Thứ sáu, 29/03/2024 20:19 (GMT+7)

Chuỗi nhà hàng Món Huế đóng cửa hàng loạt và trách nhiệm đặt ra

Cẩm Anh -  Thứ bảy, 26/10/2019 09:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo sư Lê Ngọc Khánh, để bảo vệ quyền lợi, các chủ nợ cần phải có động thái nhanh chóng, kịp thời tránh việc “tẩu tán” tài sản của Công ty Món Huế.

Thương hiệu Món Huế trong vài năm gần đây khá nổi tiếng, được biết đến là chuỗi nhà hàng ăn tại chỗ, cung cấp thức ăn Việt Nam, hương vị hoàng gia và thường được xem như là đặc trưng ẩm thực Huế. Tuy nhiên trong vài ngày gần đây, một loạt nhà hàng Món Huế ở những vị trí đắc địa của Hà Nội đồng loạt đóng cửa, dừng hoạt động và thông báo cho thuê mặt bằng.

Đặc biệt, trước đó, vào ngày 21/10, rất đông nhà cung cấp đã kéo tới trụ sở công ty TNHH Huy Việt Nam - chủ sở hữu thương hiệu Món Huế (địa chỉ số 304 Võ Văn Kiệt, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) để đòi nợ. Vậy nhà hàng Món Huế có đang đứng trước nguy cơ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?

Về vấn đề này, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Luật học, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Cố vấn cấp cao của Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội. 

Luật sư Lê Ngọc Khánh, Cố vấn cấp cao của Công ty Luật TNHH TGS. 

- Theo Luật sư, hành vi của nhóm điều hành Món Huế có được coi là lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không?

Hành vi trên của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế có được coi là lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản? Trước hết, Căn cứ vào Điều 175 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gồm các hành vi như sau:

Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Đối chiếu với hành vi của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế có thể thấy tổng số nợ theo các nhà cung cấp đã lên đến con số tỷ đồng, các nhà cung cấp đang trong tình trạng lao đao vì có nguy cơ mất hết số tiền bán hàng, đồng thời nhân viên công ty cũng bị nợ lương vài tháng gần đây. 

Các giao dịch với nhà cung cấp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng đã ký kết giữa các bên, mặc dù không dùng thủ đoạn gian dối để ký Hợp đồng nhưng sau khi quá hạn thanh toán theo Hợp đồng, các nhà cung cấp liên hệ với Công ty TNHH Món Huế thì lại không được.

Theo thông tin tôi được biết, hai năm gần đây Công ty Món Huế đã lỗ trên 50 tỷ đồng trên một năm, với số vốn điều lệ khá nhỏ, công ty này đã âm vốn chủ từ năm 2017. Mặc dù Công ty chủ sở hữu là Huy Việt Nam có vốn chủ sở hữu khá lớn lên đến gần 600 tỷ đồng, nhưng cần phải chú ý rằng loại hình Công ty Món Huế là Công ty trách nhiệm hữu hạn, theo đó các thành viên chỉ chịu trách nhiệm trong phần vốn góp của mình.

Vào tháng 04/2019, vốn điều lệ của công ty Món Huế đã được tăng từ 22 tỷ lên hơn 600 tỷ đồng với 3 thành viên, đó cũng là 1 căn cứ để xác định khả năng chi trả các khoản nợ của mình. Nếu trong trường hợp xác định được công ty Món Huế vẫn có đủ khả năng để thanh toán các khoản nợ với các nhà cung cấp mà cố tình trốn tránh trách nhiệm, không thanh toán các khoản nợ nêu trên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản còn nếu không thì chỉ có thể xử lý theo quy định tại Luật Thương Mại và Luật Dân sự.

- Ông chủ của công ty quản lý Món Huế không chịu xuất hiện, các chủ nợ nên thực hiện những hành động pháp lý nào đảm bảo đúng luật mặt khác để đòi lại quyền lợi cho mình? Các món (khoản) nợ sẽ phải xử lý như thế nào?

Hiện nay, các nhà cung cấp cũng cố gắng liên lạc với đại diện Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế nhưng bất thành. Một số nhà cung cấp thậm chí còn tìm tới nơi được cho là nhà riêng của chủ tịch công ty này (tại quận 2, TP. Hồ Chí Minh), đòi đối chất.

Đồng thời phía Công ty TNHH Huy Việt Nam vẫn chưa lên tiếng về những cáo buộc nợ hàng chục tỉ từ phía các nhà cung cấp thực phẩm.

Chuỗi nhà hàng Món Huế đồng loạt đóng cửa. 

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trước hết người bị hại nên tiến hành kiểm tra, thống kê, rà soát lại toàn bộ hàng hóa bị thiệt hại, các hợp đồng đã ký kết giữa các bên và chuẩn bị các căn cứ liên quan khác, sau đó có thể tiến hành một số các hành động như sau:

Thứ nhất, trình báo đến cơ quan công an, thực hiện điều tra, xem xét xem có hành vi phạm tội hay không? Đây cũng là một phương pháp để ép, khiến cho chủ sở hữu là Công ty Huy Việt Nam phải có động thái để thỏa thuận, thanh toán cho các chủ nợ.

Thứ hai, khởi kiện dân sự, để đòi các khoản tiền theo Hợp đồng mà các bên đã giao kết, tuy nhiên trong trường hợp này lại rất khó để đòi lại các khoản tiền khi mà Công ty Món Huế đã âm vốn chủ từ lâu.

Thứ ba, Các chủ nợ có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty Món Huế. Theo Điều 5, Luật Phá sản 2014, Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Trong trường này, Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì phải dùng toàn bộ tài sản của công ty để trả nợ và các khoản tài chính. Tuy nhiên đối với các khoản nợ không có bảo đảm thì sẽ được thanh toán nếu như tài sản vẫn còn sau khi thanh toán các khoản nợ lương nhân viên, nghĩa vụ tài chính với nhà nước,… Tuy nhiên với cách này, các chủ nợ phát sinh trong Hợp đồng mua bán sẽ rất khó để nhận lại được khoản lợi ích hợp pháp tương xứng.

Nhìn chung, trong trường hợp này rủi ro của các chủ nợ là các nhà cung cấp thực phẩm,  hàng hóa cho Công ty Món Huế là rất lớn, cần phải có sự khéo léo, và can thiệp của những chuyên gia pháp luật là các Luật sư để có thể bảo vệ tốt nhất lợi ích của mình.

- Luật sư nhận định như thế nào về vi phạm pháp luật mà Món Huế vừa thực hiện?

Do những mập mờ trong hoạt động kinh doanh gần đây của Món Huế có thể nhận thấy một loạt các hành vi vi phạm pháp luật như:

- Không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng đến hạn phải trả cho các nhà cung cấp, vi phạm pháp luật về dân sự và thương mại;

- Không thực hiện nghĩa vụ trả lương cho người lao động trong công ty, vi phạm Luật Lao động hiện hành;

- Với động thái trốn tránh trách nhiệm, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với hoạt động kinh doanh của các nhà cung cấp, Công ty này thậm chí còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự;

Các chủ nợ cần phải có động thái nhanh chóng, kịp thời tránh việc “tẩu tán” tài sản của Công ty Món Huế. Qua vụ việc của Công ty Món Huế cũng như The Kafe ngày trước, những nhà kinh doanh cần phải có sự tỉnh táo và mở rộng vốn kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình trước những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Xin cảm ơn những chia sẻ của luật sư!

Bạn đang đọc bài viết Chuỗi nhà hàng Món Huế đóng cửa hàng loạt và trách nhiệm đặt ra. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới