Thứ bảy, 20/04/2024 16:24 (GMT+7)

Ai đứng sau vụ đổ trộm dầu thải vào nguồn nước sạch sông Đà?

MTĐT -  Thứ bảy, 19/10/2019 09:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 18/10, Công an tỉnh Hòa Bình đã tạm giữ khẩn cấp 2 nghi can liên quan đến vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà.

Hai đối tượng đã bị bắt giữ là Nguyễn Chương Đại (quê ở Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (quê ở tỉnh Lạng Sơn).

Tại cơ quan điều tra, Đại và Thám khai, ngày 6/10 hai người được Lý Đình Vũ thuê lái xe ôtô tải đi từ Bắc Ninh đến một công ty ở Phú Thọ lấy chất thải, bơm vào 10 thùng chứa, tổng dung tích khoảng 10 m3.

Nghi phạm Nguyễn Chương Đại (trái) và Hoàng Văn Thám tại cơ quan điều tra.

Ngày 8/10, Đại, Thám và Vũ lái xe tải và xe bốn chỗ, đưa chất thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đổ trộm rồi bỏ trốn.

Ôtô tải biển kiểm soát 99C-087.83 thuộc Công ty TNHH TM và vận tải du lịch Minh Phương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Còn ôtô 4 chỗ biển kiểm soát 89A-137.66 có chủ phương tiện là Nguyễn Văn Quyền (trú huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Cả hai chiếc ôtô đều bị thu giữ phục vụ điều tra.

Công an Hòa Bình tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng Bộ Công an xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan việc xử lý nguồn nước ô nhiễm cung cấp cho TP Hà Nội.

Cơ quan điều tra cũng đã tạm giữ xe 4 chỗ 89A-137xx, đồng thời tiếp tục xác minh truy bắt Lý Đình Vũ và thu giữ các phương tiện, vật chứng có liên quan đến vụ án.

Công an tỉnh Hòa Bình đề nghị người dân khi phát hiện Lý Đình Vũ, có điều kiện có thể bắt giữ hoặc báo ngay cho chính quyền và cơ quan công an nơi gần nhất để bắt giữ.

Nhiều điểm bất thường

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, vụ đổ trộm dầu thải vào đầu nguồn nước sạch sông Đà vẫn còn nhiều điểm bất thường. Cụ thể, chia sẻ với VOV, một người thu mua dầu nhớt thải ở huyện Lương Sơn - Hòa Bình cho biết, giá dầu thải cao hay thấp tùy thuộc vào đó là dầu thải từ nhà máy hay từ hoạt động của các loại xe ôtô. Tuy nhiên, giá giữa 2 loại cũng chỉ chênh nhau vài trăm đồng/kg.

“Nhu cầu ở Lương Sơn rất cao vì có nhiều mỏ đá, người ta mua về để vận hành máy nghiền đá. Giá dầu thải hiện nay thường được mua với giá dao động trong khoảng 4.500 - 5.000 đồng/kg. Nếu người nào có nhu cầu muốn bán với số lượng nhiều thì chúng tôi vẫn mua với giá đó và đến tận nhà chở về", người này cho biết.

Chính vì thế, ngay khi có thông tin có người đổ trộm dầu thải, nhiều người bày tỏ sự khó hiểu tại sao lại có người đổ trộm hàng nghìn lít dầu thải ra ngoài môi trường mà không đem bán.

"Xe 2,5 tấn có thể chứa được tới hơn 2.000 lít dầu, bán đi cũng được khoảng 10 triệu đồng. Tài xế không thể không biết điều này mà lại đem đi đổ trộm, nhất là khi việc thu mua dầu thải hiện nay diễn ra phổ biến, ở bất kỳ cung đường quốc lộ nào cũng có thể tìm thấy địa chủ thu mua. Nay nghe các đối tượng khai nhận là 10m3, tức là 10.000 lít, rất nhiều tiền và thu gom lâu mới được. Họ gom và đổ có mục đích gì cần phải làm rõ...",  anh Thời chủ gara xe trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội) cho biết.

Chiếc xe tải chở chất thải bị tạm giữ.

Câu hỏi đặt ra là có thể có bàn tay bên thứ ba đứng ra thuê 3 nghi phạm mới bị bắt kia đổ trộm dầu thải vào nguồn nước. Nhưng với mục đích gì thì cần phải điều tra làm rõ, đúng người đúng tội. Quan trọng nhất là tìm ra kẻ lạ mặt nấp sau vụ án này.

Công ty nước sạch sông Đà cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Nói về trách nhiệm hình sự của 2 nghi can này, trao đổi với báo Lao động, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định trong vụ việc này, cả người đổ dầu thải ở đầu nguồn nước gây ô nhiễm môi trường lẫn đơn vị cung cấp nước sạch đều phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của những người dân và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“Theo quy định tại Điều 235 Bộ Luật hình sự, đối với những người đổ trộm chất thải nguy hại vào đầu nguồn nước, hành vi này làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân. Người vi phạm có thể bị phạt hành chính đến một tỷ đồng. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường, mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù” – luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, trường hợp công ty cấp nước sạch xác định chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn bán cho người dân thì cần xử lý theo quy định pháp luật. Tùy thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra, hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật lãnh đạo, xử phạt hành chính công ty hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Ai đứng sau vụ đổ trộm dầu thải vào nguồn nước sạch sông Đà?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