Thứ năm, 25/04/2024 05:31 (GMT+7)

Ô nhiễm rác thải trên biển đã và đang trở thành vấn nạn

MTĐT -  Thứ tư, 30/09/2020 09:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Số lượng rác thu gom được là hơn 350 tấn ngoài vịnh Hạ Long trong 6 tháng đầu năm 2020. Đây chính là "con số biết nói" về vấn đề ô nhiễm rác thải trên biển đang diễn ra trầm trọng.

Rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu, tình trạng “ô nhiễm trắng” này được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu.

Rác thải nhựa chứa những chất phụ gia độc hại như hợp chất Phthalate trong nhựa Polyvinyl chloride (PVC), Bisphenol A (BPA) trong nhựa Polycarbonate (PC)… Ước tính trong đại dương, 150 triệu tấn rác nhựa chứa khoảng 23 triệu tấn phụ gia. Những hóa chất này sẽ dần được phóng thích và gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước.

Báo cáo của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho thấy, ngành Thủy sản có thể không sử dụng quá nhiều nhựa ô nhiễm, nhưng lại có tỷ lệ rò rỉ rác thải (vứt bỏ ra môi trường đại dương và sông ngòi) cao thứ hai sau lĩnh vực sản xuất bao bì.

Thói quen vứt bỏ ngay rác thải, ngư cụ hỏng trên biển khiến rác thải nhựa chiếm tới 92% về số lượng rác trên bờ biển trong khảo sát mà IUCN thực hiện năm 2019. (Ảnh Internet).

Thói quen vứt bỏ ngay rác thải, ngư cụ hỏng trên biển khiến rác thải nhựa chiếm tới 92% về số lượng rác trên bờ biển trong khảo sát mà IUCN thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu khác cũng về rác thải nhựa trên biển của IUCN cho thấy, chỉ có 1% rác thải nhựa nổi lên mặt biển, 5% rác thải nhựa ở gần bờ biển. Điều này minh chứng số lượng rác thải nhựa trên biển nhìn thấy chỉ là con số quá nhỏ so với số lượng thực tế.

Thực tế, các hoạt động sản xuất trong ngành thủy sản vẫn xả thải ra môi trường chất thải nhựa như: ngư cụ, bạt lót ao nuôi, vở chai lọ thuốc thú y thủy sản, bao bì thức ăn… Hiện nay, nhiều lưới đánh bắt cá vẫn là dây cước nhựa. Các ngư dân nuôi bè lồng trên biển cũng sử dụng các thùng bằng nhựa để làm lồng nổi, nhiều ngư dân còn dùng các lốp ô tô cũ để nuôi hà,… Những thứ này khi đã hết hạn sử dụng thường được vứt thẳng ra biển, làm cho biển ngày càng tích trữ nhiều về rác thải nhựa.

Theo thống kê mới nhất, tỉnh Quảng Ninh có 250 km đường bờ biển, với trên 6.100 km2 mặt biển, 40.000 ha bãi triều và trên 20.000 ha eo vịnh. Tỉnh hiện có 8.123 tàu cá, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động ngoài khơi là 238 tàu và 14.506 ô lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi trồng tập trung. Đây vừa là lợi thế phát triển thủy sản giá trị kinh tế cao, tạo điều kiện cho lĩnh vực thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhưng cũng đặt ra những áp lực đáng kể lên công tác bảo vệ môi trường.

Với số lượng lồng bè kể trên, Quảng Ninh là tỉnh ven biển có số lượng lồng bè nuôi thuỷ sản lớn nhất trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, do phần lớn lồng bè được nuôi ở vùng biển mở, nên dễ bị ảnh hưởng bởi bão, gió, lốc dễ gây hư hỏng phao xốp và các công trình nuôi.

Hiện tại, lượng phao xốp sử dụng cho nuôi lồng bè tỉnh Quảng Ninh chiếm khoảng 50% số lượng lồng nuôi (50% còn lại sử dụng các vật liệu thay thế) và số lượng phao xốp có thể lên đến hơn 15.000 quả xốp. Riêng Vịnh Hạ Long trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng rác thu gom được là hơn 350 tấn ngoài vịnh. Đây đều là những con số biết nói và nếu không có giải pháp hữu hiệu để thay thế, gia cố, thì vấn đề ô nhiễm rác xốp trên biển sẽ ngày càng gia tăng.

Riêng Vịnh Hạ Long trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng rác thu gom được là hơn 350 tấn ngoài vịnh. (Ảnh Internet).

Ngày 4/12/2018, Thủ tướng đã phê duyệt Quyết định số 1746/QĐ-TTg về Kế hoạch Hành động quốc gia quản lý rác thải nhựa đại dương bao gồm các mục tiêu cụ thể vào năm 2030: Giảm khoảng 75% luợng rác thái nhựa; thu gom 100% lưới đánh cá bị thất lạc, bỏ đi; 100% các vùng ven biển, các điểm du lịch, cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch khác không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Báo động về tình trạng rò rỉ rác thải nhựa trong hoạt động thủy sản, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Đình Luân cho biết:

"Rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu, tình trạng “ô nhiễm trắng” này được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng. Để hiện thức hóa Quyết định 1746 của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới ngành Thủy sản có trách nhiệm và phát triển bền vững, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đang thực hiện việc xây dựng Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020-2030".

Hoài Thu (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm rác thải trên biển đã và đang trở thành vấn nạn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành