Thứ sáu, 29/03/2024 22:57 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí ở TP. HCM chủ yếu là do hoạt động giao thông

MTĐT -  Thứ hai, 26/02/2018 06:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo số liệu quan trắc và nghiên cứu ô nhiễm không khí tại TP. HCM là do các hoạt động giao thông gây ra.

Theo các chuyên gia về khí tượng, khoảng vài tháng trở lại đây, hiện tượng "mù khô" (mù quang hóa) tại TP.HCM đang ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người. Người dân đi đường nếu thấy trời luôn có màu trắng đục, tức là không khí có chứa bụi bẩn.

Theo phân tích và báo cáo của Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, sương mù quang hóa là một dạng ô nhiễm không khí xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do ánh sáng mặt trời tác dụng lên các loại khí thải như: khí thải động cơ của các phương tiện giao thông, công nghiệp… tạo nên.

Theo ông Cao Tung Sơn, giám đốc Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, việc các thiết bị phương tiện cũ không được bảo trì, bảo dưỡng đúng lịch trình cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí rất cao.

Còn PGS. TS Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên cho biết, một số nghiên cứu chỉ ra là do hoạt động giao thông, chủ yếu là xe gắn máy sinh ra rất nhiều chất ô nhiễm.

Hiện tượng mù khô nhiều lần tấn công TP. HCM - Ảnh: Internet.

Mù khô là gì?

Sương mù quang hóa (hay còn gọi là mù khô) là loại sương mù không phải do độ ẩm không khí gây ra.

Đây là một thuật ngữ sử dụng để miêu tả một dạng ô nhiễm không khí xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do ánh sáng mặt trời tác dụng lên các loại khí thải như khí thải động cơ của các phương tiện giao thông, công nghiệp… tạo nên những hợp chất có hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn ngang.

Mù khô hại sức khỏe thế nào?

Cách đây gần 2 tháng, hiện tượng mù khô lại tiếp tục xuất hiện tại TP. HCM, các chuyên gia đã phải đưa ra cảnh cáo về những tác hại của nó đối với sức khỏe con người.

Trung tâm Quan trắc môi trường nhìn nhận từ ngày 16 -18/1 vừa qua, trên địa bàn TP có xuất hiện hiện tượng “mù khô”.

Trung tâm này cũng đưa ra khuyến cáo trong những ngày có hiện tượng sương mù quang hóa, người dân đặc biệt là trẻ em, phụ nữ có thai và người lớn tuổi hạn chế ra ngoài và tham gia giao thông. Nếu có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm… Hiện tượng “mù khô” ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, dễ gây nên các bệnh về hô hấp.

Hiện tượng mù khô đe dọa sức khỏe người dân Sài Gòn - Ảnh: Internet.

- Các bệnh hô hấp: Bụi bẩn trong không khí có thể xuyên qua khẩu trang lắng đọng tại đường hô hấp và xâm nhập đến phế nang phổi gây lên các bệnh viêm phổi, ung thư phổi.

- Bệnh về mắt: Do ảnh hưởng của bui có thể dẫn đến viêm giác mạc, viêm kết mạc,…

- Khi tiếp xúc nhiều với khói bụi dễ bị viêm da gây mụn, ngứa, mẩn đỏ…

- Trong không khí bị ô nhiễm thường chứa chì sẽ tích tụ trong thể gây nên các bệnh về xương khớp, viêm thận, cao huyết áp, viêm hệ thần kinh trung ương hoặc ngoại biên. Đặc biệt, với trẻ em có thể gây kém phát triển, ảnh hưởng đến não.

- Ảnh hưởng từ các loại khí độc (CO, H2S, NH3…) gây ngộ độc, ảnh hưởng đến hệ hô hấp, với nồng độ cao có thể gây hôn mê, thậm chí tử vong.

Bên cạnh nguyên nhân do mật độ đô thị cao, lượng phương tiện tham gia giao thông dày đặc thì theo Trung tâm Quan tắc môi trường, TP. HCM đang phải tiếp nhận thêm ô nhiễm không khí từ các TP công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương khuếch tán theo hướng gió cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mù khô.

“Bình thường các chất ô nhiễm bốc lên cao khuếch tán ra xa. Tuy nhiên, trong những ngày gió yếu kết hợp không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống gây nên hiện tượng đảo nhiệt khiến khói bụi, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán, tạo ra hiện tượng “mù khô” - Trung tâm Quan trắc môi trường giải thích.

Đồng thời, trung tâm còn đưa ra cảnh cáo, hiện tượng mù khô xảy ra tại TP. HCM còn mang tính chu ỳ vào khoảng 4-7 ngày trong tháng 10 hằng năm khi gió mùa Tây Nam suy yếu và khối không khí lạnh từ phía Bắc được khuếch tán xuống phía Nam. Trong năm 2015, hiện tượng mù quang hóa xảy ra từ ngày 1 - 7/10; năm 2016 xảy ra từ ngày 12 -15/10 làm gia tăng ô nhiễm bầu không khí, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Giải pháp nào hạn chế mù khô?

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng không khí ở TP. HCM, theo các chuyên gia môi trường, cần phải xác định tất cả nguồn ô nhiễm gây ra bởi con người như sản xuất công nghiệp, đốt rác thải, hoạt động xây dựng, nhà ở, giao thông và cần lên kế hoạch hành động giúp nhanh chóng giảm bớt các nguồn ô nhiễm này. Trước hết, cộng đồng cần được thông tin một cách có hệ thống, toàn diện về chất lượng không khí ở khu vực mình sinh sống.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, đã có kế hoạch công khai thông tin quan trắc chất lượng không khí cho người dân trên 48 biển giao thông. Hành động này nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về múc độ ô nhiễm không khí; đồng thời, giám sát tính hiệu quả của công tác quản lý chất lượng không khí ở TP. HCM.

Ô nhiễm không khí chủ yếu là do hoạt động giao thông gây nên - Ảnh: Internet.

PGS-TS Hồ Quốc Bằng nhấn mạnh thêm, thành phố cũng đặt ra mục tiêu tới năm 2020, có 90% doanh nghiệp công nghiệp gây ô nhiễm phải lắp đặt hệ thống xử lý khí thải và đảm bảo lượng khí thải phải được xử lý đạt tiêu chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường. Kế hoạch này cũng đặt ra mục tiêu giảm 70% ô nhiễm không khí vào cùng thời điểm.

Và để thực hiện được mục tiêu này, thành phố cần phải đẩy mạnh việc kiểm tra khí thải các loại của phương tiện giao thông, loại bỏ xe gây ô nhiễm, kiểm tra nguồn khí thải từ các nhà máy phát sinh khí thải với lưu lượng lớn, giảm kẹt xe...

Còn về lâu dài, thành phố cần quy hoạch và phân vùng xả khí thải phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Không chỉ tại TP. HCM, nhiều nghiên cứu cũng cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng chủ yếu là do hoạt động giao thông gây ra.

Cụ thể, theo thống kê, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông. Một số khu vực có nồng độ ô nhiễm bụi cao tập trung ở các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Từ Liêm.

P.V (tổng hợp theo VTV, SGGP, NLĐ)

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí ở TP. HCM chủ yếu là do hoạt động giao thông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới