Thứ năm, 25/04/2024 09:25 (GMT+7)

Phân loại từ nguồn: Biện pháp giúp xử lý rác hiệu quả

MTĐT -  Thứ hai, 29/11/2021 17:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rác thải nói chung, rác thải sinh hoạt nói riêng đang là mối đe dọa lớn đến đời sống con người. Phân loại rác thải từ hộ gia đình (tại nguồn) góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý...

Nâng cao nhận thức của người dân

3 năm qua, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại hộ gia đình. Bà Nguyễn Thị Phú, thôn Đèo Mon, cho biết: Khi nghe cán bộ tuyên truyền, phân tích lợi ích của việc phân loại rác thải ngay tại nhà, bà đã thực hiện 3 năm qua. Đối với các loại rác hữu cơ, gia đình bà ủ thành phân, các loại túi nilon thu gom lại đốt tại hố rác tại gia đình, các loại rác có thể tái chế như vỏ chai nhựa, giấy bà gom lại bán cho cơ sở thu gom. Qua thực hiện, phân loại đã giúp gia đình bà xử lý rác hiệu quả hơn trước nhiều.

Đồng chí Mai Thị Nga, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kháng Nhật cho biết, hiện toàn xã có 5 lò đốt rác được bố trí tại các cụm khu dân cư và 62 hố rác đốt tại gia đình. Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã thành lập được 8 mô hình tự quản về bảo vệ môi trường với 67 thành viên tham gia. Tổ tự quản do người dân trong thôn bầu ra, mỗi tổ gồm 7-8 người. Tổ tự quản thực hiện nhiệm vụ giám sát người dân trong thôn phân loại rác tại nhà, vứt rác đúng nơi quy định và xử lý rác hố đốt rác tập trung 1 tuần/lần. Với sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, MTTQ xã và các đoàn thể trong triển khai sớm, làm tốt công tác tuyên truyền, xã Kháng Nhật là một trong những địa phương điển hình trong xử lý rác thải sinh hoạt.

Phân loại từ nguồn: Biện pháp giúp xử lý rác hiệu quả
Người dân xóm 9 xã Tràng Đà phân loại rác khi thực hiện thu gom.

Nhiều năm nay khu vực từ xóm 7, 8, 9 xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) với trên 300 hộ dân đã thực hiện việc thu gom rác thải tự nguyện. Bà Nguyễn Thị Lâm, xóm 9 xã Tràng Đà cho biết: Trước đây, khi Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang chưa thực hiện thu gom thì người dân các xóm này đã tự bỏ tiền trả cho một người thực hiện thu gom rác cho cả tuyến. Thực hiện lâu dần thành thói quen. Đến nay, công nhân môi trường thu gom, đa số các hộ vẫn thực hiện phân loại rác tại nhà để giảm tải việc thu gom, cũng như lãng phí nguồn nguyên liệu từ phế thải tái chế.

Phân loại từ nguồn: Biện pháp giúp xử lý rác hiệu quả
Người dân tổ nhân dân Tân Phúc, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) phân loại rác thải khi thu gom.

Ngoài 2 địa phương trên thì trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tổ dân phố, xóm, xã, phường đã thực hiện việc phân loại rác thải từ nguồn tốt như phường Tân Quang, Minh Xuân, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang); xã Ninh Lai, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương)... Theo khảo sát, đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác phân loại bước đầu đã được hình thành trong các khu dân cư, người dân tự phân loại một phần rác thải có thể tái chế (giấy, kim loại, nhựa) được thu gom, bán cho cơ sở thu mua phế liệu; thức ăn thừa, sản phẩm thừa sau sơ chế rau, củ quả... được tận dụng cho chăn nuôi. Tuy nhiên, việc phân loại tại nguồn chưa triệt để, sau khi được vận chuyển về cơ sở xử lý tiếp tục được phân loại, tuy nhiên mức độ phân loại còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Cần sự chung tay của các cấp, ngành và người dân

Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh năm 2020 là 118 nghìn tấn (bình quân 325 tấn/ngày). Trong đó, khối lượng được thu gom, xử lý tập trung khoảng 55 nghìn tấn tương đương khoảng 152 tấn/ngày; khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tự xử lý tại vùng dân cư phân tán khoảng 63 nghìn tấn.

Công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý chất thải sinh hoạt nói riêng đã trở thành mối quan tâm lớn, đặc biệt là chất thải nhựa, nilon dùng một lần ngày càng gia tăng. Thành phần chất thải rắn sinh hoạt rất đa dạng, trong đó rác thải hữu cơ chiếm khoảng 70,5%; rác thải nhựa 8,1%; rác thải vô cơ, chất trơ, các tạp chất chiếm khoảng 21,4%. Do đó việc phân loại rác tại nguồn đã và đang là yêu cầu cấp thiết để xử lý rác hiệu quả.

Phân loại từ nguồn: Biện pháp giúp xử lý rác hiệu quả
Người dân thôn Tân Tiến, xã Ninh Lai (Sơn Dương) phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình.

Từ ngày 1-1-2022, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới chính thức có hiệu lực. Luật quy định rõ quyền, trách nhiệm của Ủy ban MTTQ, các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư. Điểm mới của Luật (sửa đổi) là yêu cầu phải có sự vào cuộc đồng bộ, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị và từng người dân trong bảo vệ môi trường. Luật cũng đã cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của người dân. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh; phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định. Và thay vì thu tiền thu gom rác thải theo cách “cào bằng” hiện tại, người dân sẽ phải trả khoản tiền tương ứng với lượng rác thải ra. Đặc biệt, rác có khả năng tái sử dụng và rác thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình nếu phân loại đúng sẽ không phải trả phí; trường hợp phân loại không đúng quy định thì phải chi trả cho tất cả các loại rác thải phát sinh. Quy định này sẽ “đánh” thẳng vào túi tiền của chính người dân, buộc họ phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phân loại và xả thải rác. Các đơn vị thu gom rác có quyền từ chối vận chuyển rác của hộ gia đình không thực hiện phân loại rác thải.

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo Đề án, dự báo dân số đến năm 2025 là: 828 nghìn người; thành thị 121 nghìn người, nông thôn 707 nghìn người, tỷ lệ tăng dân số trung bình năm là 0,81%, dự báo khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong cả giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 576 nghìn tấn. Tại kỳ họp thường kỳ ttháng 10-2021, đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Đề án tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đã cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và đưa ra các giải pháp thực hiện cho từng bước. Tuy nhiên để làm được hiệu quả ngoài nỗ lực cơ quan chuyên môn, các cấp ngành thì người dân được xác định là chủ thể trong thực hiện thì việc xử lý rác mới đạt hiệu quả.

Kỳ vọng, thực hiện Luật Môi trường (sửa đổi) và Đề án tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 sẽ giúp đẩy mạnh phân loại rác từ hộ gia đình, tạo cuộc “cách mạng” trong công tác xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.

Bạn đang đọc bài viết Phân loại từ nguồn: Biện pháp giúp xử lý rác hiệu quả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo baotuyenquang.com.vn

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành
Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành