Thứ ba, 03/12/2024 08:38 (GMT+7)

Pháp luật môi trường dưới góc nhìn của luật sư

MTĐT -  Thứ tư, 27/03/2019 11:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đất nước đang ngày càng phát triển, nhà máy, các khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều. Điều này tạo một áp lực không nhỏ trong cân bằng giữa việc phát triển nền kinh tế với việc bảo đảm môi trường.

 Hệ thống pháp luật chưa đáp ứng được thực tế

Bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của chính mình và cộng đồng. Đây cũng chính là mục tiêu mà Nhà nước, Chính phủ và cả xã hội đang cố gắng thực hiện. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhà nước ta đang áp dụng Luật Bảo vệ môi trường 2014 được ban hành ngày 23/06/2014 cùng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khác.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS.

 Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã có những bước tiến đáng kể, nhằm đáp ứng theo tình hình thực tế của nước ta hiện nay.

Nhưng đất nước ta đang ngày càng phát triển, nhà máy, các khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều. Đặc biệt, xu hướng các bệnh viên tư nhân phát triển một cách rầm rộ, các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân mọc lên “như nấm sau mưa” hiện nay đang là mối đe dọa lớn đối với môi trường.

Cùng quan điểm, luật sư Vũ Văn Biên – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Khoa Tín từng nhận định rằng, vai trò của các bệnh viện trong việc bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Các bệnh viên chính là đơn vị trực tiếp thực hiện công tác vệ sinh môi trường. Nếu như các bệnh viện luôn tự giác chấp hành và có ý thức bảo vệ môi trường thì rất nhiều các sự cố môi trường có thể được loại bỏ. Thế nhưng chúng ta đều biết rằng đây thực sự là một việc “khó” thực hiện.

“Đứng trước thực trạng kể trên thì quả thật hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường nước ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế hiện tại. Thế nhưng, chúng ta không thể thay đổi luật hàng ngày, hàng giờ để đáp ứng được sự phát triển của xã hội”, luật sư Nguyễn Văn Tuấn đánh giá.

Gốc rễ vẫn là ý thức người dân

Luật sư Vũ Văn Biên – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Khoa Tín.

“Tôi luôn cảm nhận được tinh thần trách nhiệm và ý thức xã hội của từng phóng viên, nhà báo của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam. Họ là những con người luôn ngày đêm trăn trở về các vấn đề còn bất cập tồn tại của xã hội và không quản ngại khó khăn, lăn xả vào những nơi nguy hiểm để đưa các thông tin đa chiều và kịp thời đến các độc giả”, luật sư Vũ Văn Biên.

Theo luật sư Vũ Văn Biên, gốc rễ là mỗi người dân người cần phải nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần phải chú trọng ban hành các văn bản pháp luật mới quan trọng về môi trường đi đôi với việc thực thi hiệu quả, nghiêm túc các chính sách đã được đưa ra thông qua việc tích cực tuyên truyền quy định pháp luật và xử phạt nghiêm khắc những vi phạm.

Cụ thể, các luật sư đều cho rằng, trước hết nhà nước ta phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; rà soát, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, rủi ro xảy ra sự cố môi trường, xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xây dựng năng lực ứng phó với sự cố môi trường, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, một vấn đề then chốt nữa là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội; tăng cường vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong phản biện, giám sát, tham gia quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. 

Bạn đang đọc bài viết Pháp luật môi trường dưới góc nhìn của luật sư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cẩm Anh

Cùng chuyên mục

Tin mới