà Tâm kể tiếp, khoảng 2 năm trước, bà có bị choáng mấy lần, đi khám ở bệnh viên, bác sỹ bảo bà bị rồi loạn tiền đình.

Mấy năm nay, bà cứ ốm đau lặt vặt suốt và chỉ nghĩ là bệnh cũ tái phát nên cứ thế uống thuốc gắng gượng qua ngày. “Đợt ra Tết vừa rồi, thấy không gắng được, bà bảo con đưa đi bệnh viện khám. Khi vào đến Bệnh viện Trung ương Huế khám, bà mới biết mình đã bị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối và di căn khắp thân thể, không thể chữa trị. Từ đó, bà kiệt sức và nằm một chỗ.

Lo cho Tùng không có người chăm nom, bà gọi Tân, cậu con trai út sống ở gần đó về chăm anh. Khốn nỗi, vợ chồng Tân cũng không có nghề nghiệp, công việc ổn định, lại một nách nuôi 2 con nhỏ. Ngày thường, Tân đi làm công, ai kêu gì làm đó, còn vợ ở nhà chăm con. Từ ngày mẹ ốm đau, Tân phải bỏ hết việc để chăm mẹ ốm, lo lắng cho anh. “Biết bệnh tình giờ đến nước này, chết cũng cam, nhưng còn thằng Tùng nằm đó, thì tôi khó mà nhắm mắt xuôi tay được”, nói rồi bà khóc.    

Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa Lê Anh Tuấn cho biết: “Gia đình bà Đoàn Thị Thanh Tâm ở thôn Tam Đăng, xã Sơn Hóa là gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều năm nay, một mình bà phải chăm sóc cho con là nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin. Những người con khác trong gia đình đều làm công nhân ở xa, nên cũng không giúp đỡ được nhiều. Bấy lâu, 2 mẹ con bà chỉ sống nhờ vào số tiền chế độ trợ cấp ít ỏi của nạn nhân chất độc màu da cam. Từ khi bị bệnh hiểm nghèo, cảm thương cho hoàn cảnh của bà, chính quyền và các đoàn thể địa phương cũng đã kêu gọi, quyên góp, hỗ trợ một phần nhỏ, nhằm chia sẻ với những khó khăn của mẹ con bà. Hy vọng qua sự giúp đỡ của báo chí, gia đình bà Tâm sẽ nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn đọc gần xa”.

Mọi sự hỗ trợ, chia sẻ của bạn đọc hảo tâm với gia đình bà Đoàn Thị Thanh Tâm, xin vui lòng liên hệ theo địa chỉ: Phan Thanh Tân, thôn Tam, xã Sơn Hóa (Tuyên Hóa), số điện thoại: 0868 584 236 hoặc số điện thoại 0364 922 573.

Hoặc liên hệ : TẠP CHÍ  ĐIỆN TỬ MÔI TRƯỜNG VÀ ĐÔ THỊ VIỆT NAM

Văn phòng giao dịch : Tầng 17, Khu văn phòng Tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội

Hotline : 0961.713.713-0912345014

Chuyển khoản nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ hảo tâm gia đình bà Đoàn Thị Thanh Tâm (Quảng Bình)

Tài khoản số : 123210956

Mở tại ngân hàng : Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank), Chi nhánh Thăng Long, Hà Nội.

Bạn đang đọc bài viết Nước mắt trên má mẹ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới