Thứ sáu, 29/03/2024 19:29 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở cả hai miền Nam - Bắc

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ ba, 26/01/2021 16:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ô nhiễm môi trường không khí do chất thải công nghiệp và giao thông vận tải gây ra đã làm thiệt hại rất lớn về vật chất đối với nền kinh tế quốc dân và làm tăng bệnh tật ốm đau đối với nhân dân.

  1. Môi trường không khí

Môi trường không khí có ý nghĩa rất hệ trọng đối với con người, bởi vì người ta có thể nhịn ăn 7-10 ngày, nhịn uống 2-3 ngày, nhưng chỉ sau 3-5 phút không hít thở thì con người đã có nguy cơ tử vong. Môi trường không khí từ lâu đã bị ô nhiễm và sự ô nhiễm đó ngày càng có chiều hướng gia tăng, nhất là ở các vùng đô thị và khu công nghiệp.

Ô nhiễm môi trường không khí là một vấn đề tổng hợp, nó được xác định bằng sự biến đổi môi trường theo hướng bất lợi đối với cuộc sống con người, của động vật và thực vật mà lại chính do hoạt động của con người gây ra với quy mô, phương thức và mức độ khác, trực tiếp hoặc gián tiếp tác động làm thay đổi mô hình, thành phần hóa học, tính chất vật lý và sinh học của môi trường không khí.

Ô nhiễm môi trường không khí do chất thải công nghiệp và giao thông vận tải gây ra đã làm thiệt hại rất lớn về vật chất đối với nền kinh tế quốc dân và làm tăng bệnh tật ốm đau đối với nhân dân.

Dưới tác hại của ô nhiễm môi trường không khí, nhiều quần thể cây xanh đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Các nhà lâm học đã khẳng định rằng: do ô nhiễm môi trường không khí mà ở Châu Âu diện tích cây xanh đã thu hẹp 40%.

Có thể kể đến thảm họa đầu tiên trong thế kỷ 20 do ô nhiễm môi trường không khí gây ra là hơi khói công nghiệp phát ra đã bị hiện tượng khí hậu “nghịch đảo nhiệt” kìm hãm, gây ra đầu độc ở thành phố thung lũng Manse thuộc nước Bỉ vào năm 1930 và tương tự ở thung lũng dọc sông Monongahela vào năm 1948. Hàng trăm người đã chết trong các thảm hoạ này. Hiện tượng “nghịch đảo nhiệt” đã làm tăng nồng độ hơi khói độc gây ngạt thở ở Luân Đôn năm 1952, làm chết và bị thương 4000 - 5000 người. Ở thành phố Los Angeles (Mỹ) cũng đã có lần xảy ra tương tự. Không khí ô nhiễm bị tù hãm đã bao phủ từ miền Chicago và Miiwaukee tới New Orleans và Philadelphia ở nước Mỹ vào tháng 8 năm 1969, đã gây nhiều thiệt hại.

Thảm họa lớn nhất trong lịch sử loài người do ô nhiễm môi trường không khí gây ra lại xảy ra trong thời gian gần đây nhất, đó là vụ rò khí MIC (khí methyl-Iso-cyanate) của Liên hiệp sản xuất phân bón ở Bhopal (Ấn Độ) vào năm 1984. Khoảng 2 triệu người dân ở Bhopal đã bị nhiễm độc, trong đó có 5.000 người đã chết và 50.000 bị nhiễm độc trầm trọng, rất nhiều người bị mù. [1]

Ô nhiễm không khí

Đối với hoạt động bình thường của con người và các sinh vật không chỉ cần có không khí mà còn đòi hỏi ở mức độ trong sạch nhất định. Bất kỳ một sự thay đổi nào về thành phần, nồng độ, chẳng hạn sự nhiễm bẩn không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và quá trình sinh trưởng, phát triển của sinh vật, ảnh hưởng của con người vào bầu khí quyển khổng lồ là:

          - Nguồn cố định, do đốt nhiên liệu: các phương tiện giao thông cơ giới như ô tô, xe máy, máy bay, tàu thủy, tàu hỏa…

          - Nguồn không phải là đốt nhiên liệu: Đốt chất thải, bụi, khí độc, chất có mùi rò rỉ và bay hơi từ dây chuyền sản xuất công nghiệp, từ sản xuất nông nghiệp và từ khai thác mỏ, vật liệu xây dựng.

Bảng 1. Nguồn phát sinh và tác động của các chất ô nhiễm không khí chủ yếu [1]

2. Hiện trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 5 – 12/11/2019, chất lượng không khí Hà Nội diễn biến theo chiều hướng xấu. Đặc biệt, ngày 11/11/2019 ghi nhận chỉ số chất lượng không khí AQI giờ vượt ngưỡng 300 (mức nguy hại), ngưỡng toàn bộ dân số có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, cần cảnh báo khẩn cấp. 
Nồng độ PM2.5 tăng cao vào khoảng thời gian từ nửa đêm đến sáng sớm. Đặc biệt từ 1-7h sáng, chỉ số AQI giờ tại các trạm quan trắc đặt tại phố Phạm Văn Đồng, số 556 đường Nguyễn Văn Cừ, phố Minh Khai và Chi cục BVMT Hà Nội đều vượt ngưỡng giá trị 300 (mức nguy hại). Giá trị AQI giờ cao nhất ghi nhận được là 364 (mức nguy hại) tại trạm 556 Nguyễn Văn Cừ lúc 5 giờ sáng. 
Ngày 12/11/2020, chỉ số chất lượng không khí buổi sáng ở Hà Nội lên ngưỡng nguy hại, ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng nhất, gây nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người. Đây là đợt ô nhiễm không khí nặng nề nhất từ đầu mùa thu đến nay. 
Không khí Hà Nội ô nhiễm ở mức nguy hại cho sức khỏe người dân. Ảnh minh họa
Ô nhiễm không dừng ở Hà Nội lan ra toàn miền Bắc và các tỉnh Bắc Trung bộ bao gồm cả điểm đo các tỉnh miền núi phía Bắc như: Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên, các địa phương ở đồng bằng sông Hồng như Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình hầu hết ở ngưỡng đỏ, xấp xỉ ngưỡng tím.
Như vậy Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã trải qua một tuần ô nhiễm không khí cực kỳ nghiêm trọng với xu hướng ô nhiễm tăng dần lên, từ ngưỡng đỏ, qua ngưỡng tím rồi lên ngưỡng nguy hại.
Theo nhận định sơ bộ Tổng cục Môi trường, nguyên nhân của hiện tượng này là từ 4-12/11/2020, miền Bắc không có mưa, độ ẩm không khí thấp, trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt, các chất ô nhiễm trong không khí không thể phát tán lên cao và đi xa. Tổng cục Môi trường khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe, người dân nên hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường.
Chiều 21/1/2021, hơn 10 điểm đo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ghi nhận ô nhiễm lên ngưỡng rất xấu - – một trong những ngày ô nhiễm nhất từ đầu mùa. Hai ngày qua, TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long cũng ghi nhận ô nhiễm không khí nghiêm trọng vào buổi sáng.
Ô nhiễm không khí cũng được ghi nhận tại nhiều tỉnh thành miền Bắc như Thái Nguyên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với mức độ từ xấu, rất xấu đến nguy hại.
Theo nhận định của Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air, đợt ô nhiễm không khí này có thể kéo dài ít nhất đến đầu tuần tới, khi nước ta đón một đợt gió mùa đông bắc tràn về. Mức độ ô nhiễm được nhận định sẽ duy trì ở ngưỡng xấu, rất xấu, thậm chí nguy hại ở một số điểm đo. 
Đáng lưu ý, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, những khu vực vốn rất ít ghi nhận ô nhiễm không khí, cũng bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong hai ngày qua ở ngưỡng xấu, một số điểm lên rất xấu, theo ghi nhận của PAM Air và hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ. Cả ngày hôm qua, TP Hồ Chí Minh luôn ở ngưỡng rất xấu tại điểm đo của Đại sứ quán Mỹ. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chưa có hệ thống quan trắc không khí cố định, liên tục của cơ quan chức năng. 

