Thứ năm, 28/03/2024 15:24 (GMT+7)

Ở nơi tạm cư cũng phải được “an cư”

MTĐT -  Thứ bảy, 23/04/2022 08:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay, nhiều khu nhà tạm cư đã dần xuống cấp, tiềm ẩn mối nguy hiểm cho cư dân sinh sống tại đây. Để người dân yên tâm sinh sống trong thời gian chờ đợi cải tạo, xây dựng lại chung cư, rất cần sự quan tâm đúng mức của các cơ quan chức năng.

Đang dần xuống cấp

Trong quyết định di dời cư dân khỏi các căn nhà có nguy cơ sập đổ, UBND TP Hà Nội chấp thuận bố trí 172 căn hộ phục vụ tạm cư gồm: 100 căn hộ tại nhà cao tầng lô E Khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy); 42 căn hộ tại nhà A1, A2, X2 Phú Thượng (quận Tây Hồ) và 30 căn hộ tại nhà CT1 Khu đô thị Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều khu nhà tạm cư đã xuống cấp, tường bong tróc, thấm dột, ẩm mốc do rêu bám; có khu đường nước thường xuyên bị rò rỉ...

Bà Hoàng Thị Hà (48 tuổi), cư dân A2 Phú Thượng chia sẻ, nhiều người sau khi đến đây đã quyết định không đồng ý di dời do nhìn bên ngoài đã xuống cấp, không khác gì nhà tập thể đang ở. Thêm vào đó, khu nhà quá xa, nếu chuyển đến sẽ phát sinh hàng loạt chi phí sang sửa, đi lại, học hành của con.

"Mỗi khi mưa to gió lớn, khu hầm để xe thường xuyên bị ngập. Hệ thống ống nước thải thường xuyên bị rò, ngấm tràn ra tường. Với tình trạng xuống cấp nhanh thế này, chung cư sẽ chẳng khác gì nhà tập thể xây dựng 40 năm" - bà Hà cho hay.

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, khu tạm cư A1, A2 Phú Thượng được xây dựng từ 2006, gồm hai khối nhà 6 tầng với 125 căn hộ, lớp sơn phủ bên ngoài đã ngả màu, loang lổ rêu bám. Phần hầm để xe lớp trần đã bong tróc, lộ rõ phần khung sắt toà nhà, ẩm mốc xuất hiện cả bên trong lẫn bên ngoài.

Tương tự, các khối nhà CT1 A, B, C của Khu tái định cư Thành phố giao lưu (được đưa vào sử dụng từ năm 2014) hiện đang xuống cấp. Nhiều người dân phải bỏ tiền túi ra để sửa sang. Bà Nguyễn Thị Tâm, Tổ trưởng Tổ dân phố tòa CT1 Khu đô thị Thành phố giao lưu cho hay, gia đình bà chuyển từ khu Láng Thượng (quận Đống Đa) về đây được 7 năm.

"Thời gian gần đây, đường ống nước liên tục bị vỡ, nước chảy vào các thiết bị ngầm ở trong nhà gây chập cháy, ẩm mốc. Nếu chúng tôi không tự thuê người sang sửa, chỗ này thành nhà hoang mất" - bà Tâm chia sẻ.

Nhà tạm cư cũng cần quan tâm

Với tình trạng xuống cấp ở khu tạm cư, nhiều ý kiến mong mỏi quá trình cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nguy hiểm cần sớm triển khai, để các hộ dân được nhanh chóng trở về. Với tâm lý của nhiều người dân nơi đây, dù là nơi ở tạm nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng cho cuộc sống sinh hoạt để họ có thể an tâm hơn.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, trước đây sống tại Khu tập thể G6A Thành Công, đến tạm cư tại lô E, Khu đô thị Yên Hoà đầu năm 2018 nhìn nhận, nếu so với nhà cũ, căn hộ đang ở rộng rãi, thoáng mát hơn. "Tuy rằng một số chi tiết trong tòa nhà bị hỏng mà Ban Quản lý chưa kịp thời thay thế, song cuộc sống ở nơi tạm cư cũng tương đối tốt. Tôi cũng mong cơ quan chức năng để ý hơn đến nơi ở tạm cư trong lúc chờ đợi cải tạo các khu tập thể cũ" - ông Nghĩa chia sẻ.

Nắm bắt vấn đền này, đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Ba Đình giải thích, tiến độ di dân đang gặp phải nhiều vướng mắc do quỹ nhà tạm cư của TP bố trí cho quận đã xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc di dân gặp khó khăn. Thời gian tới, quận sẽ xây dựng kế hoạch tu sửa lại các khu nhà tạm cư được TP bố trí để đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân.

Những căn nhà để tạm cư đều là chung cư tái định cư. Đa phần đã được đưa vào sử dụng từ nhiều năm và nguồn kinh phí bảo trì rất hạn chế. Để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cải tạo, xây dựng mới các khu nhà chung cư cũ, đại diện UBND quận Ba Đình cho biết đang kiến nghị TP đưa vào tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư phải có nhà tạm cư. Có thể là các đơn vị kinh doanh bất động sản đã có sẵn quỹ nhà chung cư, để có thể thuận lợi hơn trong công tác di dời người dân khỏi những khu tập thể cũ nguy hiểm.

Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 1.500 căn tập thể, chung cư cũ được xây dựng từ năm 1954 - 1994. Khối lượng hộ dân phải di dời rất lớn, đồng nghĩa cần một lượng nhà tạm cư không nhỏ để di dời người dân. Tuy nhiên, việc di dân khỏi 6 chung cư nguy hiểm cấp độ D đợt một đáng lẽ kết thúc vào quý I/2022 nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ” vì nhiều lý do, UBND quận Ba Đình kiến nghị UBND TP lùi thời hạn di dời các hộ dân còn lại xong trong quý II/2022.

Bạn đang đọc bài viết Ở nơi tạm cư cũng phải được “an cư”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Kinh tế & Đô thị

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.