Thứ năm, 28/03/2024 22:30 (GMT+7)

Ô nhiễm môi trường bủa vây làng nghề sản xuất lược sừng Thụy Ứng

Khánh An -  Thứ năm, 26/07/2018 08:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Làng Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội) được biết đến bao đời nay là nghề truyền thống chế biến xương, sừng và da trâu bò. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây trở nên đáng sợ.

Làng nghề Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) là nơi nổi tiếng về sản xuất lược sừng và các sản phẩm mỹ nghệ được làm từ sừng trâu, sừng bò. Làng nghề Thụy Ứng đã tồn tại hàng trăm năm nay, tự hào là nơi sản xuất ra những chiếc lược sừng và sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mỹ nghệ từ chất liệu sừng trâu, bò được xuất khẩu sang các nước, trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ vô cùng độc đáo của Việt Nam. Nhưng cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các công đoạn chế tác sừng đang là vấn đề nhức nhối ở nơi đây.

Trong những năm gần đây người dân ở làng nghề Thụy Ứng đã đầu tư các loại máy móc để cắt gọt, mài… thêm vào đó là việc sử dụng nguyên liệu sừng, da trâu, bò đã qua chế biến nên đã phần nào đó giảm thiểu được mức độ ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất vẫn không tránh khỏi bụi, mùn sừng gây ô nhiễm không khí. Những mùn sừng này nếu không được quét dọn kịp thời mà gặp nước hoặc nước mưa sẽ bốc lên mùi hôi thối.

Những mùn sừng này nếu không được quét dọn kịp thời mà gặp nước hoặc nước mưa sẽ bốc lên mùi hôi thối

Dẫu biết rằng đã là làng nghề thì ô nhiễm môi trường sẽ không tránh khỏi, các cơ sở này cũng đã có hệ thống xử lý khí thải nhưng không bảo đảm, vẫn phát tán mùi ra xung quanh.

Hàng ngày người dân làng Thụy Ứng vẫn phải đối mặt với mùi hôi tanh của các cơ sở kinh doanh chế biến da trâu bò nằm xen kẽ trong khu dân cư; vẫn phải hít bụi từ các cơ sở sản xuất gỗ phíp có hóa chất, bụi trai, bụi sừng… 

Mặc dù có biện pháp hạn chế gây ô nhiễm môi trường nhưng hàng ngày người dân làng Thụy Ứng vẫn phải hít bụi từ các cơ sở sản xuất gỗ phíp có hóa chất, bụi trai, bụi sừng thải ra ngoài

 Một công nhân làm việc trong xưởng sản xuất lược sừng cho biết: “Để tạo ra một chiếc lược sừng chúng tôi phải thực hiện khoảng 20 công đoạn, và khi thực hiện các công đoạn tạo ra nhiều mùn sừng như ép tạo phôi, chà dáng, cắt răng… chúng tôi đều phải đeo khẩu trang và đeo kính để tránh mùn sừng bay vào mắt, mũi và miệng, gây đau mắt và các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Mặc dù biết là ô nhiễm, nhưng làng nghề Thụy Ứng chúng tôi đã phát triển hàng mấy trăm năm nay, đem lại thu nhập cho nhiều người dân, nên làm sao mà bỏ nghề được”. 

Ngoài sản xuất lược, đồ mỹ nghệ từ sừng, làng Thụy Ứng còn có nghề chế biến da trâu, bò gây ô nhiễm môi trường (Hình ảnh sản phẩm của làng nghề được phơi ngoài cổng cơ sở sản xuất).

 Cùng với ô nhiễm không khí, làng nghề Thụy Ứng còn chịu nhiều hệ lụy bởi ô nhiễm nguồn nước và đất. Anh Thịnh, người làng Thụy Ứng bức xúc: “Ngoài sản xuất lược, đồ mỹ nghệ từ sừng, làng Thụy Ứng còn có nghề chế biến da trâu, bò. Nghề chế biến da trâu, bò này nó còn gây ô nhiễm gấp nhiều lần so với sản xuất lược và đồ mỹ nghệ.

Để giữ da được lâu, không bị thối, các cơ sở sản xuất phải ướp muối cho da, rồi nước ngâm sừng, tẩy sừng toàn bộ đều xả xuống cống chạy quanh làng, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng”. 

Những bao tải nội tạng và mỡ trâu, bò được chất đống ở đầu làng, ruồi nhặng bâu đen đặc, cùng với đó là mùi hôi thối, tanh tưởi bốc lên nồng nặc

 Đặt chân đến đầu làng nghề Thụy Ứng, PV không khỏi cảm thấy khiếp sợ khi những bao tải nội tạng và mỡ trâu, bò được chất đống ở đây, ruồi nhặng bâu đen đặc, cùng với đó là mùi hôi thối, tanh tưởi bốc lên nồng nặc.

Thế nhưng, vẫn có hai người phụ nữ không khẩu trang, không găng tay ngồi tách những miếng mỡ trâu, bò này ra, khi được hỏi những cái này để làm gì thì được trả lời rằng “lấy mỡ để rán”(!?). 

Những đống da trâu, da bò được chất thành đống “lưu cữu” nằm bên đường

 Theo quan sát của PV, trên con đường nhựa nằm ở cuối làng Thụy Ứng, những đống da trâu, da bò được chất thành đống “lưu cữu” nằm bên đường. Những bao tải màu xanh, màu trắng phơi mưa, phơi nắng đã bị mục rách và những tảng da bò hiện lên, mùi hôi thối từ đống này phát tán khắp 1 vùng. 

Liền kề bãi nghĩa địa, từng bao tải sừng trâu, sừng bò chất thành một đống dài, vương vãi ra nền đất

 Ngay cạnh đó, liền kề bãi nghĩa địa, từng bao tải xương và sừng trâu, sừng bò cũng chất thành một đống dài. Những mẩu sừng vụn, loại thải được chủ cơ sở bỏ vào bao tải và mang ra tập kết ở đây. Từng bao tải sừng được chất thành đống cao, vương vãi ra nền đất. Mặc dù được phủ một tấm bạt để che đi nhưng vẫn không che được sự ô nhiễm ở nơi đây.

Như vậy, việc quy hoạch làng nghề Thụy Ứng đã được triển khai từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn… “trước sau như một”, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn và rác thải vẫn bủa vây xung quanh làng.

Không biết đến bao giờ điểm quy hoạch ở làng nghề Thụy Ứng mới được hoàn thành, và sự chậm trễ trong việc xây dựng quy hoạch làng nghề, giải quyết ô nhiễm môi trường ở làng nghề Thụy Ứng như vậy thì trách nhiệm thuộc về ai?

Trong khi việc quy hoạch làng nghề vẫn “giậm chân tại chỗ”, phía cơ quan chức năng lúng túng chưa có một kế hoạch tích cực, thì người dân thôn Thụy Ứng nói riêng và người dân xã Hòa Bình nói chung hằng ngày vẫn phải âm thầm bị tra tấn bởi bầu không khí ô nhiễm đến tức thở, ăn nguồn nước ô nhiễm tới mức trầm trọng.

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm môi trường bủa vây làng nghề sản xuất lược sừng Thụy Ứng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.