Thứ sáu, 29/03/2024 22:39 (GMT+7)

Ô nhiễm không đổi màu

MTĐT -  Thứ ba, 05/06/2018 15:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hủy hoại môi trường dù trực tiếp hay gián tiếp, dù ngay lập tức hay dần dần, đều cướp đi thành quả xây dựng đất nước.

Ngày môi trường thế giới 5/6 năm nay có chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”, thứ nguy hại được giới khoa học gọi là “ô nhiễm trắng”. Ở Việt Nam, vấn đề môi trường gần đây được đặt lên hàng đầu, không cho phép mang môi trường ra đánh đổi. Nhận thức nâng lên, nhưng hành động chưa đồng bộ. Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần bảo vệ môi trường quyết tâm như chống tham nhũng.

Môi trường là vấn đề toàn cầu. Từ xưa tới nay cứ hô hào thì ai cũng thấy cần thiết phải bảo vệ môi trường, nhưng trên thực tế nhiều người, nhiều quốc gia không làm, thậm chí sẵn sàng làm ngược lại những điều đã cam kết. Vậy nên, từ khi có công nghiệp sử dụng nhiên liệu không tái tạo, tàn phá tài nguyên thiên nhiên đến nay đã vài trăm năm, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng. Bất chấp tiến bộ khoa học công nghệ, ô nhiễm không đổi màu, từ lâu đã ở mức báo động đỏ.

Đến thập kỉ thứ 2 của thế kỉ 21 này, cùng với chống ô nhiễm kim loại nặng, ô nhiễm phóng xạ, ứng phó với tình trạng trái đất nóng lên, nước biển dâng, loài người vẫn kêu gọi nhau tự ý thức về thực trạng “ô nhiễm trắng”, khuyến cáo nhau hãy từ chối sử dụng túi nilon, hộp nhựa, cốc, ống hút bằng nhựa… là những thứ hàng trăm năm không phân hủy. Ước tính mỗi năm lượng chất thải này phủ kín 4 lần trái đất, nhưng chỉ có 9% được tái chế, còn lại bị đốt, chôn lấp hoặc đổ ra biển.

Từ khi có công nghiệp sử dụng nhiên liệu không tái tạo vài trăm năm nay, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng. Ảnh: KT.

Tại Việt Nam, mỗi ngày có trên dưới 2 vạn tấn rác thải nhựa, đứng thứ 17 trong tổng số hơn 100 quốc gia được Ngân hàng Thế giới khảo sát. Việt Nam được đánh giá có nhiều nỗ lực khắc phục tình trạng xả rác thải nhựa ra biển bằng cách mở rộng mạng lưới thu gom, giảm thiểu rò gỉ từ bãi rác, đốt rác để sản xuất điện, xây dựng cơ sở tái chế. Giảm thiểu, sử dụng lại, từ chối, phân loại rác… là những từ nhiều năm nay chúng ta nghe đã quen.

Vì vậy, không thể tin được khi thấy hàng trăm ha rừng phòng hộ ở Thanh Hóa bị phủ kín bởi rác thải, túi nilon theo thủy triều dạt vào mắc lại. Ở thành phố lớn, đô thị đang phát triển, những khu tập thể cũ chờ cải tạo, những dự án bao chiếm đất lâu ngày, hầu hết trở thành nơi tập kết rác. Tại không ít khu di tích đã xếp hạng như thành nhà Mạc ở Lạng Sơn, do không được đầu tư tôn tạo đã xuống cấp và trở thành nơi chứa rác, nhìn đâu cũng thấy túi nilon, có cả kim tiêm. Ở nơi được đầu tư lò đốt rác như mới đây tại Dốc Đỏ - Khánh Hòa thì khổ sở vì khói bụi từ lò đốt rác ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, đe dọa cây trồng vật nuôi…

Rõ ràng, không chỉ “ô nhiễm trắng”, mà thực trạng như vừa mô tả cho thấy ở nước ta ô nhiễm môi trường rất đa dạng, nhiều sắc thái, và từ lâu nay, bất chấp mọi nỗ lực, vẫn không đổi màu báo động.

Ô nhiễm không đổi màu vì đại đa số trường hợp không có ai phải chịu trách nhiệm. Tình trạng báo động ở nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, những nhà máy, công xưởng xen lẫn vào khu dân cư, ở ven biển, ven sông suối. Đối với rác thải sinh hoạt, do không được phân loại từ đầu nên xử lí rất khó khăn, không thể biết khi đốt rác xả ra khói bụi chứa chất độc hại gì.

Ô nhiễm không đổi màu vì tại những đô thị lớn, lúc nào cũng có thể gặp xe chở rác che đậy qua quít, thậm chí mở thùng xe toang hoác luồn lách vượt ẩu, vừa đe dọa an toàn giao thông vừa phả ra mùi xú uế nồng nặc. Càng khó chịu khi giữa trưa nắng oi bức xe rác ào tới xúc bốc, cạnh đó là quán cơm phở, xôi, trà đá,… khách hàng thản nhiên ăn uống.

Ô nhiễm không đổi màu vì thỉnh thoảng, thường là ngày kỉ niệm, lễ lạt mới có từng nhóm thanh niên đi nhặt rác, thu gom vật dụng bừa bộn trên bãi biển hoặc ở khu phố, quảng trường. Nhưng những hình ảnh, hành động đẹp như thế quá ít, không đủ sức lan tỏa, dễ dàng bị vùi lấp, bị xóa nhòa bởi thói quen sinh hoạt tùy tiện, bởi hành vi xấu xa xả rác bừa bãi của nhiều nhóm người vô ý thức đang có số lượng áp đảo.

Ô nhiễm không đổi màu, nên nhiều người đề nghị rằng, đã đến lúc phải bảo vệ môi trường quyết tâm như chống tham nhũng. Bởi, hủy hoại môi trường dù trực tiếp hay gián tiếp, dù ngay lập tức hay dần dần, đều hoặc là vô ý hoặc là cố ý cướp đi thành quả xây dựng đất nước. Đó là một loại giặc, vừa lộ mặt vừa lẩn khuất, vô cùng nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ phá hoại không thể phục hồi, cần tiễu trừ bằng quyết tâm mạnh mẽ, bằng sự chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân ta.

Theo VOV

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không đổi màu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới