Thứ tư, 11/12/2024 07:28 (GMT+7)

Ô nhiễm dầu ở Ai Cập đe dọa một trong số ít rạn san hô phát triển mạnh trên thế giới

MTĐT -  Thứ tư, 16/11/2022 15:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một kho cảng dầu đang xả chất thải độc hại ra bờ biển Đỏ của Ai Cập, đe doạ tới sự sinh tồn của các rạn san hô hiếm ở khu vực này

Một cuộc điều tra của BBC News đã phát hiện ra khi Ai Cập tổ chức Hội nghị quy tụ các nhà lãnh đạo trên thế giới để cùng thảo luận hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, một kho cảng dầu đang đổ nước thải độc hại trên bờ biển Biển Đỏ của quốc gia này. Một dạng san hô quý hiếm, mang lại hy vọng bảo tồn sự sống ở đại dương khi hành tinh nóng lên, có thể là một nạn nhân.

Các tài liệu do BBC và nhóm báo chí phi lợi nhuận SourceMaterial thu được tiết lộ rằng số nước thải xuất phát  từ nhà máy dầu Ras Shukeir của Ai Cập đang được đổ ra Biển Đỏ mỗi ngày. Nước thải hầu như không được xử lý – nổi lên trên lên bề mặt nước biển trong quá trình khoan dầu khí - chứa hàm lượng chất độc, dầu và mỡ cao.

Các tài liệu do Công ty dầu khí Vịnh Suez, cho biết mức độ ô nhiễm do không tuân thủ các luật và quy định về môi trường của Ai Cập. Các tài liệu cho biết mỗi ngày, 40.000 mét khối nước thải độc hại này - tương đương với 16 bể bơi tiêu chuẩn Olympic đều đổ ra Biển Đỏ.

Tiến sĩ Greg Asner, nhà sinh thái học tại Đại học Bang Arizona, cho biết thông tin này rất đáng báo động, cho thấy vùng biển đang bị ô nhiễm từ chì, cadmium, đồng, niken và các kim loại nặng khác.

tm-img-alt
Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy khu vực biển Đỏ bị ô nhiễm do nước thải từ quá trình khai thác dầu của Ai Cập (Nguồn: Google Earth)

Phân tích các hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao cho thấy một lượng lớn chất thải màu xanh lá cây chảy ra biển, di chuyển tới 20 km (12 dặm) về phía nam vào các khu vực có sinh vật biển.

Công ty phân tích vệ tinh Soar.Earth đã sử dụng các kỹ thuật giám sát chất lượng nước từ xa để kiểm tra mức độ ô nhiễm. Sergio Volkmer, chuyên gia viễn thám của công ty, cho biết nó "không phải do tảo nở hoa" mà từ thứ gì đó bên dưới bề mặt, chẳng hạn như trầm tích hoặc chất lỏng phát ra cục bộ.

Tiến sĩ Asner, nhà sinh thái học của Đại học Bang Arizona, cũng đã kiểm tra khu vực bằng cách sử dụng Allen Coral Atlas, một công cụ vệ tinh có độ phân giải cao để theo dõi các rạn san hô.

Ông cho biết mặc dù có dấu hiệu của một hệ sinh thái đang phát triển mạnh ở hai bên khu vực bị ảnh hưởng, nhưng "đột nhiên bạn có thể thấy rất khó để nhìn xuyên qua mặt nước vì có thứ gì đó trên bề mặt trông giống như ô nhiễm".

Tiến sĩ Gera Troisi, giảng viên tại Đại học Brunel London, người nghiên cứu tác động của chất độc đối với sinh vật, cho biết các hợp chất chứa trong nước thải có thể phản ứng với nước biển, hấp thụ oxy và làm ngạt thở cả những sinh vật biển kiên cường nhất.

Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,5 độ C, 90% san hô trên thế giới sẽ bị xóa sổ. Nhưng mặc dù nhiệt độ nước biển ở Biển Đỏ tăng nhanh hơn so với tốc độ trung bình toàn cầu, loại san hô của khu vực này cho đến nay vẫn chứng tỏ khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu.

tm-img-alt
San hô Biển Đỏ đã chứng tỏ khả năng phục hồi trước nhiệt độ nước biển tăng - nhưng đang bị đe dọa bởi ô nhiễm ngành công nghiệp dầu mỏ (Nguồn: BBC News)

Một số nhà khoa học tin rằng san hô Biển Đỏ có thể nắm giữ bí mật để cứu san hô trên khắp thế giới. Một trong số họ, nhà hải dương học Sylvia Earle, cho biết cần phải nghiên cứu thêm để tìm ra điều gì khiến loài san hô này ít bị tổn thương hơn trước nhiệt độ tăng cao.Loại san hô này có tầm quan trọng to lớn đối với hệ sinh thái biển quốc tế vì khả năng cấy ghép san hô từ Biển Đỏ giúp phục hồi các rạn san hô bị suy thoái ở những nơi khác trên thế giới, như rạn san hô Great Barrier.

Mặc dù chỉ bao phủ 0,1% diện tích đại dương nhưng các rạn san hô là nơi cư trú của 30% đa dạng sinh học biển. Ở Biển Đỏ, chúng là cứu cánh cho các loài có nguy cơ tuyệt chủng như rùa đồi mồi, cũng như hỗ trợ đánh bắt cá, nông nghiệp biển và du lịch - vốn mang lại thu nhập cho hàng triệu người dân Ai Cập.

Các nhà khoa học, cả ở Ai Cập và quốc tế, đã khuyến nghị khu vực nơi có loại san hô này nên được đưa vào khu vực bảo vệ biển mở rộng mới ở Biển Đỏ, để giảm tác động xấu từ ô nhiễm dầu hiện tại tới khu vực này.

Các tổ chức phi chính phủ kỳ vọng việc hạn chế tình trạng ô nhiễm dầu và có thêm nhiều giải pháp khắc phục sẽ được Bộ môi trường Ai Cập công bố tại COP27. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông báo nào được đưa ra.

Hải Sơn (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm dầu ở Ai Cập đe dọa một trong số ít rạn san hô phát triển mạnh trên thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới