Thứ sáu, 29/03/2024 12:47 (GMT+7)

Bắc Bình (Bình Thuận): Đòi lại con đường đã cho tặng có đúng luật?

MTĐT -  Thứ tư, 25/04/2018 15:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp quyền về lối đi qua bất động sản liền kề, thực chất là đòi lại con đường đất đã cho tặng ở xã Hồng Thái (Bắc Bình, Bình Thuận) gây xôn xao dư luận địa phương.

Trong cuộc sống, khi vui vẻ thì tặng cho tặng tài sản rất vô tư, còn khi không bằng lòng thì đòi lại bất cứ lúc nào. Vấn đề đặt ra trong vụ việc này ở chữ tín, đạo lý và pháp lý, đừng để trở thành tiền lệ không hay trong cuộc sống.

Nay cho tặng, mai đòi lại?

Xuất phát từ mối quan hệ hàng xóm thân thiện, vào ngày 9/9/2011, bà Lê Thị Huệ, có viết giấy cho đường đi gửi UBND xã Hồng Thái, thông qua Trưởng thôn Thái Thành, có nội dung: "Tôi và chồng tôi là ông Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1973, CMND số 260899843, đã đồng ý cho tặng ông Phạm Văn Dân, sinh năm 1966, CMND số 280358356, một con đường đi ngoài ranh đất, với diện tích chiều dài 88m, chiều rộng 8m. Sau này, Tòa án định giá đo đạc diện tích tranh chấp chiều ngang 8m, chiều sâu 96m, tổng cộng 768m2. Với sự thống nhất giữa 2 bên, chúng tôi sau này sẽ không được quyền khiếu nại. Vậy, kính mong các cấp giải quyết để chứng nhận giúp chúng tôi. Giấy cho tặng đường đi được Trưởng thôn Thái Thành Lê Văn Phước, ký xác nhận. Tại thời điểm đó, con đường đi này có 1 cồn cát cao 3,5m, ông Dân, bà Phạm Kiều Anh, tiến hành san lấp, cho đổ 13 xe đất, giá 950.000đồng/xe và sử dụng con đường để đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, dễ dàng".

Giấy cho đường đi của bà Huệ.

Thật bất ngờ, tháng 10/2014, bà Huệ, ông Minh đã tự ý rào con đường này bằng lưới B40 và dây kẽm gai, xây cột bê tông, trồng thanh long trên toàn bộ con đường, làm cho gia đình bà Anh, ông Dân bị cô lập, không có đường đi, cuộc sống bị xáo trộn, phải đi nhờ qua vườn thanh long của người hàng xóm.

Trước tình hình cấp bách trên, bà Kim Anh có đơn khởi kiện, yêu cầu vợ chồng bà Huệ, ông Minh tháo dỡ hàng rào kẽm, lưới B40 và trụ thanh long, trả lại con đường đi như đã đồng ý cho tặng trước đây và đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng không được chấp nhận.

Ý kiến của luật sư

Sau khi thụ lý vụ án, phải kéo dài đến 3 năm sau, ngày 30/3/2018, TAND huyện Bắc Bình đưa vụ án Tranh chấp quyền về lối đi qua bất động sản liền kề ra xét xử sơ thẩm, có nội dung: "Qua xem xét thực tế của Tòa án về con đường mới phát sinh được thể hiện: Lối đi từ đất nhà bà Anh, ông Dân đi từ địa giới hành chính thị trấn Chợ Lầu vào con đường có trải lớp sỏi đỏ, chiều rộng con đường đủ cho xe ô tô tải nhỏ vận chuyển với chiều rộng 3m. Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận thấy: Lối đi mà bà Phạm Kiều Anh yêu cầu bà Lê Thị Huệ trả lại con đường đi như đã đồng ý cho trước đây là không có căn cứ để chấp nhận, bởi khi hai bên xảy ra tranh chấp, bà Huệ đã trồng cây thanh long, trồng trụ cột bê tông rào kẽm, lưới B40. Theo yêu cầu khởi kiện của bà Anh thì ảnh hưởng cây trồng trên đất mà bà Huệ, ông Minh đang trong thời kỳ thu hoạch, đồng thời đây cũng không phải là con đường duy nhất mà bà Anh có thể dùng để đi ra đường đất, vì xung quanh không có ai đi con đường này (đất này bà Huệ mua lại của ông Xuân, bà Hồng). Hơn nữa, lúc cho con đường đi chỉ thỏa thuận giữa hai bên, khi xảy ra tranh chấp thì bà Huệ không đồng ý cho con đường đi nữa, cũng là điều hợp lý".

Sau khi xảy ra tranh chấp, vợ chồng bà Anh, ông Dân tự thỏa thuận với các hộ dân khác để có con đường khác (ngoài con đường đang tranh chấp) đi từ địa giới hành chính thị trấn Chợ Lầu vào đất của bà Anh, ông Dân.

Tại phiên tòa, nhiều nội dung của vụ án cho tặng đường đi chưa được thẩm tra, xác minh làm rõ theo đề nghị của đại diện nguyên đơn nhưng HĐXX vẫn tuyên bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Theo luật sư Trần Thế Vinh, việc tặng cho bất động sản giữa bà Huệ, ông Minh với bà Anh, ông Dân, đã hoàn tất; việc chuyển quyền sở hữu đã xảy ra thì tài sản đã thuộc về người được tặng cho nên người tặng cho không thể đòi lại. Do đó, việc TAND huyện Bắc Bình tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ, không đúng với quy định tại Điều 467 Bộ luật Dân sự.

Không đồng ý với Bản án số 05/2018/DS-ST ngày 30/3/2018 của TAND huyện Bắc Bình, có những nhận xét phiến diện, không khách quan, không phù hợp đạo lý và pháp lý, trái với Điều 467 Bộ luật Dân sự, bà Phạm Kiều Anh đã có đơn kháng cáo theo trình tự phúc thẩm, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết Bắc Bình (Bình Thuận): Đòi lại con đường đã cho tặng có đúng luật?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Minh Yến- Thế Bôn

Cùng chuyên mục

Tin mới