Thứ bảy, 20/04/2024 09:28 (GMT+7)

Ông Phạm Sỹ Liêm: Anh là Hiệp hội sao lại nhân danh Quốc gia được?

Ngọc Anh (Thực hiện) -  Thứ bảy, 21/04/2018 06:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Nên có một thông báo hủy danh từ “Quốc gia”, yêu cầu Hiệp hội Bất động sản không được sử dụng danh từ “Quốc gia” trong giải thưởng của mình".Ông Phạm Sỹ Liêm chia sẻ với PV.

Xoay quanh những tranh luận trái chiều của "Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018" PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi cùng ông Phạm Sỹ Liêm – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Trong cuộc trao đổi với PV ông Liêm nhấn mạnh: "Anh là một cái Hiệp hội sao lại nhân danh “Quốc gia” được? Quốc gia đâu có thể để anh nhân danh một cách dễ dàng như thế được"?

Ông Phạm Sỹ Liêm – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Cùng đó, ông Liêm cũng đề nghị nên có một thông báo hủy danh từ “Quốc gia”, yêu cầu Hiệp hội Bất động sản không được sử dụng danh từ “Quốc gia” trong giải thưởng của mình.

Thưa ông Phạm Sỹ Liêm có nhiều ý kiến cho rằng, danh nghĩa “Giải thưởng quốc gia” trong tên “Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018” là không hợp lý, xin ông cho biết quan điểm của mình?

Khi mà muốn mang một từ là “Quốc gia” thì phải được Chính phủ quyết định cái đó là “Quốc gia”. Một Bộ cũng không thể tuyên bố công việc của mình là “Quốc gia” được, chứ chưa nói đến Hiệp hội như là Hiệp hội Bất động sản mà lại gán cho cái giải thưởng của mình là “Giải thưởng Quốc gia” đấy là một nhầm lẫn nghiêm trọng.

Ngày 20/3/2018 Tràng An Complex xảy ra vụ cháy tại tầng 9, nhưng chuông báo cháy của chung cư không hoạt động... Tràng An Complex vẫn "ẵm" giải Dự án Khu nhà ở đáng sống nhất.

Thế nhưng ở đây, có sự sơ hở trong quản lý của chính quyền. Vì vậy tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ nên có một thông báo là hủy danh từ “Quốc gia”, yêu cầu Hiệp hội Bất động sản không được sử dụng danh từ “Quốc gia” trong giải thưởng của mình.

Thưa ông, trong thành phần Hội đồng Giám khảo Giải thưởng có một vài người không thuộc khối bất động sản, ví dụ như GS.TSKH Vũ Minh Giang - chuyên gia Sử học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN, ông có bình luận gì về điều này?

Có thể GS.TSKH Vũ Minh Giang không đại diện cho giới Sử học mà đại diện cho người tiêu dùng thì ông ấy vẫn có thể là một trong những giám khảo.

Tôi khẳng định, đấy không phải giải thưởng Quốc gia, còn đã là Hội đồng cho giải thưởng Quốc gia nhất định phải có những yêu cầu khắt khe hơn. Còn nếu là giải thưởng linh tinh thì ông ta muốn là gì cũng được!

Gần đây, một lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Bộ Xây dựng chỉ bảo trợ thôi còn thủ tục xét duyệt là do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ban Giám khảo làm hết”, như vậy mức độ minh bạch ở đây được kiểm chứng bằng cách nào khi không có sự vào cuộc của Bộ Xây dựng, thưa ông?

Câu chuyện về bảo trợ ở đây tôi không hiểu rõ nội dung cụ thể là gì. Nghĩa là chỉ có tiếng chứ cũng không tham dự, không chịu trách nhiệm, không gì cả thì tôi nghĩ rằng không ổn.

Một cơ quan cấp Bộ mà đi bảo trợ một hoạt động nào đó sẽ làm tăng giá trị cho hoạt động đó lên. Do đó, Bộ Xây dựng cũng cần phải biết hoạt động đó sẽ đem lại kết quả như thế nào? Tôi đã biết có nhiều trường hợp đơn vị bảo trợ đã rút quyết định bảo trợ sau khi thấy đối tượng bảo trợ của mình có kết quả không xứng đáng với giải.

Hiệp hội Bất động sản người ta trao giải cho Hội viên của họ, vậy Hiệp hội này lấy kinh phí ở đâu mà trao giải? Tức là những hội viên góp lại đưa cho Ban tổ chức, để sau đó Ban tổ chức trao lại cho họ có phải không?

Tôi quan niệm đây chỉ là “chiêu trò” PR (public relations) thông thường của giới kinh doanh, một chiêu PR quảng cáo mà thôi!

Dự án Chung cư An Bình City thuộc khu đô thị Thành phố giao lưu của Tập đoàn Geleximco bị "tố" thiếu hụt diện tích thông thủy của các căn hộ so với hợp đồng từ 1,5m - 4,5m2 nhưng Geleximco vẫn nhận cú đúp hai giải thưởng cấp quốc gia là “Nhà phát triển bất động sản uy tín nhất” và “Khu nhà ở đáng sống nhất”.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng “cộng đồng cư dân đang sinh sống tại các dự án mới là những giám khảo công tâm nhất”, ông có đồng ý với quan điểm trên?

Đúng thế! Có thể người dân trực tiếp tham gia, hoặc trong Hội đồng Giám khảo là đại diện cư dân. Hay khi xét duyệt, chấm giải Hội đồng Giám khảo phải lấy ý kiến người dân, điều tra xã hội học rõ ràng cư dân sống tại các dự án này thì mới chính xác được.

Còn nếu đã là quảng cáo, thì có một nói thành mười, có ít nói thành nhiều, đó là một chiêu quảng cáo giống như thuốc chống ung thư giả vừa mới bị phát hiện đó thôi. (Cười!)

Cùng với đó, có quan điểm cho rằng, việc bình chọn Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018 không khách quan bởi có những dự án “tai tiếng”, vậy ông có thể cho biết quan điểm và bình luận của mình về nhận định trên?

Trong giải thưởng lần này người ta phát hiện ra những bất cập. Từ danh hiệu là “Giải thưởng Quốc gia”, lại đến chiếm dụng danh từ “Quốc gia” một cách vô duyên. Quốc gia gì? Anh là một cái Hiệp hội sao lại nhân danh “Quốc gia” được? Quốc gia đâu có thể để anh nhân danh một cách dễ dàng như thế được?

Nếu anh làm vì lợi ích cho các doanh nghiệp trong hiệp hội của anh nên anh bất chấp doanh nghiệp đó thế nào. Do đó, tôi thấy rằng họ làm như thế này mà một vài cơ quan báo chí cũng theo họ để quảng cáo cho họ?

Tôi nhận thấy rằng, khi các phương tiện truyền thông nên xem xét lại câu chuyện này để đánh giá cho đúng đắn, hướng dẫn dư luận xã hội. Tôi cũng đề xuất với Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền nên ngăn chặn những hiện tượng tương tự trong tương lai.

Màu nước sinh hoạt chẳng khác gì "chè đỗ đen" của hàng nghìn cư dân của Dự án Khu nhà ở xã hội EcoHome 1+2 - Hà Nội của chủ đầu tư Công ty CP ĐT&TM Thủ Đô "bất thình lình" được vinh danh giải Nhà ở xã hội và Giá rẻ chất lượng tốt nhất.

Nhiều dự án sai phạm nhưng vẫn “ẵm” giải “như con voi chui lọt lỗ kim”, đối với những dự án vi phạm này phải xử lý như thế nào?

Đã gọi là quảng cáo thì không nói có, ít nói nhiều là chuyện bình thường! Hiệp hội, Doanh nghiệp vẫn có quyền làm những việc này, pháp luật không cấm nhưng nếu đã làm thì hãy làm thật nghiêm túc. Do đó dư luận xã hội phải lên tiếng, lên án.

Cũng chia sẻ thật, giải thưởng cũng không phải chính xác 100% hết đâu. Cả giải thưởng lớn trên thế giới nhiều khi người ta cũng dị nghị, cái chuyện đó cũng bình thường. Nhưng ở đây, trong giải thưởng này không chỉ có những ý kiến khác nhau mà đối tượng còn không đúng nữa.

Thế cho nên vấn đề có nghiêm trọng hơn bình thường, dư luận xã hội cũng đã lên tiếng thông qua báo chí. Và nhất là báo chí, nên hỏi ngay ý kiến của những cư dân hiện nay đang ở tại các dự án đã lĩnh giải thưởng sẽ rõ!

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này!

Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam được phát động ngày 12/12/2017, do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cùng Trung tâm tin tức VTV24 (Đài truyền hình Việt Nam) tổ chức.

Theo thể lệ, có 3 tiêu chí chung mà Ban tổ chức đưa ra là: Tuân thủ đúng quy định pháp luật có liên quan; Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo đúng pháp luật về đất đai, thuế; Đạt mức độ hài lòng đa số của người dân trong và lân cận dự án/công trình.

Ngoài ra còn có 5 tiêu chí riêng, gồm: Có các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong 5 năm trở lại; Được khách hàng, đối tác đánh giá cao; Góp phần tạo ra xu thế, tác động tích cực lên thị trường; Các chỉ số tài chính đo mức độ thành công vượt trội; Có nhiều đóng góp cho các hoạt động từ thiện, hỗ trợ cộng đồng.

Khi danh sách các doanh nghiệp được vinh danh, đã có cư dân tại các khu đô thị, khu nhà ở không khỏi bất bình. Vậy, có hay không hiện tượng: “dự án xuống cấp, chủ đầu tư tai tiếng lên ẵm giải”?

Ngày 14/04/2018, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã tổ chức Lễ trao giải, Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018 tôn vinh, trao 54 giải cho các Doanh nghiệp và Dự án bất động sản danh giá.

Danh sách hội đồng giám khảo gồm: Ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây; ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam; GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa Học và Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo đầu tư; ông Khương Văn Mười - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; PGS.TS.KTS. Phạm Thúy Loan - Viện phó Viện Kiến trúc Quốc gia; KTS. Hoàng Thúc Hào, Giảng viên Khoa Kiến trúc và quy hoạch - Trường ĐH Xây Dựng; bà Trần Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn DELOITTE Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Nhàn, Quản lý chương trình Công trình xanh - Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC; Mr. Paul Mason, Tổng giám đốc công ty KW Vietnam; KTS. Salvador Perez Arroyo - Chuyên gia Kiến trúc - Công ty S.design.

Bạn đang đọc bài viết Ông Phạm Sỹ Liêm: Anh là Hiệp hội sao lại nhân danh Quốc gia được?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam