Thứ sáu, 19/04/2024 00:43 (GMT+7)

Phải làm gì để Nông nghiệp phát triển bền vững

MTĐT -  Thứ sáu, 03/03/2017 08:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nhiều giải pháp đang được TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện. Trong đó, nền tảng là ứng dụng CNC, giúp nông dân tiếp cận, đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất

I.Nền nông nghiệp nước ta vẫn là một nền nông nghiệp lạc hậu với năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp; sức cạnh tranh trên thị trường còn kém.

Sản xuất nông nghiệp nước ta chủ yếu dựa vào hơn 10 triệu hộ tiểu nông đảm nhận trên 8 triệu ha đất nông nghiệp nhưng lại bị chia nhỏ thành gần 80 triệu mảnh ruộng nhỏ, nghĩa là bình quân mỗi hộ canh tác từ 5 - 10 mảnh rải rác trên các vùng đất, hạng đất khác nhau, thậm chí cá biệt có hộ có tới 30 mảnh.

Kết cấu hạ tầng nông thôn còn lạc hậu. Hiện còn 606 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, 30% đường huyện, 50% đường xã không đi lại được trong mùa mưa. Hệ thống thuỷ lợi chỉ mới bảo đảm tưới được 80% đất trồng lúa, một tỷ lệ nhỏ hoa màu và cây công nghiệp. Hệ thống điện nông thôn mới bảo đảm được cho 70% số xã, nhưng chất lượng và hiệu quả dịch vụ thấp.

Năng suất, chất lượng nhiều loại sản phẩm  còn thấp. Riêng lúa, mặc dù năng suất trong những năm qua tăng khá nhanh, bình quân hàng năm tăng khoảng 2%, nhưng mới chỉ bằng 65% năng suất lúa của Trung Quốc. Năng suất, chất lượng nhiều mặt hàng như chè, mía, rau, quả, sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản… đều thấp hơn nhiều so với các nước là đối thủ cạnh tranh chính. Giá thành một số loại sản phẩm sản xuất trong nước còn cao hơn cả giá bán trên thị trường quốc tế, như đường mía cao gấp hơn 2 lần, thịt lợn cao hơn 40%...

Công nghiệp chế biến kém phát triển, chúng ta mới chỉ có 60% sản lượng chè, 30% sản lượng mía, 5% sản lượng rau quả, 1% sản lượng thịt hơi, xấp xỉ 30% sản phẩm thuỷ sản… được chế biến công nghiệp.

Cho đến nay, thu nhập từ công nghiệp và dịch vụ trong khu vực nông thôn mới chỉ chiếm khoảng 25% GDP ở nông thôn, thấp xa so với nhiều nước trong khu vực (ở Trung Quốc, thu nhập phi nông nghiệp chiếm 35% thu nhập của hộ nông thôn; Hàn Quốc năm 1995 đã đạt 50%...)

Khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu với người nghèo ở nông thôn ngày càng rộng; một bộ phận khá lớn cộng đồng dân cư ở nông thôn, nhất là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng bãi ngang ven biển đang sống trong tình trạng nghèo đói.[1]

Ngoài ra, ô nhiễm môi trường cũng gây những thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Ô nhiễm môi trường nước là nguyên nhân chủ yếu gây ra thiệt hại đối với ngành thủy sản; ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, đất gây ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp và cây trồng. Những vấn đề này không chỉ gây ảnh hưởng tới đời sống người nông dân mà còn gây ra những tổn thất nghiêm trọng tới vấn đề phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Việc lạm dụng thuốc BVTV, chất tạo nạc, kích thích trong nông nghiệp rất phổ biến dẫn đến tình trạng ngộ độc do thực phẩm bẩn nặng nề.

Hội ung thư Việt Nam cho biết: “Số ca mắc ung thư ở Việt Nam năm 2000 chỉ 69.000 người, đến năm 2010 lên tới 126.000 người. Năm 2015 là 150.000 người. Ước tính năm 2020 số ca mắc ung thư sẽ tăng lên khoảng 200.000 ca. Nguyên nhân hàng đầu dẫn tới căn bệnh tử thần này là thực phẩm bẩn (chiếm 35%)”.

Do đó việc sử dụng chất cấm trong nông nghiệp phải xem là hành động giết người hàng loạt, phải được xử lý nghiêm theo luật hình sự.

Những vấn đề trên chính là lực cản, thách thức trong quá trình phát triển nền nông nghiệp với đòi hỏi năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời cũng là thách thức với quá trình xây dựng và phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và bảo đảm phát triển bền vững. [2]

II. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nhiều giải pháp đang được TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện. Trong đó, nền tảng là ứng dụng công nghệ cao, giúp nông dân tiếp cận, đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị canh tác.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu ứng dụng công nghệ sinh học và sản xuất các chế phẩm phục vụ nông nghiệp. Ứng dụng này bước đầu gúp giảm chi phí sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường. Thành phố cũng đã thành công trong ứng dụng công nghệ cắt phôi và cải tiến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đối với bò Australia. Kết quả đã tạo ra lứa bê đầu tiên có khả năng sinh sản và tốc độ sinh trưởngkhông thua kém ở nước bản địa…

Tuy vậy, những ứng dụng trên còn manh mún và việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất vẫn chưa thực sự được đầu tư bài bản. Đây được xem là thách thức lớn khi nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không chỉ là đưa máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại vào sản xuất mà còn là công nghệ trong quản lý và vận hành nền sản xuất nông nghiệp.

Hiện TP.Hồ Chí Minh đang xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu chính là hướng đến sản phẩm chất lượng, năng suất và giá trị gia tăng cao với sự tham gia của các chủ thể là nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp (thu mua, phân phối) và các đơn vị hỗ trợ công nghệ. Để tạo cơ chế vận hành mô hình này, các chuyên gia cho rằng cần tháo gỡ những rào cản trong việc xây dựng các chương trình, đề án, dự án trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Trong đó cần quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao và vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sao cho có sự gắn kết chặt chẽ. Theo đó, khu nông nghiệp công nghệ cao giữ vai trò nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, còn vùng nông nghiệp công nghệ cao sẽ ứng dụng công nghệ đó vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ về vốn, cũng như mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đối với từng nhóm sản phẩm cụ thể; xây dựng các chuỗi liên kết dọc và liên kết ngang, nhằm tăng hiệu quả vận hành, quản lý chuỗi, cũng như kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ứng dụng công nghệ cao (CNC) là hướng đi tất yếu trong phát triển nông nghiệp của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Ban Chỉ đạo Chương trình 02/Ctr-TU của Thành uỷ Hà Nội đang tập trung chỉ đạo quyết liệt để sớm có vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay là ruộng đất manh mún, nhiều ô thửa nên khó thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển nông nghiệp CNC.

Sau thành công của chương trình dồn điền, đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương ở ngoại thành Hà Nội đã đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng CNC vào sản xuất. Đơn cử như huyện Đan Phượng đã hình thành một số dự án, mô hình ứng dụng CNC trong nông nghiệp, chứng minh hiệu quả rõ rệt so với canh tác truyền thống. Trong đó, khu trồng hoa lan ứng dụng CNC tại xã Phương Đình là một ví dụ. Chủ nhân của khu này đã thực hiện toàn bộ các thao tác từ ươm giống, nuôi cấy, chăm sóc, thu hoạch hoa bằng dây chuyền đồng bộ. Với sự hỗ trợ của công nghệ, người trồng hoa có thể quyết định được màu sắc, chủng loại, kích thước hoa.

Ứng dụng CNC vào sản xuất đem lại hiệu quả cao là điều không cần bàn thêm, nhưng để phát triển các mô hình này vẫn còn không ít trở ngại, khó khăn nhất là đất đai. “Để tích tụ ruộng đất có 2 nguồn: Đối với quỹ 2 (do xã quản lý) diện tích nhỏ lẻ, manh mún; khi chia ruộng cho nhân dân, những chỗ đất đẹp đã chia hết, chỗ xấu mới để lại làm quỹ 2; thời gian cho thuê đất quỹ 2 cũng chỉ trong 5 năm nên doanh nghiệp không mặn mà đầu tư lớn. Nguồn thứ 2 là đất quỹ 1 (đã chia cho các hộ), áp theo giá đền bù giải phóng mặt bằng của Hà Nội cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác nên không cạnh tranh được; trong khi đó, việc tuyên truyền để nông dân góp ruộng vào cùng sản xuất cũng không dễ bởi người dân “chín người mười ý”, “khó thống nhất”.

Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trong tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp dứt khoát phải thông tin rõ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giới thiệu cho nhà đầu tư được biết để họ thuận tiện trong lựa chọn đầu tư. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Mười mong Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi điều 193 của Luật Đất đai nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.

Vừa qua một số huyện có ý tưởng đứng ra thuê đất của nông dân (tại những vùng nông dân có nghề phụ và không mặn mà với đồng ruộng) rồi giao lại cho các doanh nghiệp thuê. Đó cũng là một trong những giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong tích tụ đất đai để có đủ diện tích đầu tư CNC vào sản xuất, tạo đột phá cho sản xuất nông nghiệp Thủ đô.

III. Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái

1. Nền nông nghiệp hữu cơ: [2]

Nền nông nghiệp hữu cơ lấy các “sản phẩm phụ” của nông nghiệp và chất thải của các sinh vật làm phân bón, thực hiện một nền sản xuất nông nghiệp vừa có thể bảo vệ độ phì của đất, vừa có thể bảo vệ sản lượng nông sản. Nền nông nghiệp hữu cơ dùng phân hữu cơ và các rơm rác, phân xanh, phân của gia súc, gia cầm để sản xuất. Nó không dùng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật mà dựa vào những sinh vật trong hệ thống sinh thái tự nhiên để khống chế các loài sâu bệnh.

Các nhà khoa học còn phát hiện, trồng xen kẽ các loại đậu, loại cây hạt nhỏ với ngô và đậu đũa để hỗ trợ lẫn nhau thì có thể hạn chế cỏ dại, khiến cho đất đai ít bị xâm thực, cải thiện kết cấu đất.

Vì nền nông nghiệp hữu cơ không gây ô nhiễm cho môi trường, cho nên mấy năm gần đây ngày càng được nhiều nước coi trọng và ứng dụng. Hiện nay, trên thế giới số “nông trường hữu cơ” đã vượt con số 16 nghìn nông trường, đến năm 2000 đạt mức 3 vạn nông trường. Với sự thúc đẩy của các nông trường hữu cơ này rất nhiều thực phẩm xanh không bị ô nhiễm, những bánh kem, bánh bao và bích quy dùng nguyên liệu là thực phẩm hữu cơ làm nên và những loại rượu dùng men nho hữu cơ sản xuất. Sữa của các nông trường hữu cơ sẽ được chế thành phomat…

Nông nghiệp hữu cơ là nên nông nghiệp mà loài người quyết tâm dùng “kỹ thuật tự nhiên” để tạo nên loại đất “khoẻ hơn”, sản xuất ra “loại thực phẩm sạch”. Nhưng nền nông nghiệp hữu cơ cũng có một số nhược điểm, như chưa lợi dụng đầy đủ các nguyên lý sinh thái học để tiến hành sản xuất, hiệu suất năng lượng của nó còn thấp, còn chờ tiếp tục được cải tiến, nâng cao;

2. Nền nông nghiệp sinh thái [3]

Nông nghiệp sinh thái là loại hình nông nghiệp mới tuân theo nguyên lý sinh thái học và kinh tế học. Nó vận dụng phương pháp hệ thống hiện đại, lợi dụng mối quan hệ tương sinh, tương tác giữa các loài, xây dựng nên một hệ thống sinh thái nông nghiệp có thể tự duy trì, đầu vào ít, sản lượng cao.

