Thứ sáu, 29/03/2024 17:05 (GMT+7)

Phân loại rác tại nguồn thất bại là do chưa đồng bộ và quyết liệt

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ ba, 15/11/2022 15:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghị định 45//2022/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2022.

Với sự phát triển nhanh của xã hội hiện nay, chất thải được sinh ra nhiều hơn. Điều này có nghĩa là một lượng lớn rác thải được tạo ra mỗi năm và sự tăng lên của nó là không được mong đợi. Phân loại và tái chế là điều cần thiết để giảm nguồn chất thải. Hầu hết các loại chất thải được tạo ra có thể được phân loại ngay tại nhà. 

Rác thải hiện nay chưa được các gia đình quan tâm đúng mức, hầu hết mọi người đều quan niệm cái gì không xài được thì vứt đi. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác.

Việc xử lí rác thải là một vấn đề khách quan và cần thiết trong mọi hoạt động sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của con người. Nó làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm và hạn chế tối đa các chất thải tồn đọng từ việc sinh hoạt và sản xuất của con người. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng trở thành một vấn đề vô cùng nghiêm trọng không chỉ bởi người dân và một số cơ sở thường xuyên xả các loại nước thải ra môi trường mà còn là do rác thải gây ô nhiễm nguồn nước gây ra.

Theo Nghị định 45, phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác thải), không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Nghị định cũng quy định cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh doanh không phân loại tại nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường sẽ bị phạt từ 20 - 25 triệu đồng; phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng đối với chủ dự án, ban quản lý khu đô thị không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn và không tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân theo quy định; phạt tiền từ 200 - 250 triệu đồng đối với chủ đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung có hành vi vi phạm như: không có mạng lưới thoát nước mưa, nước thải riêng biệt và không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Đối với quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sẽ bị phạt, nhiều người cho rằng quyết định chưa xử phạt là hợp lý. Bởi vì người dân chưa được hướng dẫn cụ thể phải phân loại rác như thế nào cho đúng, phải sử dụng bao bì gì cho đúng; phân loại xong thì để ở đâu để thu gom, trước nhà hay đem ra nơi tập trung... Do đó, rất cần thiết phải có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết để người dân làm cho đúng. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng người dân bị phạt oan và rác lại phải phân loại lại, rất mất thời gian, gây bức xúc trong nhân dân.

Thực hiện hiệu quả phân loại rác tại nguồn -0
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải nên ý thức của từng người dân là rất quan trọng. Nhưng vấn đề là làm sao phân loại đồng bộ và hiệu quả thì mới đạt kết quả như mong muốn, nghĩa là phải thống nhất từ khâu phân loại, thu gom đến khâu xử lý cuối cùng phải đồng bộ, thống nhất.

Chính quyền các cấp phải chủ động tuyên truyền, hướng dẫn việc phân loại rác đến người dân một cách cụ thể. Khi mọi việc đi vào quỹ đạo, tạo thành thói quen đối với từng người dân, lúc này các quy định xử phạt mới phát huy được tác dụng.

Hiện nay, có tình trạng người thì phân loại rác tại nguồn, người lại không thực hiện, nơi có thùng rác công cộng, nơi không và thùng rác một màu, người dân không biết bỏ rác đã phân loại vào thùng nào…

Chị Nguyễn Thị Lan, quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: “ Chỗ tôi được khu phố trích quỹ trang bị cho 2 thùng rác cỡ to, khác màu sắc để phân loại. Cuối tuần có đại diện phường chụp ảnh ghi nhận. Nhưng người thu góp rác cho rằng thùng to, 1 nhân viên không vác nổi ra đầu hẻm, do xe gom rác không vào hẻm được nên cứ 3 ngày mới thu gom rác một lần, trời mưa nước đọng bên trong rất hôi thối. Được 1 tuần thì họ đẩy thùng rác đi đâu luôn. Hô hào cho lắm mà không có đồng bộ thì vô dụng, vẫn chỉ là phong trào”.

Phân loại rác thải sinh hoạt đã trở thành vấn đề bức thiết, nếu triển khai tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường. Song để việc phân loại rác đạt hiệu quả như mong muốn cần có lộ trình cụ thể chứ không nên chỉ dừng lại ở việc xử phạt, tránh phát sinh những bức xúc không đáng có trong nhân dân.

Phân loại rác tại nguồn nhằm tách rác có giá trị tái chế tại nguồn, góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp. Thế nhưng hiện tại, các chương trình Phân loại rác tại nguồn ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa. Các giải pháp hiện nay mới chỉ mang tính phong trào, chưa đủ mạnh để thay đổi tình thế.

tm-img-alt
Ý thức phân loại rác thải tại nguồn có vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện nay

Còn nhớ cách đây 15 năm, Hà Nội cũng đã thực hiện dự án phân loại rác tại nguồn (3R) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Dự án bốn triệu USD được triển khai thí điểm trên tại bốn phường của nội thành Hà Nội gồm Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công và Láng Hạ.

Từ năm 2006 đến hết năm 2009, 18.000 gia đình được huấn luyện cách phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại CTRSH trên địa bàn Hà Nội không được duy trì. Có thể nói, dự án phân loại rác tại nguồn 3R tại Hà Nội là thất bại.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam, nguyên nhân thất bại của việc phân loại rác tại nguồn trong thời gian vừa qua là bởi chúng ta chưa có sự chuẩn bị chu đáo; quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và rác hữu cơ, trong đó một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh nhưng đầu ra cho loại phân bón này thiếu ổn định, rất khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm...

TP Hồ Chí Minh đã triển khai phân loại CTRSH tại nguồn thí điểm từ những 2002 với lộ trình từng bước rõ ràng. Nếu năm 2017, mỗi quận/huyện thực hiện ít nhất tại một phường/xã/ thị trấn thì năm 2018 mở rộng số lượng từ 3-5 và đến năm 2020 thì triển khai trên toàn địa bàn thành phố.

Thế nhưng, kết quả thu lại không được bao nhiêu vì hàng loạt nguyên nhân: Các hộ gia đình/chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại; công tác tuyên truyền và triển khai chưa đồng bộ; thành phố mới dừng lại ở tuyên truyền, vận động là chính và chưa kiểm tra, xử phạt

Một số tỉnh, thành phố khác cũng có các dự án tương tự như: Hưng Yên (2012- 2014), Bắc Ninh (2014), Lào Cai (2016), Bình Dương (2017-2018), Đồng Nai (2016- 2018), Đà Nẵng (2017), Hà Tĩnh (2019)... tuy vậy, hiệu quả thu về khá khiêm tốn.

Nguyên nhân là do “CTRSH tái chế thường được các hộ gia đình, người đi thu gom ve chai nhặt và bán trước khi đơn vị cung ứng dịch vụ có thể thu hồi; thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển chưa phù hợp với CTRSH được phân loại; nhiều nơi áp dụng một phương pháp xử lý cho tất cả CTRSH được thu gom; kinh phí thực hiện cho phân loại CTRSH tại nguồn cao; chưa nhận được sự hưởng ứng của chính quyền địa phương và thiếu chương trình truyền thông mang tính tổng thể về phân loại CTRSH tại nguồn”, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết thêm.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Đặng Văn Khoa cho rằng, việc chúng ta thực hiện phân loại rác đều thất bại là do chưa được chuẩn bị đầy đủ cơ sở, phương tiện và tuyên truyền hướng dẫn cụ thể cho người dân nắm cách phân loại; rồi việc bố trí dân cư như hiện nay ở các thành phố thì việc thu gom rác không hề đơn giản. Như vậy sẽ rất lãng phí tiền của và thời gian.

Xây dựng một ý thức hệ phân loại rác còn đồng nghĩa với việc nâng các giá trị nhận thức, hành động thành một niềm tin chung mang tính cộng đồng. Ý thức hệ phân loại rác không dễ dãi chấp nhận sự đơn lẻ mà phải là tổng hòa ý thức, trở thành đặc trưng đời sống tinh thần của xã hội; là ý tưởng, nhận thức, giá trị và niềm tin chung nhất về quan điểm, tư tưởng được biểu hiện thông qua nhận thức, tư duy và hành động của con người mang theo cả tâm tư, tình cảm làm điều kiện nảy sinh những khát khao, kỳ vọng và mục tiêu hướng tới tương lai.

Chính vì vậy, khi xây dựng ý thức hệ phân loại rác là xây dựng đặc trưng chung nhất trong tâm hồn, nhận thức, tư duy và hành động của con người Việt Nam cùng chịu tác động của các điều kiện tự nhiên và xã hội.

Mục tiêu xây dựng và phát triển một nếp sống xanh, sống văn minh và bền vững trong chuỗi kinh tế tuần hoàn không thể xa rời ý thức hệ phân loại rác. Nói một cách nôm na rằng, ý thức và hành vi phân loại rác phải “ăn vào máu” của người Việt, trở thành một giá trị văn minh Việt và lưu truyền bền vững cho muôn đời sau./.

Bạn đang đọc bài viết Phân loại rác tại nguồn thất bại là do chưa đồng bộ và quyết liệt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Cần Giờ phấn đấu đạt Net zero vào năm 2035
Huyện Cần Giờ, TPHCM vừa ban hành Kế hoạch phối hợp xây dựng Chương trình hành động Vì một Cần Giờ Xanh, đề xuất trồng rừng gắn với tín chỉ carbon, nhằm đạt được mục tiêu "net zero" vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam.
Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Giải bài toán rác thải ở Bắc Ninh
Theo kế hoạch từ 2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.