Thứ sáu, 26/04/2024 04:40 (GMT+7)

Ô nhiễm khi sống cạnh trạm xử lý rác thải sân bay Nội Bài

MTĐT -  Thứ tư, 01/03/2023 15:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo phản ánh của người dân sống quanh trạm xử lý rác thải sân bay Nội Bài, khu vực này bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bèo, lúa thậm chí đến cả đỉa cũng không sống nổi.

Sống trong sợ hãi

Ông Nguyễn Xuân Minh, 59 tuổi, thôn Đồng Giá, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội lo lắng cho rằng từ khi trạm rác thải sân bay Nội Bài được xây dựng, người dân phải sống cùng ô nhiễm. Ô nhiễm ngấm vào trong từng giếng ăn của người dân. Nếu không có máy lọc nước không ai dám sử dụng. Không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt, sản xuất của bà con thôn Đồng Giá cũng bị ngưng trệ.

Xung quanh trạm xử lí rác thải sân bay Nội Bài, bèo, lúa thậm chí đỉa cũng không sống nổi. Người dân phải thúc nhiều phân bón nhưng cũng không ăn thua, nhiều nơi phải bỏ hoang ruộng đất.

tm-img-alt
Ông Minh chia sẻ về diện tích lúa hoang hóa. Ảnh: Tường Vân

Cùng chung tâm trạng với ông Minh, bà Bình, 69 tuổi trú thôn Đồng Giá cho biết, bà về làm dâu ở thôn Đồng Giá đã mấy chục năm nay. Trước đây nước ở thôn Đồng Giá rất sạch. Người dân có thể tắm thậm chí có người uống trực tiếp. Người dân thường xuyên đi bắt thêm con tôm, con tép ngoài đồng cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, nước ở Đồng Giá hiện nay rất bẩn. Tôm cua chết hết.

tm-img-alt
Bà Bình tiếc nuối môi trường trong lành trước đây đã không còn. Ảnh: Tường Vân

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng thôn Đồng Giá cung cấp thông tin, khu vực người dân ở gần với sân bay Nội Bài, bên cạnh có trạm xử lí rác thải của sân bay. Thời gian qua, nước thải từ trạm xử lí rác thải chảy vào ruộng khiến người dân phải bỏ hoang. Hơn nữa, nước thải ngấm sâu vào đất, có thể ảnh hưởng lâu dài trong vài năm hoặc vài chục năm sau.

“Phần ruộng này chúng tôi đóng thuế đầy đủ, nhường đất cho sân bay nhưng ngược lại khi sân bay phát triển người dân chịu thiệt hại nặng nề, nhưng lại không được hỗ trợ. Mong Sân bay hỗ trợ, đền bù cho bà con nhân dân” - ông Mạnh nhấn mạnh.

tm-img-alt
Nước thải xung quanh trạm rác thải sân bay Nội Bài. Ảnh: Tường Vân

Lý giải nguyên nhân gây ô nhiễm

Trao đổi về tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực trạm rác thải, một cán bộ sân bay Nội Bài cho biết, trước đây, khi lượng khách tại sân bay Nội Bài còn ít, toàn bộ rác thải được thu gom trực tiếp tại nội cảng rồi thuê dịch vụ bốc đi. Khi sân bay phát triển, ban quản lý đã xây dựng trạm trung chuyển xử lý rác ngay khu vực thôn Đồng Giá. Thời gian qua, một số hộ dân có đất xung quanh khu vực phản ánh không canh tác được.

Nếu nói về ảnh hưởng môi trường có 2 loại ô nhiễm. Đó là ô nhiễm nước thải, rác thải thì phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra xác minh mới kết luận được. Còn một loại ô nhiễm nữa là ô nhiễm ánh sáng. Toàn bộ hàng rào chiếu sáng ngày và đêm. Cây cối phải có thời gian nghỉ đêm nhưng ngày đêm bị chiếu sáng sẽ không phát triển được.

tm-img-alt
Nhiều cây cối không phát triển được quanh trạm rác thải. Ảnh: Tường Vân
tm-img-alt
Môi trường xung quanh trạm rác thải sân bay Nội Bài được người dân cho rằng bị ô nhiễm. Ảnh: Tường Vân
tm-img-alt
Người dân mong chờ chính quyền đảm bảo môi trường quanh sân bay Nội Bài. Ảnh: Tường Vân

Xác nhận tình trạng này, ông Chu Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn cho biết, trước đây, chính quyền có nhận được kiến nghị của người dân liên quan đến nội dung khu vực sân bay Nội Bài xả thải ra khu cánh đồng thôn Đồng Giá gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, ngày 15.11.2022, UBND huyện Sóc Sơn đã thành lập đoàn kiểm tra gồm: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công An huyện, UBND xã Thanh Xuân...

Tại buổi làm việc, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn, UBND xã Thanh Xuân, Cảng Hàng không quốc tế miền Bắc, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài kiểm tra thực trạng hoạt động của đơn vị theo phản ánh của nhân dân và cử tri địa phương.

Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra của nhiều phòng, ban lại cho ra một kết quả rất bất ngờ. Sau buổi làm việc ngày 15.11.2022, đoàn làm việc kết luận, không có việc xả thải vào nguồn nước của trạm xử lý chất thải sân bay Nội Bài (Trạm trung chuyển chất thải).

Bày tỏ quan điểm, ông Chu Xuân Tân cho biết: Người dân thôn Đồng Giá khá thiệt thòi. Giai đoạn trước năm 2000, đường vào làng Đồng Giá là một con đường thẳng có cổng chào to đẹp.

Tuy nhiên thời điểm đó, sân bay lấy phần đất này khiến người dân không có đường vào. Sau đó, để đảm bảo giao thông, chính quyền có xây một con đường men theo trạm trung chuyển (đi vòng nhiều cây số). Đây là con đường độc đạo lại nhỏ hẹp tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Thậm chí nhiều chị em phụ nữ từng bị cướp ở khu vực này. Do đó, chính quyền rất mong có sự hỗ trợ thỏa đáng cho người dân.

UBND thành phố Hà Nội sẽ kiểm tra môi trường sân bay Nội Bài trong năm 2023 

Trả lời cử tri trước kỳ họp thứ 3 HĐND Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026, UBND thành phố Hà Nội cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn rà soát, kiểm tra các đối tượng xả thải tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đặc biệt chú trọng tới việc xả thải tại khu cánh đồng thôn Đồng Giá, Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn để có căn cứ đề xuất kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài trong năm 2023.

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm khi sống cạnh trạm xử lý rác thải sân bay Nội Bài. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Hiếu Anh - Tường Vân/Báo Lao Động

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.