Chất lượng không khí tại thành phố Hồ Chí Minh đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Ảnh minh họa

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết, Tổng cục đang phối hợp với Phần Lan để thí điểm việc dự báo chất lượng không khí, cuối năm 2021 sẽ có những báo cáo về chất lượng không khí. Khi có đầy đủ dữ liệu và năng lực phân tích, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua hợp tác quốc tế sẽ sử dụng các mô hình để dự báo chất lượng không khí. "Mục tiêu đặt ra là có thể thực hiện dự báo trong 5 năm tới”, ông nói. 
Ngày 21/1/2021, do điều kiện thời tiết xấu, mây mù, khói bụi, tầm nhìn giảm tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) ảnh hưởng tới việc khai thác, một số chuyến bay dự kiến tới sân bay này đã phải hạ cánh xuống các sân bay dự phòng. Theo đó, Vietnam Airlines và Pacific Airlines đã phải chuyển hướng 7 chuyến bay, Vietjet phải chuyển hướng 9 chuyến bay, Bambo Airway phải chuyển hướng 5 chuyến bay. 
Nguồn nhiễm không khí [2]
a) Môi trường không khí ở hầu hết đô thị và các khu công nghiệp nước ta đều bị ô nhiễm nặng về bụi. Nồng độ bụi trong không khí vượt quá trị số tiêu chuẩn cho phép từ 1,3 đến 3 lần, cá biệt có chỗ vượt 10 lần. Nồng độ khí SO2 trong khu vực xung quanh một số nhà máy xí nghiệp vượt quá tiêu  chuẩn cho phép từ 1,1 đến 2,7 lần. Nồng độ chì trong không khí ở một số nút giao thông lớn xấp xỉ bằng giới hạn cho phép. Ở Việt Nam, ô nhiễm khí CO, CO2, NO2 và mưa axit chưa là vấn đề bức xúc.
b) Nguồn gây ô nhiễm chính đối với môi trường không khí ở nước ta là các nguồn thải công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải. Nếu xét về ngành sản xuất công nghiệp thì các nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là: công nghiệp nhiệt điện, sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, công nghiệp hóa chất, công nghiệp phân bón, công nghiệp luyện kim và các ngành công nghiệp khác.
1. Ô nhiễm không khí do công nghiệp
Nguồn ô nhiễm không khí từ hoạt động công nghiệp, công nghiệp cũ được xây dựng trước năm 1975 đều là những công nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, một số cơ sở có thiết bị lọc bụi nhưng hầu như chưa có thiết bị xử lý khí thải độc hại. 
Các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu hiện nay được nêu ra theo thứ tự từ lớn đến nhỏ là: nhiệt điện, sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, công nghiệp hóa chất, công nghiệp phân bón, luyện kim, giấy, đường thực phẩm và các ngành công nghiệp khác. 
2. Nguồn ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải
Trước năm 1980 khoảng 80 - 90% dân đô thị đi bằng xe đạp, ngày nay, khoảng 80% dân đô thị đi bằng xe máy. Nguồn thải từ giao thông vận tải đã trở thành một nguồn ô nhiễm chính đối với môi trường không khí ở đô thị, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng. Nạn tắc nghẽn giao thông trong những năm gần đây càng làm cho tình trạng ô nhiễm không khí trong đô thị trở nên trầm trọng hơn. 
3. Nguồn ô nhiễm không khí do hoạt động xây dựng 
Ở nước ta hiện nay hoạt động xây dựng nhà cửa, đường sá, cầu cống… diễn ra mạnh mẽ khắp nơi, đặc biệt là ở các đô thị. Các hoạt động xây dựng như đào lấp đất, đập phá công trình cũ, vật liệu xây dựng bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển, thường gây ô nhiễm bụi rất trầm trọng đối với môi trường không khí xung quanh. Kết quả đo lường thực tế chứng tỏ khoảng 60 - 70% lượng bụi trong không khí đô thị là lượng bụi sinh ra từ hoạt động xây dựng. 
4. Nguồn ô nhiễm không khí từ việc đun nấu trong sinh hoạt của nhân dân