Nông nghiệp sinh thái vận dụng nguyên lý mỗi loài thực vật trong hệ sinh thái đều có vị trí riêng của mình, tận dụng đầy đủ phạm vi không gian, làm cho lúa và hoa màu lợi dụng được tối đa năng lượng của mặt trời. Các cây trồng của nông nghiệp sinh thái được trồng xen kẽ, lồng ghép để tăng thêm mức độ tận dụng nhiệt độ, ánh sáng, nước và phân. Ví dụ cây ngô cao, lá to, đòi hỏi ánh nắng mạnh, bộ rễ phát triển cần nhiều nước và phân; còn đậu và lạc cây thấp, lá nhỏ, bộ rễ cạn, không cần ánh nắng mạnh và có thể cố định đạm. T

rồng xen kẽ chúng với nhau không những sẽ tăng thêm hiệu suất sử dụng các tầng đất và không gian mà còn nâng cao mức độ thông gió và chiếu sáng của ruộng, khiến cho các loài cây đều được thoả mãn yêu cầu riêng của chúng. Nông nghiệp sinh thái còn thúc đẩy các loài sinh vật “cộng sinh” tương hỗ cho nhau.

Như thế sự sinh trưởng của loài cây này trong hệ thống sẽ thúc đẩy các loài sinh vật “cộng sinh” tương hỗ cho nhau. Như thế sự sinh trưởng của loài cây này trong hệ thống sẽ thúc đẩy sự sinh trưởng cho loài kia phát triển. Vùng nông thôn và ngoại ô thành phố “ao cá bờ dâu” chính là một ví dụ rất tốt. Xung quanh bờ ao cá người ta trồng dâu. Lá dâu để nuôi tằm, phân tằm dùng nuôi cá. Đó là mồi ăn rất tốt cho cá ở tầng trên. Phân của cá ở tầng trên được các sinh vật huyền phù hấp thụ, chúng lại trở thành thức ăn của cá ở tầng giữa. Phân của loài cá ở tầng dưới chìm xuống bùn lại trở thành phân bón cho dâu.

Nông trường sinh thái đã tăng thêm những khâu thức ăn trong chuỗi xích thức ăn của hệ thống sinh thái nông nghiệp. Đối với các chất đã được sinh vật tăng cấp lợi dụng sẽ nâng cao hiệu suất lợi dụng lên rất nhiều. Nông trường sinh thái lợi dụng sự phân giải oxi của sinh vật và đất đai để biến thành năng lượng, biến chất ô nhiễm có hại thành nguồn nguyên liệu của nông nghiệp. Nông nghiệp sinh thái còn giảm thấp dùng phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật khiến cho sự phát triển của nông nghiệp và môi trường hài hoà với nhau. Do đó, nông nghiệp sinh thái là phương hướng miới của phát triển nông nghiệp.

IV. Các biện pháp tổng thể để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững [1]

1. Phát triển nông nghiệp bền vững là yêu cầu cấp bách đặt ra cho toàn bộ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng cho tương lai nông thôn, nông nghiệp nước ta; tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhưng không phá vỡ cân bằng sinh thái, huỷ hoại môi trường, mọi chính sách, mọi đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn phải đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững.

2. Cần có chính sách bảo vệ lợi ích chính đáng của nông dân. Giúp nông dân tránh bớt được rủi ro trong cơ chế thị trường và khi gặp thiên tai thì có thể tháo gỡ được, làm cho nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, có như vậy người dân mới yêu mảnh đất, mảnh vườn của mình; sản xuất hôm nay nhưng vẫn nghĩ đến tương lai lâu dài, chăm lo cải tạo và không ngừng tăng độ phì nhiêu của đất, nghĩa là phát triển sẽ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Nếu làm được như vậy thì những hàng rào ngăn cản sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội mới được tháo gỡ, tạo ra động lực thu hút đầu tư và tự đầu tư trong dân. Bên cạnh đó cũng phải có chính sách phù hợp thu hút đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, không ngừng tăng chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn.

3. Nâng cao nhận thức của xã hội, các ngành, các cấp về vị trí và vai trò phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phải xác định nông nghiệp và nông thôn phát triển bền vững thì toàn xã hội mới phát triển bền vững được. Hiện nay, một bộ phận trong xã hội còn lầm tưởng rằng phát triển mạnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đầu tư nhiều vào khu công nghiệp, tăng cường đầu tư nước ngoài… thì sẽ nhanh chóng làm giàu, nhanh chóng đưa đất nước phát triển.  Chính từ nhận thức đó mà chúng ta chưa có chính sách hữu hiệu và chưa chú trọng vào đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tạo ra sự phát triển bền vững, lâu dài. Quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn chủ yếu là để cho nông dân tự lo, tự bươn chải với thị trường mà ít tập trung tháo gỡ, định hướng và giúp đỡ nông dân để họ đi lên và đi ra được một cách vững vàng. Kết quả là nông dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; các cơ quan nhà nước chưa thực hiện được chức năng định hướng, hướng dẫn sản xuất và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; người nông dân chủ yếu vẫn chạy theo “phong trào” và gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó dẫn đến phát triển tự phát, thiếu các yếu tố cần thiết cho phát triển bền vững.

4. Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải gắn với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung đầu tư nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, nhất là đầu tư cho việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu mới nhất về công nghệ sinh học; gắn nghiên cứu với chuyển giao để giúp nông dân tiếp cận và sử dụng được những thành tựu về giống cây trồng, vật nuôi, tạo ra khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nông sản, thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm sạch, cho tiêu dùng và nguyên liệu cho công nghiệp, cũng như sản phẩm cho xuất khẩu có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Làm tốt công tác quy hoạch phát triển các làng nghề trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái các khu dân cư, có chính sách để huy động sự đóng góp chung của hộ sản xuất vào bảo vệ môi trường, môi trường trong làng, xã. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ về vốn và kỹ thuật, kể cả tư vấn, để các làng nghề có điều kiện tiếp cận công nghệ sạch.

5. Chú trọng tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến của các hình thức kinh tế hợp tác và các loại hình hợp tác xã, trên cơ sở đó huy động và khuyến khích mọi thành phần, mọi lực lượng xã hội tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với thực hiện dân chủ hóa (theo Quy chế dân chủ cơ sở) trong nông thôn.

6. Tiếp tục tuyên truyền, vận động để nông dân ý thức được hiệu quả của việc “đổi điền dồn thửa” vươn lên sản xuất hàng hóa lớn và giảm chi phí sản xuất. Như trên đã nói: Không tích tụ được ruộng đất, không thể tiến hành CNC trong sản xuất nông nghiệp.

7. Các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương cũng phải thể hiện được những nội dung của chính sách xã hội. Từ việc thu hút vốn đầu tư cho đến kế hoạch phát triển kinh tế cụ thể phải kết hợp chặt chẽ với các phương án nâng cao mức sống chung và xóa đói giảm nghèo. Tạo điều kiện cho dân cư nông thôn làm giàu, xóa dần sự cách biệt về thu nhập và đời sống giữa nông thôn và thành thị. Có biện pháp thiết thực hướng dẫn và hỗ trợ các hộ thuộc diện nghèo tại địa phương để họ, một mặt, được thụ hưởng một cách hiệu quả sự quan tâm giúp đỡ của toàn xã hội, mặt khác, phát huy được tinh thần tự vươn lên thoát khỏi đói nghèo bằng tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. PGS. TS Nguyễn Đức Khiển - “Phát triển nông nghiệp - Xây dựng nông thôn mới” - NXB Nông nghiệp, 2017.

2. Báo TN ngày 14/10/2016 - “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao”

3. Báo Hà Nội Mới ngày 24/2/2017 - “Ruộng đất manh mún khó thu hút công nghệ cao”.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH &CN Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Phải làm gì để Nông nghiệp phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.