Thứ tư, 24/04/2024 10:42 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí kéo dài, Hà Nội tổ chức họp khẩn để tìm giải pháp

MTĐT -  Thứ tư, 18/12/2019 17:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 18/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp các sở, ngành, quận huyện để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố.

Theo báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, phát biểu tại cuộc họp chiều nay (18/12), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội luôn quan tâm, đôn đốc công tác bảo vệ môi trường nhưng để giải quyết cần phải có thời gian, giải pháp bền vững và nguồn lực ngân sách lớn…

Ông cũng khẳng định công tác bảo vệ môi trường, làm xanh sạch Hà Nội không thể làm theo kiểm “đốt cháy giai đoạn được” mà cần có kế hoạch dài hơi, làm bài bản với nguồn lực lớn.

“Chúng ta không đốt cháy giai đoạn được, mà phải làm bài bản. Hàn Quốc mất 26 năm, TP Viên (Áo) mất 32 năm, Chương trình trồng cây xanh của Singapore mất 40 năm (bắt đầu từ năm 1980, đến năm 2020 họ mới tổng kết) còn Hà Nội chúng ta mới bắt đầu chương trình trồng cây xanh được ba năm…” - ông nói.

Tuy nhiên, ông cũng cho hay Hà Nội hoàn toàn có thể đẩy nhanh tiến độ xanh hóa cho thủ đô vì hiện nay công nghệ trồng cây xanh đã phát triển, có thể cho phép đánh chuyền những cây trưởng thành để xanh hóa đường phố thay vì phải chờ đợi 10-20 năm để cây trưởng thành.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp.

Chủ tịch Hà Nội cũng cho biết hiện Hà Nội đang được AirParif (Pháp) – đơn vị tham gia tư vấn về công tác bảo vệ môi trường cho TP Bắc Kinh (Trung Quốc) tư vấn về công tác bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, để làm điều này cần nguồn lực rất lớn. “Để giảm ô nhiễm cho TP Bắc Kinh, chỉ trong vài năm, Chính phủ Trung Quốc đã cho di dời di dời toàn bộ các nhà máy, khu công nghiệp xung quanh TP này trong vòng bán kính 150 km. Điều này cho thấy công tác bảo vệ môi trường cần nguồn lực rất lớn” – ông nói.

Chất lượng không khí ngày càng xấu

Theo báo cáo của Sở TN-MT Hà Nội cho thấy, chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội nhiều ngày gần đây có xu hướng xấu đi so với trước. Số liệu quan trắc cho thấy, hầu như tất cả các ngày trong tuần vừa qua, chỉ số chất lượng không khí AQI các trạm ở mức kém, xấu và rất xấu, dao động từ 112 - 121; không có ngày AQI ở mức tốt (màu xanh), trung bình (màu vàng).

Từ những thông số này cho thấy, vấn đề chất lượng không khí cần có những giải pháp xử lý quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Tổng hợp kết quả quan trắc cho thấy, buổi sáng (từ 5h00-12h00) là thời điểm ô nhiễm nhất trong ngày, sau đó giảm nhẹ vào trưa chiều và tăng lên vào ban đêm. Qua theo dõi, đây là giai đoạn có mức độ ô nhiễm cao nhất tính từ thời điểm đầu năm đến nay (4 ngày liên tiếp chất lượng không khí ở mức “xấu” và “rất xấu”).

Theo báo Tiền phong, lý giải về mức độ ô nhiễm như hiện nay, đại diện Sở TN-MT Hà Nội nêu 12 nguyên nhân, bên cạnh hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào giữa đêm và sáng sớm diễn ra mạnh vào thời điểm cuối năm thì sự gia tăng của phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện cũ nát không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải;

Nhiều tuyến đường ở Hà Nội đang thi công gây bụi mù mịt. Ảnh: Trường Phong

Do một bộ phận nhân dân và các hộ kinh doanh dịch vụ đun bếp than tổ ong, đốt củi trong sinh hoạt hàng ngày, không đảm bảo an toàn về phòng cháy; do đốt rác tự phát, công trình xây dựng dồn dập vào cuối năm… là nguồn phát thải các chất ô nhiễm ra môi trường khá lớn.

Và dưới tác động của các điều kiện khí tượng bất lợi kết hợp với nghịch nhiệt làm cho các nguồn thải hàng ngày không phát tán lên cao được mà bị tích tụ lại lơ lửng ở lớp khí quyển sát mặt đất, khiến nồng độ chất thải rất cao, chất lượng không khí suy giảm.

Còn Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thì nhấn mạnh đến tình trạng các công trình xây dựng nhà ở và đại công trình xây dựng dịp cuối năm gây ô nhiễm bụi trên địa bàn.

Theo Đại tá Tùng, các chủ đầu tư công trình xây dựng không có ý thức bảo vệ môi trường, không làm hết trách nhiệm để hạn chế ô nhiễm môi trường. “Khi làm đường, bên thi công không cho hút bụi mà lại dùng máy thổi bung lên trời gây ô nhiễm không khí”, ông Tùng nói. Ông cho hay trong quý IV-2019, lực lượng chức năng đã xử lý 323 ô tô đánh rơi vãi vật liệu xây dựng, 120 xe quá tải.

Đề nghị tưới nước, rửa đường

Theo Vov, nêu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Nắng Mai cho rằng, trên địa bàn quận, hiện cũng có nhiều công trình lớn như đường sắt trên cao, đường vành đai 3 phát sinh nhiều bụi. Bà Nắng Mai kiến nghị được tưới nước rửa đường trên 15 tuyến đường chính. Hiện, Sở Xây dựng đã thống nhất ý kiến, kiến nghị lên thành phố.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cũng đề xuất tưới nước rửa đường từ 2 – 3 lượt/tuần đối với các tuyến phố chính của quận. Quận cũng tiến hành xử phạt đơn vị đang cải tạo vỉa hè nhưng chưa đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công. Theo lãnh đạo quận Đống Đa, trên địa bàn quận còn 1.500 hộ đun than tổ ong, là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí.

Chung quan điểm, lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai cũng đề nghị được rửa hai tuyến đường trọng điểm trên địa bàn quận.

Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái đề xuất thành phố cho phép Chi cục khuyến cáo người dân trong những ngày chỉ số bụi cao hơn 300, có thông báo đến Sở GD&ĐT cho học sinh nghỉ học bởi mức này nguy hại tới sức khỏe. “Các thành phố khác trên thế giới như Bangkok chỉ số hơn 300 là học sinh mẫu giáo và tiểu học được nghỉ”, ông Thái nói

Về lâu dài, các bộ, ngành như Xây dựng, GTVT, Công Thương phải chung tay xử lý vấn đề ô nhiễm không khí như kiểm soát phát sinh khí thải tại các khu công nghiệp; bảo vệ môi trường các lưu vực sông lớn như sông Hồng, sông Đà, Bắc Hưng Hải; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải với mô tô, xe máy để kiểm soát…

P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí kéo dài, Hà Nội tổ chức họp khẩn để tìm giải pháp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới