Thứ năm, 28/03/2024 18:14 (GMT+7)

Ô nhiễm bụi ở Bắc Kinh, bài học cho Hà Nội

MTĐT -  Thứ năm, 17/12/2015 10:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(tinnhanhmoitruong.vn)- Tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) lần đầu tiên được xếp vào nhóm báo động Da Cam, mức độ cao nhất trong hệ thống cảnh báo ô nhiễm 4 bậc.

Với Hà Nội, mức độ ô nhiễm không khí chưa đến mức như vậy, tuy nhiên nếu không sớm có biện pháp giảm thiểu khói bụi, một ngày không xa nữa Hà Nội sẽ đạt đến mức Da Cam.

Ô nhiễm nhìn từ Bắc Kinh

Tình trạng khói mù do ô nhiễm đang bao trùm 30 TP ở Trung Quốc những ngày qua, trong đó đặc biệt nặng nề là Bắc Kinh. Khói mù bao phủ một khu vực rộng ở miền Trung và miền Đông Trung Quốc từ ngày 11/1 khiến tầm nhìn giảm mạnh. Giới chức phong tỏa nhiều đường cao tốc do lo ngại tai nạn giao thông, còn các hãng hàng không cũng hoãn hoặc hủy vài chục chuyến bay.

Từ ngày 27/11, Cơ quan khí tượng T.Ư Trung Quốc đã phát đi cảnh báo ô nhiễm không khí cấp độ màu Vàng tại TP Bắc Kinh và Thiên Tân, là mức báo động thứ 2 trong 4 mức gồm Xanh, Vàng, Da Cam và Đỏ. Tuy nhiên, đến ngày 29/11, đã nâng cấp cảnh báo ô nhiễm không khí ở  Bắc Kinh lên mức màu Da Cam. Chỉ số PM2,5 (tức là chỉ số hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet) đo được ở nhiều nơi vượt mức 300 microgram/m3 khí, một số nơi chỉ số này lên tới 400 microgram/m3. Khói bụi bao chùm khiến tầm nhìn hạn chế, có nơi tầm nhìn dưới mức 300m. Nhiều tuyến đường cao tốc ra vào TP phải đóng cửa để tránh tai nạn giao thông do tầm nhìn hạn chế. Chính quyền TP Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp đối phó khẩn cấp, trong đó có việc ban bố lệnh cấm tất cả các phương tiện chở đất, cát và đá ra vào TP, tạm dừng tất cả hoạt động tháo gỡ các công trình xây dựng, tạm đóng cửa một số cơ sở sản xuất gây ra nhiều khí thải… Chính quyền TP Bắc Kinh cũng yêu cầu tất cả các trường tiểu và trung học dừng tất cả các hoạt động ngoài trời, cảnh báo người dân làm tốt công tác tự bảo vệ, như hạn chế sử dụng xe ô tô, hạn chế hoạt động tập trung đông người, và đặc biệt là nên đeo khẩu trang khi ra đường.
Đến Hà Nội
Không chỉ gánh chịu nỗi khổ ô nhiễm môi trường từ rác thải, nước thải, tiếng ồn, người dân trên địa bàn Hà Nội hiện đang phải hứng chịu những trận “bão bụi”, từ phương tiện giao thông, công trình xây dựng thi công dang dở… Các tuyến đường bị ô nhiễm nặng nề có thể kể đến QL6 (đoạn Bến xe Yên Nghĩa đến khu vực thị trấn Chúc Sơn huyện Chương Mỹ). Gần như 100% hộ dân ở mặt đường đều phải lắp cửa kính vì bụi xuất hiện suốt ngày đêm, ban công, cửa sổ phải im ỉm đóng quanh năm suốt tháng. Bụi giăng đầy ngoài đường, phủ rạp hết cây cỏ, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe của người dân. Các tuyến cửa ngõ khác của Thủ đô như đường Phạm Văn Đồng, Giải Phóng, Nguyễn Văn Linh… cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Khói bụi gây ô nhiễm trên đường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Ảnh: Chiến Công
Theo thống kê của Bộ TN&MT, hiện có hơn 1000 công trình đang thi công trong nội đô, Hà Nội đang trở thành… đại công trường xây dựng. Đất đá, cát sỏi cùng phế thải là nguồn cung cấp bụi bẩn cho môi trường. Ngoài ra, trong khu vực nội thành còn có khoảng 400 cơ sở sản xuất đang hoạt động, trong đó 147 cơ sở có "tiềm năng" thải ra chất gây ô nhiễm ra không khí. Khí thải của hàng triệu xe gắn máy và hàng trăm ngàn ô tô, cũng "góp phần" vào tình trạng ô nhiễm không khí trong nội đô thêm trầm trọng.
Theo số liệu công bố tháng 11/2015 của Vụ Môi trường - Bộ GTVT, Hà Nội ô nhiễm bụi vượt giới hạn cho phép. Ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã vượt quy chuẩn cho phép chủ yếu là hàm lượng bụi cao hơn 1 - 2 lần tiêu chuẩn. Số liệu về ô nhiễm khói, bụi do các chuyên gia đo được ở Hà Nội vào giờ cao điểm đều vượt giới hạn cho phép của Bộ TN&MT. Theo tài liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường - Tổng cục Môi trường, tại nhiều nút giao thông như Kim Liên - Giải Phóng, Phùng Hưng - Hà Đông, Nguyễn Xiển, nồng độ bụi thường cao hơn 5 - 7 lần mức cho phép. Các khí ô nhiễm khác như CO, SO2 dưới tiêu chuẩn, nhưng đang có xu hướng tăng lên.
Theo số liệu của Phòng CSGT Công an TP, năm 1990 Hà Nội có 34.222 ô tô, năm 2015 có trên 500.000 xe đăng ký lưu thông, chưa kể số lượng xe vãng lai. Như vậy, sau 25 năm, số lượng ô tô ở Hà Nội tăng lên gần 12 lần. Xe máy ở Hà Nội năm 1996 mới có khoảng 600.000 chiếc, năm 2015 có hơn 5 triệu chiếc, tăng gần 9 lần. Do số lượng ô tô, xe máy tăng lên rất nhanh, không những làm tăng nhanh nguồn thải gây ô nhiễm không khí, mà còn gây ra tắc nghẽn giao thông ở nhiều đô thị lớn. Ở Hà Nội có khoảng 40 điểm thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Khi tắc nghẽn giao thông, mức độ ô nhiễm hơi xăng dầu có thể tăng lên 4 - 5 lần so với lúc bình thường.

Hẳn nhiều người còn nhớ trận dông lốc kinh hoàng hôm 13/6, trời đất tối sầm lại bởi mịt mù bụi. Bụi, đất, cát từ các công trường xây dựng bị gió lốc cuốn mù trời. Người tham gia giao thông phải "chôn chân" tại chỗ. Nếu so sánh sự ô nhiễm bụi đất của trận lốc nói trên với tình trạng môi trường ở Bắc Kinh mấy ngày nay thì "bên tám lạng - bên nửa cân".
Hãy giảm thiểu ô nhiễm từ bây giờ

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Phạm Sanh - chuyên gia về lĩnh vực môi trường, giao thông cho biết: “Qua nhiều nghiên cứu từ các tổ chức quốc tế, việc những người sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm nặng sẽ chịu tác hại, nguy hiểm hơn nhiều lần việc hút thuốc lá. Cụ thể, hút thuốc lá chỉ gây ra các bệnh về hô hấp, còn những người sống trong vùng bị ô nhiễm không khí, ngoài sẽ mắc bệnh về đường hô hấp, còn mắc thêm các bệnh đường ruột, bao tử, da, mắt…”. Còn theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ  - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội không chỉ do các phương tiện giao thông hàng ngày mà còn do các phương tiện chở phế liệu, chất thải, vật liệu xây dựng không được che chắn. Vì vậy cần phải có biện pháp mạnh với các loại xe nói trên.

Theo các chuyên gia của Viện khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường  - Bộ TN&MT, trước mắt, TP Hà Nội cần quy hoạch, lắp đặt ngay các trạm rửa xe ở các tuyến cửa ngõ. Các xe tải trước khi vào nội đô nhất định phải rửa sạch. Triển khai trồng mới hệ thống cây xanh, tạo thêm nhiều hồ nước. Với các cụm, khu công nghiệp đang hoạt động trong nội thành cần nhanh chóng di dời ra ngoại ô. Nếu chưa kịp di dời thì phải thay đổi công nghệ sản xuất để hạn chế phát thải các loại khói bụi gây ô nhiễm ra môi trường. Phân luồng rải thảm nhựa các tuyến đường có dấu hiệu xuống cấp; đặc biệt là đường vành đai, đường vào khu đô thị. Khuyến khích phát triển các loại hình phương tiện giao thông ít gây ô nhiễm không khí.

Với những giải pháp nêu trên, hy vọng môi trường Thủ đô sẽ dần được cải thiện, từ đó sẽ tránh rơi vào tình cảnh ô nhiễm như Bắc Kinh của Trung Quốc.
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí Hà Nội đang ở mức báo động đỏ. Nồng độ bụi lơ lửng ở các quận nội thành đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép 5 - 6 lần, thậm chí có nơi trên 10 lần. Lượng khí thải độc hại như CO2, SO2, CO3, NO, CO… ngày càng gia tăng và tác động tiêu cực tới con người, môi trường. Vào giờ cao điểm, nồng độ bụi tính trung bình của riêng TP Hà Nội gấp 4 lần tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí CO cao hơn 2,5 lần, hơi xăng cao hơn 12,1 – 2000 lần tiêu chuẩn cho phép. Người dân sống quanh các điểm nóng giao thông có biểu hiện triệu chứng rõ tới sức khỏe như kích thích các hệ cơ quan mắt, mũi, họng, da và thần kinh thực vật.
GS.TSVũ Hoan-Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội
Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm bụi ở Bắc Kinh, bài học cho Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.