Ổn định sản xuất tại các khu công nghiệp Hải Dương sau bão lũ
Bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại rất lớn trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói chung và các khu công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, các cán bộ, công nhân, người lao động đã đồng lòng sửa chữa, dọn dẹp nhà xưởng để có nơi làm việc, sản xuất.
Bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại rất lớn trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói chung và các khu công nghiệp nói riêng. Nhiều nhà máy bị tốc mái, đổ tường bao, nguy cơ ngập úng do mưa sau bão kéo dài đã hiển hiện. Tuy nhiên, các cán bộ, công nhân, người lao động đã đồng lòng sửa chữa, dọn dẹp nhà xưởng để có nơi làm việc, sản xuất.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp Hải Dương, sau cơn bão số 3 có 58 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng thiệt hại. Nhiều doanh nghiệp bị tốc mái tôn nhà xưởng, kho, hỏng cửa cuốn, cửa kính, cột đèn… Một số tuyến đường ở khu công nghiệp Phúc Điền bị tắc nghẽn do không thoát nước kịp, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp. Chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã chủ động triển khai nhiều biện pháp khắc phục, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn.
Đến ngày 12/9, hầu hết các khu công nghiệp như: Lai Vu, Kim Thành, Phúc Điền, Đại An… đều bị ngập úng ở các đường giao thông đi vào. Nhiều nơi nước đã ngập vào khu vực sân nhà xưởng. Các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã đặt biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để người lao động đi lại cho an toàn.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Hải Dương, ngay sau bão, ban đã tổ chức kiểm tra tình hình thiệt hại tại các khu công nghiệp trong tỉnh và nắm bắt tình hình ngập nước. Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng chủ động có phương án phòng chống lũ, không chủ quan, lơ là trước tình hình bão lũ gây ra. Ban đã đề nghị ngành điện tích cực phối hợp các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp có dự án trong khu công nghiệp khắc phục sự cố, bảo đảm cấp điện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất. Các doanh nghiệp chủ động biện pháp che chắn nước dâng cao để bảo vệ khu vực sản xuất, ưu tiên bảo vệ con người, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Công ty TNHH Suntel Vina (khu công nghiệp Đại An mở rộng, Cẩm Giàng) là doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc, chuyên sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu. Doanh nghiệp đang tập trung hoàn thành trên 10 đơn hàng. Bão số 3 làm tốc trên 400 m2 mái nhà xưởng. Hầu hết các bộ phận sản xuất đều phải sắp xếp lại để bảo đảm duy trì hoạt động.
Theo đại diện Công ty TNHH Suntel Vina, mưa lớn, nước lũ ngày càng dâng cao nên việc đi lại, di chuyển vật liệu khó khăn, doanh nghiệp có thể phải mất một tháng mới sửa chữa xong. Nhà xưởng bị mất mái che nên không gian sản xuất bị thu hẹp, nhiều máy móc bị ướt, hỏng… Công ty đã động viên người lao động khắc phục, đồng lòng cùng vượt qua. Doanh nghiệp phấn đấu cao nhất để không ảnh hưởng nhiều đến việc làm của tất cả hơn 300 người lao động.
Đến trưa 11/9, nước mưa đã dồn ứ, dâng ngập một số đoạn đường nội bộ trong khu công nghiệp Đại An mở rộng (thuộc giai đoạn I), gây ảnh hưởng đến sản xuất của cả 44 doanh nghiệp thuê đất. Nước bắt đầu dâng tràn vào sân của một số doanh nghiệp, công nhân, lao động tập trung bơm tát.
Theo ông Lương Thanh Phong, Phó Ban Quản lý khu công nghiệp Đại An, khu vực lô XL18 là nơi có cốt đất trũng thấp nhất nên thu nước của cả khu vực. Tổ chuyên trách phòng chống lũ bão của Công ty CP Đại An đã tập trung máy bơm gạn tháo chống ngập úng từ “rốn nước” này.
Công ty CP Đại An - chủ đầu tư cả 2 khu công nghiệp Đại An và Đại An mở rộng, với tổng diện tích 551 ha, hiện có 87 dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng và tổ chức sản xuất. Lực lượng tại chỗ của công ty đã cử 60 người trực tiếp bơm gạn nước, khắc phục hậu quả, trồng lại cây xanh, còn 40 người ứng trực sẵn sàng làm nhiệm vụ.
“Tại khu công nghiệp Đại An mở rộng có 10 nhà xưởng bị tốc mái, gây thiệt hại ở những mức độ khác nhau. Trong đó có một số nhà xưởng do chúng tôi xây dựng để cho thuê. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các chủ doanh nghiệp để sửa chữa các nhà xưởng này nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất”, ông Phong cho biết thêm.
Chủ đầu tư khu công nghiệp Cộng Hòa là Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp cao su Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp thuê đất bảo đảm sản xuất ổn định. Đội kỹ thuật của công ty đã chủ động khơi thông các dòng chảy, hạ tháo nước đệm trong hệ thống mương thoát nước. Các phương án cung cấp điện chiếu sáng bằng máy phát điện dự phòng đã triển khai cho một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng của bão. Các khu vực trũng dễ phát sinh nước dâng tràn vào gây ngập các tuyến đường, công ty đã dùng bao tải cát tạo tường chắn nước; bố trí lực lượng bảo vệ chốt gác ra vào khu công nghiệp và cắm biển cảnh báo tại vị trí bị ngập sâu, cấm đường tại một số vị trí giao cắt có ao hồ bị che lấp bởi bèo tây...
Ông Phạm Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp cao su Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng các phương án chủ động phòng chống mưa to, gió lớn. Mục tiêu ưu tiên nhất hiện nay là hỗ trợ hiệu quả các khách hàng thuê đất xây dựng nhà xưởng, tổ chức sản xuất ổn định”.
Công ty CP Phát triển đô thị và các khu công nghiệp cao su Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Hải Dương có phương án bố trí xây dựng trạm bơm cưỡng bức tiêu thoát lũ cho khu vực các phường: Cộng Hòa, Văn Đức, Hoàng Tân, trong đó có khu công nghiệp Cộng Hòa. UBND TP Chí Linh có chỉ đạo khẩn để chính quyền địa phương phối hợp với chủ đầu tư xử lý vướng mắc liên quan đến khơi thông dòng chảy kênh, mương nằm ngoài khu công nghiệp, chủ động ứng phó sự cố do thiên nhiên gây ra.