Thứ sáu, 19/04/2024 05:43 (GMT+7)

Nước sạch - nước bẩn: Nhập nhằng 'Nội kiểm - Ngoại kiểm'

TIÊU DIỆP (THỰC HIỆN) -  Thứ năm, 17/10/2019 18:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội có “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi "diễn hai vai” khi vừa nội kiểm cho các đơn vị sản xuất nước cũng vừa làm ngoại kiểm quản lý về chất lượng nước sạch Hà Nội?

Hơn một tuần qua, người dân Hà Nội đứng ngồi không yên trước sự cố nước sạch sông Đà nhiễm bẩn. Hàng chục siêu thị “cháy” nước đóng chai, hàng trăm người điện thoại cho lãnh đạo Sở, lãnh đạo công ty đều không nhận được hồi âm.

Người dân và ngay cả chúng tôi – những người cầm bút đủ tỉnh táo để nhận ra mình đang là nạn nhân của không ít “sự cố môi trường” có thể nhắc đến như 27kg thuỷ ngân phát tán ra môi trường và lời xin lỗi muộn của Rạng Đông, chỉ số chất lượng không khí (AQI) vượt mức báo động. Và giờ đây, người dân Thủ đô lại phải sống chung với nước nhiễm dầu từ nhà máy nước sông Đà.

Khi hàng loạt sự cố liên tiếp xảy ra, người dân Hà Nội có đủ cơ sở để đặt ra dấu hỏi về trách nhiệm của đơn vị cấp sản phẩm và vai trò quản lý nhà nước trong việc giám sát, kiểm tra chất lượng sản phẩm. 

Thực hiện chuyên đề “An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý”, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử vô tình phát hiện một sự thật “tréo ngoe” liên quan đến việc  kiểm định chất lượng nước tại Hà Nội.

Ở đây, xin chỉ đích danh Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội. Tại thông tư số 50/2015/TT- Bộ Y tế trong Chương I – quy định chung nêu rõ hai khái niệm nội kiểm và ngoại kiểm. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội mặc nhiên "diễn hai vai” vừa là là người làm báo cáo cho cơ sở cũng vừa là người có chức năng kiểm tra.

Để sản xuất và cung ứng nước ra ngoài thị trường, buộc các đơn vị cấp nước phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc nội kiểm và ngoại kiểm như Thông tư 50/2015/TT- Bộ Y tế, sau đổi thành Thông tư 41/2018/TT- Bộ Y tế.

 Quy định nội kiểm do cơ sở cung cấp nước tự lấy mẫu đem đi xét nghiệm; ngoại kiểm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền trực tiếp thực hiện kiểm tra, giám sát (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội).

Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì nhiều đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch cho Hà Nội đã xoay sở và nhanh chóng ký hợp đồng dịch vụ giám sát vệ sinh chất lượng nước sạch (nội kiểm) trị giá hàng trăm triệu đồng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội.

Và tất nhiên, lúc này Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội mặc nhiên "diễn hai vai” vừa là người làm báo cáo cho cơ sở cũng vừa là người có chức năng kiểm tra.

Nói cách khác, chất lượng nước được giám sát ra sao khi đơn vị quản lý nhà nước đứng ra làm dịch vụ nội kiểm cho doanh nghiệp. Việc làm này có được gọi là “bao sân” thậm chí mang tính chất “bảo kê” cho doanh nghiệp?

Dư luận cũng như báo chí chúng tôi đặt ra dấu hỏi liệu những kết quả nội kiểm, ngoại kiểm mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội đang làm có thực sự minh bạch?

Trong cuộc họp giao ban báo chí tại Thành ủy vừa qua, trong cơn sốt nước sạch, báo chí không khỏi bức xúc với sự lấp liếm của đại diện Công ty nước sạch sông Đà.

Chúng tôi không khỏi vui mừng vì sự có mặt của PGS.TS Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, một người vừa có chuyên môn, trình độ lại có vốn hiểu biết sâu rộng. Ít nhiều, ông Hạnh cũng sẽ giải thích cặn kẽ về mức độ nguy hại của stryren vượt ngưỡng và chắc chắn cũng sẽ tỏ tường câu chuyện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội ký hợp đồng dịch vụ kiêm nội kiểm và ngoại kiểm cho doanh nghiệp.

Trả lời cho câu hỏi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội có “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong việc giám sát chất lượng nước sạch tại Hà Nội hay không? PGS.TS Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin khái niệm nội kiểm, ngoại kiểm không đi vào đúng trọng tâm câu hỏi.

Khi được hỏi về việc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội "diễn hai vai", Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chỉ giải thích về khái niệm nội kiểm, ngoại kiểm.

“Nội kiểm do bản thân nhà máy nước phải làm và anh phải chịu trách nhiệm với kết quả tự xét nghiệm. Còn ngoại kiểm là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội) hàng tháng, hàng năm vẫn có những xét nghiệm và gửi báo cáo kết quả lên Sở Xây dựng, trên cơ sở đó có khuyến cáo để Sở Xây dựng có những biện pháp xử lý kịp thời”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội rằng chỉ số xét nghiệm nước tại nhiều khu vực đều có hàm lượng chất Styren vượt ngưỡng. Trong khi Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết chưa có tài liệu chính thống nào xác định styren vượt ngưỡng ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ người dân. Ngược lại, đại diện thành phố khuyến cáo bà con không được ăn, uống nước máy.

Tại sao trong một ngày lại có nhiều kết luận bất nhất được đưa gây thắc mắc? Còn nhiều câu hỏi không tìm được lời đáp... rơi vào im lặng, cuộc họp báo ra về trong sự ngơ ngác của hàng trăm phóng viên.

Chưa kể đến vấn đề tiếp nhận nước đầu vào của các đơn vị mua buôn nước sạch từ nhà máy sông Đà. Nội kiểm được tiến hành ra sao và công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng có thẩm quyền như thế nào.

Chúng tôi – những người cầm bút có quyền phản biện, nói lên tiếng nói của số đông. Song, chúng tôi cũng là một người dân bình dị đang sống, làm việc, hít chung một bầu không khí, uống chung một dòng nước đang bị nhiễm bẩn thì quyền thẳng thắn lên tiếng và yêu cầu giải đáp là lẽ đương nhiên.

Tại sao các đơn vị này chỉ tìm đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội chứ không phải một trung tâm, đơn vị nào khác có đầy đủ ISO và phòng lab hiện đại như: Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế hay Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng...???

Cứ cho rằng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội đủ chức năng nhiệm vụ và năng lực nội kiểm cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để một đơn vị “diễn hai vai”, ai là người giám sát và có thực sự không hề có nhập nhèm?

Liệu rằng, những kết quả chúng tôi cầm trên tay liên quan đến công tác nội kiểm, ngoại kiểm của các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nước sạch trên địa bàn Hà Nội có thực sự khách quan, minh bạch và công tâm?

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn đang đọc bài viết Nước sạch - nước bẩn: Nhập nhằng 'Nội kiểm - Ngoại kiểm'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.