Thứ năm, 28/03/2024 23:12 (GMT+7)

Nước sạch từ vòi: rẻ 1.000 lần cũng không chịu uống

MTĐT -  Thứ ba, 10/01/2017 08:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Singapore mỗi năm mất cả trăm triệu USD cho nước uống đóng chai (nước lọc), theo Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International.

Cơ quan quản lý nước Singapore (PUB) khẳng định đây là một sự lãng phí lớn trong bối cảnh nước từ vòi dồi dào, lại an toàn và rẻ.

Dù nước từ vòi trên toàn Singapore an toàn và có thể uống trực tiếp theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ chấp nhận, nhưng thực tế người dân Singapore vẫn chưa có thói quen uống nước từ vòi, mà chọn bỏ tiền mua nước đóng chai.

“Vấn đề là nhiều người Singapore vẫn không thích “vị” và cảm giác không thoải mái khi uống nước trực tiếp từ vòi

Ông GEORGE MADHAVAN

Nước đóng chai đắt hơn 1.000 lần vẫn bán chạy

Đặt chai nước ướp lạnh có dung tích 600ml lên kệ để nhân viên phục vụ chuyển ra bàn cho thực khách, chị Ngọc Thơm - quê Nghệ An, nhân viên người Việt phục vụ nước tại trung tâm ẩm thực trên đường Bukit Purmei - cho biết chai nước này giá 1 SGD (khoảng 16.000 đồng), tuy không được mua nhiều như nước ngọt và các loại nước khác nhưng cũng bán khá chạy.

Chị Ngọc Thơm, có hai năm làm việc ở trung tâm ẩm thực này, cho biết người dân Singapore trong lúc ăn uống chỉ mua nước đóng chai chứ không yêu cầu lấy nước từ vòi, dù rằng nguồn nước ở đây khá sạch. “Tôi cũng chỉ uống nước vòi, nhưng chắc quá rẻ so với thu nhập và khẩu phần ăn nên họ cũng không để tâm đến” - chị Ngọc Thơm giải thích.

Một chai nước dung tích 600ml được bán ở các cửa hàng tiện lợi hoặc máy bán nước tự động ở Singapore dao động từ 50 cent đến 1 SGD, nếu so với giá trị của nước từ vòi mà PUB công bố: cùng dung tích nước (600ml) giá chỉ có 0,1 cent, rẻ hơn khoảng 1.000 lần.

Khảo sát nhãn hiệu nước đóng chai đang được bán tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị... ở Singapore, chúng tôi nhận thấy các công ty sản xuất đều công bố trên nhãn hiệu sản phẩm của họ: “nguồn cung cấp từ nước công cộng” (sourced from public water supplies) và tất nhiên kèm theo đó là thông tin nguồn nước này đã được xử lý qua nhiều bước để trở thành “nước uống tinh khiết”, nhằm phân biệt với nguồn nước từ vòi.

Đại diện Công ty F&N sở hữu nhãn hiệu nước đóng chai có thị phần lớn nhất Singapore là Ice Mountain thừa nhận với truyền thông Singapore “nguồn nước là từ nước vòi và đóng chai ở Malaysia”. Coca - Cola cũng cho biết nước uống đóng chai của họ được lấy từ nguồn nước công cộng và xử lý ở Malaysia.

Vận động người dân

Có lẽ thói quen hay di chuyển trên đường và bằng các phương tiện công cộng đã làm thói quen mua nước đóng chai hình thành trong cộng đồng dân cư Singapore hơn là việc mang theo bình trữ nước.

Nước đóng chai có thể mua ở khắp nơi: từ cửa hàng tiện lợi, máy bán nước tự động, siêu thị... giá lại rẻ so với chi phí sinh hoạt ở Singapore nên khá tiện cho văn hóa “dùng rồi vứt đi”, chứ không phải lích kích mang theo chai, bình để đựng.

Có một thực tế là ở Singapore chúng tôi ít thấy vòi nước được thiết kế tiện lợi cho người dân, du khách có thể thoải mái lấy nước từ vòi để uống. Những vòi nước công cộng có thiết kế để dễ dàng lấy nước uống được chỉ có thể tìm thấy ở công viên, bệnh viện, nhà ga sân bay... nhưng trên đường phố, những nơi công cộng khác gần như không thấy.

Jessica Lee - nữ nhân viên văn phòng ở khu Raffles Palace - cho biết dù biết nước uống ở Singapore đã đạt tiêu chuẩn WHO, nhưng khi ra ngoài cô vẫn mua nước uống đóng chai uống nếu cảm thấy khát vì tiện, hơn nữa không dễ tìm thấy chỗ để lấy nước uống từ vòi bên ngoài công ty.

“Chỗ có thể lấy nước tiện nhất là từ toilet công cộng, nhưng ai lại đi vào toilet lấy nước uống từ vòi...” - Jessica Lee thẳng thừng từ chối.

PUB cho biết họ đang cố gắng thuyết phục người dân tăng cường sử dụng nước từ vòi vì nguồn nước này rất an toàn. Cơ quan này cho biết mỗi năm họ thực hiện khoảng 400.000 thử nghiệm để đảm bảo nước cung cấp cho hệ thống đạt các tiêu chuẩn an toàn.

Cơ quan này cũng liên tục đưa tin tức về sự trong sạch, vệ sinh và an toàn của nguồn nước vòi trên các phương tiện thông tin đại chúng của Singapore.

Mặc dù vậy, theo ông George Madhavan - giám đốc bộ phận 3P (people - public - private: con người - hạ tầng - tư nhân) thuộc PUB, ngay cả khi đóng chai nước vòi với tên NEWater phát miễn phí trong tuần lễ nước từng tổ chức ở quốc đảo này, người dân vẫn hưởng ứng rất dè dặt.

Ông Madhavan cho biết khi hỏi cảm nhận chất lượng của loại nước này, người dân vẫn cho rằng nó “sao sao ấy”.

PUB sẽ tiến hành nhiều chương trình tập trung giáo dục người dân Singapore về tính an toàn của nước vòi, tại sao chúng có “vị” như hiện nay...

Theo nhiều chuyên gia Singapore, chính quyền nên tổ chức cuộc thi tìm hiểu xem nước vòi an toàn đến mức nào trên mạng Internet, truyền hình, với mục tiêu cuối cùng là để người dân đến gần hơn với nước vòi. Nhưng chiến dịch này có lẽ sẽ còn kéo dài.

Sau nhiều năm cải tạo, đầu tư rất nhiều tiền, Singapore đã xây dựng được các khu dự trữ nước với tổng diện tích hơn 55km2mặt nước (so với hơn 719km2diện tích của cả Singapore) và hơn 8.000km cống thoát nước mưa dồn về các hồ nước.

Công nghệ, kỹ thuật lọc và xử lý nước của Singapore đảm bảo nước uống từ vòi trên khắp quốc đảo đều đạt tiêu chuẩn an toàn của WHO. Giá nước vòi ở Singapore hiện chỉ khoảng 1,5 SGD/m3(tương đương 24.000 đồng cho 1.000 lít).

Theo TTO

Bạn đang đọc bài viết Nước sạch từ vòi: rẻ 1.000 lần cũng không chịu uống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.