Nhân dân thành phố thường đun nấu bằng than, dầu hỏa, củi, điện và khí tự nhiên (gas). Đun nấu bằng than và dầu hỏa thải ra một lượng chất thải ô nhiễm đáng kể, đó là nguồn ô nhiễm chính đối với môi trường không khí trong nhà, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Đối với nội thành cần cấm đun than tổ ong, cấm đốt rơm rạ và đốt rác bừa bãi. 
III. Triển khai các giải pháp giảm ô nhiễm
Giải thích về nguyên nhân ô nhiễm không khí tăng cao, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, vào ban ngày nền nhiệt tăng khá cao (nhiệt độ cao nhất 28oC); buổi tối, nhiệt độ lại giảm sâu (thấp nhất 19oC) gây ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ. Đồng thời, những ngày này tốc độ gió luôn ở mức thấp, các nguồn thải hàng ngày không phát tán lên cao mà bị giữ lại lơ lửng ở lớp khí quyển sát mặt đất.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều 13/11/2020, miền Bắc đón đợt không khí lạnh kèm theo mưa. Mưa sẽ rửa trôi các chất ô nhiễm trong không khí và gió giúp không khí lưu thông tốt hơn, tình trạng ô nhiễm sẽ giảm, chất lượng không khí được cải thiện hơn. 
Mặc dù vậy, Chi cục Bảo vệ môi trường khuyến cáo người dân nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn để chống bụi, đeo kính khi ra đường… Hiện nay, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để cải thiện môi trường như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng, phương tiện giao thông gây bụi, phân làn giao thông nhằm hạn chế ùn tắc… Cùng với đó là tiếp tục thúc đẩy việc trồng thêm cây xanh, thay thế bếp than tổ ong…
Đối với hoạt động bình thường của con người và các sinh vật không chỉ cần có không khí mà còn đòi hỏi ở mức độ trong sạch nhất định. Bất kỳ một sự thay đổi nào về thành phần, nồng độ, chẳng hạn sự nhiễm bẩn không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và quá trình sinh trưởng, phát triển của sinh vật, ảnh hưởng của con người vào bầu khí quyển khổng lồ là: 
- Nguồn cố định, do đốt nhiên liệu: Các phương tiện giao thông cơ giới như ô tô, xe máy, máy bay, tàu thủy, tàu hỏa…
- Nguồn không phải là đốt nhiên liệu: đốt chất thải, bụi, khí độc, chất có mùi rò rỉ và bay hơi từ dây chuyền sản xuất công nghiệp, từ sản xuất nông nghiệp và từ khai thác mỏ, vật liệu xây dựng. 
Quản lý các nguồn thải ô nhiễm tĩnh (nguồn thải công nghiệp)
a) Bố trí khu công nghiệp 
Trong quy hoạch sử dụng đất, việc bố trí tập trung các cơ sở sản xuất vào các khu công nghiệp là một biện pháp quan trọng hàng đầu để kiểm soát ô nhiễm. Khu công nghiệp cần phải đặt ở cuối hướng gió và cuối nguồn nước đối với khu dân cư, xung quanh khu công nghiệp có vành đai cây xanh giãn cách với khu dân cư và các đô thị khác. Ở Vương Quốc Anh đã từ lâu các chính quyền địa phương có quyền xác định toàn bộ hay một phần khu vực đô thị là "các khu không được xả khói”, xả khói trong các khu vực này bị coi là vi phạm, bị phạt hoặc bị đình chỉ hoạt động, như vậy chỉ được bố trí các khu công nghiệp sản xuất không có ống khói, không gây ô nhiễm ở các khu vực này, chính quyền địa phương còn quy định chiều cao tối thiểu của các ống khói đối với các cơ sở công nghiệp.
b) Quản lý các nguồn thải tĩnh.
Kiểm soát các nguồn thải tĩnh (các ống khói công nghiệp) là một biện pháp quan trọng của quản lý môi trường trong không khí. Ở Mỹ người ta đã tổng kết kinh nghiệm về công nghệ sản xuất tiên tiến và công nghệ kiểm soát ô nhiễm khả thi để định ra các chuẩn phát thải ô nhiễm của các nguồn tĩnh. Chuẩn phát thải này phụ thuộc theo ngành sản xuất và quy mô sản xuất của mỗi Công ty. Ở Mỹ, việc kiểm soát mức xả khí của các nguồn được xác định bằng cách dùng mô hình tính trên máy để xác định xem các nguồn thải có gây ra sự vi phạm tiêu chuẩn chất lượng môi trường đối với cá khu dân cư xung quanh hay không? Nếu vi phạm bắt buộc phải xử lý.
Quản lý các nguồn thải ô nhiễm di động
Các phương tiện giao thông cơ khí là các nguồn thải di dộng gây ô nhiễm môi trường không khí. Đô thị càng lớn, càng phát triển, thì giao thông cơ giới sẽ càng phát triển và nguồn thải chất ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông cơ giới gây ra trong đô thị càng lớn. Ở rất nhiều đô thị lớn ở trên thế giới hiện nay lượng thải ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông cơ giới chiếm 70 - 80% tổng lượng thải ô nhiễm không khí ở đô thị. 
Ở rất nhiều nước đã đặt ra tiêu chuẩn xả khí đối với các nguồn di động (các loại  xe ô tô, xe máy). Các cơ quan quản lý tiến hành cưỡng chế thi hành các tiêu chuẩn này bằng cách tiến hành các chương trình kiểm tra và chứng nhận đã đảm bảo tiêu chuẩn môi trường đối với các xe mới xuất xưởng, xe nhập khẩu cũng như xe đang lưu hành trên đường phố. Tổ chức các trạm kiểm soát môi trường đối với các loại xe đang lưu hành trên các đường phố, bắt giữ, xử phạt hoặc thu giấy phép lưu hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn môi trường. Ở Băng Cốc (Thái Lan) đã thực hiện kiểm soát và bắt giữ các xe xả khí ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn môi trường từ năm 1992.
Ở nước ta, cần tăng cường kiểm  soát khí thải của các xe và kiên quyết cấm các xe cũ thải nhiều khí thải ô nhiễm hoạt động. Tăng cường giao thông công cộng, hạn chế xe tư nhân, cần có quy định hạn chế hoặc cấm xe con hoạt động ở một số khu vực ở thành phố.
Nên có các loại xe công cộng nhỏ đi đến tận các khu phố để đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Quản lý tiếng ồn 
Tiếng ồn là một dạng ô nhiễm rất phổ biến của đô thị. Thành phố càng lớn, càng sầm uất, giao thông và sản xuất càng phát triển thì ô nhiễm tiếng ồn càng nặng. 
Tiếng ồn tác động lên cơ thể con người ở 3 mức: 
- Quấy rầy về mặt cơ học, như che lấp âm thanh cần nghe. 
- Quấy rầy về mặt sinh học của  cơ thể, chủ yếu là đối với bộ phận thính giác và hệ thần kinh. 
- Quấy rầy về sự hoạt động xã hội của con người. 
Độc hại của tiếng ồn trước hết là nguyên nhân của bệnh thần kinh, đau đầu, tăng huyết áp và giảm trí nhớ.
* Tiếng ồn công nghiệp: 
Tiếng ồn công nghiệp được sinh ra từ quá trình va chạm, chấn động hoặc chuyển động qua lại do sự ma sát của các thiết bị và hiện tượng chảy rối của các dòng không khí và hơi. 
Có thể giảm đáng kể tiếng ồn va chạm và chấn động bằng cách đặt thiết bị trên đệm đàn hồi. Thêm vào đó, có thể giảm tiếng ồn dao động bằng cách tăng trọng lượng hoặc thiết kế các bộ phận máy cẩn thận để tránh sự cộng hưởng. Khi cần thiết thì cá thể dùng vật liệu hút âm bao bọc, che phủ thiết bị. Tiếng ồn do dòng không khí gây ra có thể loại trừ bằng cách sử dụng đường ống hợp lý, thiết kế và lắp đặt chính xác các miệng hút khí và miệng thổi khí. Để giảm tiếng ồn của nhà máy đối với vùng xung quanh phải chú ý ngay từ khâu xây dựng nhà máy, thiết bị gây ồn nhất của nhà máy cần để xa khu dân cư và xa chỗ công nhân làm việc cần yên tĩnh vì cường độ âm thanh giảm đi theo tỷ lệ bình phương khoảng cách giữa nguồn âm đến người nghe. Các màng chắn - theo các dạng công trình xây dựng tường cao và cây cối, nằm giữa nhà máy và khu dân cư có giá trị làm giảm tiếng ồn công nghiệp./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, "Quản lý môi trường đô thị”, NXB Nông nghiệp - 2009.
2.PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, "Công nghệ xử lý chất thải”, NXB Công thương - 2011.
PGS.TS Nguyễn Đức Khiển 
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội
Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở cả hai miền Nam - Bắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới