Thứ tư, 17/04/2024 05:35 (GMT+7)

Đắk Lắk: Cứu sống hàng trăm ha lúa vẫn bị truy cứu hình sự

Trần Quỳnh - Đoàn Vĩnh -  Thứ ba, 30/06/2020 09:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ông Kỹ đã cho quy hoạch cánh đồng lúa theo lô, bờ thửa hợp lý để thuận lợi cho việc tưới tiêu; cơ giới hóa toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc và thu hoạch lúa.

Được mệnh danh là “Vua lúa Tây Nguyên” có công rất lớn trong các phong trào của Hợp tác xã, đặc biệt trong lĩnh vực trồng lúa nước, đưa đời sống của hàng nghìn hộ dân thoát khỏi cảnh đói nghèo. Thế nhưng, chính những nỗ lực đó lại đẩy ông Lã Như Kỹ - Giám đốc HTX cánh đồng 8/4 vào vòng lao lý, đang đứng trước nguy cơ tù tội. Do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Lắk (Đắk Lắk) cần xem xét toàn diện hành vi, động cơ của ông Kỹ, tránh làm oan sai.

“Lão nông tri điền” trên Tây Nguyên đại ngàn

Những năm 80 thế kỷ trước, cuộc sống của người dân vùng đất Đông Sơn thuộc huyện Đông Hưng (Thái Bình) quanh năm làm ruộng khó nhọc. Lúc bấy giờ, Đảng và Nhà nước đang có chủ trương xây dựng những khu kinh tế mới ở Tây Nguyên. Thấm nhuần chủ trương này, bà con vùng Đông Sơn đã động viên viên nhau rời quê đi vào các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk để làm ăn, sinh sống và tìm kiếm cơ hội phát triển mới.
Ông Lã Như Kỹ cũng theo dòng người từ vùng quê Thái Bình vào Tây Nguyên mong tìm cuộc sống mới, mãi mới dựng tạm được căn chòi tại Buôn Triết thuộc huyện Lắc để có nơi ở.
Nhiều năm tháng trôi qua, sau những đêm thức trắng suy nghĩ về chuyện làm giàu từ cây lúa, ông Kỹ bàn với vợ thì được bà vui vẻ động viên, ủng hộ.
Sau khi tìm tòi, tham khảo nhiều ý kiến về cách trồng lúc tốt nhất, lúc đầu ông Kỹ tích góp dần 15 triệu đồng rồi góp vốn với người thân mua máy cày gần 45 triệu đồng để khai hoang đất. Kết quả thật bất ngờ! Một năm sau, ông Kỹ thu được gần 100 tấn lúa từ diện tích đất khai hoang này.
Năm 2009, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8/4 (HTX cánh đồng 8/4) được thành lập, do ông Lã Như Kỹ làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Kể từ đó đến nay, ông Kỹ cùng các thành viên trong HTX đã làm tốt nhiệm vụ tưới tiêu cho gần 1.000 ha lúa của 3 xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết thuộc huyện Lắk (Đắk Lắk).

Vụ lúa Đông Xuân 2019 - 2020, nhờ mạnh dạn đầu tư thiết kế mương máng, ao hồ dự trữ nguồn nước dẫn từ hồ Ea Súp Thượng về tưới cho cánh đồng lúa sản xuất tập trung hơn 80 ha tại thôn 14A, xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) nên HTX cánh đồng 8/4 không có diện tích nào bị thiếu nước, dù diện tích lúa đã tăng 300% so với năm 2018.

Sản lượng lúa cao sản các loại thu hoạch vụ Đông Xuân này của HTX cánh đồng 8/4 là hơn 500 tấn, trong đó gần 40% là lúa gạo đen thảo dược Phúc Thọ. Hầu hết các loại lúa cao sản đã được HTX cánh đồng 8/4 liên kết bao tiêu đầu ra với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed). Dự tính doanh thu vụ lúa Đông Xuân 2019 - 2020 của riêng cánh đồng xã Ya Tờ Mốt là hơn 4,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lãi thuần chừng 2,5 tỷ đồng.

Để đạt được như vậy, hầu hết các giai đoạn sản xuất HTX cánh đồng 8/4 đều ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản phẩm, gia tăng giá trị nông nghiệp trên đơn vị diện tích. Ông Kỹ đã cho quy hoạch cánh đồng lúa theo lô, bờ thửa hợp lý để thuận lợi cho việc tưới tiêu; cơ giới hóa toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc và thu hoạch lúa.

Kể từ khi HTX cánh đồng 8/4 hoạt động đến nay đã đạt được rất nhiều thành tích, thắng lợi to lớn, do vậy, cá nhân ông Kỹ nhận được nhiều Giấy khen và được Liên minh hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk Chứng nhận là điển hình tiên tiến. Bên cạnh đó, HTX cánh đồng 8/4 được Tỉnh ủy, UBND tỉnh trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.

Bằng tâm huyết của mình ông Lã Như Kỹ được Liên minh hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk trao tặng Chứng nhận là điển hình tiên tiến.

Trao đổi với PV, Chánh văn phòng UBND huyện Lắk chia sẻ: “Nói đến ông Kỹ thì đi đâu ông cũng trồng lúa, có nhiều nơi người dân đang trồng bắp (ngô) nhưng khi ông Kỹ về thì cho trồng lúa, ông chỉ thích lúa”.

“Vua lúa” bị khởi tố vì cứu lúa.

Trả lời báo chí, ông Dương Quang Sáu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam đánh giá cao cả cánh đồng lúa đặc sản trên bình nguyên Ea Súp và người đã gây dựng ra nó: “Tập đoàn chúng tôi đầu tư giống và kỹ thuật lúa Phúc Thọ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, những không đâu năng suất cao cho bằng Ya Tờ Mốt. Phần do nguồn nước, khí hậu, thổ nhưỡng, phần do công sức chuyên cần của ông Kỹ. Ông ấy đúng nghĩa lão nông tri điền, được gọi Vua Lúa cũng xứng đáng”.

Đông Xuân 2018-2019, do ảnh hưởng thời tiết, mực nước trên sông Krông Ana xuống rất thấp, vị trí trạm bơm bị cát bồi lấp khiến máy bơm không thể hoạt động. Trước tình thế cấp bách, nguy cơ có thể 350ha lúa của người dân bị khô hạn, ông Lã Như Kỹ đã thuê 02 người để hút cát từ lòng sông Krông Ana thuộc địa phận xã Buôn Tría, huyện Lắk với mục đích khơi dòng để lấy nước tưới cho lúa.

Dòng Krông Ana tại vị trí trạm bơm bị bồi lấp đầy cát.

Quá trình hút cát lên bờ để khơi dòng đã bị tổ công tác Phòng cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện lập biên bản thu giữ phương tiện, tang vật.

Ngày 12/9/2019, Cơ quan CSĐT – Công an huyện Lắk đã ban hành Quyết định khởi tố bị can số 26 đối với ông Lã Như Kỹ về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên” quy định tại khoản 1 Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Đến ngày 15/11/2019, VKSND huyện Lắk cũng đã ban hành Văn bản số 14/LCCT-VKS về việc “cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Lã Như Kỹ”.

Theo Bản kết luận điều tra số 27/KLĐT ngày 11/11/2019 của Cơ quan CSĐT – Công an huyện Lắk lại cho rằng, thì thủ đoạn, động cơ mục đích phạm tội của ông Lã Như Kỹ là “Lợi dụng việc khơi dòng để bơm nước tưới tiêu cho cánh đồng ruộng 8/4 địa phận xã Buôn Tría, khu vực vắng người, thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng nên thực hiện việc bơm, hút cát, tập kết san lấp và sử dụng để xây nhà máy xay xát lúa”.

Còn theo Bản kết luận điều tra bổ sung số 01/KLĐTBS ngày 19/05/2020 thì Cơ quan CSĐT lại cho rằng, thì thủ đoạn, động cơ mục đích phạm tội của ông Lã Như Kỹ là “Sử dụng công cụ phương tiện gồm thuyền sắt, đầu bơm hút cát trực tiếp từ sông Krông Ana lên tập kết và mục đích để san nền làm sân phơi, sấy lúa”.

Cáo trạng số 13/CT-VKS ngày 08/6/2020 của VKSND huyện Lắk thì “Do ý thức không tuân thủ các quy định của pháp luật, dù không có giấy phép khai thác khoáng sản nhưng Lã Như Kỹ vẫn thỏa thuận và thuê Ngô Mạnh Hùng và Vũ Đức Nhị để hút cát,...”. Do vậy, đủ căn cứ để truy tố trước Tòa đối với bị can Lã Như Kỹ phạm tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên” quy định tại khoản 1 Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk truy tố ông Lã Như Kỹ phạm tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên”.

Theo thông báo số 57/CV-CSĐT ngày 15/7/2019 của Cơ quan CSĐT – Công an huyện Lắk thì, Cơ quan CSĐT đã gửi công văn đến Công ty TNHH khảo sát thiết kế xây dựng Biển Đông để trưng cầu giám định. Kết quả giám định khối lượng cát được tập kết có diện tích 1.385,3m3, thể tích là 3.451,6m3, giá trị khoảng 714.481.000 đồng.

Trước đó, ngày 12/02/2019, ông Kỹ với tư cách là Giám đốc HTX cánh đồng 8/4 đã ký cam kết với UBND xã Buôn Tría thực hiện theo hợp đồng số 01/HĐ-KT (ngày 28/12/2018) là “Đảm bảo đủ nước tưới cho diện tích 310,9 ha; không để bà con thiếu nước tưới; nếu dịch tích lúa trên bị khô hại thì HTX cánh đồng 8/4 hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Đến ngày 15/02/2019, ông Kỹ cũng đã thay mặt HTX cánh đồng 8/4 ký tờ trình gửi 03 xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết trình bày về việc mực nước xuống rất thấp, vị trí trạm bơm bị cát bồi lấp khiến máy bơm không thể hoạt động nguy cơ thiếu nước tưới cho 900 ha. Trước tình hình trên, HTX cánh đồng 8/4 đề nghị lãnh đạo ủy ban của 03 xã cho phép thực hiện việc hút cát để khơi dòng chảy tại một số vị trí đạt trạm bơm.

Đầu tháng 02/2019, cát lại bồi lấp dòng sông Krông Ana, trong lúc bơm nước tưới cho cánh đồng 3 xã, sợ nếu cố bơm nước lên sẽ bị lẫn cát làm chết lúa của bà con nông dân, HTX đã chủ động thực hiện bơm hút cát, khơi dòng, chống hạn. Khối lượng cát HTX hút lên vẫn để tại chỗ, không bán cho bất kỳ ai cũng như không vận chuyển bất kỳ đi nơi khác hay dùng vì mục đích nào cả. Ngoài ra, tất cả những việc ông Kỹ làm đều có sự thống nhất của HTX và làm việc xin ý kiến, kiến nghị với 3 xã, UBND huyện Lắk.

Theo tính toán, nếu hạn hán xảy ra, chỉ riêng cánh đồng xã Buôn Tría sẽ tổn thất 350ha lúa tương đương 3.000 tấn lúa trị giá khoảng 21 tỷ đồng. Thiết nghĩ, trong tình thế cấp bách, nếu ông Lã Như Kỹ không hút cát từ lòng sông lên bờ để lấy nước tưới tiêu cứu sống lúa của bà con, liệu ông Kỹ có phải bị khởi tố tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên? hay phải đối diện với tội ác còn cao hơn là giết “nồi cơm” của hàng trăm người dân?

(Bài viết có sử dụng một số tự liệu của đồng nghiệp).

Bạn đang đọc bài viết Đắk Lắk: Cứu sống hàng trăm ha lúa vẫn bị truy cứu hình sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.