Thứ ba, 23/04/2024 14:45 (GMT+7)

CCN Liên Hiệp: Doanh nghiệp làm trái luật, chính quyền ngó lơ?

Sơn Hồng - Tiêu Diệp -  Thứ sáu, 26/04/2019 12:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Anh Hoàn nói ở đây cho làm trạm trộn bê tông, dựng xong mới vỡ lở ra, xin giấy phép mất bao nhiêu tiền mà còn chưa xong” - đại diện trạm bê tông Việt Mỹ cho hay.

Sau bài viết "Phúc Thọ (Hà Nội): CCN Liên Hiệp dính líu nhiều sai phạm? được tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đăng tải ngày 18/4, lúc này, nhiều độc giả phản hồi tích cực và đưa ra nhiều ý kiến yêu cầu làm rõ các doanh nghiệp hoạt động “chui” khi không giấy phép là ai? Tại sao các doanh nghiệp xây dựng sai phép mà chính quyền các cấp ngó lơ? Vai trò quản lý của chính quyền các cấp đến đâu khi để xảy ra sai phạm?...

Đặc biệt, độc giả quan tâm đến quy trình cho thuê, mượn đất trái thẩm quyền tại đây được thực hiện ra sao? Xử lý trách nhiệm với cá nhân, tổ chức báo che, tiếp tay cho các sai phạm tiếp diễn tại CCN Liên Hiệp như thế nào?

Toàn bộ diện tích 3.000m2 Công ty Khang Huy cho Công ty Việt Mỹ thuê lại đã được xây hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Ngày 23/4, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phương – Đại diện Công ty Cổ phần sản xuất bê tông Việt Mỹ (Trạm trộn Việt Mỹ) một đơn vị thuê đất tại CCN Liên Hiệp để tìm hiểu thông tin và được ông Phương cho biết: Bây giờ trạm trộn của tôi còn mỗi giấy phép kinh doanh đang xin còn những thủ tục về môi trường đã đầy đủ rồi”.

Để xác thực câu trả lời của ông Phương, phóng viên yêu cầu tiếp cận hồ sơ, lúc này, ông Phương trưng ra rất nhiều giấy tờ: Giấy chứng nhận đăng ký doanh; Giấy phép xây dựng; Quyết định chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp…

Tuy nhiên, tất cả hồ sơ, giấy tờ ông Phương đưa ra lại mang tên một doanh nghiệp khác có tên Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Khang Huy (Công ty Khang Huy) do ông Đỗ Kim Hoàn làm Tổng giám đốc. Hiện tại, ông Hoàn sở hữu diện tích 1,5ha trong tổng thể 8,1ha của CCN Liên Hiệp.

Được biết, hai doanh nghiệp này đã ký kết và tự làm hợp đồng liên doanh, trong đó Công ty Khang Huy đã tự ý giao cho cho Trạm trộn Việt Mỹ 3.000m2 đất để xây dựng trạm trộn bê tông và một số công trình phụ trợ phục vụ khác.

Viện vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có mục: Khai thác cát sỏi, Sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét, xây dựng nhà các loại... Ông Hoàn tự ý cho doanh nghiệp xây dựng và sản xuất bất hợp pháp.

Đứng trước những câu hỏi về tính hợp pháp trong hợp đồng giao đất; Giấy phép kinh doanh; Giấy phép xây dựng của Trạm trộn Việt Mỹ được các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt như nào? Tại sao khi chưa có đủ giấy tờ pháp lý tháng 2/2019 công ty đã hoàn thiện đưa công trình vào sử dụng?

Ông Phương thừa nhận: “Sai thì chúng tôi sai rồi, sai về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, cũng phải nên xem xét đến việc tôi là người có công với đất nước (Đại tá Công an về hưu). Trước Chánh thanh tra của Sở đến kiểm tra ngon lành chẳng có ý kiến gì”.

Khi được hỏi về việc có phải doanh nghiệp biết sai nhưng vẫn cố tình làm, ông Phương thành thật nói lý do: “Ông Hoàn đưa mỗi cái giấy phép kinh doanh cho tôi, có danh mục đăng ký vật liệu xây dựng. Bản thân tôi chưa kinh doanh bao giờ cả, trong quá trình làm các cơ quan chức năng vào mới biết là sai, tôi bắt ông Hoàn phải làm ngay lại”.

Ông Hưng – nhân viên tại Trạm trộn Việt Mỹ cũng cho hay: “Khi vào anh Hoàn nói ở đây cho làm trạm trộn bê tông, dù biết đất từ Mỹ Đình, An Khánh xuống dưới này chẳng giấy phép nào được ghi là sản xuất vật liệu xây dựng cả. Mừng quá chúng tôi cho dựng trạm luôn, dựng xong mới vỡ lở ra, chúng tôi phải đi nhiều nơi xin giấy phép mất bao nhiêu tiền mà còn chưa xong”.

Sau khi báo chí vào cuộc, ngày 19/4/2019 trạm trộn Việt Mỹ vội vàng ký hợp đồng tham vấn để nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ về môi trường.

Được biết, ngoài việc tự ý xây dựng trái phép, trạm trộn Việt Mỹ cũng không có bất kỳ hồ sơ pháp lý nào về môi trường được các cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng đã đi vào vận hành sử dụng.

Cụ thể, ngày 19/4, trạm trộn bê tông Việt Mỹ thuê doanh nghiệp tư nhân gấp rút hoàn thiện hồ sơ và lập kế hoạch bảo vệ môi trường; Đánh giá tác động môi trường; Kế hoạch, đề án BVMT; Quan trắc về môi trường…

Cũng theo ông Phương cho biết: “Chúng tôi sẽ có các giấy tờ này, chỉ cần 2 tháng nữa là chúng tôi hoàn thiện tất cả mọi hồ sơ, giấy tờ”.

Dựa trên lý do nào ông Phương có thể khẳng định chắc chắn trong vòng 2 tháng sẽ hoàn thiện đầy đủ thủ tục về đất đai, môi trường? Trong khi bản thân doanh nghiệp đã thực hiện sai về việc cấp phép xây dựng, thuê đất, xây dựng vô phép?...

Đứng trước nhiều câu hỏi dư luận đang quan tâm, tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhiều lần liên hệ làm việc với UBND huyện Phúc Thọ, UBND xã Liên Hiệp. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, không hiểu lý do gì cả xã và huyện đều “im hơi lặng tiếng”?

Dư luận đặt nghi vấn, có hay không sự bao che, tiếp tay của chính quyền để sai phạm tồn tại công nhiên và thách thức pháp luật?

Môi trường và đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn đang đọc bài viết CCN Liên Hiệp: Doanh nghiệp làm trái luật, chính quyền ngó lơ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...

Tin mới